Kỷ niệm 77 năm ngày thương binh - liệt sĩ:

Tuổi trẻ và tháng 7

GD&TĐ - Tháng 7, "thế hệ gen Z" tìm về nguồn cội, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc với những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc...

Trọng Văn (bên trái) tham gia thắp nến tri ân tại đền thờ liệt sĩ Thị trấn Mỏ Cày (Bến Tre). Ảnh: NVCC
Trọng Văn (bên trái) tham gia thắp nến tri ân tại đền thờ liệt sĩ Thị trấn Mỏ Cày (Bến Tre). Ảnh: NVCC

Những tưởng “thế hệ Gen Z” với chiếc smartphone, công nghệ số và sự bùng nổ của mạng xã hội sẽ lãnh đạm với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” nhưng không. Tháng 7, họ tìm về nguồn cội, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc với những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc bằng những cách rất riêng.

Nắm tay trên hành trình tri ân 2024

Chương trình “Hành trình tri ân năm 2024: Non sông một dải - Bắc Nam một lòng” hướng đến kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024) được Câu lạc bộ Mãi mãi tuổi 20 và Câu lạc bộ Ngọn lửa tuổi 20, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội và Câu lạc bộ Tiếng nói Thanh niên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức.

Hành trình do TSKHQS.AHLLVT Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng – nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp, Chủ tịch câu lạc bộ “Mãi Mãi Tuổi 20” làm trưởng đoàn, diễn ra trong 5 ngày, 16/7 - 20/7.

Tối 20/7, tại nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu), Thành Đoàn TPHCM phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Các đại biểu cũng thành kính tri ân sâu sắc đến Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng.

Sau lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, các đại biểu đã đến từng phần mộ dâng hương, thắp nến các liệt sĩ đang an nghỉ tại nghĩa trang Hàng Dương, mộ cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, mộ liệt sĩ Võ Thị Sáu...

Cũng trong chuyến đi này, đoàn công tác TPHCM đến thăm và tặng quà cựu tù chính trị, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng tại huyện Côn Đảo.

Xuất phát từ Hà Nội, đoàn có mặt tại Đền thờ 10 nữ dân quân Lam Hạ (Duy Tiên, Hà Nam) thắp hương tri ân sự anh dũng của các nữ anh hùng liệt sĩ. Buổi chiều cùng ngày, đoàn di chuyển tới Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào, khu di tích Truông Bồn (Nghệ An) và khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia Ngã Ba Đồng Lộc, nhà thờ Anh hùng Lý Tự Trọng (Hà Tĩnh).

Trước anh linh của những vị anh hùng thanh niên xung phong, các bạn sinh viên kính cẩn dâng những bông hoa tươi thắm, nén hương để bày tỏ lòng biết ơn và thành kính với những người đã góp phần máu xương để xây dựng cho nền hòa bình, độc lập của Việt Nam.

Tại Nghệ An, đoàn trao tặng những phần quà cho các gia đình thân nhân liệt sĩ, gia đình khó khăn cũng như đến thăm Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn và giao lưu với Đồn biên phòng Nhôn Mai. Sau những lời thăm hỏi thân tình, chương trình giao lưu đặc biệt “Vang mãi bản hùng ca tuổi 20” được diễn ra nhiều xúc động.

Hành trình Tri ân năm 2024 khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc. Sinh viên tình nguyện tham gia có dịp được chuyện trò và lắng nghe những câu chuyện lịch sử được kể lại bởi các cựu chiến binh. Đó là sự trầm lắng, xúc động khi sống lại những giây phút hào hùng của lịch sử, những phút giây sôi nổi, tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ của sinh viên hai miền, và càng cảm thấy biết ơn, trân trọng về những điều trong quá khứ mà các chiến sĩ anh dũng đã hy sinh để cho chúng ta cuộc sống như ngày nay.

Sinh viên tình nguyện Nguyễn Thảo Uyên (22 tuổi, TPHCM) chia sẻ: “Những nơi đoàn đi qua vẫn còn in dấu tích chiến tranh. 77 năm đã trôi qua, những hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ vẫn luôn sáng ngời trong tâm khảm, nhắc nhở về một thời kỳ hào hùng nhưng cũng đầy đau thương.

Các anh hùng liệt sĩ không tiếc máu xương để bảo vệ Tổ quốc, để chúng ta có được cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay. Các thương binh, bệnh binh trở về với cuộc sống đời thường với tinh thần cách mạng luôn ngời sáng. Trách nhiệm của chúng em là học tập, lao động, cống hiến, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với những hy sinh của các anh hùng liệt sĩ”.

Tuoi tre va thang 7 (7).jpg
Sinh viên thắp hương tri ân liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị). Ảnh: NVCC

Thấy tuổi trẻ mình

Tự hào là thế hệ Gen Z, Nguyễn Nhật Ánh (21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết: “Những người trẻ của thời đại mới may mắn sống trong hòa bình và cống hiến cho đời theo cách rất riêng. Tôi luôn tự hỏi, những người trẻ của hơn nửa thế kỷ trước bằng cách nào để họ sống và tự do cống hiến trong một thời kỳ khó có thể tự do? Có lẽ họ chọn cách ‘xây’ tự do”.

Qua những trang lịch sử, bộ phim thời chiến, hành trình du lịch về nguồn, cô sinh viên tìm thấy tuổi trẻ của mình trong chính những người thanh niên xung phong thời ấy. Ánh nói, họ truyền cho cô hơi ấm của tình đồng đội, tinh thần yêu Tổ quốc, sự nhiệt huyết, kiên cường, bất khuất và hết mình vì tình yêu và tuổi trẻ.

Nói về người anh hùng mà cô ấn tượng, Ánh nhắc đến liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm và luôn khắc ghi câu nói của chị: “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được phép cúi đầu trước giông tố”.

“Tôi thấy một Quảng Trị được ghi danh đầy rực rỡ trên trang sử hào hùng của dân tộc. Thế nhưng mỗi lần đến nơi ấy, tôi chỉ dám bước đi thật nhẹ nhàng vì ý thức được dưới chân mình là xương máu của biết bao anh linh đã nằm xuống trong trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ. Những liệt sĩ đã có một tuổi trẻ phi thường và thiêng liêng đến nhường nào”, Ánh chia sẻ.

Tuoi tre va thang 7 (8).jpg
Đoàn viên, thanh niên TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) tổ chức viếng Nghĩa trang liệt sĩ tại địa bàn thành phố. Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP Thủ Dầu Một

Mỗi năm, cứ đến độ tháng 7, Nhật Ánh lại xem những cuốn sách lịch sử và phim tài liệu về thời kỳ kháng chiến. Đối với cô, điều tuyệt vời nhất là kỷ niệm được gặp gỡ và nghe qua những câu chuyện do những nhân chứng sống kể lại. Cô kể, bản thân dường như đang quay về quá khứ và nhìn thấy những mất mát, đau thương được lột tả chân thực.

Trong lời kể của người ở lại, đâu đó là những thanh âm nghẹn ngào, dòng nước mắt và nỗi nhớ nhung da diết. Những thương binh ấy mang trong mình vết thương chiến tranh không thể xóa nhòa. Dẫu vậy, cô gái trẻ lại cảm nhận được vết thương sâu sắc nhất không phải trên da thịt, mà là vết thương tinh thần khi phải chứng kiến sự ra đi của những đồng đội.

“Họ trao cho đồng đội đã mất những câu thơ, lời tâm tình, những nén hương, những lần xúc động đến mức không đứng vững. Tình cảm của thế hệ đi trước đã khiến tôi bật khóc. Vì trong thời kỳ khó khăn như thế, sức mạnh tình thương của họ vẫn giữ vững và vượt thời gian.

Tôi nhìn lại tuổi trẻ của mình, cũng thật đẹp đẽ và tự do. Nhưng sâu trong thâm tâm tôi luôn ý thức, vốn dĩ nền móng của sự tự do mà tôi có được tạo nên từ xác thịt và trái tim yêu nước của thế hệ cha anh. Những người đã lặng thầm hy sinh, để chúng tôi viết tiếp giấc mơ của họ”, Nhật Ánh xúc động chia sẻ.

Tuoi tre va thang 7 (2).jpg
Nhật Ánh dâng hương cho anh hùng liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm. Ảnh: NVCC

Trăn trở về lòng biết ơn

Có nhiều trăn trở và nỗi niềm vào mỗi dịp kỷ niệm ngày 27/7, Lê Thị Ngọc Na (20 tuổi, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM) nhận thức được trách nhiệm của bản thân trong việc nối gót truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Ngọc Na cho biết, vào ngày này, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” tại địa phương cô tổ chức sôi nổi, trở thành phong trào được hưởng ứng và lan tỏa rộng khắp cộng đồng. Chiến tranh đã qua đi, song những hy sinh, mất mát trong chiến tranh vẫn ngày đêm giằng xé trái tim của bao người ở lại. Có những vết thương còn hằn trên thân thể của người thương, bệnh binh, cũng có vết thương tinh thần không thể nhìn thấy và cũng không thể xóa đối với các gia đình liệt sĩ. Cô nói: “Tuy không phải là thế hệ bước ra từ bom đạn nhưng thông qua các tư liệu lịch sử, tôi vẫn hiểu được những đau thương, mất mát đó”.

Ngọc Na nhớ, cô có dịp thăm hỏi một cựu chiến binh chiến đấu trong cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Khi nhắc về những tháng ngày lửa đạn, ông cho cô thấy một bên ống tay lủng lẳng vì cánh tay đó ở lại cùng nhiều đồng đội trong lòng đất lửa. “Ông say mê kể về những gian khổ cùng các đồng đội xây dựng chiến lũy và chiến đấu với quân giặc.

Sự lạc quan của ông thắp lên trong tôi một ngọn lửa rạo rực đan xen bồi hồi. Thế nhưng, nụ cười của ông cũng không thể che giấu đi nỗi đau trong đôi mắt xa xăm, ướt đẫm. Ông nói nhớ đồng đội và nỗi sợ về những anh em thân thiết vẫn còn nằm lạnh lẽo ở một nơi xa xôi”, Na xúc động kể lại.

Từ những câu chuyện được kể lại và những sự kiện lịch sử luôn nhắc nhở cô sinh viên về một quá khứ hào hùng của dân tộc. Nhưng Ngọc Na còn trăn trở về việc thế hệ trẻ ngày nay bị đánh đồng rằng sẽ không thể hiểu được về một thế giới mà họ chưa từng đi qua.

Theo cô gái 20 tuổi này, điều đó đúng chỉ khi người trẻ chưa được giáo dục và chia sẻ. Khi đã được học, đọc và tìm hiểu về chiến tranh, người trẻ sẽ càng thêm biết ơn và trân trọng những giá trị của hòa bình hiện tại. “Và em nghĩ đó mới chính là mong muốn của những anh hùng đã chiến đấu, hy sinh cho bầu trời hòa bình của đất nước”, Ngọc Na nói.

Tuoi tre va thang 7 (6).jpg
Tuoi tre va thang 7 (9).jpg
Sinh viên trong “Hành trình tri ân năm 2024: Non sông một dải - Bắc Nam một lòng” dâng hương cho anh hùng liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm (ảnh trên) và tại khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia Ngã Ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh (ảnh dưới). Ảnh: NVCC

Dành ngày lễ để nghe chuyện lịch sử

Là con trong gia đình truyền thống cách mạng, Trần Lê Trọng Văn (21 tuổi) được giáo dục kỹ lưỡng về lịch sử của dân tộc, đặc biệt là những gian khổ, mất mát, đau thương trong chiến tranh. Những ký ức yên bình của tuổi thơ và cuộc sống hiện tại tươi đẹp cùng bạn bè và người thân luôn nhắc Văn nhớ về ngày 27/7. Câu chuyện về các anh hùng liệt sĩ chính là nguồn cảm hứng, nhắc nhở về giá trị của hòa bình, là một phần quan trọng hình thành nhân cách và lối sống của chàng trai này.

Là Uỷ viên Ban thường vụ Đoàn Trường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lý luận trẻ, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM, Văn có nhiều cơ hội tiếp xúc với các nhân chứng lịch sử. Trong lần giao lưu với ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM ở chương trình “Đảng dẫn đường -Thanh niên tiếp bước”, Văn không giấu nổi sự nghẹn ngào và xúc động. Qua những câu chuyện của ông về thời kỳ kháng chiến ác liệt và sự vui mừng khi ngày 30/4 “lặng im tiếng súng”, Văn càng hiểu rõ hơn về những gian khổ, hiểm nguy mà họ đã trải qua để bảo vệ Tổ quốc.

Làm công tác tuyên giáo của Đoàn tại trường, Văn ý thức được việc truyền đạt và giữ gìn những giá trị lịch sử, tăng cường ý thức trách nhiệm, lòng biết ơn, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho đoàn viên, thanh niên là nhiệm vụ quan trọng. Chàng trai 21 tuổi này còn lên ý tưởng, tổ chức nhiều chương trình sinh hoạt chính trị và tọa đàm, giúp đoàn viên, thanh niên tìm hiểu về lịch sử, từ đó bồi đắp tình yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Gần đây là buổi sinh hoạt chính trị kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ với chủ đề “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông”, thu hút sự tham gia của nhiều điểm cầu trên cả nước.

Với Nguyễn Thị Hà Giang (21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM), những câu chuyện lịch sử cũng khiến cô không khỏi bồi hồi. Từ ngày còn bé, Giang được nghe ông kể chuyện về kháng chiến, người lính Trường Sơn chống Mỹ. Lớn thêm một chút, cô tham gia tất cả cuộc thi kể chuyện về những anh hùng dân tộc tại trường. Giang chia sẻ, lúc ấy cô chỉ thích những câu chuyện và ngưỡng mộ tinh thần quả cảm của các anh hùng, liệt sĩ. Còn đến bây giờ, cô mới thật sự thấu hiểu.

Từ một đứa trẻ chỉ thích đi công viên, được chụp hình trước những tòa cao ốc, vườn hoa rực sắc, nay cô sinh viên trẻ lại dành những ngày nghỉ lễ để đến bảo tàng, lắng nghe chuyện lịch sử.

“Đến thăm nhà tù Hỏa Lò, tôi đã đứng ngẩn ngơ rất lâu khi tận mắt thấy những chứng tích còn sót lại. Khi đó, Hà Nội những ngày mưa xuân, tôi run bần bật, không phải vì lạnh, tôi chỉ nhớ khi ấy tim mình bỗng quặn lại, đau nhói. Ông cha ta đã phải trải qua những đau thương thế này đổi lấy hòa bình độc lập cho đất nươc”, Giang kể lại. Tháng 7 năm ngoái, Giang cùng thầy cô bạn bè đến thăm, lau dọn Bia chiến thắng trên đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng).

“Chiến tranh đã đi xa, nhưng niềm tiếc thương vẫn luôn ở lại, trong lòng những người còn sống. Từng nhịp tim, hơi thở của thế hệ trẻ như tôi nào đâu phải chỉ riêng ba mẹ ban cho, mà còn là máu xương của những thế hệ cha anh đi trước. Mỗi một thân xác nằm xuống, mỗi một phần thi thể mất đi là một sự hy sinh to lớn mà bất cứ người dân Việt Nam nào cũng không được phép quên”, Giang bộc bạch rồi dẫn đoạn thơ mà cô rất thích trong bài “Các anh không về” của Sở Lưu Hương:

…Hôm nay đây ngày 27 đến gần

Thắp nén hương để tạ ân vì nước

Cảm ơn anh, những thế hệ đi trước

Lấy thân mình đổi đất nước bình yên…

Tháng 7, tháng của những cơn mưa phùn nhè nhẹ, nỗi âu lo hơn thường ngày khi Giang phải tập trưởng thành, bắt đầu công việc mới trong kỳ thực tập. Chạy xe một mình trên con đường quen thuộc, ngắm đường phố, ngắm xe cộ, cô sinh viên ngành Báo chí tự nhủ, mình phải đi nhiều hơn, đôi chân không biết mỏi tìm về những miền xa, thấu hiểu những ngày gian khổ của cha ông.

“Tôi có nhiều hơn những lần được nghe các anh hùng trực tiếp tham gia kháng chiến kể về những tháng ngày lịch sử hào hùng của dân tộc. Sau mỗi chuyến đi, tôi lại có thêm nhiều trăn trở, vài nốt lặng. Có lần nghe xong, tôi và những bạn trẻ đi cùng cứ thế nhìn nhau im lặng trên chặng đường dài, không dám thở thành tiếng, rồi suy nghĩ vẩn vơ, ước gì mình có thể ‘to lớn’ thêm một chút, để giúp ích gì đó cho nước nhà”, Giang kể, giọng pha sự quyết tâm.

Ngày 18/7, các cơ sở đoàn TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) tổ chức viếng Nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm phường…, duy trì phát huy các mô hình “hành trình giáo dục truyền thống”, “du khảo về nguồn”. Năm nay, đoàn viên thanh niên thành phố và 14 phường tổ chức thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách, thương binh, gia đình có công cách mạng, gia đình cựu thanh niên xung phong trên địa bàn.

Ngoài việc thăm hỏi, tặng quà, các bạn trẻ đoàn viên thanh niên còn tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, giúp Mẹ và gia đình những công việc thường ngày. Các bạn còn được nghe Mẹ kể chuyện về chiến tranh, về các người con của Mẹ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược cứu nước. Trong đó, đoàn viên thanh niên phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một có mô hình “một ngày cùng ăn, cùng ở với gia đình chính sách.

Ngày 13/7, hai Cụm thi đua 6, 7 Huyện Đoàn Bình Chánh, TPHCM tổ chức hành trình về nguồn thăm địa chỉ đỏ tại huyện Cần Giờ. Trong hành trình, đoàn đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại tượng đài chiến sĩ đặc công Rừng Sác, thị trấn Cần Thạnh. Đồng thời, nghe thuyết minh, xem phim tư liệu về di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác, các trận đánh oai hùng và tham quan Trạm quân y, khu vực hậu cần, nhà may quân phục…

Dịp này, các đoàn viên, thanh niên Cụm thi đua 6, 7 đã đến thăm hỏi sức khỏe và tặng quà tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hay tại thị trấn Cần Thạnh (Cần Giờ, TPHCM). Thông qua hành trình về nguồn là cơ hội để giáo dục đoàn viên thanh niên về truyền thống cách mạng, lòng biết ơn đối với người có công với cách mạng. Qua đây giúp cho mỗi đoàn viên thanh niên ý thức trách nhiệm, nhiệm vụ được giao trong công tác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ