Thắp sáng đạo lý 'uống nước nhớ nguồn' cho thế hệ trẻ

GD&TĐ - Để có được nền hòa bình, thống nhất cho đất nước như hôm nay là sự hi sinh của lớp lớp cha anh đi trước đã hóa thân làm nên dáng hình Tổ quốc.

Đại diện BGH, Công đoàn, Đoàn Thanh niên và học sinh Trường THCS Tân Định thăm viếng phần mộ Liệt sĩ Trần Ngọc Sơn tại Nghĩa trang thành phố Hà Nội.
Đại diện BGH, Công đoàn, Đoàn Thanh niên và học sinh Trường THCS Tân Định thăm viếng phần mộ Liệt sĩ Trần Ngọc Sơn tại Nghĩa trang thành phố Hà Nội.

Nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, để tỏ lòng biết ơn với thế hệ đi trước, thắp sáng đạo lý “uống nước nhớ nguồn” quý báu của dân tộc, nhiều nhà trường đã tổ chức các hoạt động tri ân, tưởng nhớ nhằm mục tiêu giáo dục cho các em học sinh tinh thần yêu nước, lòng biết ơn với thế hệ cha anh.

Cô Trần Thị Quỳnh Vân - Hiệu trưởng Trường THCS Tân Định (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, nhà trường đã tổ chức đưa các em học sinh đến thăm và thành kính dâng nén hương tri ân đến Anh hùng Liệt sĩ Trần Ngọc Sơn - cựu học sinh của trường tại nhà riêng và nghĩa trang TP Hà Nội.

ls 3.jpg
Cô Trần Thị Quỳnh Vân tự tay cắm bình hoa Cúc trắng tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ Trần Ngọc Sơn tại nhà ở phố Nguyễn An Ninh, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Liệt sĩ Trần Ngọc Sơn sinh năm 1960, học lớp 7G (niên khóa 1975-1976) tại Trường THCS Tân Định. Trong ký ức của những cô giáo cũ, cậu học trò Trần Ngọc Sơn tính tình điềm đạm, hiền hòa, chăm ngoan, học giỏi và được thầy cô, bạn bè quý mến. Với thành tích học tập giỏi, anh đã đỗ và học tại Trường THPT Trương Định sau đó.

Ông Trần Ngọc Hà, em trai liệt sĩ Trần Ngọc Sơn kể: Tháng 5/1978, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Trần Ngọc Sơn đã xung phong lên đường nhập ngũ để tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc khi mới 18 tuổi. Với tinh thần mưu trí, dũng cảm nên anh luôn được chỉ huy và anh em trong đơn vị rất tin tưởng.

Tới ngày 17/2/1979, quân địch huy động một lực lượng mạnh tấn công chốt trận địa của đơn vị anh Trần Ngọc Sơn. Anh và đồng đội đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, nhưng trong phần đất bị địch chiếm giữ có một kho đạn nếu ta không kịp thời phá hủy sẽ gây thiệt hại lớn cho quân ta.

ls 2.jpg
Thế hệ trẻ ngày nay được giáo dục về đạo lý "uống nước nhớ nguồn" thông qua nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa trong tháng tri ân.

"Dù bị thương nhưng anh Sơn vẫn quyết tâm bám trận địa, chờ cho quân giặc đến gần mới sử dụng nốt một quả lựu đạn cuối cùng và cho nổ tung kho vũ khí, tiêu diệt được khoảng 70 tên địch. Bản thân anh cũng anh dũng hi sinh, máu thịt đã hòa vào đất đá nơi địa đầu Tổ quốc", ông Trần Ngọc Hà xúc động nói.

Cô Trần Thị Quỳnh Vân khẳng định, sự hi sinh của liệt sĩ Trần Ngọc Sơn và biết bao đồng đội khác đã góp phần bảo vệ thành công độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Ghi nhận chiến công của anh, Đảng và nhà nước đã truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân, Huân chương Quân công hạng Ba.

Truyền thống 'uống nước nhớ nguồn' là một phần trong bản sắc văn hóa của người Việt Nam. Nó giúp chúng ta gìn giữ những giá trị tốt đẹp của dân tộc và tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Việc thể hiện lòng biết ơn đối với những người có công với cách mạng giúp gắn kết cộng đồng, giúp con người sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng.

Theo cô Quỳnh Vân, vào các dịp 27/7 và Tết âm lịch hàng năm, nhà trường đều tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ, thăm thân nhân gia đình thương binh liệt sĩ để thắp sáng đạo lý 'uống nước nhớ nguồn' cho thế hệ trẻ. Đó không chỉ là sự tri ân với người đi trước mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội sâu sắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.