Tuân thủ những nguyên tắc này, đảm bảo trẻ sẽ hết biếng ăn

GD&TĐ - Khi con biếng ăn, thay vì quá lo lắng và áp dụng bất kỳ phương thức nào để đối phó, mẹ nên lựa chọn những cách làm khoa học hơn để khắc phục, giúp trẻ dần hứng thú với thức ăn hơn là khiến bữa ăn của bé trở thành "cuộc chiến".

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Biếng ăn là chứng rối loạn dinh dưỡng thường gặp ở trẻ, gây ảnh hưởng xấu cho sự phát triển tinh thần và thể chất của bé. Theo Chuyên gia dinh dưỡng Hoàng Cường, tác giả của nhiều cuốn sách về chăm sóc con, trong giai đoạn từ 1-2 tuổi, sự tăng trưởng của trẻ chậm lại nên không cần nhiều calo, trái lại con có nhiều mối quan tâm muốn khám phá hơn. Vì vậy, việc ngồi ăn không phải ưu tiên hàng đầu. Cha mẹ cần hiểu được điều này để đồng hành tốt với quá trình phát triển của con.

Một số nguyên nhân làm cho trẻ biếng ăn

Theo Ths. ĐD Lê Thị Kim Mai – khoa Dinh dưỡng (Bệnh viên Nhi Trung ương), biếng ăn ở trẻ có một số nguyên nhân rất cụ thể:

Biếng ăn do bệnh lý: Suy dinh dưỡng, nhiễm ký sinh trùng (giun, sán) sốt, tiêu chảy, viêm đường hô hấp…. Khi gặp nguyên nhân này các bà mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.

Biếng ăn do tâm lý: Đây là nguyên nhân thường gặp và khá phổ biến, do cha mẹ không hiểu tâm lý trẻ. Biếng ăn tâm lý thường xảy ra khi trẻ có cảm giác BỊ ÉP BUỘC vào một khuôn khổ nào đó khiến không khí bữa ăn căng thẳng...

Biếng ăn do sai lầm trong chế biến thức ăn:Cho trẻ ăn đi ăn lại một loại thức ăn gây cho trẻ cảm giác chán ngán. Chỉ cho trẻ ăn nước rau, nước thịt, không ăn bã, lâu ngày dẫn đến thiếu các chất dinh dưỡng; cho trẻ ăn thức ăn xay nhuyễn kéo dài đến 2-3 tuổi; pha sữa bằng nước cháo hoặc nước hầm xương, pha bột vào sữa… đều làm cho trẻ khó tiêu hóa. Pha bột quá đặc khi trẻ mới tập ăn dặm cũng làm cho trẻ không nuốt được dẫn đến chán ăn.

Mẹo hay đối phó với chứng biếng ăn của trẻ

Để phòng tránh biếng ăn cho trẻ, Chuyên gia dinh dưỡng Hoàng Cường và Ths. Điều dưỡng Lê Thị Kim Mai cùng chung quan điểm và chia sẻ với cha mẹ một số mẹo sau:

Để con được đói

Mẹ phải đảm bảo rằng trẻ thực sự đói, nếu không bữa ăn sẽ là một trận chiến. Nên sắp xếp các bữa ăn chính và phụ cách nhau 2-3 giờ, giữa các bữa ăn chỉ cho trẻ uống nước, tránh cho trẻ ăn vặt.

Nếu muốn trẻ tiêu thụ nhiều năng lượng, hãy khuyến khích bé tăng cường vận động như chạy, nhảy, leo trèo,... trước giờ ăn.

Cha mẹ hãy dừng bữa khi bé không còn muốn ăn thêm. Mẹ chỉ nên đóng vai trò hướng dẫn, khuyến khích con ăn. Nếu bé không muốn ăn và đã thấy no, bạn hãy tôn trọng quyết định của bé.

Từ 7-9 tháng tuổi, mẹ có thể tập cho bé bốc ăn để tăng vận động của bàn tay. Một tuổi trở lên, bạn nên tập cho trẻ cầm thìa để con tự khám phá bữa ăn. Cách này rèn cho bé tính tự lập cao.

Không kéo dài thời gian mỗi bữa ăn

Khi con không chịu ăn, cha mẹ thường hay cho con vừa ăn vừa chơi hoặc đi rong để cố ép con ăn hết nên thời gian thường kéo dài. Điều này vừa làm thức ăn không còn ngon, vừa khiến bé thêm chán và khoảng cách giữa các bữa ăn của bé bị thu hẹp lại, bé còn chưa kịp cảm thấy đói đã phải ăn bữa sau.

Một bữa ăn chỉ nên kéo dài tối đa 30 phút, nếu bé không ăn được nhiều cũng nên kết thúc và cố gắng cho bé ăn ở bữa kế tiếp hoặc tăng thêm bữa ăn cho bé.

Chú ý chất lượng và thẩm mĩ cho bữa ăn

Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trẻ em Việt Nam rất dễ bị thiếu các vitamin và khoáng chất vì chế độ dinh dưỡng cho trẻ chưa được đảm bảo và đầu tư đúng mức.

Mỗi đứa trẻ sẽ có một nhu cầu, sở thích và khẩu vị khác nhau. Một món ăn được trang trí đẹp mắt dễ hấp dẫn trẻ hơn nhiều. Do đó, mẹ hãy bỏ chút thời gian để trình bày các món ăn đẹp mắt một chút vì nó cũng có sức kích thích sự thèm ăn ở trẻ.

Thiết lập quy tắc bàn ăn

Mẹ hãy ghi nhớ 3 không: không tivi - không đi rong - không đồ chơi. Nguyên tắc này cần được thực hiện nghiêm túc ngay từ khi trẻ bắt đầu ăn dặm.

Chuyên gia Hoàng Cường chia sẻ: “Nếu trẻ chưa từng được xem tivi khi ăn, được chơi đồ chơi, đi rong thì làm sao biết giờ ăn là phải như thế. Tất cả đều do người lớn tạo thói quen”. Xem tivi hoặc chơi đồ chơi khiến trẻ không tập trung ăn uống, gây bất lợi cho hệ tiêu hóa.

Khuyến khích và khen ngợi

Mọi trẻ em đều thích được khen. Chính vì vậy, nếu bé thử một loại đồ ăn mới, hãy khen ngợi bé một cách nhiệt tình và vui vẻ. Với cách này, bạn đã ngầm gửi một thông điệp tới bé, khi bé ăn thì mẹ sẽ vui và được khen. Như vậy, việc thử đồ ăn mới sẽ xuất phát từ nhu cầu của bé mà không cần phải ép.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ