Ai cũng muốn con mình ăn ngon, ăn khỏe và đủ chất dinh dưỡng, nhưng làm cha mẹ thì ai cũng biết chuyện này nói thì dễ mà làm thì khó. Tuy nhiên, chỉ cần những thay đổi nho nhỏ trong bữa ăn gia đình hàng ngày là bạn có thể giúp con hình thành thói quen ăn uống lành mạnh cho tương lai.
Dưới đây là 15 sai lầm mà các bậc cha mẹ thường mắc phải liên quan đến chuyện ăn uống khiến con bạn trở thành đứa trẻ biếng ăn và giải pháp:
1. Không cho trẻ nghịch đồ ăn
Chắc hẳn bố mẹ nào cũng từng ít nhất một lần nạt con trong bữa ăn như thế này: "Ăn đi, đừng có nghịch". Tuy nhiên, cho phép con được lấy đũa xiên rau củ hay nghiền miếng khoai tây chẳng hạn sẽ khuyến khích trẻ thử ăn những đồ mà bình thường không động đến.
Nghịch đồ ăn sẽ kích thích ham muốn ăn uống ở trẻ.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học De Montfort, Leicester (Anh) đã phát hiện ra nếu một đứa trẻ đươc phép chơi với nhiều loại rau củ quả thì bé sẽ dễ muốn ăn các thực phẩm đó hơn.
2. Bắt con ăn hết những đồ trên bàn ăn
Khi còn bé, cha mẹ thường bắt chúng ta ăn sạch sẽ những gì có trên mâm cơm, kể cả những món mà trẻ con ghét cay ghét đắng như mướp đắng hay ớt chuông. Tuy nhiên tin vui là bạn không phải ép con mình như vậy.
Nghiên cứu chỉ ra rằng bắt con ăn sạch những đồ có trên bàn ăn cũng có nghĩa là bé sẽ không biết ăn như thế nào là đủ, là no và có thể tạo thành thói quen ăn quá nhiều sau này.
3. Bỏ qua các món chấm
Nên khuyến khích con bạn thử chấm thức ăn vào các loại sốt khác nhau.
Chắc hẳn bạn cũng thích chấm thức ăn với tương ớt, sốt cà chua hoăc mayonnaise, vậy thì tại sao không khuyến khích con bạn thử chấm thức ăn vào các loại sốt khác nhau.
Sốt cà chua Heinz không đường và muối phụ gia rất giàu lycopene, một chất chống oxi hóa rất tốt cho sức khỏe, có thể dùng để chấm nhiều loại rau khác nhau trong khi vẫn giữ mức tiêu thụ đường và muối ở mức vừa phải.
4. Bỏ cuộc quá sớm
Nếu con bạn không muốn ăn gà chiên và súp lơ xanh, khả năng cao là bạn sẽ không nấu những món này nữa. Tuy nhiên đừng vội bỏ cuộc. Theo các chuyên gia, bạn nên thử nấu một món ít nhất 15 lần để thử xem con có ăn hay không. Chúc bạn may mắn!
5. Không cho trẻ phụ bếp
Để con phụ bếp giúp bạn sẽ làm bé thích thử những món ăn mới hơn.
Khi bạn nấu ăn, thường thì bạn không muốn con quanh quẩn trong bếp vì sợ bé đứt tay vì nghịch dao hay bị bỏng vì đồ ăn nóng. Dù vậy, nghiên cứu tại trường Đại học Columbia lại chỉ ra rằng để con phụ bếp giúp bạn sẽ làm bé thích thử những món ăn mới hơn, đặc biệt là những món chính tay bé góp công chuẩn bị. Những bé giúp bố mẹ nấu ăn thường không biếng ăn và ăn nhiều loại thức ăn hơn.
6. Bắt con ăn khi con không đói
Đã bao giờ bạn thấy có những ngày con đói bụng liên tục còn có những ngày thì chẳng buồn ăn gì không? Khẩu vị của các bé cũng thay đổi theo ngày đó.
Vậy nên đừng quá lo lắng nếu thỉnh thoảng con không muốn ăn vì khả năng cao là ngày hôm sau con sẽ bù thật nhiều lại thôi.
7. Thức ăn trông kém hấp dẫn
Trẻ thích ăn thức ăn được trang trí với nhiều màu sắc rực rỡ khác nhau.
Trẻ con thích những màu rực rỡ khi chơi đồ hàng, và sở thích này cũng áp dụng khi bé ăn, theo nghiên cứu của trường Đại học Cornell (Mỹ).
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trẻ thích ăn thức ăn được trang trí với nhiều màu sắc rực rỡ khác nhau. Vậy thì tại sao không làm các món ăn ngon mắt hơn bằng cách trình bày thật đẹp với các tạo hình ngộ nghĩnh?
8. Cho trẻ ăn vặt quá nhiều
Trẻ con thích ăn vặt, chuyện này ai cũng biết. Nếu con lúc nào cũng đòi ăn bim bim, bánh quy, kẹo,.. thì bạn cũng không cô đơn đâu vì biết bao bậc cha mẹ khác cũng đang trong hoàn cảnh tương tự.
Tuy nhiên đừng cho con ăn vặt quá nhiều bởi các chuyên gia y tế cộng đồng của Anh khuyến nghị chỉ nên cho trẻ ăn vặt nhiều nhất là 200 calo mỗi ngày mà thôi (không kể hoa quả và rau củ).
9. Bản thân bố mẹ cũng kén ăn
Có phải khi đi ăn hàng lúc nào bạn cũng chỉ gọi một món mà không thay đổi bao giờ không? Các nghiên cứu cho thấy trẻ con có khả năng sẽ thử nhiều loại thức ăn nếu thấy người lớn làm vậy. Vậy nên bạn hãy cố gọi những món mà bản thân chưa thử bao giờ khi đi ăn hàng để con bắt chước nhé.
10. Cho con ăn khi xem ti vi
Khi bạn mệt hay bực mình vì con không chịu ăn thì bật ti vi lên cho con xem hoạt hình hay ca nhạc có vẻ là giải pháp rất hữu hiệu. Bạn không phải là người duy nhất làm như vậy.
Dù làm vậy thì bữa ăn sẽ đơn giản, nhẹ nhàng hơn nhiều (vì con không quấy nữa) nhưng theo Tạp chí y khoa về dinh dưỡng của Mĩ thì ăn khi xem ti vi làm tăng lượng calo tiêu thụ lên đến 10%.
11. Không tự trồng rau
Một lợi ích to lớn của tự trồng rau đó là bé sẽ thích ăn rau nhà mình hơn nhiều.
Cuộc sống hiện đại bận rộn khiến các bậc cha mẹ không có thời gian cho bản thân mình, nói gì đến tự trồng rau để cải thiện bữa ăn gia đình. Nhưng một lợi ích to lớn của tự trồng rau đó là bé sẽ thích ăn rau nhà mình hơn nhiều, ngoài ra bé còn tích cực giúp ba mẹ làm vườn nữa chứ! Lợi cả đôi đường rồi nhé.
12. Dùng đồ ăn làm phần thưởng
Khi con không làm bài tập về nhà hay không chịu ăn cơm, "hối lộ" con socola hoặc bim bim dường như là lựa chọn của nhiều bậc cha mẹ, tuy vậy đây không phải là một thói quen tốt bởi điều này sẽ dẫn đến việc khi lớn lên, trẻ sẽ ăn nhiều khi buồn, tức giận, áp lực,..
Thay vào đó, hãy sử dụng những cơ chế thưởng khác để tạo động lực cho con.
13. Gắp thức ăn cho con
Theo nghiên cứu của trường Đại học Illinois (Mỹ), cho con tự chọn món ăn sẽ giúp con có thói quen ăn uống tốt cho sức khỏe. Con bạn sẽ không ăn quá nhiều, mà lại còn chịu thử nhiều loại thức ăn khác nhau nữa.
14. Coi một số đồ ăn là tốt và không tốt
Cho phép con ăn nhiều loại thức ăn một cách điều độ.
Làm mẹ thì ai cũng muốn con ăn uống lành mạnh. Điều này cũng có nghĩa là bánh quy và sô cô la được liệt vào danh sách đồ ăn không tốt. Tuy nhiên nghiên cứu của Đại học Penn State (Mỹ) lại chỉ ra rằng khi mà trẻ bị cấm ăn một loại thức ăn nào đó, chúng càng muốn ăn nhiều hơn, tức là hoàn toàn phản tác dụng.
Thế nên thay vì cấm đoán hoàn toàn, tại sao không cho phép con ăn nhiều loại thức ăn một cách điều độ, như là thỉnh thoảng vài miếng bánh quy cũng không có hại như bạn tưởng.
15. Nấu quá nhiều
Dạ dày trẻ con thì bé nên bạn đừng cố bắt con ăn quá nhiều. Hiệp hội dinh dưỡng Anh khuyến nghị bạn hãy vẽ vòng tròn xung quanh tay mình và tay con, từ đó sẽ tính ra được tỉ lệ khẩu phần hợp lí cho con. Tất nhiên, biện pháp này chỉ mang tính tương đối, quan trọng nhất là quan sát thực tế xem con thường ăn hết bao nhiêu, từ đó nấu cho phù hợp.