Hoạt động tư vấn học đường chưa được quan tâm
- Thưa PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, cô đánh giá sao về hoạt động của các phòng tham vấn trong trường học?
Thực tế trong nhà trường, GVCN lớp là những thầy cô có điều kiện gần gũi với học sinh nhiều nhất. Vì vậy, nếu GVCN nào tâm lý, quan tâm đến học sinh, gần gũi học sinh thì học sinh tìm đến giãi bày, còn nếu GVCN nào xa lánh học sinh, tạo nên khoảng cách với học sinh, học sinh khó giãi bày tâm tư.
Đối với học sinh, đặc biệt là học sinh lứa tuổi phổ thông, do đặc điểm phát triển tâm sinh lý chưa hoàn thiện, nhận thức về cuộc sống chưa đầy đủ. Vì vậy trước những thay đổi và những mối quan hệ mới trong xã hội, nhiều khi bị bế tắc chưa thể giải quyết được, hoặc giải quyết không hiệu quả.
Tất cả những diễn biến về tâm lý của các em đều được bộc lộ qua thái độ và hành vi của các em, những người gần gũi nhất với các em có thể đoán bắt được và giúp các em tháo gỡ thông qua hoạt động tư vấn tâm lý học đường. Đã nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra khi các em bế tắc, có chỗ nào giãi bày, với những biểu hiện nông nổi như: Hành vi tiêu cực tự tử, trầm cảm...
Những nhà giáo dục cần nắm được đặc điểm tâm lý chung của HS, của người Việt Nam là tâm lý phương Đông biểu hiện rất e ngại, không cởi mở, đặc biệt là những điều thầm kín liên quan đến cuộc sống riêng của mỗi người. Đối với học sinh, lứa tuổi mới lớn thì những e ngại càng phổ biến, các em rất ít tâm sự, xa lánh người lớn và rất sợ người lớn biết những suy nghĩ và việc làm của mình rồi trách mắng. Vì vậy, tâm lý chung là tự mình giải quyết, tự mình cho là mình đúng và mình tháo gỡ.
Đối với thầy cô giáo trong nhà trường khi có những việc riêng như mâu thuẫn trong gia đình, chồng con, không được giải tỏa, không biết chia sẻ cùng ai do đó ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy và nhiều khi bị lan truyền đến người học bằng những giờ học căng thẳng, bầu không khí tâm lý trong lớp học nặng nề và học sinh cũng là người bị áp lực rất lớn. Nếu có tư vấn học đường thì GV sẽ được giải thoát, sẽ cân bằng được mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường.
Với học sinh, thời gian học tập và hoạt động ở trường là nhiều (8 - 9 giờ), với quỹ thời gian này học sinh rất có nhu cầu để học tập, để tham gia các hoạt động giáo dục và được tham vấn với những băn khoăn, những chia sẻ, những định hướng cho các em các vấn đề trong cuộc sống và trong sinh hoạt. Vì vậy, cần phải đưa hoạt động tư vấn học đường vào nhà trường và coi là một kênh hoạt động quan trọng giúp phát triển nhân cách học sinh.
Nhu cầu tư vấn tâm lý trong nhà trường rất lớn
- Theo PGS.TS, sự hạn chế của đội ngũ tham vấn viên trong trường học sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng GD?
Trong tâm lý, nếu con người cố dồn nén cảm xúc bản thân, khi bế tắc không giải quyết được thường đi đến con đường tuyệt vọng, cái tuyệt vọng tiêu cực này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân học sinh mà sẽ lan, lây truyền sang người khác.
Cho nên cốt lõi, muốn tạo được bầu không khí tâm lý trong nhà trường vui vẻ, đoàn kết, chan hòa, nhân ái thì trước hết mọi người phải cởi mở, tâm trạng phải thoải mái, muốn giải thoát phải có trợ giúp của những nhà tư vấn học đường.
Hiện nay, tổng đài 1080 đã có chương trình tư vấn tâm lý, chương trình này đã mang lại kết quả đáng khích lệ, góp phần giải đáp những vấn đề khúc mắc về tâm sinh lý của các lứa tuổi trong xã hội. Đối với học có xây dựng chương trình với đường dây nóng về bạo lực học đường để giúp giải quyết những xung đột của các em trong nhà trường. Nhưng gần các em nhất vẫn là nhà trường. Nếu có hoạt động tư vấn học đường nó sẽ là con đường ngắn nhất, gần gũi và kết quả nhất để có tư vấn hợp với từng cá nhân học sinh. Nếu có phòng tư vấn, học sinh có thể chạy lên cần tư vấn như chuyện bạn bè, thầy cô, ngay cả GV, lãnh đạo nhà trường cũng cần được tư vấn để giải tỏa những bức xúc ngay tức thì, có như vậy sẽ tránh những hậu quả khôn lường.
Qua tìm hiểu thực tế thì các bậc phụ huynh cũng rất quan tâm đến lĩnh vực này. Nhiều khi bố mẹ giải thích trẻ không nghe, bố mẹ chỉ có tâm lý thôi, hơn nữa nhiều bậc phụ huynh kiến thức sư phạm học đường còn hạn chế vì vậy, các em trông chờ lời khuyên của các cô giáo nhiều hơn.
Như vậy cùng với quan tâm nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục học sinh, cần và rất cần phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ tư vấn trường học. Đội ngũ này sẽ giúp cho các nhà trường đi sâu giải quyết những vấn đề nảy sinh và định hướng phát triển cho học sinh theo đúng mục tiêu giáo dục đặt ra.
Cần tạo môi trường cởi mở, thân thiện
- Bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ tư vấn trường học thì mô hình tư vấn học đường trong các trường phổ thông cần được triển khai như thế nào?
Cần xây dựng mô hình tư vấn học đường với nhiều hình thức khác nhau, chúng ta không nên hiểu cứng nhắc là phải tạo một căn phòng tư vấn rất nghiêm trang. Bởi những phòng như vậy khi trẻ bước vào sẽ tạo cho trẻ cảm giác không thoải mái, không muốn nói thật.
Tổ tư vấn học đường khi hoạt động sẽ hỗ trợ và đưa ra những lời khuyên đối với những HS đã và đang gặp phải những khó khăn trong đời sống tâm lý, và các hoạt động học tập của bản thân, bao gồm những khó khăn về xúc cảm, tình cảm, tâm lý, tinh thần trong đời sống hàng ngày, trong hành vi ứng xử, quan hệ bạn bè, thầy cô, gia đình, trong học tập, định hướng nghề nghiệp… Tuy nhiên, các em rất ngại chia sẻ, nên chưa chủ động, thường ngại tư vấn tâm lý để “trút nỗi lòng” sợ bí mật riêng tư bị tiết lộ. Vì thế cán bộ tư vấn tâm lý phải tìm đến các em, để giúp các em chia sẻ, bộc lộ tâm tư, tình cảm của mình.
Muốn phát triển mô hình tư vấn tâm lý học đường là phải làm tốt công tác tuyên truyền, sau đó phải lựa chọn đội ngũ cán bộ chuyên trách, (phải đào tạo), trước hết phải có các khóa bồi dưỡng cho các GV, không phải chỉ bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp GD và dạy học mà còn có kỹ năng tư vấn học đường, tức là phải nâng cao kiến thức cho họ về tâm lý, giáo dục, về kinh nghiệm, các trải nghiệm trong cuộc sống ở nhà trường và cách đưa ra những lời khuyên hữu ích cho các đối tượng trong nhà trường.