- Xuất phát từ thực tế nào khiến nhà trường quyết định triển khai công tác Tâm lý học đường (TLHĐ), thưa thầy?
Có rất nhiều xuất phát điểm thôi thúc nhà trường cần gấp rút triển khai công tác tư vấn cho học sinh. Cụ thể, xuất phát từ thực tế cần nâng cao chất lượng của hai chữ “thân thiện”. Thầy và trò ở trường chúng tôi hiểu “thân thiện” không đơn thuần là hiền hòa, vui vẻ mà là hiểu rõ, lắng nghe và hỗ trợ nhau. Thân thiện là thương yêu và trợ giúp đúng khi cần.
Xuất phát từ hiện tượng bố mẹ bận rộn, con trẻ không có người tin cậy tâm sự, trao đổi; từ thực tế khá phổ biến là học sinh yêu sớm… Và xuất phát từ sự thắng thế của sống ảo so với sống thực, khi Internet với các mạng xã hội phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt còn xuất phát từ việc học trò lớp 12 ra trường cần tư vấn chọn trường, chọn nghề và tư vấn du học.
Đó là những xuất phát điểm quan trọng đầu tiên khiến nhà trường triển khai công tác tư vấn TLHĐ từ năm 2008 và tiếp tục đẩy mạnh công tác này từ năm 2013, khi nhà trường chính thức có phòng Tư vấn tâm lý học đường và phân công giáo viên có kinh nghiệm giáo dục đảm trách.
- Thầy có thể chia sẻ về ý nghĩa thiết thực của công tác tư vấn TLHĐ đối với học sinh THPT và những điều rút ra từ thực tiễn trong quá trình triển khai công tác này?
Từ trong các trường sư phạm, mỗi thầy cô giáo đều đã được đào tạo về tâm lý giáo dục với bộ môn Tâm lý giáo dục. Và để công tác giáo dục của mình thành công, ai cũng luôn phải nắm được về tâm lý học trò với những ứng dụng khoa học tâm lý khác nhau. Tuy nhiên, cũng đã có lúc, có nơi, có thầy cô còn xem nhẹ công tác này.
Tình hình xã hội hiện nay có những tác động phức tạp, cha mẹ lại bận rộn nên đặt ra những vấn đề cấp bách với việc quan tâm và giáo dục học sinh theo tâm lý cũng như dùng hiểu biết tâm lý lứa tuổi để “điều trị”, hỗ trợ các em hiệu quả.
Phòng TLHĐ có nhiệm vụ quan trọng nhất là kịp thời giúp tháo gỡ mâu thuẫn, khúc mắc và tâm lý tiêu cực mới hình thành trong học sinh, đồng thời ngăn chặn những hiềm khích và hiểu lầm vốn khó nén trong người trẻ.
- Đối với học sinh THPT, vấn đề tâm lý các em hay gặp phải và cần tư vấn nhất là nhóm vấn đề nào, thưa thầy?
Nhóm vấn đề thường xuyên nhất là rắc rối của học sinh là trong quan hệ bạn bè. Nhóm khúc mắc trong quan hệ với gia đình và thầy cô thì hiếm gặp hơn. Tuổi mới lớn thường gặp vấn đề “hai con dê qua cầu”, không ai nhường ai, không ai chịu mình phải nghe theo phía kia. Đó là trong lớp hiểu nhầm có hiện tượng không thích thì kì thị.
Cũng có cả những khúc mắc với nhau trên facebook biến thành mâu thuẫn ngoài đời. Đó còn là khi học trò yêu thích ai đó bị chối từ hoặc hờn ghen khi người mình “thích” thân người khác hơn. Cũng có khi là chơi nhóm rồi nhóm này không ưa nhóm kia. Đó là câu chuyện bè bạn học đường có thể gặp ở mọi nhà trường.
- Vậy các vấn đề các em cần tư vấn có được giải quyết triệt để qua các tư vấn của thầy/cô giáo phụ trách tư vấn hay không?
Nhà giáo dục trước hết phải là chỗ tin cậy để lắng nghe học trò, vấn đề các em cần tư vấn đều là vấn đề mà thầy cô giáo chủ nhiệm và thầy cô phụ trách phòng tư vấn phải giải quyết triệt để. Chúng tôi luôn ý thức được rằng không nên để lưu những tâm trạng tiêu cực, những khúc mắc khiến cho mỗi sự việc trở nên rắc rối hơn.
Khi đã biết học sinh cần tư vấn là khi chính thầy cô phải có một quyết tâm không để mất kiểm soát với từng diễn biến tâm lý và hành động của con. Và trách nhiệm của thầy cô là vận dụng kiến thức thậm chí tham khảo chuyên môn từ các chuyên gia để giúp học sinh giải quyết vấn đề một cách triệt để nhất.
Cùng với đó, cũng có những ca tư vấn tâm lý “rất mệt” là khi học trò tìm được chỗ dựa tâm lý nên “bám lẵng nhẵng” theo thầy cô giáo. Thậm chí coi cô giáo tư vấn như người mẹ, người bạn không có giới hạn về thời gian. Ngoài giờ làm việc, dịp nghỉ lễ Tết và cả khi ra trường rồi vẫn “theo đuôi”. Khi ấy, chúng tôi phải rút kinh nghiệm với giáo viên tư vấn rằng, đã giúp con qua cơn khủng hoảng rồi thì phải tìm cách đưa được con trở lại với bạn bè cùng trang lứa, thì tư vấn mới thực sự thành công.
- Cán bộ tư vấn tâm lý của trường hiện nay làm việc theo cơ chế nào? Có chính sách hay ưu tiên từ các cấp hay nhà trường không, thưa thầy?
Cán bộ làm tư vấn tâm lý của trường hiện nay làm việc theo “cơ chế” tự nguyện. Chúng tôi xác định, dạy chữ và dạy người là 2 việc khó tách rời. Thực ra thì có dạy người được mới dạy chữ hiệu quả. Mỗi thầy cô đều là một tư vấn viên. Đặc biệt là thầy cô chủ nhiệm. Khi đã vì trò thì không đặt vấn đề về thù lao. Khi nhận tiền lương chủ nhiệm, lương làm công tác truyền thông giáo dục thì đã là có tiền tư vấn học đường trong đó. Có dạy và có dỗ, có động viên và có cảnh báo.
Trước mắt, chúng tôi cũng muốn giáo viên chuyên trách thể hiện nhiệt huyết của mình như một tâm nguyện hơn là một trách nhiệm. Về lâu dài, chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm về vấn đề này để đưa ra mức phù hợp. Tuy nhiên chúng tôi cũng rất cần có những hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý giáo dục về vị trí này. Như vậy mới có thể bổ sung có cơ sở chắc chắn vào “quỹ lương” hay “quy chế chi tiêu nội bộ” của đơn vị mình.
- Thầy có kiến nghị, đề xuất với Bộ GD&ĐT và các cơ quan hữu quan về vị trí công tác này trong nhà trường?
Hầu hết các thầy cô có kinh nghiệm và khả năng tư vấn tốt cho các con đều làm công tác chủ nhiệm, công tác đoàn thể và công tác giảng dạy tốt. Thế nên các thầy cô thường rất bận rộn. Việc tư vấn cho học sinh không thể đặt theo lịch cố định. Và thực tế cho thấy, những khủng hoảng tâm lý và mâu thuẫn của học sinh đương nhiên là cũng không theo lịch.
Chúng tôi mong Bộ GD&ĐT và các cơ quan hữu quan tạo thêm vị trí việc làm cho cán bộ chuyên trách tư vấn tâm lý học đường hoặc có hướng dẫn về cách tính số tiết, tính mức trả lương kiêm nhiệm.
Với giáo viên làm công tác tư vấn cần có các hoạt động tổ chức bồi dưỡng tập huấn và khuyến khích tự bồi dưỡng để làm tốt công tác quan trọng này. Bên cạnh đó, còn cần có những tài liệu giúp cho công tác tư vấn TLHĐ đạt kết quả tốt hơn.
Về lâu dài, việc đào tạo nguồn nhân lực cho vị trí này trong các trường Sư phạm thực sự cần được đẩy mạnh để sẵn sàng “cung ứng” cho các nhà trường một đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên sâu về tâm lý giáo dục, có thể đảm trách tốt nhất phần công việc quan trọng – giúp học trò ngăn chặn mọi hệ quả không mong muốn có căn nguyên từ những “bối rối” tâm lý.
- Trân trọng cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện.