Tư vấn tâm lý học đường: Khi tay ngang đối diện các ca tư vấn khó

GD&TĐ - Trước nhu cầu ngày càng cao của học sinh về mong muốn chia sẻ, tìm lời khuyên cho các mối quan tâm lứa tuổi, ý tưởng về một mô hình chuẩn cho công tác tư vấn tâm lý phù hợp với mỗi cấp học là điều các đơn vị giáo dục đều mong muốn đạt được.

Cô giáo Trần Thị Bích Hợp - Phó Hiệu trưởng kiêm cán bộ phụ trách phòng tâm lý học đường Trường THPT Đống Đa (Hà Nội)
Cô giáo Trần Thị Bích Hợp - Phó Hiệu trưởng kiêm cán bộ phụ trách phòng tâm lý học đường Trường THPT Đống Đa (Hà Nội)

Luôn cởi mở với những suy nghĩ nổi loạn

Thực tế, những năm gần đây, nhiều trường đã có những cách làm chủ động, bền vững hoặc linh hoạt trong công tác tư vấn tâm lý học đường, nhằm mục đích phòng ngừa, đẩy lùi, ngăn chặn tệ nạn do biến động tiêu cực tâm lý gây ra, tuy nhiên, tính hiệu quả chưa đạt kỳ vọng...

Trường THPT Đống Đa (Hà Nội) là một trong số các nhà trường đã ý thức được tầm quan trọng của công tác tư vấn tâm lý, hỗ trợ học sinh, hướng tới một môi trường học tập lý tưởng.

Theo chia sẻ của cô giáo Trần Thị Bích Hợp - Phó Hiệu trưởng kiêm cán bộ phụ trách phòng tâm lý học đường Trường THPT Đống Đa (Hà Nội): Đối tượng học sinh THPT có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, có xu hướng tâm lý nổi loạn, ngại chia sẻ, thích làm theo ý mình, thích khẳng định và muốn được mọi người công nhận.

Học sinh lứa tuổi này thường có nhiều khúc mắc về tâm sinh lý, khúc mắc trong quan hệ bạn bè khác giới, quan hệ với cha mẹ, thầy cô... Trong các mối quan hệ này, các em còn thiếu kỹ năng ứng xử dẫn đến trạng thái tâm lý hụt hẫng, khủng hoảng, dễ dẫn đến những hành động bột phát, ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ, thầy cô.

Phòng tâm lý học đường giúp các em có chỗ dựa tinh thần, giúp các em tìm hiểu về tâm lý lứa tuổi mình và tìm hiểu kiến thức về pháp luật để ứng xử phù hợp với các tình huống gặp phải. Đồng thời, giúp các em chia sẻ thoải mái không ngần ngại về những băn khoăn, vướng mắc của bản thân.

Người tư vấn phải luôn lắng nghe một cách gần gũi nhất để các em chia sẻ và mở lòng. Từ đó giúp các em có kỹ năng sống tốt hơn, giao tiếp khéo léo hơn và hạn chế tối đa những lỗ hổng trong tâm hồn các em.

Cô Trần Thị Bích Hợp cho biết: Qua quá trình triển khai tư vấn tâm lý cho các em, chúng tôi nhận thấy, vấn đề các em thường gặp phải và cần chia sẻ để tháo gỡ ở lứa tuổi THPT rất đa dạng:

Sự bất đồng quan điểm của các em với người lớn (bố mẹ, thầy cô giáo), về quan hệ bạn bè, cách ăn mặc, cách nói năng, quan điểm về những rung động giới tính, thần tượng... Vì vậy, bản thân cán bộ tư vấn phải trau dồi thêm nhiều kinh nghiệm từ thực tế, từ sách báo mới có thể trở thành nơi gửi gắm niềm tin và đủ bản lĩnh cũng như kiến thức để sẵn sàng lắng nghe một cách cởi mở nhất với những chia sẻ của tuổi “nổi loạn”.

Phát hiện và can thiệp sớm các biểu hiện bất ổn tâm lý của học sinh giúp giảm thiểu tối đa những hậu quả đáng tiếc (Ảnh minh họa)
Phát hiện và can thiệp sớm các biểu hiện bất ổn tâm lý của học sinh giúp giảm thiểu tối đa những hậu quả đáng tiếc (Ảnh minh họa)

Nặng lòng với những ca tư vấn khó

Thực tế cho thấy, khi các em gặp vấn đề khúc mắc tâm lý, tìm đến để nhận sự chia sẻ từ cán bộ tư vấn tâm lý nhưng không phải lúc nào các em cũng có những phản ứng xuôi chiều. Thầy cô phải hết sức kiên trì và bình tĩnh để cùng các em tháo gỡ.

Nhiều em sau một vài lần tư vấn đã hiểu ra và nhận thấy mình cần thay đổi trong suy nghĩ để từ đó có lối sống tích cực. Tuy nhiên cũng có học sinh, lúc đầu có biểu hiện tích cực nhưng sau đó do nhiều ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài lại có những suy nghĩ tiêu cực. Vì vậy, để các "ca" tư vấn đều thành công như mong đợi, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh - để bắt mạch và kê đơn kịp thời từ giai đoạn sớm.

Chia sẻ về ca tư vấn để lại nhiều ấn tượng trong quá trình công tác, cô Trần Thị Bích Hợp cho biết: Có một nam học sinh khi ấy đang là học sinh lớp 11, thường xuyên vi phạm nề nếp nội quy của nhà trường, thường nghỉ học không có lý do, kết quả học tập sa sút. Sau những tác động không thành của giáo viên chủ nhiệm, chúng tôi mời học sinh lên để trao đổi. Lúc đầu em không hợp tác, hỏi gì cũng không nói, sau cả buổi làm việc chỉ nhận được vài câu trả lời không có trọng tâm từ em.

Cán bộ tư vấn tâm lý đã cùng cô giáo chủ nhiệm tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình em và được biết: Bố mẹ em li hôn, lúc đầu em ở với mẹ nhưng khi mẹ em đi bước nữa, em lại về ở với ông bà nội và bố.

Tuy nhiên, ông bà thì cờ bạc, bố lại rượu chè bê tha,… em rơi vào trạng thái tâm lý thất vọng và bế tắc và dần thành vô cảm. Em nhìn đời qua lăng kính màu đen. Mọi rao giảng về đạo đức, hạnh phúc chỉ là sáo rỗng và xa xỉ đối với em. Cậu học sinh ngoan ngoãn ngày nào bỗng trở nên bất cần và buông thả.

Chúng tôi đã phải làm việc với em nhiều lần, gợi mở và lắng nghe tâm sự (ban đầu rất e dè) . Sau đó, mời mẹ đến nói chuyện và tìm hiểu thêm những khó khăn từ phía gia đình . Cuối cùng chúng tôi cũng nghe được những tâm sự từ đáy tâm can của một đứa trẻ mới lớn và em đã tìm lại sự lạc quan, mong muốn học tập để thay đổi cuộc đời, vượt lên hoàn cảnh.

Sau những cuộc nói chuyện với những chia sẻ chân tình, những cảm thông, thấu hiểu từ cán bộ tư vấn tâm lý của trường, em học sinh đó đã về sống cùng mẹ, được mẹ chăm lo bao bọc trong yêu thương và trở lại là một học sinh chăm ngoan, lễ phép, lạc quan yêu đời. Hiện nay, nam sinh đó đã tốt nghiệp và hiện đang theo học tại trường Cao đẳng Du lịch. Mỗi lần có dịp gặp lại, em vẫn bồi hồi nhớ về giai đoạn đột nhiên biến thành “học sinh cá biệt” và được các thầy cô dốc lòng giúp đỡ.

Về thuận lợi và khó khăn đối với cán bộ tư vấn tâm lý học đường hiện nay, cô Trần Thị Bích Hợp cho biết: Cán bộ tâm lý học đường của Trường THPT Đống Đa hiện công tác theo hình thức kiêm nhiệm và Phó Hiệu trưởng phụ trách đức dục của trường đảm nhiệm thêm công việc này.

Dù đủ nhiệt huyết và quyết tâm, luôn sẵn sàng vì học sinh nhưng thực tế khách quan cho thấy, cán bộ tâm lý học đường hoạt động kiêm nhiệm còn đang thiếu thời gian và chưa đủ kiến thức chuyên môn mảng tâm lý để đáp ứng tốt nhất yêu cầu công việc. Và đó là hạn chế cần sớm được khắc phục để các thầy cô không còn phải bối rối trước các tình huống khó và nhu cầu tư vấn của học sinh.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ