Bật mí trong phòng tư vấn tâm lý học đường

GD&TĐ - ThS tâm lý học Phương Hoài Nga (ĐH Toulouse II-Le Mirail, Pháp), Trưởng phòng Tâm lý học đường Trường PTLC Olympia chia sẻ những ưu tiên số một của hoạt động tâm lý học đường tại Olympia, cũng như cách làm của trường này nhằm phát huy hiệu quả công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường.

Học sinh Trường PTLC Olympia (Ảnh mang tính chất minh họa)
Học sinh Trường PTLC Olympia (Ảnh mang tính chất minh họa)

Phòng hơn chống

Thạc sỹ Phương Hoài Nga cho biết, ở Olympia, bên cạnh hoạt động dạy học, nhà trường cũng rất quan tâm đến đời sống học đường của học sinh; do đó đã ưu tiên và quan tâm đến việc xây dựng phòng tâm lý học đường.

Cùng với các hoạt động giáo dục khác thì hoạt động của phòng Tâm lý học đường là tạo ra một môi trường an toàn, có tính thúc đẩy và nâng đỡ hướng tới học ở các cấp độ khác nhau: cá nhân, nhóm, toàn trường.

Ở cấp độ toàn trường, phòng Tâm lý học đường tham gia vào việc xây dựng, phát triển và triển khai chương trình phòng ngừa. Ở cấp độ nhóm, có các hoạt động hỗ trợ nhóm cho từng vấn đề cụ thể của học sinh. Ở cấp cá nhân, những can thiệp chuyên sâu sẽ được tiến hành phù hợp với vấn đề của từng cá nhân.


Ở Olympia, công tác tâm lý học đường có hiệu quả bởi đã nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực của Ban lãnh đạo nhà trường. Vì vậy mà các hoạt động của phòng Tâm lý học đường được triển khai một cách đồng bộ và nhận được sự hợp tác của giáo viên, phụ huynh, đặc biệt là học sinh.

Cùng với sự phát triển của nhà trường thì phòng Tâm lý học đường cũng được phát triển theo. Hiện tại, tất cả các cấp học ở Olympia đều có cán bộ tâm lý học đường.
Thạc sỹ Phương Hoài Nga

“Trong hầu hết các hoạt động của học sinh đều có sự tham gia và góp ý của phòng tâm lý học đường. Đến thời điểm này, phần lớn học sinh, phụ huynh và giáo viên đều cảm thấy được hỗ trợ khi đến với phòng Tâm lý học đường” - thạc sỹ Phương Hoài Nga cho hay.

Trước khi nói về quá trình hỗ trợ học sinh, thạc sỹ Phương Hoài Nga cho rằng, điều quan trọng hơn cả cần được đề cập chính là đạo đức nghề nghiệp, trong đó những nguyên tắc đạo đức cơ bản hàng đầu là: bảo mật thông tin của học sinh, chấp nhận học sinh và quyền lợi của học sinh là trên hết.

Ưu tiên số một của hoạt động Tâm lý học đường tại Olympia là triển khai các chương trình phòng ngừa thông qua các chương trình giáo dục trên toàn bộ học sinh, trong đó, rõ nét hơn cả là các giờ học về kỹ năng cảm xúc - xã hội, lồng ghép trong các hoạt động học tập, sinh hoạt ngoài giờ lên lớp, và đặc biệt là thực hiện đồng bộ văn hóa nhà trường.

Đối với việc hỗ trợ những vấn đề riêng biệt của học sinh thì cứ đầu mỗi năm học, phòng Tâm lý học đường sẽ tiến hành sàng lọc dựa trên công cụ đánh giá tâm lý. Dữ liệu sàng lọc kết hợp với những thông tin đề xuất từ các giáo viên, phụ huynh sẽ giúp cán bộ tâm lý đưa ra được danh sách học sinh cần hỗ trợ, có khó khăn ở các lĩnh vực như cảm xúc, hành vi, mối quan hệ, hay nhận thức.

Sau đó, cùng với sự cho phép của phụ huynh, những học sinh trong danh sách này sẽ được các cán bộ tâm lý đánh giá sâu hơn thông qua quan sát, phỏng vấn lâm sàng và đôi khi có thể được đánh giá bằng các trắc nghiệm Tâm lý chuyên sâu tại trường hoặc ở các đơn vị độc lập. Kết quả đánh giá này sẽ giúp cán bộ tâm lý xác định mức độ ưu tiên của từng vấn đề và quyết định hình thức hỗ trợ.

“Khi một học sinh được quyết định là sẽ nhận sự hỗ trợ cá nhân, học sinh đó sẽ có một khung giờ làm việc riêng với cán bộ tâm lý hàng tuần. Song song với việc gặp riêng học sinh hàng tuần, cán bộ tâm lý cũng sẽ làm việc với giáo viên và phối hợp với phụ huynh để thống nhất về cách thức hỗ trợ học sinh đó trong các hoạt động ở những bối cảnh khác nhau. Cán bộ tâm lý sẽ lượng giá sự tiến bộ của học sinh định kỳ.

Việc hỗ trợ riêng sẽ dừng lại khi kết quả lượng giá cho thấy học sinh đó đã có tiến bộ, đạt được mục tiêu đề ra ban đầu. Ngay cả khi đã kết thúc hỗ trợ, cán bộ tâm lý vẫn giữ mối liên hệ với những học sinh này để có thể hỗ trợ bất cứ lúc nào mà học sinh cần” - Thạc sỹ Phương Hoài Nga chia sẻ.

Mục tiêu quan trọng của tư vấn học đường

Thạc sĩ Phương Hoài Nga khẳng định: không phải bây giờ mà từ nhiều năm trước đây, trên thế giới, đặc biệt là ở những quốc gia có nền giáo dục phát triển, họ đã nhận thấy vai trò quan trọng của hoạt động tâm lý học đường bởi vì mục tiêu của hoạt động tâm lý học đường là nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi cho học tập và sự phát triển của trẻ thông qua việc thúc đẩy sự kết nối giữa gia đình và nhà trường.

Việt Nam không nằm ngoài xu thế phát triển đó. Mục tiêu giáo dục của chúng ta cũng là nhằm để giúp trẻ được phát triển một cách cân bằng. Hoạt động tư vấn tâm lý học đường thì hỗ trợ cho mục tiêu này. Vì vậy mà việc triển khai hoạt động tâm lý học đường trong trường học là một điều thực sự hữu ích cho học sinh.

“Để triển khai bất kỳ một hoạt động nào đó, chúng ta đều cần có đủ một số yếu tố cơ bản như: thứ nhất là nhu cầu thực sự về hoạt động đó; thứ hai là nguồn nhân lực để thực hiện hoạt động; thứ ba là cơ sở vật chất phù hợp với yêu cầu của hoạt động. Nhìn lại hoạt động tâm lý học đường ở Việt Nam thì thấy rằng nhiều trường đã triển khai hoạt động này.

Tuy nhiên, việc triển khai có được bài bản hay không thì còn phụ thuộc vào những yếu tố cơ bản như trên. Đôi khi, có thể là chúng ta thiếu một trong số những yếu tố đó nhưng đôi khi có thể là tất cả” - thạc sỹ Phương Hoài Nga cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ