Sau Đại thắng mùa Xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam bước vào thời kỳ mới chồng chất những vấn đề hậu chiến, xây dựng, tái thiết đất nước đi theo con đường XHCN.
Trong 10 năm 1976 – 1986, cả nước thực hiện phát triển kinh tế kế hoạch hoá bao cấp, theo đó vai trò kinh tế tư nhân hầu như không tồn tại, toàn bộ kinh tế do nhà nước làm chủ. Hàng hoá được nhà nước điều hành phân phối tới cán bộ và người dân theo chế độ tem phiếu. Thời kỳ này, đời sống gặp muôn vàn thiếu khó. Cơ chế bao cấp bộc lộ nhiều bất cập, tác động tiêu cực đến sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và đời sống xã hội.
Thực tế đã xảy ra tình trạng, nếu chấp hành đúng quy định, đường lối nhà nước thì dân thiếu đói. Nếu làm khác thì lãnh đạo, cán bộ sẽ bị kỷ luật… Trước những bức bối, có nhiều địa phương đã tìm cách “xé rào” để thoát khỏi cơ chế ấy khắc phục tình trạng khan hiếm lương thực, cứu những cơn đói kéo dài…
Và những câu chuyện “xé rào” như vậy đã được phản ánh tới những người đứng đầu nhà nước ta thời đó, nguồn cơn của sự thay đổi, xoá bỏ tư duy cũ lạc hậu, tìm tòi cải cách để thoát khỏi sự ấu trĩ, trì trệ, bảo thủ…
Trực tiếp ông Trường Chinh khi đó là Chủ tịch Hội đồng nhà nước khảo sát nắm bắt…Tại Hội nghị Trung ương 6 diễn ra vào tháng 7/1984, ông đã có bài phát biểu, trong đó đưa ra nhiều quan điểm mới về kinh tế:
“Chế độ bao cấp trong những năm qua làm cho bức tranh kinh tế của chúng ta trở thành giả tạo. Nay phải tiến hành hạch toán kinh doanh thật sự, phản ánh đầy đủ và đúng các chi phí sản xuất, xóa bỏ cách làm hình thức và nửa vời lâu nay, khôi phục tính chân thực của các hoạt động kinh tế. Phải để cho các đơn vị kinh tế, các cơ sở chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất và kinh doanh của mình, không trông chờ, ỷ lại vào cấp trên”.
Mốc lịch sử thời kỳ đổi mới từ Đại hội Đảng lần VI năm 1986, nước ta bắt đầu chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp sang giai đoạn "mở cửa" xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng rõ nét hơn. Ngay sau Đại hội Đảng VI, những năm đó là cuộc đấu tranh tư tưởng giữa cái cũ và mới, sự đấu tranh từ nhận thức thay đổi và thay đổi thế nào?
“Đêm trước đổi mới” là cụm từ mà báo chí sau này thường dùng để nói về giai đoạn đó bắt nguồn từ tác phẩm "Cái đêm hôm ấy đêm gì" của nhà giáo Phùng Gia Lộc, đăng trên tuần báo Văn nghệ vào tháng 1/1988.
Tác phẩm "Cái đêm hôm ấy đêm gì" của Phùng Gia Lộc ra đời trong bối cảnh luồng tư tưởng đổi mới bắt đầu được dấy khởi, cởi trói ở diện rộng theo tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” của Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (bút danh N.V.L), nói lên tiếng nói của lòng dân, tác phẩm như một cơn địa chấn làm rung chuyển dư luận xã hội thời ấy,
"Cái đêm hôm ấy đêm gì" là câu chuyện ký báo chí sinh động phản ánh những bức bối xã hội thời ấy thông qua câu chuyện thu nợ sản của chính gia đình tác giả, của những gia đình nông dân ở một làng quê Thọ Xuân (Thanh Hoá), cũng chính là bức tranh thu nhỏ phản ánh xã hội ngày ấy, về một chính quyền địa phương quan liêu, vô cảm trước sự đói khổ và túng quẫn của những người nông dân nghèo do chính cơ chế ấy mang lại, sự xung đột ở vùng quê nghèo của tác giả Phùng Gia Lộc cũng chính là sự xung đột đau xót ở nhiều làng quê khác, đặt ra những vấn đề xã hội nhức nhối, gây nhiều hệ lụy đòi hỏi phải thay đổi toàn diện từ nhận thức đến hành động, chân lý tưởng đơn giản ấy lại phải vượt qua biết bao giông bão, thăng trầm, ai oán...
Trước, trong và sau khi tác phẩm ra đời, ngay chính tác giả và gia đình rơi vào những cuộc "truy bức", dồn ép, hoàn cảnh vô cùng éo le... từ chính quyền địa phương. Bố tôi, người bạn thân nhất cùng những người bạn luôn sát cánh bên người bạn tri kỷ của mình sống trong những ngày buồn ấy, tận tình cho đến giờ phút tác giả trút hơi thở cuối cùng.
Ngày ấy tôi còn bé, không hiểu hết mọi chuyện, nhưng cảm nhận chắc chắn chú Phùng Gia Lộc với bố tôi - Xuân Lộc là người bạn tri âm tri kỷ hiếm gặp trên đời này mà tôi từng biết. Một tình bạn thật đẹp, trong sáng.
Những câu chuyện lãng mạn, vui buồn đói khổ bên nhau của đôi bạn văn nhân, hoàn cảnh xô đẩy tác giả Phùng Gia Lộc bước sang những ngã rẽ “Cái đêm hôm ấy đêm gì” cùng nhiều thông tin trung thực về các “xã hội thu nhỏ ấy” mà nhiều người chưa biết…, được bố tôi trút bầu tâm sự, chia sẻ với bạn bè, độc giả trong cuốn tự truyện "30 năm tôi và Phùng Gia Lộc" vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
Và nó cũng là cách tác giả Xuân Lộc lưu giữ tình bạn đẹp đẽ ấy, thay người bạn quá cố của mình nói lên những cảm xúc dâng trào hoài niệm buồn vui, cùng độc giả nhìn lại một thời gian khó bằng sự lạc quan, tiếp tục vững tin bước trên muôn nẻo đường đời …