Dù ông đã biền biệt xa 6 năm rồi, nhưng mỗi lần đi qua phố Dã Tượng, quận Hoàn Kiếm, tôi lại muốn dừng lại, tìm về cái ngõ nhỏ, nơi ông từng thuê nhà.
Và một chiều Hà Nội se sắt, tôi đã tìm về ngõ nhỏ Dã Tượng, ngồi bên quán nước chè đầu ngõ để nhớ về ông - một nhà văn vạm vỡ, một tiểu thuyết gia với những bộ sách đồ sộ.
Viết sách tính bằng… mét
Sinh thời, nhà văn Nguyễn Khắc Phục là người viết nhiều, viết khỏe. Ông nằm trong số rất ít nhà văn có tham vọng viết sách tính bằng… mét. Những cuốn sách của ông bao giờ cũng dày dặn, và chất chứa trong đó nhiều suy nghiệm về đời sống, về nhân tình.
Nhắc tới ông, người ta nhớ tới các tiểu thuyết đồ sộ như “Bay qua cõi chết”, “Ngôi đền”, “Học phí trả bằng máu”, “Dưới bóng ngô đồng”, “Thăng Long ký”, “Kinh đô rồng”… và cuốn tiểu thuyết cuối đời có tựa đề “Hỗn độn”. Tác phẩm này ông viết vào quãng năm 2007 - 2008.
Cũng chính thời gian trọ ở ngõ Dã Tượng, trong căn nhà số 2 khi đó, nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã khởi viết “Hỗn độn”. Trước đó, ông đã có thời gian dài ấp ủ. Lại nhớ khi đó, mỗi lần chui vào phòng trọ của ông, Nguyễn Khắc Phục hào hứng nói về cuốn sách, về sự hỗn độn của đời sống này, khiến ông không thể không trăn trở, không thể không viết. Một lần, không chỉ nói, ông còn cho xem bản thảo tập 1 “Hỗn độn”.
Tôi còn nhớ, bản thảo ông trình bày rất đẹp, có thêm những bức tranh minh họa. Mà những bức tranh ấy, do chính tay ông vẽ. Khi đó, nhà văn Nguyễn Khắc Phục nói: “Nhiều ngày sau khi nhà thơ Phạm Tiến Duật mất, tôi vẫn rất buồn - vì sự ra đi của Duật đã để lại một khoảng trống rỗng mà những người còn sống như tôi không thể lấp đầy.
Khi ấy tôi cũng đã bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết “Hỗn độn” sau hàng chục năm ấp ủ. “Hỗn độn” là thế giới không bình thường, nhưng hỗn độn thật ra cũng lại là một trật tự. Và tôi thấy tiểu thuyết này cần một sắc thái khác cho nó. Đó là bên cạnh chữ còn có tranh. Tôi vẽ”.
Thế rồi bẵng đi, cũng như nhiều kế hoạch khác, “Hỗn độn” ít được nhắc đến, ông cũng ít “khoe” bạn bè. Nguyễn Khắc Phục cũng ít ghé qua các tòa soạn, các nhà xuất bản. Người ta thấy ông hạnh phúc với một tổ ấm mới.
Hạnh phúc đến với ông ở những năm tháng sau cuối cuộc đời đã khiến ông có nhiều thay đổi trong đời sống cá nhân, để ông từ giã những năm tháng dài sống nay đây mai đó, thuê hết căn nhà rộng đến căn gác hẹp, nhiều khi ăn tạm gói mì cho qua bữa.
Tôi không phải nhà văn
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục sinh năm 1947, quê gốc ở Nam Định nhưng từ rất sớm ông đã gắn bó với Hà Nội. Từ khi học tiểu học tư thục Diên Hồng (Trường Tiểu học Bà Triệu - đường Tô Hiến Thành bây giờ), cậu học trò Nguyễn Khắc Phục đã vừa trèo những cây me, cây sấu cổ thụ của đường phố Hà Nội vừa mơ mộng văn chương.
Năm học lớp 2, cậu rụt rè nhờ bố đưa truyện đồng thoại thiếu nhi đầu tiên của mình là “Chuột và mèo” đến NXB Kim Đồng. Nét chữ trẻ con, to như gà mái kéo dài câu chuyện đến mấy chục trang. Tuy nhiên, NXB cũng trả lời rằng không in, và bản thảo cũng mất luôn từ đó. Sau này, ông không viết lại truyện đó, nhưng kỉ niệm này cứ hằn vào tâm trí ông để thấy rằng viết văn không phải là chuyện dễ dàng.
Rồi cuộc sống đẩy đưa khiến bước chân Nguyễn Khắc Phục đến với nhiều vùng miền khác nhau trên khắp Tổ quốc mình. Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh... Mỗi một mảnh đất đều gắn bó với ông chút tình ruột thịt, nhưng với Hà Nội, niềm yêu thương, sự tôn thờ mảnh đất thiêng đã lưu giữ ông lâu nhất.
Gắn bó với Hà Nội không chỉ bởi nơi đây có thể trọng dụng mình, mà Hà Nội đã trở thành máu thịt của ông, thắm thiết với ông cũng bởi nhiều ngọt ngào, nhiều cay đắng mà ông đã trải qua.
Tuy vậy, Nguyễn Khắc Phục quan niệm, dù ở bất cứ nơi đâu, nếu chịu khó lăn mình vào cuộc sống, tình người sẽ mở ra ấm áp. Nguyễn Khắc Phục đã chan hòa và ông cũng đã khám phá ra thân phận, tình cảm của những người lao động bình thường không tuổi tên nhưng chính họ làm nên cuộc sống này.
Trong những cuộc chuyện trò, Nguyễn Khắc Phục nhiều lần nói: “Nhà văn là để dành cho những người sáng tác văn chương, và các ông ấy như người nghệ sĩ. Còn tôi, tôi không phải nhà văn. Tôi lao động cực nhọc, như những người xe ôm vẫn đứng ở góc đường, như những người cửu vạn hàng ngày lam lũ trên cánh đồng, hay trên bến cảng”.
Trong cơn say của sắc màu
Tất nhiên, tôi hiểu, ông hóm hỉnh mà nói như vậy. Chứ một đời viết như ông, gọi là nhà văn thôi e chưa đầy đủ. Dù quan niệm của ông có thế nào, thì người ta vẫn gọi ông là nhà văn với ý nghĩa rất trân trọng. Bởi bạn đọc, bạn văn tinh tường lắm.
Bởi bạn đọc vẫn nhớ, năm 20 tuổi, khi đang học Trường Trung cấp Hàng hải, Nguyễn Khắc Phục đã được biết đến là tác giả của nhiều truyện ngắn như “Hoa cúc biển”, “Ngã ba vô tình”… Mà tài năng của Nguyễn Khắc Phục không chỉ ở truyện ngắn, khi đó ông đã viết kịch bản sân khấu “Người từ giã cuối cùng”. Kịch bản này sau đó được đạo diễn Đặng Nhật Minh chuyển thể thành kịch bản phim đầu tay “Những ngôi sao biển”…
Năm 1976, Nguyễn Khắc Phục chuyển về công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam và gây tiếng vang với nhiều kịch bản phim nhựa như: “Chiến trường chia nửa vầng trăng”, “Sơn ca trong thành phố”, “Tự thú trước bình minh”, “Nhiệm vụ hoa hồng”, “Học trò thủy thần”, “Lạc cầm thứ mười ba” và đặc biệt là phim “Bọn trẻ” được trao giải thưởng Huy chương Vàng cho kịch bản văn học trong Liên hoan Phim quốc tế Á - Phi năm 1994.
Sau này, có đoạn đời Nguyễn Khắc Phục dấn thân, và, tất nhiên, ông lại để lại dấu ấn của mình như đã từng để lại dấu ấn khi dấn thân vào những lĩnh vực khác. Đó là khi đất nước đổi mới, mở cửa và những lễ hội, những đại lễ hội được mở ra.
Đặc biệt, Nguyễn Khắc Phục cũng chính là tác giả kịch bản khai mạc và bế mạc Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (tháng 10/2010). Ông viết nhiều đến mức báo chí hồi đó còn gọi ông là “Vua kịch bản lễ hội”. Tất cả những danh xưng mỹ miều, khi nghe, ông chỉ cười.
Mỗi lúc nhớ về Nguyễn Khắc Phục, tôi lại nhớ đến một sở thích ngoài chữ của ông. Đó là tranh. Ông vẽ chơi, vẽ thử. Rồi ông vẽ thật. Có lần đến nhà trọ ở ngõ Dã Tượng, hay cả khi ông chuyển về “biệt thự” thuê gần ngõ chợ Khâm Thiên, thấy tranh ông la liệt.
Mà toàn bức tranh khổ lớn. Thì ra trong cơn mê đắm với cây cọ và sắc màu, Nguyễn Khắc Phục có nhiều đêm không ngủ. Ông lao vào vẽ. Nhiều bức vẽ xong bạn thích, ông tặng ngay, không chút đắn đo lưỡng lự.
Rồi trong cơn say của sắc màu, ông cùng bạn thân là nhà thơ Trần Nhương bày triển lãm “Hai nhà văn vẽ” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm gồm 2 chủ đề. “Thi hứng” giới thiệu 22 bức tranh sơn dầu của nhà thơ Trần Nhương vẽ trong 3 năm, từ 2005 đến 2008.
“Hú họa” của nhà văn Nguyễn Khắc Phục gồm khoảng 30 bức tranh trên nhiều chất liệu, được vẽ trong vòng… 3 tháng; mỗi bức có một cái tên ẩn chứa nhiều câu chuyện: “Sự ra đời của tê giác”, “Gọi giữa Thiên hà”, “Cô bé và con chim đen”…
Chính ông cũng thừa nhận: Nếu bằng con mắt hội họa nhìn vào những bức tranh tôi vẽ thì sẽ tìm ra vô khối lỗi. Nhưng quan trọng là, nếu không vẽ tranh, tôi không thể hoàn thành xong tiểu thuyết “Hỗn độn”.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục dự định viết bộ “Hỗn độn” gồm 3 tập. Tập 1 có tên “Biên bản đột sinh”. Tập 2 với tên gọi “Lỗ thủng thời gian”. Còn phần 3 sẽ có tên “Bài ca trên đỉnh vô danh”. Nhà văn từng quả quyết, đó là cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất trong đời viết của ông và ông sẵn sàng bỏ hết những cuốn đã viết.
Ông cũng nói rằng, viết “Hỗn độn”, in hay không, in lúc nào không quan tâm. Điều ông quan tâm là mình phải viết, và viết tới cùng, viết “tới đáy” tất cả những gì mình có thể…
Tập 1 của tiểu thuyết “Hỗn độn” được in ra, khoảng cuối năm 2015. Nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã rất vui, ông ký và gửi tặng sách cho những người bạn thân của mình. Đó cũng là lúc ông phát hiện và chống chọi với căn bệnh ung thư phổi. Sau 11 tháng điều trị bệnh, ông ra đi trong giấc ngủ thanh thản. Lúc đó, kim đồng hồ chỉ vào 3 giờ 40 phút ngày 20/5/2016 tại Bệnh viện Quân y 103 Hà Nội.