Nhà văn Lại Hồng Khánh: Nét chữ cũng là phẩm chất chứa hàm lượng văn hóa

GD&TĐ - Nhiều khách tham quan Bảo tàng Quân sự Việt Nam đã rất ấn tượng với bản thảo “Ghi dọc cánh rừng” trưng bày tại đây.

Hàng ngày, tác giả Lại Hồng Khánh vẫn viết tay những vần thơ mới vào sổ.
Hàng ngày, tác giả Lại Hồng Khánh vẫn viết tay những vần thơ mới vào sổ.
Nhà văn Lại Hồng Khánh: Nét chữ cũng là phẩm chất chứa hàm lượng văn hóa ảnh 1
Nhà văn Lại Hồng Khánh, sinh năm 1950, quê Phú Xuyên, Hà Nội. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ năm 2006). Hội viên Hội Nhà Báo Việt Nam (từ năm 2004). Tác phẩm đã xuất bản: “Trắng câu gọi đò” (thơ - NXB Thanh niên 1990) – “Ghi dọc cảnh rừng” (văn - NXB Lao động 2002) – “Trái tim mùa hạ” (thơ - NXB Văn học 2003) – “Vầng trăng Kinh Bắc” (thơ - NXB Hội Nhà văn 2007) – “Chở đầy thời gian” (thơ - NXB Văn học 2014) – “Tinh thần Việt” (thơ - NXB Thanh niên 2020) – “Mỗi ban mai” (thơ - NXB Thanh niên 2021).
Giải thưởng văn học: Giải Bạc kịch bản văn học “Sắc xà cừ” tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2002.

Bản thảo được nhà văn Lại Hồng Khánh viết tay với nét chữ rất đẹp, đều đặn chuẩn mực. Tập bút ký này cũng vừa được chuyển ngữ tiếng Anh và xuất bản ở Canada đầu năm 2022. 

Báo GD&TĐ có cuộc trò chuyện với nhà văn, nhà thơ Lại Hồng Khánh về nét chữ, nết người và những ảnh hưởng của chữ viết tới cuộc đời ông.

- Bản thảo viết tay tập bút ký “Ghi dọc cánh rừng” vừa được xuất bản tại Canada,  nét chữ của ông rất đẹp, mười chữ như mười. Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm về người thầy từng rèn chữ cho ông thuở học trò?

- Trước tiên, cảm ơn bạn đã có câu hỏi cũ mà rất mới xung quanh chữ viết của chúng ta. Như các bạn cùng lứa khi học tiểu học những năm 60 của thế kỷ trước, tôi may mắn được thầy giáo làng - thầy Vương Văn Hoắc (tức ông Chánh Hoắc) dạy từ lớp vỡ lòng rồi lớp Một - kỳ công, nghiêm khắc rèn ngay từ buổi đầu cầm bút nắn nót từng nét, từng dấu chấm phẩy.

Và tôi cũng hào hứng tiếp thu, nắn nét chữ viết theo thầy từng ngày. Rồi nét chữ ấy của thầy in đậm vào tôi lúc nào không hay. Để có nét chữ chuẩn mực theo tôi cả đời như nét tính cách riêng, tôi vô cùng biết ơn người thầy đã rèn tôi nét chữ từ lớp Một trường làng (tại Phú Xuyên, Hà Nội).

- Hồi đó, ông có cảm giác như thế nào khi thầy nghiêm khắc và việc rèn chữ viết mất nhiều công sức như thế?

- Là học trò vùng Đồng bằng sông Hồng, gia đình làm nghề nông kinh tế khó khăn, nhà lại đông các em, song bù lại tôi rất chịu khó và say mê đọc sách ngay từ nhỏ. Việc được thầy rèn chữ nghiêm khắc với tôi cũng là dịp để tiếp thu điều hay với sự tự giác và thích thú chứ không có cảm giác áp lực.

- “Nét chữ cũng là nết người”, theo ông, câu nói này của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có ý nghĩa thế nào? Và với riêng ông, việc có nét chữ đẹp mang lại những thuận lợi gì?

- “Nét chữ nết người” được tổng kết qua câu nói của cố Thủ Tướng Phạm Văn Đồng là rất thấm thía và là định hướng lớn cho ngành Giáo dục cũng như nỗ lực học tập rèn luyện của học sinh.

Trong suốt chặng đường học tập, công tác, việc viết chữ đẹp tất nhiên mang lại cho tôi nhiều thuận lợi, tạo thiện cảm với mọi người. Tôi nhớ thời đi học, khi làm bài kiểm tra Vật lý lớp 6, thầy giáo cho điểm 5/5 và kèm theo Lời phê “CHỮ CỦA EM ĐẸP”. Khi đó tôi thấy mình hạnh phúc!

Những vần thơ mới viết tay của tác giả Lại Hồng Khánh
Những vần thơ mới viết tay của tác giả Lại Hồng Khánh

- Ông có thể kể một kỷ niệm sâu sắc liên quan tới nét chữ của mình?

- Tôi nhớ khi học lớp 5, nghỉ hè tôi được lên chơi với anh trai cả tôi là cán bộ Tổ chức ngành Văn hóa Hà Nội, anh có giao tôi viết Giấy khen của đơn vị. Khi tôi viết xong, anh cả vui và tự hào vì chữ viết đẹp chuẩn mực của em trai, và những người nhận Giấy khen cũng rất hài lòng (trong đó có NSND THANH TRẦM - là diễn viên của Đoàn Kịch nói Hà Nội khi đó đã nhận Giấy khen do tôi viết).

- Thời còn ở trong rừng, ông có được các thủ trưởng nhờ viết thư, hay trình bày báo tường vì nét chữ đẹp hay không? Ông ngưỡng mộ nhân vật nào vì nét chữ của họ?

- Khi ở chiến trường miền Đông, sau 3 năm chiến đấu tại Đại đội Công binh, anh Ba Phước (quê Quảng Nam) - Trưởng ban Tổ chức Phòng Chính trị Cục Tham mưu Miền thấy tôi viết chữ đẹp, lại thêm có kỹ năng viết báo nên điều động tôi về làm trợ lý tổ chức Phòng Chính trị, Cục Tham mưu miền Đông Nam Bộ.

Tôi đảm nhận việc chuyên viết giấy chuyển sinh hoạt Đảng cho cán bộ trung cao cấp từ chiến trường B2 ra Bắc. Khi đó, tôi 23 tuổi, là trợ lý trẻ nhất cơ quan Phòng Chính trị Miền! Tại đơn vị chiến đấu, tôi rất ngưỡng mộ tinh thần chiến đấu, phong cách chỉ huy và chữ viết tròn đẹp của Đại úy Trần Trung Thưởng, quê làng Đống Chanh, xã Minh Cường, huyện Thường Tín (Hà Nội). Nay, ông đã 84 tuổi và tôi thường qua thăm ông.

- Có một số người cho rằng, nét chữ của các bạn trẻ hiện nay quá ẩu, xấu. Quan điểm của ông ra sao trước hiện tượng đó?

- Lớp trẻ hiện giờ có nhiều thuận lợi, khác xa ngày trước. Song do nhiều yếu tố tác động, nhất là công nghệ ngày càng phát triển thần kỳ nên thay thế các kỹ năng con người. Việc viết chữ đẹp hình như không còn được quan tâm nhiều nữa.

Muốn sửa tình trạng này thì chắc chắn phải bắt đầu từ giáo dục, trong kết cấu chương trình nên dành thích đáng cho việc rèn chữ ngay từ mầm non và phụ huynh cũng cần thường xuyên quan tâm kèm cặp con mình viết chữ đẹp!

Những cuốn sách đã xuất bản của nhà văn Lại Hồng Khánh
Những cuốn sách đã xuất bản của nhà văn Lại Hồng Khánh

- Ông có sáng kiến gì để khiến bạn trẻ thay đổi và ý thức hơn về việc cần có nét chữ đẹp, rõ ràng? Tại sao đến nay có máy chữ, rất tiện cho việc soạn thảo văn bản, mà ông vẫn cẩn thận viết tay vào sổ khi làm thơ?

- Việc thay đổi nhận thức để có ý thức viết chữ đẹp đối với lớp trẻ hiện nay trong thời đại 4.0 này quả là không đơn giản, phải tạo ra hiệu ứng xã hội về nét chữ nết người trong đời sống.

Và phải kiên trì bền bỉ về mục tiêu này như một phẩm chất chứa hàm lượng văn hóa. Và những văn bản chữ cẩu thả không chỉ là thiếu tôn trọng thầy, người đọc, người nhận, mà còn bị thiệt, bị kém so với chữ cẩn trọng, sạch đẹp…

Với tôi, hiện giờ tuy có đủ phương tiện và thao tác thông thạo tiện ích, nhưng khi sáng tác thơ tôi vẫn viết tay vào sổ và chia sẻ cùng bạn hữu như một trao gửi những suy ngẫm cảm thấu của mình tới bạn đọc qua nét chữ đã thành máu thịt từ ấu thơ tới hôm nay và còn tiếp tục viết với nét chữ ấy khi mình còn cầm bút.

Nét chữ như hơi thở, như nhịp sống của mình và đó là hồn cốt thần thái mà cha mẹ, thầy cô và trời đất đã ban tặng.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.