Nhà văn phương Tây và truyện trinh thám về Trung Hoa

GD&TĐ - Robert Van Gulik (1910 - 1967) là một nhà nghiên cứu Đông phương học nổi tiếng, từng học Pháp luật và Ngôn ngữ phương Đông tại Hà Lan.

Địch công kỳ án – Thuyền Hoa Án của Robert Van Gulik.
Địch công kỳ án – Thuyền Hoa Án của Robert Van Gulik.

Năm 1935, ông nhận học vị tiến sĩ nhờ công trình nghiên cứu về Ấn Độ, Tây Tạng (Trung Quốc) và Viễn Đông.

Người mở đường

Từ 1935 và những năm tiếp theo, ông trở thành một quan chức ngoại giao công tác tại nhiều nơi như Trùng Khánh, Nam Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản) và một số nước khác; cuối đời trở thành Đại sứ Hà Lan tại Nhật Bản.

Ông đã viết nhiều tác phẩm bằng các ngôn ngữ như: Trung Quốc, Hà Lan, Anh, Italia, Nhật Bản, bao gồm các loại tản văn, tiểu thuyết, ghi chép… về Trung Quốc và văn hóa phương Đông và luyện chữ đạt đẳng cấp một nhà thư pháp. Ông là tác giả của hàng loạt cuốn sách chuyên môn về văn hóa phương Đông, như “Trung Quốc cổ đại cầm học”, “Kê Khang cầm phú”, “Trung Quốc hội họa giám thưởng”, “Địch công kỳ án”, “Xuân mộng tỏa ngôn”, “Bí hí đồ khảo”, “Trung Quốc cổ đại phòng nội khảo”…

Van Gulik được coi là một trong những người Âu sớm khai phá, mở đường cho phương Tây hiểu biết thêm về Trung Quốc thông qua những tác phẩm nói trên, nhất là bộ truyện “Celebrated Cases of Judge Dee” (Những cuộc điều tra của quan họ Địch/Địch công kỳ án) gồm 16 tập - một dạng tiểu thuyết trinh thám.

Van Gulik từng sống ở Indonesia, Nhật Bản, Trung Quốc... nhưng có thể nói ông hiểu Trung Quốc, yêu xứ sở này nhất. Khi ở Trùng Khánh, ông từng kết hôn với một phụ nữ Trung Quốc tên là Shui Shifang, con gái của một quan triều nhà Thanh, và họ có với nhau 4 người con.

Truyện trinh thám điển hình

Bộ truyện của Van Gulik được xây dựng dựa trên nguyên mẫu là tể tướng Địch Nhân Kiệt (630 - 700) một nhân vật lịch sử sống vào đời nhà Đường thế kỷ thứ VII. Địch công sinh tại Tĩnh Châu, phủ Thái Nguyên (Sơn Tây) đã làm quan tại các địa phương trải qua các cương vị như: Huyện lệnh, Pháp tào Tham quân, Tuần phủ, Thứ sử.

Năm 47 tuổi, ông về kinh đô Trường An làm Đại lý thừa Tự khanh rồi lần lượt được thăng lên Thị ngự sử, Thị lang bộ Công, Thượng Thư tả thừa, hai lần làm Trung thư lệnh (tể tướng) và đô đốc dưới thời thống trị của Võ Tắc Thiên.

Phẩm chất đạo đức và tài phá án của ông đã được người đời ca tụng sủng ái đến mức như huyền thoại. Không chỉ là người có hiểu biết về pháp luật, khoa học hình sự, tâm lý con người, Địch công còn có kiến thức kiếm thuật, võ thuật lẫn Trung y, pháp y, xem tướng, địa lý...

Có thể coi ông là một quan tòa thời phong kiến Trung Quốc mang dáng dấp của thám tử Sherlock Holmes nước Anh. Cùng với các hộ vệ mưu trí, dũng cảm, dám xả thân vì chủ - họ là những giang hồ hảo hán được ông cảm hóa, tình nguyện đi theo vì lý tưởng an dân định quốc. Địch công đã phá được rất nhiều vụ án ly kỳ, phức tạp, khó nắm bắt, nhiều điểm nút khó gỡ.

Không chỉ kể chuyện về các vụ án và những tình tiết trinh thám đặc sắc, Van Gulik cũng rất khéo léo và dụng công nghệ thuật đưa vào bộ tiểu thuyết trinh thám này những nét văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán, lối sống, cách ứng xử, tâm lý, sinh hoạt... của nhiều loại người Trung Quốc thời xưa.

Tuy sống dưới thời trị vì của Võ Tắc Thiên có nền chính trị biến động, cảnh huống phức tạp, ông vẫn vượt qua các hiểm nghèo để phát huy năng lực, cống hiến xứng đáng cho xã hội và phục vụ nhân dân. Là một vị quan công minh, có tài, theo chủ nghĩa duy lý, biết xử lý mọi mối quan hệ, nhưng tư tưởng của Địch công vẫn đậm nét của Nho gia, được đào tạo theo tư tưởng Khổng giáo. Luôn theo tư tưởng “trung quân, ái quốc”, Địch công coi nguyên tắc “Trung quân” đặt lên hàng đầu.

Ông từng vén màn rất nhiều những vụ án quan tham, phản loạn, dù chúng là vương công, đại thần, tướng lĩnh thuộc nội vệ thân tín của Võ hậu… Địch công còn lấy sự trung thành với lý tưởng của mình; lý tưởng thanh quan chăm lo, yêu thương dân chúng như ruột thịt làm kim chỉ nam cuộc đời trong môi trường quan lại đầy cạm bẫy. Các cốt truyện của ông đều toát lên cả tính tư tưởng, hoàn cảnh đa dạng, căng thẳng, nhiều tình tiết éo le, số phận trắc trở, nhân vật điển hình...

Sức hút của bộ truyện Địch công kỳ án còn gồm yếu tố ly kỳ, tính muôn màu, muôn vẻ của nó. Trong 16 tập truyện, độc giả gần như sẽ bắt gặp mọi mô típ vụ án đặc trưng nhất của truyện trinh thám: Án mạng trong phòng kín, tráo đổi thi thể, phi tang dấu vết, che giấu tang vật, sự nham hiểm của kẻ ác nhiều mặt nạ, tội phạm dùng độc dược, dối trá, gây nhiễu, đe dọa, ám sát, tống tiền… Độc giả có thể hồi hộp theo dõi các thủ pháp điều tra tâm lý được đẩy lên tới cao độ khi đọc truyện dạng “Tứ bình phong” hoặc đọc “Bí mật căn phòng đỏ” để biết thêm kiểu vụ án mạng trong phòng kín.

Chuyện “Xử án trong tu viện”, “Đạo quán có ma” với không khí ma quái rùng rợn trong các tu viện ẩn chứa những mật thất bí ẩn có thể dựng thành phim kinh dị, còn chuyện “Vụ giết người trong đầm sen”, hẳn người đọc sẽ vô cùng thán phục tài phá án Địch công - Địch Nhân Kiệt, người có thể phá án từ những chứng cớ vô cùng mờ ảo như tiếng ếch kêu… hoặc nguy hiểm thoát chết của Địch công trong đường tơ trong truyện “Quảng Châu án” các truyện nhiều tình tiết bất ngờ trong: “Bí mật của quả chuông”, “Viên ngọc của hoàng đế”...

Ngoài ra, những yếu tố “liêu trai” kỳ lạ giữa thực và ảo, tính truyền thuyết dân gian đầy phúng dụ; các lời nguyền khủng khiếp; khung cảnh rùng rợn của nghĩa trang trời mưa, chùa đổ nát, gió thu gào trên mái nhà lợp cỏ, sương khói chiều buông trên xóm vắng, quán rượu nát với khách giang hồ lục lâm, mô típ giả quỷ thần, bóng dáng âm mưu chính trị triều đình... cũng được Van Gulik sử dụng rất hợp lý, phân cảnh thành công, đặc tả được màu sắc rất Trung Hoa.

Đó là nghệ thuật miêu tả nhân vật “tả cảnh ngụ tình”, “nhìn cảnh mà nhớ đến người”, sử dụng nhiều tục ngữ, định ngữ rút từ Khổng giáo... góp phần tạo nên sự thu hút lạ lùng đối với người độc giả.

Là một nhà văn theo chủ nghĩa phê phán hiện thực, thông qua câu chuyện các vụ án, Van Gulik đã bóc trần bộ mặt xã hội nhà Đường dưới thời trị vì của Võ Tắc Thiên chứa đựng nhiều chuyện mầm mống mâu thuẫn thối nát: Triều đình đầy rẫy bọn tham quan gian hiểm giống như Võ Thừa Tự, Lai Tuấn Thuần, những kẻ dâm đãng, bất tài như anh em Trương Dịch Chi; cường hào các xứ dựa bóng tham quan hoành hành; người dân bị áp bức, oan ức...

Chịu ảnh hưởng của văn hóa thế kỷ Ánh sáng phương Tây, lại chứng kiến nhiều nghịch cảnh ở phương Đông, Gulik mang trong lòng tâm thế nhân bản, trắc ẩn, yêu các thân phận yếu thế trong xã hội ở Trung Quốc lúc đó.

Ông thông cảm với người nông dân bị cường hào chèn ép; xót xa hoàn cảnh kỹ nữ bị đẩy vào lầu xanh. Tuy không nhiều, nhưng giữa những cái rắc rối, thiện ác tranh đấu kịch liệt, vẫn có những chuyện tình cảm lay động tình người, những tình yêu lóe sáng trong đêm trường phong kiến xứ Trung Hoa - nơi còn xa lạ với trời Âu đương thời.

Tại Trùng Khánh, một thầy địa lý giỏi có lần uống trà với Van Gulik đã nhận xét về ông rằng:

Trán cao sang, hay nhìn thẳng xoáy vào tâm kẻ khác,

Miệng rộng, nhân trung sâu, nhiều con, danh vọng bền lâu,

Quan sát giỏi, lắng nghe, tính phong lưu, là người biện bác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ