Tù trưởng chiến binh anh hùng của Philippines

GD&TĐ - Mặc dù khét tiếng siêu cường toàn cầu nhưng thực dân Tây Ban Nha trong thế kỷ XVI lại thất bại trước Tù trưởng Lapu-Lapu của Philippines.

Quá khinh địch, Magellan đại diện cho thực dân Tây Ban Nha thảm bại trong trận Mactan. Ảnh: Thezoomerhistorian.medium.com
Quá khinh địch, Magellan đại diện cho thực dân Tây Ban Nha thảm bại trong trận Mactan. Ảnh: Thezoomerhistorian.medium.com

Chỉ với kiếm sắt, cung tên và giáo tre, Lapu-Lapu đánh bật vũ khí hạng nặng của kẻ thù, giúp đất nước hưởng bình yên thêm hơn 40 năm nữa.

Phản đối cống nạp

Lapu-Lapu (? - ?) chào đời trên đảo Mactan, có tên khai sinh là Çilapulapu và sớm trở thành tù trưởng. Tư liệu về ông rất ít ỏi nhưng chuyện kể dân gian thì rất nhiều. Kết hợp giữa tư liệu và truyền miệng chỉ ra, Lapu-Lapu sống dưới thời trị vì của Quốc vương Rajah Humabon (? - 1565). Với tư cách tù trưởng của Mactan, ông đã xin quốc vương cho nơi định cư và được cấp vùng Mandawili (nay là Mandaue).

Người dân Mactan rất chăm chỉ làm lụng. Chẳng bao lâu, họ đã cùng tù trưởng biến mảnh đất mới của mình thành vùng nông nghiệp trù phú. Tuy nhiên, sự thịnh vượng của họ lại khiến Humabon e ngại Lapu-Lapu và dẫn đến kết cục 2 người trở mặt với nhau. Trong cơn tức giận, Lapu-Lapu bỏ quy phục vua làm cướp biển, tấn công các tàu buôn của chính Humabon.

Cùng thời gian này nhưng ở châu Âu, Tây Ban Nha phát triển thành siêu cường toàn cầu. Cuối thế kỷ trước, XV, nhà hàng hải gốc Ý của họ - Christopher Columbus (1451 – 1506) đã hoàn thành chuyến đi vòng quanh thế giới, phát hiện châu Mỹ và mở ra thời kỳ thực dân Tây Ban Nha thuộc địa châu Mỹ.

Bây giờ, sau 30 năm, họ cử nhà thám hiểm Ferdinand Magellan (1480 – 1521) tiếp bước, khám phá châu Á. Magellan đã tìm thấy Philippines và tuyên bố quốc đảo này thuộc về Hoàng gia Tây Ban Nha.

Vừa thấy Magellan đến, Humabon đã nghênh đón bằng thái độ niềm nở và chấp thuận làm chư hầu, đồng ý cống nạp hàng năm. Tuy nhiên, chưa kịp mừng vì việc thuộc địa quá đỗi thuận lợi, Magellan đã phải đối mặt với sự đối địch gay gắt từ kẻ thù của Humabon là Lapu-Lapu.

Ngoài Lapu-Lapu, trên Mactan còn một tù trưởng khác đồng cai trị là Zula. Trái với Lapu-Lapu, Zula rất thân với Humabon và dĩ nhiên cũng thuần phục Tây Ban Nha, nỗ lực vơ vét tài vật của người dân làm lễ vật cống nạp cho quốc mẫu mới.

Lapu-Lapu dùng mọi cách cản trở, khiến Zula trắng tay. Bước đường cùng, Zula phải cầu cứu Humabon và quốc vương này liền xin Magellan viện trợ trừng trị Lapu-Lapu.

tu-truong-chien-binh-anh-hung-cua-philippines-2.jpg
Tượng Lapu-Lapu trên đảo Mactan. Ảnh: Ancient-origins.net

Trận chiến Mactan

Nửa đêm ngày 27/4/1521, Magellan nhân danh đáp ứng lời khẩn cầu của Humabon dẫn đầu lực lượng khoảng 60 người hợp lực với 20 – 30 tàu chiến của Humabon tấn công Lapu-Lapu. Trước bình minh khoảng 3 giờ, họ đã tới Mactan nhưng lại không thể tấn công ngay vì các mỏm đá và rạn san hô xung quanh hòn đảo không cho phép tàu thuyền tiếp cận.

Magellan buộc phải thả neo và nghĩ chiến thuật khác. Trong lúc này, ông cũng nhận được tin báo Lapu-Lapu có 1.500 quân và vũ khí của họ là kiếm sắt, cung tên và giáo bằng tre.

Tuy chỉ có 49 người là quân được trang bị vũ khí hạng nặng (súng hỏa mai, áo giáp sắt, kiếm) nhưng Magellan vẫn cười khẩy. Ông ra lệnh cho các binh sĩ của Humabon cứ việc “ngồi chơi xơi nước”, đích thân dẫn 49 lính của mình lội vào bờ, đối chiến với lực lượng của Lapu-Lapu.

Vừa lên bờ, nhóm của Humabon đã đốt nhà để dọa nạt quân Lapu-Lapu. Trái với mong đợi của họ, các chiến binh của Lapu-Lapu không chỉ không sợ hãi mà còn cuồng nộ, lao tới đáp trả bằng vũ lực ngay lập tức.

Giao tranh vừa diễn ra, Magellan đã trúng tên tẩm độc vào chân. Quá hốt hoảng, ông ra lệnh rút lui ngay. Chỉ chớp mắt, thế trận đã nghiêng về phía những chiến binh vũ khí thô sơ. Với số lượng đông hơn gấp 30 lần, họ tràn xuống áp đảo nhóm của Magellan, đánh giết và đuổi sạch về thuyền.

Thất bại của Magellan là ví dụ điển hình của việc khinh địch và thiếu hiểu biết về xã hội của vùng đất mới. Trong khi ông cứ tưởng Humabon là nhân vật quyền lực nhất thì thực chất, quốc vương này có thể yếu hơn Lapu-Lapu cả về quân lực lẫn lòng dân.

Tại Philippines lúc này, quyền lực còn chưa tập trung. Mỗi hòn đảo đều có tù trưởng riêng và người dân tin tưởng vào tù trưởng của họ hơn là vị vua đang ngồi ở hòn đảo khác.

Chưa kể, Humabon còn kết hôn với cháu gái của Lapu-Lapu. Luận về vai vế, quốc vương chỉ là cháu rể. Magellan chưa rõ tôn ti thế nào đã yêu sách Lapu-Lapu phải thủ phục trước Humabon là thất sách.

Trong trận Mactan, Magellan lê cái chân bị thương chạy về thuyền nhưng bị các chiến binh của Lapu-Lapu áp sát, lấy mũi giáo lật mũ giáp ra nhìn và ngay sau khi xác thực được ông chính là tướng địch, một người đã phóng thẳng giáo tre vào mặt ông. Magellan vội vã nắm lấy chuôi kiếm nhưng chưa kịp rút lưỡi kiếm ra đã bị tên bắn vào tay. Cả toán đông các chiến binh của Lapu-Lapu xông tới, giết chết ông bằng loạn kiếm đâm chém.

Buổi chiều cùng ngày, chiến sự tàn, Humabon nhận thua và cúi xin Lapu-Lapu trả thi thể của Magellan. Đổi lại, ông xin dâng tặng cho Lapu-Lapu một khoản tiền lớn nhưng đã bị từ chối. Lapu-Lapu quyết giữ thi thể của Magellan làm chiến lợi phẩm.

Sau khi cứu chữa cho những thủy thủ đoàn thám hiểm của Tây Ban Nha sống sót, Humabon đưa họ đến Cebu, lãnh thổ của ông. Theo tư liệu sử, những người này cậy thế mẫu quốc hãm hiếp phụ nữ địa phương nên cuối cùng, họ bị chính Humabon đầu độc, tử vong 27 người.

Trước sự thay đổi của Humabon, Lapu-Lapu cũng nguôi giận và 2 người quay trở lại mối quan hệ hòa hảo. Cùng năm, ông đưa gia đình và 17 lính tận trung về Borneo, sống ẩn dật đến tận cuối đời. Không ai rõ ông mất vào năm nào hay được an táng tại đâu.

Người Philippines tôn ông là vị anh hùng đầu tiên của dân tộc. Năm 2017, Tổng thống Rodrigo Duterte (1945) công bố lập ngày 27/4 làm Ngày Lapu-Lapu và kể từ năm 2024, Ngày Lapu-Lapu là một trong các ngày quốc lễ.

Truyền thuyết dân gian Philippines thì tin Lapu-Lapu không chết mà hóa thân thành đá, canh giữ vùng biển Mactan đời đời kiếp kiếp. Ngư dân Mactan thường đặt tiền xu lên những tảng đá có hình người để xin phép ông cho đánh bắt cá kiếm ăn.

Từ năm 1933, khi thành phố Lapu-Lapu vẫn còn là thị trấn cùng tên, tượng của Lapu-Lapu đã được dựng tại quảng trường trung tâm. Ban đầu, tượng ông cầm nỏ, sau đó mới được thay bằng cầm kiếm và khiên như bây giờ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.