Truyền thuyết về chiến binh thần thánh

GD&TĐ - Yamato Takeru là cái tên gắn liền với lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng trong văn hóa dân gian Nhật Bản.

Hoàng tử Yamato Takeru với nhiều chiến công thần thánh.
Hoàng tử Yamato Takeru với nhiều chiến công thần thánh.

Không chỉ tiêu diệt kẻ thù, ông còn du hành đến những vùng đất xa xôi và chiến đấu với các vị thần. Câu chuyện của ông là sự kết hợp giữa sự thật lịch sử, văn hóa dân gian và tôn giáo, tạo nên một điều gì đó thực sự phi thường.

Hoàng tử can trường

Là con trai của nhà cai trị Keikō, Thiên hoàng thứ 12 của Nhật Bản, cuộc sống thời thơ ấu của Yamato Takeru được đánh dấu bằng lòng dũng cảm phi thường, sức mạnh võ thuật và trí tuệ. Được một số người xem là ninja đầu tiên, ông nhanh chóng khẳng định mình là một chiến binh mạnh mẽ và nhà chiến thuật tài ba.

Câu chuyện của Yamato Takeru diễn ra tại một thời điểm mà thần thoại và sự thật thường khó phân biệt. Theo truyền thuyết, ông sinh vào thế kỷ thứ nhất Công nguyên, trong thời kỳ vương triều Yamato trị vì.

Kojiki (Cổ sự ký) và Nihon Shoki (Biên niên sử Nhật Bản) miêu tả Yamato Takeru như một chiến binh can trường và là biểu tượng cho quyền cai trị thiêng liêng của triều đại Yamato.

Theo truyền thuyết, hoàng tử Yamato Takeru được giao nhiệm vụ xử tội anh trai, người đã bất kính với phụ vương của họ, và đã xé xác tội nhân ra từng mảnh. Còn theo một phiên bản khác, Yamato phát hiện anh trai mình đang âm mưu chống lại cha nên đã giết chết người này để tỏ lòng trung thành với hoàng đế.

Thật không may, vụ việc tàn bạo này đã khiến hoàng đế hoảng sợ. Không muốn trực tiếp xử tử con trai mình, nhà vua đã cử Yamato đến tỉnh Izumo (ngày nay là tỉnh Shimane) và sau đó là Kumaso (một vùng đất huyền thoại) để dẹp các cuộc nổi loạn mà không cấp cho một toán quân nào. Đây được xem là một sứ mệnh cảm tử theo ý đồ của hoàng đế. Lúc này, Yamato thậm chí còn chưa tròn 16 tuổi.

Tuy nhiên, hoàng tử trẻ không dẹp loạn bằng chiến tranh. Người ta nói rằng, lợi dụng khuôn mặt trẻ đẹp, chàng cải trang thành hầu gái và thâm nhập vào một bữa tiệc rượu do thủ lĩnh Kumaso tổ chức. Tiến lại gần kẻ thù, Yamato đâm chết hắn trước mặt những người dự tiệc khác. Truyền thuyết này đã được mô tả là câu chuyện ninja đầu tiên.

Chiến công thần thánh

truyen thuyet ve chien binh than thanh (2).jpg
Bức tượng đồng của hoàng tử Yamato Takeru tại khu điện thờ Otori- taisha, Osaka.

Trên đường trở về sau khi dẹp loạn Kumaso, Yamato được cho là đã giết một vài vị thần đe dọa vương quốc của cha mình. Tuy nhiên, chàng sớm nhận ra những chiến thắng kể trên chẳng giúp thuyết phục nhà vua rằng, đứa con này không phải là mối nguy hiểm đối với ông.

Thay vì ban thưởng, hoàng đế lại quyết định cử con trai tiếp tục thực hiện một nhiệm vụ cảm tử khác. Lần này, ông cử Yamato đến vùng đất phía đông, nơi một cuộc nổi loạn khác do người Emishi khởi xướng.

Trên đường đi, Yamato gặp dì của mình, Công chúa Yamato-hime, nữ tư tế tối cao tại đền Ise Grand. Chàng thú nhận với bà là đang buồn chán vì cha muốn giết, khi cử đi dẹp loạn mà không cấp cho binh lính.

Công chúa thương hại hoàng tử, cho chàng mượn thanh kiếm thánh (Kusanagi no tsurugi). Đây là vũ khí được thần bão Susanoo tìm thấy trong xác của con rắn lớn tám đầu, biểu tượng cho sự ưu ái của thần linh và tính hợp pháp của hoàng gia.

Trước khi đến Emishi, Yamato lại được giao chỉ huy chiến dịch quân sự chống lại những kẻ nổi loạn ở Yemishi. Sau khi đánh thắng kẻ thù, trên đường trở về, hoàng tử một lần nữa đến thăm dì của mình và được tặng một thanh kiếm khác, Kusanagi. Với món quà này, chàng tiến đến Emishi cùng với vợ mình từ vịnh Sagami.

Thật không may, một kami (thần) sống dưới biển đã nổi giận và sai khiến một cơn bão lớn để đánh chìm thuyền của chàng. Nhận thấy chồng mình không thể địch lại một thế lực mạnh mẽ giữa đại dương, vợ của Yamato, Oto Tachibana-him, đã hy sinh thân mình để xoa dịu vị thần đang tức giận.

Hài lòng với sự hy sinh đó, vị thần đã cho tàu của Yamato đi qua và cập bến Emishi. Đang phục sẵn trên bãi biển, nhưng khi nhìn thấy Yamato hùng mạnh, quân nổi loạn đã xếp giáo quy hàng.

Theo truyền thuyết, Yamato qua đời vào năm thứ 43 của triều đại cha mình khi trở về nhà từ vùng đất phía Đông. Trong hành trình đó, hoàng tử quyết định tấn công vị thần của núi Ibuki. Quá tự tin, ông không cần dùng các thanh kiếm của mình.

Khi leo lên núi, Yamato thấy một con lợn rừng trắng băng qua đường và nhầm đó là sứ giả của vị thần núi nên không chú ý, đề phòng. Trên thực tế, đó chính là vị thần và ông ta đã lợi dụng sơ hở này để tấn công, đánh bại người anh hùng kiêu ngạo. Yamato qua đời không lâu sau đó.

Truyền thuyết kể rằng, linh hồn của ông đã biến thành một con chim trắng khổng lồ và bay đi. Thi hài ông được chôn cất trong một ngôi mộ tại Ise, còn các di vật bao gồm cả thanh kiếm yêu quý của ông, đã được đưa đến đền Atsuta.

Ngày nay, Yamato Takeru được tôn thờ trên khắp Nhật Bản như một chiến binh can trường và một vị thần. Di sản của Yamato Takeru vẫn tiếp tục truyền cảm hứng, nhắc nhở người dân Nhật về những giá trị vượt thời gian của lòng dũng cảm, sự tương tác phức tạp giữa con người và thần thánh.

Theo Ancient- origins

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ