Trận tử chiến của 300 chiến binh Sparta

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm 480 trước Công nguyên, Quốc vương Xerxes I (519 - 465 TCN, Ba Tư) dẫn 200 nghìn quân xâm lược Hy Lạp qua Hẻm Thermopylae.

Vua Leonidas I của Thành bang Sparta đích thân chỉ huy trận chiến cảm tử. Ảnh: Historyextra.com
Vua Leonidas I của Thành bang Sparta đích thân chỉ huy trận chiến cảm tử. Ảnh: Historyextra.com

Ông không bao giờ ngờ, chỉ với 300 chiến binh Sparta, Hy Lạp thành công chứng minh việc chặn đứng đại quân vô địch là có thể.

Trận chiến không cân sức

Quốc vương Xerxes I nổi tiếng là “vua của các anh hùng”, luôn đánh đâu thắng đó. Ngoài lực lượng quân sự siêu mạnh với khoảng 1 triệu quân, ông còn sở hữu lực lượng chiến binh siêu ưu tú có tên là Chiến binh Bất tử (Immortals). Họ kiêm một lúc 2 vai trò, cận vệ hoàng gia và binh lính tinh nhuệ, người nào cũng cực kỳ mạnh mẽ và hung tàn.

Hẻm Thermopylae, Hy Lạp nằm cách thủ đô Athens ngày nay khoảng 200km về phía Bắc, địa hình hiểm trở với những ngọn núi cao sừng sững. Vào thời TCN, mực nước biển cao hơn bây giờ, ngập sâu đến rìa các chân núi, để lại lối đi hẹp với 2 đầu chỉ rộng tối đa 5m.

Trước khi đến Thermopylae, Quốc vương Xerxes I đã có 4 tháng tiến quân vào Hy Lạp mà không vấp phải bất cứ kháng cự đáng kể nào. Lực lượng binh lính đông 200 nghìn quân của ông đi qua thành quách nào cũng nhanh chóng chiếm được thành quách đó, nên ai nấy tự tin sẽ sớm nuốt trọn cả Hy Lạp.

Tháng 7/480, đại quân xâm lược của Quốc vương Xerxes I tiến đến đầu Hẻm Thermopylae. Lúc này đang là cuối Hè và để thắng lợi trọn vẹn, Xerxes I cần nhanh chóng băng qua nơi này, tiến sâu vào phía Nam của Hy Lạp và chiếm hết các vùng đất trước mùa Đông. Nếu không, chính ông sẽ gặp rắc rối vì thiếu nguồn cung cấp lương thực, quân trang cho quân mình.

Với lực lượng mạnh áp đảo, Quốc vương Xerxes I không chút lo ngại bị chặn lại. Đón đầu đại quân của ông ở đầu Hẻm Thermopylae bên kia cũng chỉ là chưa đến 7 nghìn quân Hy Lạp.

Quốc vương Ba Tư - Xerxes I, người dùng 200 nghìn quân đối đầu với 300 chiến binh Sparta. Ảnh: Wikipedia.org

Quốc vương Ba Tư - Xerxes I, người dùng 200 nghìn quân đối đầu với 300 chiến binh Sparta. Ảnh: Wikipedia.org

Biểu tượng quả cảm

Mặc dù chỉ có gần 7 nghìn quân, trong đội ngũ của Hy Lạp có 300 chiến binh Sparta và chỉ huy của họ là Vua Leonidas I (? – 480 TCN) của Thành bang Sparta. Đối với Leonidas I và các chiến binh dưới tay ông, chỉ có chiến đấu hoặc chết, không có chuyện tháo chạy.

Với mục đích tiến công nhanh, Quốc vương Xerxes I lập tức chia quân thành nhiều đội và di chuyển theo nhiều ngả đường. Ngoài lối đi chính là đường đèo giáp biển, Hẻm Thermopylae còn một số con đường vắt ngang các ngọn núi. Xerxes I quyết định lợi dụng những con đường này, vừa cho quân đi vòng ra đằng sau lưng quân Hy Lạp vừa cho quân tiến qua đèo, tạo thế bao vây. Sau 2 ngày, ông hành quân xong, sẵn sàng đánh úp quân Hy Lạp vào ngày thứ 3.

Vua Leonidas I phát hiện mưu đồ của Quốc vương Xerxes I và triệu tập một cuộc họp. Không thấy có cơ hội thắng, quân Hy Lạp quyết định rút lui nhưng vua Leonidas I và 300 chiến binh của ông thì ngược lại. Trước đợt đánh úp của Xerxes I, phần lớn quân Hy Lạp đã rời đi, chỉ còn 700 quân từ Thành Thespiae và 400 quân từ Thành Thebans là ở lại, vì quê hương của họ nằm trên đường tiến quân tiếp theo của quân Ba Tư.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, sự rút lui của phần lớn quân Hy Lạp là một chiến thuật bảo vệ lực lượng. Hơn 1 nghìn quân và 300 chiến binh Sparta đã ở lại vì mục đích cầm chân quân Ba Tư, câu giờ cho lực lượng quân lớn hơn rút lui an toàn.

Truyền thuyết về chiến binh Sparta kể rằng, trước đợt tấn công đầu tiên, quân Ba Tư đã ỷ đông mà tự phụ ra lệnh cho 300 chiến binh Sparta giao nộp vũ khí. Vua Leonidas I nhếch miệng thách thức: “Có giỏi thì tự đến mà lấy”.

Ngày thứ 3, Quốc vương Xerxes I hạ lệnh tổng tấn công quân Hy Lạp. Trái với dự định “lấy thịt đè người” của ông, quân Hy Lạp không đợi giáp lá cà mà sử dụng cung tên tầm xa, hạ địch trước.

Địa hình “dễ thủ khó công” của Hẻm Thermopylae như đứng về phe quân Hy Lạp, giúp họ ngăn cản quân Ba Tư vốn quen với chiến thuật “đánh hội đồng”. Số lượng quân quá đông lại trở thành điểm yếu cho Xerxes I. Trong không gian chật hẹp, họ bị chính phe mình lỡ tay và ngộ thương.

Cuộc giao tranh tàn khốc kéo dài và cả 2 bên đều bị thiệt hại. Mặc dù Vua Leonidas I tử trận, các chiến binh Sparta không hề nhụt ý chí. Quốc vương Xerxes I buộc phải đưa 10 nghìn Chiến binh Bất tử vào trận. Bằng sức mạnh và sự tàn bạo áp đảo, họ đẩy lui quân Hy Lạp xuống một ngọn đồi thấp.

Vũ khí của Chiến binh Bất tử là giáo dài 1,8m còn trang phục bảo vệ là áo giáp vảy đồng, sắt che kín từ cổ đến tận chân. Rất nhanh, họ đánh bay và gãy kiếm của quân Hy Lạp.

Tuy chỉ có 300 người, các chiến binh Sparta đóng vai trò lực lượng nòng cốt. Mất kiếm, họ rút dao găm, chiến đấu ngoan cường. Ngay cả khi không còn dao găm, họ vẫn dùng tay không và răng, chống đối kịch liệt, khiến quân Ba Tư vừa mệt mỏi vừa sợ hãi.

Cuối cùng, Quốc vương Xerxes I phải ra lệnh vây chặt ngọn đồi và dội mưa tên. Truyền thuyết về các chiến binh Sparta kể rằng, khi được báo “mưa tên của Ba Tư sẽ dày đến mức che rợp ánh nắng Mặt trời”, các chiến binh đã bình thản nói, “Tốt quá, chúng ta được chiến đấu dưới bóng râm rồi”.

Hẻm Thermopylae thất thủ, nhưng quân Ba Tư đã phải trả giá quá đắt, với hơn 20 nghìn người thiệt mạng. Quốc vương Xerxes I thắng trận, nhưng người vang danh muôn thuở lại là Vua Leonidas I và 300 chiến binh Sparta của ông. Hậu thế mãi mãi cảm phục và ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng mãnh của họ, lưu truyền và sáng tạo ra vô số câu chuyện hấp dẫn.

Trận chiến Hẻm Thermopylae cũng trở thành biểu tượng cho sức mạnh của tinh thần quả cảm. Sau này, khi Quân đội Nhân dân Việt Nam giành đại thắng trong Trận Điện Biên Phủ (1954), truyền thông thế giới đã ví trận này với Trận chiến Hẻm Thermopylae, công nhận “châu chấu đá xe” không phải là “chuyện nực cười”.

Theo Historyextra

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ