Từ tháng 8/2011, áp dụng chương trình đào tạo thạc sĩ mới

Từ tháng 8/2011, áp dụng chương trình đào tạo thạc sĩ mới

(GD&TĐ)-Bộ GD&ĐT vừa ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2011; thay thế quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành năm 2008 và thông tư số 08/2009/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành kèm theo Quyết định số 45/2008/QĐ-BGDĐT ngày 5/8/2008.

Từ tháng 8/2011, áp dụng chương trình đào tạo thạc sĩ mới ảnh 1

Theo đó, thời gian thi tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ được tổ chức từ 1 đến 2 lần/ năm. Các môn thi tuyển gồm: ngoại ngữ, môn cơ bản, môn cơ sở của ngành hoặc chuyên ngành đào tạo.

Thí sinh dự tuyển đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành ngoại ngữ phải dự thi ngoại ngữ thứ hai. Ngoại ngữ thứ 2 do thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định.

Để được dự thi tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ, ứng viên cần đáp ứng các tiêu chuẩn về văn bằng, thâm niên công tác chuyên môn, sức khỏe và phải nộp hồ sơ đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định của cơ sở đào tạo.

Cụ thể, ứng viên cần tốt nghiệp ĐH đúng ngành hoặc phù hợp với ngành hoặc chuyên ngành đăng ký dự thi. Riêng đối với ngành ngoại ngữ, nếu người dự thi đăng ký theo ngành ngoại ngữ đúng với bằng tốt nghiệp ĐH theo hình thức GDTX thì phải có bằng tốt nghiệp ĐH hệ chính quy thuộc ngành ngoại ngữ khác. Người có bằng tốt nghiệp ĐH ngành gần với chuyên ngành dự thi phải học bổ sung kiến thức trước khi dự thi.

Về thâm niên công tác chuyên môn, tùy theo yêu cầu của từng ngành, chuyên ngành đào tạo, thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định cụ thể về thâm niên công tác chuyên môn cho từng ngành hoặc chuyên ngành đào tạo của cơ sở mình.

Ứng viên dự thi tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ sẽ được ưu tiên cộng một điểm vào kết quả thi (thang điểm 10) cho môn cơ bản nếu thuộc một trong các đối tượng: có thời gian công tác hai năm liên tục trở lên (tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi) tại các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn ở các địa phương thuộc miền núi, vùng cao, vùng sâu, hải đảo;  Thương binh, bệnh binh người có giấy chứng nhận được hưởng chính sách như thương binh; Con liệt sĩ; AHLLVT, AHLĐ, người có công với cách mạng; Người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Con nạn nhân chất độc màu da cam. Người thuộc nhiều đối tượng ưu tiên chỉ được hưởng chế độ ưu tiên của một đối tượng.

Thí sinh nộp Hồ sơ đăng ký dự thi cho cơ sở đào tạo chậm nhất là 30 ngày trước ngày thi môn đầu tiên. Cơ sở đào tạo lập danh sách thí sinh dự thi, danh sách ảnh, làm thẻ dự thi, gửi giấy báo thi cho thí sinh chậm nhất 15 ngày trước ngày thi môn đầu tiên.

Thời gian làm bài thi môn cơ bản và môn cơ sở theo hình thức tự luận là 180 phút, theo hình thức trắc nghiệm là 90 phút. Thời gian làm bài môn ngoại ngữ phù hợp với dạng thức của đề thi do thủ trưởng cơ sở đào tạo quy định.

Thời gian thi tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ được tổ chức liên tục trong các ngày. Lịch thi cụ thể từng môn do Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh quyết định.

Quy định về trúng tuyển, thí sinh phải đạt điểm 5 trở lên theo thang điểm 10 ở các môn thi cơ bản, môn thi cơ sở. Môn ngoại ngữ đạt yêu cầu theo quy định của Thủ trưởng cơ sở đào tạo.  Căn cứ vào chỉ tiêu đã được xác định cho từng ngành, chuyên ngành đào tạo của cơ sở đào tạo và tổng điểm thi các môn thi (trừ môn ngoại ngữ) của từng thí sinh, thủ trưởng cơ sở đào tạo xác định số lượng thí sinh trúng tuyển .

Trường hợp có nhiều thí sinh cùng tổng điểm các môn thi như nhau thì sẽ xét đến mức điểm cao hơn của môn cơ sở, sau đó đến môn cơ bản và cuối cùng là môn ngoại ngữ để xác định người trúng tuyển.

Bộ GD&ĐT quy định, đối với các khóa tuyển sinh từ kỳ thi tháng 9/2010 trở về trước, áp dụng chương trình đào tạo và hình thức đào tạo quy định tại Quyết định 45/2008/QĐ-BGD&ĐT về việc ban hành Quy chế đào tạo sau ĐH.

Đối với học viên tuyển sinh từ kỳ thi tháng 8/2011 trở đi áp dụng chương trình đào tạo quy định tại Thông tư này. Đối với học viên tuyển sinh năm 2011, 2012 tùy theo điều kiện, cơ sở đào tạo có thể áp dụng hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ hoặc theo niên chế.

Từ năm 2013, các cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ áp dụng hình thức đào tạo quy định tại thông tư này. Trước ngày 30/8/2011, Thủ trưởng cơ sở đào tạo phải hoàn thành việc xây dựng chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ quy định mới. Đồng thời phải kiện toàn tổ chức Ban (Khoa, Phòng hoặc đơn vị phụ trách cấp trường) sau ĐH và chuẩn bị các phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất đảm bảo cho việc tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ có chất lượng tại cơ sở đào tạo.

Lập Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ