Sau 7 năm dùi mài, sản phẩm đầu tay DVD Quê hương là mẹ của Thành Chung vừa ra đời với sự tài trợ của em trai. Tên đĩa cũng xuất phát từ nguồn cơn 20 năm sống thiếu mẹ của người hát.
Mẹ không thấy về trong một lần sang Trung Quốc buôn chuyến từ khi Chung học lớp 5. Gia cảnh sa sút, ngoài giờ học Chung phải đi bán rau, bán kem, bán từng cái máng lợn do bố đóng.
Bố Chung làm mộc theo kiểu nhỏ lẻ. Ông từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Đông Bắc, từng làm tuyên văn sư đoàn, hát cho bộ đội nghe. Ông vẫn ở vậy từ khi vợ mất tích tới nay.
Ước mơ được học nhạc Chung giữ một mình không chia sẻ với ai. Chung kể hồi bé, một lần đi học về, nghe tiếng ghi ta cổ điển vọng ra từ nhà hàng xóm hay quá, cậu cứ đứng đó nghe hết băng mới về nhà.
Không kịp đi chợ nên bị bố đánh nhưng quyết không khai nguyên nhân. Vắng mẹ, mọi việc nội trợ nấu cơm giặt giũ một tay Chung làm hết. Thấy con trai thích hát, bố cũng cố sắm cho dàn karaoke. “Hàng xóm hay đến xem tôi hát karaoke, có hôm đông quá ngồi gãy cả ghế”, Chung kể.
Nghỉ hè năm lớp 10, Chung rời nhà đi làm. Có một năm vào TPHCM phụ xe container. Rồi massage cho khách du lịch ở Hạ Long. Tuy hoạt động trong các lĩnh vực nhạy cảm, nhiều khi phải sống chung với các thành phần bất hảo, thường chạm trán tệ nạn, nhưng Chung luôn có ý thức giữ mình.
“Tôi luôn muốn làm những gì tốt đẹp, lành mạnh, được xã hội công nhận”, Chung khẳng định. Tiền kiếm được Chung dành dụm cùng với tiền bố cho thi vào Nhạc viện.
Bố Chung bán cả căn nhà ông bà để lại ở trung tâm thị xã lui vào ngõ ở để lo cho hai con ăn học. Nghề hướng dẫn viên du lịch của em trai do Chung định hướng.
Thi năm đầu trượt, đi làm nghề xoa bóp tiếp. Lần thi thứ hai, để cho chắc, Chung nộp đơn cả vào khoa Kèn - vốn ít người thi nên đầu vào khá dễ. Cuối cùng Chung đỗ cả hai khoa Thanh nhạc và Kèn. Năm đó anh 22 tuổi.
Thầy của Chung- NSƯT Quốc Hưng kể lần đầu tiên Chung đến ra mắt thầy với bộ tóc vàng để dài, áo phông đen vẽ hình đầu lâu và quần bò rách.
Thầy yêu câu trò về nhà cắt tóc, thay áo sơ mi trắng, quần âu… rồi nói chuyện. Hôm sau Chung xuất hiện với đúng hình thức thầy yêu cầu. Từ đó trở đi, Chung mặc đúng theo kiểu thầy dạy, cùng chiếc cặp lúc nào cũng kè kè. Bạn bè đặt biệt danh Chung “trưởng thôn”.
Vào trường rồi, Chung mới bắt đầu mày mò tự học ghi ta, nhưng chỉ sang năm thứ hai đã có thể đi đệm ở quán. Do thành tích học tập tốt, Chung bỏ qua năm cuối Trung cấp, lên thẳng Đại học.
Xác định con đường của mình là đi dạy, nhưng nhờ một người bạn giới thiệu, Chung được Tổng cục Chính trị mời quay MV bài Hành khúc ngày và đêm. Biên tập viên NXB Âm nhạc Nguyễn Quang Long xem được đã khích lệ Chung làm đĩa. Sản phẩm được hoàn thành chỉ sau 3 tháng.
Nhiều cảnh quay được thực hiện ở quê nhà Hàm Yên, Tuyên Quang. Bài Mẹ (Phan Long) quay tại ngôi nhà cổ của hàng xóm với bà hàng xóm trong vai mẹ luôn.
Bố Thành Chung đóng vai bố. Vai con khóc đỏ hoe cả mắt dù nội dung bài hát chưa xúc động đến mức đó. Chung chia sẻ: “Khi quay bài hát có câu này làm tôi khóc: “20 năm mẹ nuôi con một mình”.
Nhưng tôi lại nghĩ đến bố tôi nuôi con một mình. Và 20 năm đấy tôi không được nhìn thấy mẹ, không được gọi một tiếng mẹ. Xong bây giờ cứ hát mẹ ơi mẹ ơi như thế. Làm sao không khóc được!”.
Chung ra đĩa không mong kiếm tiền mà muốn mọi người biết đến mình. Ngoài ra anh cũng hy vọng mong manh mẹ có thể nhìn thấy mình và biết đâu sẽ trở về.
Và đây là lời Chung nhắn gửi mẹ, nếu bà còn ở đâu đó: “Con nhớ mẹ. Con muốn mẹ về với con, về với gia đình. Chúng con đã nên người, mẹ không phải lo lắng nữa đâu…”.
Những khi làm nghề xoa bóp, không khỏi có lúc nghĩ ngợi: “Tại sao cuộc đời mình cứ phải đi phục vụ người khác mà không phải người khác phục vụ mình…”.
Đó cũng là động lực để Chung phấn đấu làm đúng nghề mình thích. Anh tâm sự: “Nghề của tôi bây giờ cũng là làm dâu trăm họ thôi nhưng tôi thích phục vụ kiểu này: Được hát cho mọi người, được mọi người biết đến”.