Tứ hổ Tràng An - Kỳ 1: Người duy nhất làm Thượng thư cả 6 bộ

GD&TĐ - “Tứ hổ Tràng An” hay còn gọi là “Tràng An tứ tài” là nhóm 4 người xuất hiện ở Thăng Long (Hà Nội) vào cuối thế kỷ 17.

Cổ Đô là đất địa linh nhân kiệt, với những nhân tài nổi tiếng như Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Sư Mạnh.
Cổ Đô là đất địa linh nhân kiệt, với những nhân tài nổi tiếng như Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Sư Mạnh.

Người xưa mệnh danh “bộ tứ” này có thể đại diện cho nước Nam bởi tri thức uyên bác thông tuệ, oai dũng trong trường văn trận bút.

Theo sử sách còn lưu truyền đến ngày nay, nước Đại Việt duy nhất có Nguyễn Bá Lân là người từng làm Thượng thư cả 6 bộ, bởi bộ nào yếu kém nhà vua lại cử ông sang vực lên. 

Cha dạy con thành tài

Nguyễn Bá Lân (1700 - 1785) là con của Nguyễn Công Hoàn – một danh sĩ lừng lẫy làng văn lúc bấy giờ. Nguyễn Bá Lân vốn quê gốc ở xã Hoài Bão, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc. Gia phả dòng họ Nguyễn Bá Lân, do chính Nguyễn Bá Lân và con trai ông là Nguyễn Bá Uông viết, chép rằng: Tổ tiên ông gặp buổi binh đao loạn lạc, đến lánh binh ở Cổ Đô, sống bằng nghề dạy học. Vì mến cảnh, mến người mà nhập tịch ở đây.

Tài năng, đức độ của người cha đã ảnh hưởng sâu sắc, mạnh mẽ đến Nguyễn Bá Lân từ thuở ấu thơ. Nguyễn Bá Lân được cha dạy dỗ từ nhỏ và không theo học thầy nào khác. Điều này được nhà sử học Phan Huy Chú biên chép rõ ràng trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí”.

Biết con mình là người thông minh và có tài, nên cụ Nguyễn Công Hoàn hết lòng dạy dỗ. Đồng thời nêu gương cho con về lòng hiếu học, cụ dạy con bằng phương pháp vừa dân chủ vừa nghiêm khắc.

Sách “Lịch đại danh hiền phổ” đã ghi nhiều giai thoại khá lý thú về chuyện học hành của hai cha con. Một hôm, hai cha con cùng bơi thuyền đi chơi sông Đà, cụ Hoàn ra một bài phú và nêu điều kiện, nếu thuyền tới bến mà ai chưa làm xong thì phải bị ném xuống sông.

Khi đến bến, ông Lân đã làm xong trước, còn cụ Hoàn mới xong một nửa. Ông Lân không dám đẩy bố xuống sông nhưng cụ Hoàn đã tự nhảy xuống, thấy vậy ông Lân cũng phải nhảy xuống cùng với bố bơi vào bờ. Bài phú của Nguyễn Bá Lân được đánh giá là một bài phú hay và được gọi là “Nhất độ giang thành chương phú” (tức bài phú làm xong trên một chuyến đò).

Một lần khác, hai cha con cùng đi thuyền trên sông Đà trông thấy một chiếc chầy cháy dở trôi trên sông. Cụ Hoàn liền ra một vế đối “Chầy cháy trôi sông, lão ngư ông tưởng cá”. Nguyễn Bá Lân đối ngay “Hôm mai vượt biển, người tinh tú trông sao”. Cụ Hoàn thấy vế đối của con rất chuẩn, ẩn một chí khí khác thường, từ đó cụ Hoàn càng tin con mình sẽ thành tài.

Tuy cụ Hoàn không gửi con học thêm thầy nào, nhưng cụ vẫn coi trọng “tầm sư học đạo”. Cụ đã đưa con đến gặp các bậc kỳ tài gần xa đương thời, tạo điều kiện cho con được cùng xướng họa đàm đạo, trao đổi học hỏi thêm. Những cuộc gặp gỡ đó đã giúp Nguyễn Bá Lân bổ sung kiến thức, phát triển tài năng, sáng tạo và gần gũi quý trọng mọi người...

Đặc biệt là giúp cho Nguyễn Bá Lân thấy được bể học là vô cùng rộng lớn, muốn thành tài phải có chí, phải khổ công. Chính vì vậy khi nói về sự thành đạt của Nguyễn Bá Lân, tác giả của “Đại Nam nhất thống chí” nhận xét “học thức của Nguyễn Bá Lân là nhờ ở gia đình”.

Tranh minh họa Nguyễn Bá Lân tiễu trừ giặc ở Cao Bằng.

Tranh minh họa Nguyễn Bá Lân tiễu trừ giặc ở Cao Bằng.

Văn võ toàn tài

Nhờ phương pháp giáo dục của cha, Nguyễn Bá Lân học ngày càng giỏi. Năm 1731, ông đỗ tiến sĩ khi tròn 30 tuổi. Sau khi đỗ, ông bước vào hoạt động quan trường đến hết cuộc đời. Trong thời gian hơn 50 năm làm quan, ông đã có tới 17 lần được thăng chức.

Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” chép: Nguyễn Bá Lân nổi tiếng trong sạch, cẩn thận. Khi làm tả chấp pháp, ông giữ công bình, không a dua. Gặp lúc bốn phương nhiều việc, ông được ra chốn biên trấn, vỗ về người Man, dẹp yên bọn cướp, mấy lần tỏ rõ công lao.
Lúc về làm Thiêm đô ngự sử và bồi tụng, khi bàn việc, ông giữ lòng trung thực, không che chở bênh vực ai, chúa khen là ngay thẳng dám nói.

Năm 1732, ông giữ chức Tư Huấn, năm 1734 lần lượt giữ các chức Hàn lâm Viện kiểm thảo, giám sát đạo Sơn Nam, Đề hình giám sát (Ngự sử). Năm 1737 giữ chức Đốc đồng xứ Sơn Tây, năm 1740 giữ chức Tòng Tham tụng.

Tiếp đó, ông được cử đi làm Lưu thủ Hưng Hóa, Đốc trấn Cao Bằng, rồi lại về làm việc tại nội các triều đình giữ nhiều chức tước quan trọng. Năm 1756 giữ chức Bồi tụng kiêm chức Tế tửu Quốc Tử Giám, năm 1767 làm Thượng thư bộ Lễ, rồi làm Thượng thư bộ Hộ, gần cuối đời ông được phong Thượng thư bộ Công.

Theo gia phả dòng họ Nguyễn Bá, năm Bính Dần (1746) bọn giặc Mạc Tam ở Trung Quốc đem quân sang chiếm đánh, cướp phá ở Cao Bằng. Thời bấy giờ Cao Bằng có 4 châu, thì giặc chiếm mất 3 châu, chỉ duy nhất châu Thạch Lâm. Tình thế nguy kịch, dân trong vùng bỏ nhà cửa chạy loạn, một số bị ép buộc theo giặc.

Triều đình cử Nguyễn Bá Lân là quan lưu thủ Hưng Hóa đang đóng dinh ở Tòng Bạt - Bất Bạt - Sơn Tây lên Cao Bằng đánh dẹp. Ông vâng mệnh lĩnh một đội tả tượng gồm 170 quân sĩ và ngựa tốt lên đường. Nguyễn Bá Lân đi qua các địa phương thấy có nhiều dân ở Cao Bằng đến lánh nạn nên ban thư sắc dụ các huyện để dẹp yên đạo tặc, tập hợp dân.

Trong thời gian trấn ải, Nguyễn Bá Lân mưu lược, đánh bại đội quân của Lý Văn Tài (Trung Quốc) dấy binh ở Thông Nông hợp sức với các tên Quang Vũ, Thất Quý, Bát Cổ trong đội quân đạo tặc làm loạn ở Cao Bằng.

Khi tiến đánh các đồn luỹ giặc, Nguyễn Bá Lân chỉ huy quân sĩ từ trong đánh ra, ngoài đánh vào. Đặc biệt, dùng tình họ hàng đối với những người đã trót theo giặc để vận động họ làm nội ứng.

Sau khi lấy lại toàn bộ đất Cao Bằng, Nguyễn Bá Lân dùng tất cả thóc gạo, trâu, ngựa và vũ khí thu được ở các đồn luỹ chia cho dân. Đồng thời tuyển dụng những viên quan cần mẫn để trấn trị từng vùng, từng bản.

Năm 1743, ông được giữ chức Hàn lâm Thị độc, gia phong tước Bá, năm 1756 thăng chức Tế tửu Quốc Tử Giám (chức đứng đầu Quốc Tử Giám), rồi chức Hàn lâm Viện Thừa chỉ, chăm lo việc đào tạo tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Năm Cảnh Hưng 23 (1762), Nguyễn Bá Lân và Lê Quý Đôn cùng được giao làm học sĩ để duyệt ký sách vở, chọn người có tài về văn học.

Cùng với sự nghiệp làm quan, Nguyễn Bá Lân còn nổi tiếng văn hay chữ tốt, có nhiều cống hiến cho nền văn học. Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn khẳng định “Nguyễn Bá Lân làm quan thanh liêm, cẩn thận, ra trấn Cao Bằng vỗ về nhân dân dẹp yên giặc cướp tỏ rõ công lao; vào triều tham dự chính sự thì giữ đúng pháp luật, không hề a dua”. Bởi vậy, người đương thời xếp ông vào nhóm “Tứ hổ Tràng An”.

Đánh trượt bài thi của cha

Đền thờ Nguyễn Bá Lân ở xã Cổ Đô.

Đền thờ Nguyễn Bá Lân ở xã Cổ Đô.

Đền thờ Nguyễn Bá Lân được công nhận di tích từ năm 2004.

Đền thờ Nguyễn Bá Lân được công nhận di tích từ năm 2004.

Hiện ở làng Cổ Đô (Ba Vì - Hà Nội) vẫn còn lưu truyền nhiều giai thoại nổi tiếng về Nguyễn Bá Lân. Khi ông được vua cử làm Chánh chủ khảo một kỳ thi đình. Kỳ thi đó, thân phụ ông - cụ Nguyễn Công Hoàn cũng lều chõng đến trường thi.

Coi thi nghiêm ngặt, bài được rọc phách rồi mới chấm. Các quan giám khảo đều nhất trí chọn xếp một bài loại một. Tức là đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên). Chấm bài xong các quan chủ khảo niêm phong bài, trình quan Chánh chủ khảo duyệt lần cuối.

Đọc xong bài thi xếp loại một, Nguyễn Bá Lân biết ngay bài đó là của cha mình. Đó là một áng văn hay, có khí phách, niêm luật chặt chẽ, tuy hơi ngông một chút và có một chữ chiết tự ra thì phạm húy. Ông thao thức trăn trở mãi, rồi quyết định đánh trượt.

Bài vở ông duyệt xong, được trình lên nhà vua. Trong lúc chờ vua duyệt lần cuối, ông được tranh thủ về thăm nhà. Thân phụ ông, cụ Nguyễn Công Hoàn đã làm một bữa tiệc nhỏ để đãi con, đãi quan Chánh chủ khảo. Hai cha con vừa uống rượu vừa thưởng trăng. Trong lúc vui chuyện, cha ông gợi ý khéo:

- Anh chấm thi kỳ này có chọn được bài nào hay không?

Nguyễn Bá Lân kính cẩn thưa: Thưa cha có một bài rất hay, niêm luật chặt chẽ, văn chương bay bổng, có cốt cách lắm. Nhưng buộc lòng con phải đánh trượt rồi.

Linh cảm bài thi đó là của mình, cụ Nguyễn Công Hoàn xô hẳn người về phía con:

- Anh nói thế nào. Anh khen hay sao còn đánh trượt?

- Thưa cha, tuy khẩu khí có hơi ngông. Nhưng ngông vẫn còn có thể chấp nhận được.

Cụ Nguyễn Công Hoàn tỏ ra rất sốt ruột, hỏi dồn:

- Còn tại sao? Tại sao nữa?

- Thưa cha bài đó chiết tự ra thì có một chữ phạm húy – Nguyễn Bá Lân thưa.

- Anh có còn nhớ bài thi đó không?

- Thưa cha, văn hay, đọc một lần là con nhập tâm ngay.

- Anh đọc cho tôi nghe xem nào!

Nguyễn Bá Lân thong thả đọc từng câu từng chữ theo âm điệu để cha nghe. Đọc xong, cụ Nguyễn Công Hoàn giơ thẳng tay tát Bá Lân một cái chảy cả máu mũi. Cụ Nguyễn Công Hoàn chỉ mặt ông quát: Anh là đồ bất nghĩa, bất hiếu. Bài của bố anh, thầy dạy anh mà anh còn đánh trượt.

Nhưng chỉ một lúc sau, cụ Nguyễn Công Hoàn đã nói: Bố đánh oan anh. Anh đúng. Bố sai.

Chuyện đến tai vua. Nhà vua vô cùng cảm kích nói với quần thần: Nếu các quan chủ khảo đều được như Nguyễn Bá Lân, thì nước Đại Việt ta lo gì không kén được hiền tài.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đoàn – hậu duệ đời thứ 19 dòng họ Nguyễn hiệu Phúc Tướng, thì chuyện này không có thật. Trong gia phả do cụ Lân viết năm 1759 có ghi: “Cụ Nguyễn Công Hoàn đi thi hội lần cuối năm 1727, từ đó mắc bệnh không đi thi nữa”.

Sau khi mất (1785), Nguyễn Bá Lân được tôn làm Thành hoàng Ngũ Xá, lễ tế vào ngày 27 tháng Giêng hàng năm. Ghi nhận công lao của ông, nhiều cuộc hội thảo khoa học cũng đã diễn ra. Năm 2004, mộ và đền thờ Nguyễn Bá Lân ở xã Cổ Đô được xếp hạng là di tích cấp quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.