Tự chủ tài chính của các trường Đại học công lập : xu hướng và kinh nghiệm quốc tế

GD&TĐ - Trong ba trụ cột của tự chủ Đại học : học thuật, tổ chức bộ máy - nhân sự, tài chính, có lẽ tự chủ tài chính là chủ đề mà các cơ sở giáo dục Đại học công lập quan tâm nhất khi thực hiện nghị quyết số 77/NQ-CP. 

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung của thế giới khi các trường Đại học công lập ngày càng chịu nhiều sức ép tài chính (thu-chi). Chính phủ và các cơ sở giáo dục Đại học công lập ở nhiều nướcc phải cùng nhau thay đổi để thích ứng với sức ép này.

Sức ép về tài chính đối với các trường Đại học công lập

Sức ép đầu tiên đối với các trường Đại học công lập là tổng chi phí ngày càng tăng. Điều này xuất phát từ việc số lượng sinh viên đăng kí và chi phí bình quân cho một sinh viên ngày càng tăng.

Theo thống kê của Unesco, tỷ lệ đăng ký học sau phổ thông trên toàn thế giới tăng từ 10% (1970) lên 35% (2014), ở Việt Nam là từ gần 2% (1976) lên 31% (2014). Nguyên nhân là do dân số gia tăng và quyền tiếp cận giáo dục được nâng cao trên thế giới.

Chi phí bình quân cho một sinh viên cũng tăng khi mà lượng quỹ lương của trường tăng (có yếu tố lạm phát), tăng đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, công nghệ, và tăng đầu tư cho nghiên cứu.

Chi phí của các trường tăng còn do một nguyên nhân khác là vấn đề toàn cầu hóa và kinh tế tri thức. Giáo dục Đại học được nhiều nước coi như một ngành « dịch vụ » có đóng góp nhiều cho nền kinh tế.

Việc xuất khẩu các chương trình ra nước ngoài hay thu hút sinh viên quốc tế, hay giữ lại nguồn sinh viên trong nước khiến các trường phải cạnh tranh với nhau khốc liệt.

Muốn vậy, các trường phải chi nhiều tiền để thu hút các giáo sư, nhà nghiên cứu danh tiếng, chi nhiều cho các hoạt động quảng bá thương hiệu, đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao vị trí trong các bảng xếp hạng.

Nền kinh tế tri thức trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, nhiều ngành nghề yêu cầu hàm lượng chất xám kỹ thuật cao cũng khiến cho các trường chú ý nhiều hơn đến việc đầu tư thay đổi chương trình học, thêm các môn học mới.

Vì vậy, phải tăng đầu tư vào trang thiết bị, phầm mềm, nhân lực. Không những thế, các trường còn chịu áp lực cạnh tranh với các chương trình học online, các khóa học MOOCs.

Bên cạnh bị sức ép chi phí tăng, các trường Đại học công lập còn bị sức ép giảm nguồn nhận được từ ngân sách. Trên bình diện chung, ngân sách chi cho giáo dục Đại học tăng về số tuyệt đối, nhưng về tỷ lệ thì có xu hướng giảm so với các khoản chi ngân sách khác.

Nguyên nhân là vì nguồn lực ngân sách của các quốc gia có hạn, nhiều nguồn chi khác cấp thiết hơn như hạ tầng, y tế, giáo dục bậc phổ thông, an sinh xã hội, quốc phòng v.v.. được ưu tiên hơn. Bên cạnh đó, xu hướng khuyến khích các trường tự chủ, trong đó có tự chủ tài chính, buộc các trường phải linh hoạt hơn trong việc tìm nguồn tài chính, tăng dần các nguồn tài chính ngoài ngân sách.

Như vậy có thể thấy, nhiều trường Đại học công lập đang và sẽ chịu sức ép lớn từ cả hai phía : thu và chi. Để hệ thống giáo dục Đại học công lập tiếp tục vận hành tốt, thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội (thậm chí tầng lớp tinh hoa), đòi hỏi không chỉ bản thân các trường mà chính phủ cần có những giải pháp để thích ứng.

Tăng thu và kiểm soát hiệu quả chi của cơ sở giáo dục Đại học

Trong bối cảnh xu hướng phi tập trung hóa diễn ra mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực như kinh tế chia sẻ, năng lượng, tiền tệ (crypto currency), các trường Đại học cũng linh hoạt hơn rất nhiều trong việc tìm nguồn thu (financing), kể cả đi vay để đầu tư phát triển, và phân bổ nguồn tài chính (budgeting).

Cách quản lý tài chính hiệu quả là các trường phải theo mô hình doanh nghiệp, phải đặt hiệu quả là một chỉ tiêu quan trọng và tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán tài chính của thị trường (ví dụ hệ thống kế toán dồn tích – accrual accounting đối với các trường công). Tuy nhiên, tuyệt đối hóa quản trị trường Đại học như doanh nghiệp cũng có mặt trái.

Người quản lý, theo lý thuyết đại diện (agency theory), sẽ vì lợi ích của mình hơn là của tổ chức, các mục tiêu hiệu quả thường đặt ra trong ngắn hạn. Trong khi đó, mục tiêu và sứ mệnh của một trường đại học thường được xác định trong một thời gian rất dài.

Chẳng hạn, vì áp lực các chỉ số đánh giá (KPI), một bộ phận những người làm nghiên cứu thuần túy sẽ cảm thấy không thoải mái, giảm hiệu quả làm việc, thậm chí bỏ qua các chuẩn mực trong nghiên cứu (trên thế giới đã có nhiều trường hợp giả mạo nghiên cứu vì áp lực công bố công trình khoa học).

Các nguồn thu của các trường Đại học về cơ bản là giống nhau, khác biệt là ở chỗ tỷ lệ của từng nguồn như thế nào. Có thể chia nguồn thu của một trường Đại học thành năm nguồn thu như sau :

Chính phủ ( thuế)

Sinh viên và/hoặc phụ huynh

Doanh nghiệp, thị trường

Cựu SV và nhà hảo tâm

Tổ chức quốc tế

Ngân sách trực tiếp

x

Ngân sách gián tiếp (qua hỗ trợ tài chính)

x

Học phí

x

x

Nguồn thu từ sản phẩm, dịch vụ, đầu tư

x

x

x

Quỹ đóng góp

x

Nguồn : WorldBank

Kinh nghiệm từ một số nước cho thấy, việc tăng thu và kiểm soát chi của những trường hợp thành công xoay quanh những vấn đề :

Tăng nguồn thu từ học phí : Việc tăng học phí đối với hệ chính quy tập trung là điều bất khả kháng. Tuy nhiên, nhiều nước có hệ thống tín dụng sinh viên để giảm bớt gánh nặng cho sinh viên và gia đình. Hệ thống tín dụng sinh viên muốn hiệu quả thì cũng cần theo thị trường về lãi suất, chính phủ là người bảo lãnh và phát triển hệ thống đánh giá tín dụng cá nhân.

Nguồn thu từ học phí có thể tăng thêm từ các chương trình đào tạo liên kết với doanh nghiệp. Ví dụ như ở Pháp, sinh viên chính quy tâp trung nếu tìm được doanh nghiệp tài trợ thì học theo hình thức vừa học vừa làm (3 ngày ở trường, 2 ngày ở doanh nghiệp). Các chương trình đào tạo ngắn hạn, nâng cao chuyên môn cũng là nguồn thu đáng kể của nhiều trường.

Để khuyến khích việc học tập liên tục, chính phủ một số nước còn có chính sách trích lập quỹ đào tạo từ quỹ lương của người lao động và người sử dụng lao động. Hàng năm, người sử dụng lao động khuyến khích người lao động tham gia các khóa đào tạo như là một phúc lợi, vì nếu không sử dụng sẽ không được hoàn trả từ chính phủ. Chính vì vậy, nhiều trường chủ động liên hệ với doanh nghiệp, tổ chức bên ngoài để thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp, để tiếp cận nguồn quỹ này tạo thêm nguồn thu cho trường.

Tăng nguồn thu từ các sản phẩm, dịch vụ, đầu tư :xu hướng các trường cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông qua các hợp đồng với chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế v.v. . để tăng nguồn thu là điều rất cần được đẩy mạnh. Việc kết hợp với thị trường không chỉ tăng nguồn thu mà còn tăng chất lượng giảng dạy và nghiên cứu của trường.

Nhiều trường, như ở Anh chẳng hạn, nguồn thu từ các hợp đồng, dự án nghiên cứu là một nguồn thu chính (các dự án, hợp đồng có được phải để lại một tỷ lệ % doanh thu nhất định cho trường). Không những thế, hiệu quả của nguồn thu này là một trong những chỉ tiêu quan trọng để định lượng và đánh giá tài trợ từ ngân sách của chính phủ hay chính quyền địa phương.

Đối với một số trường có một lượng tài sản nhất định như bất động sản, quỹ tiền mặt, bằng sáng chế v.v.. thì việc đầu tư với tiêu chí an toàn cũng là một nguồn thu bổ sung, thay vì để lãng phí nguồn lực.

Quỹ đóng góp : Một số trường với lợi thế nhất định, đã xây dựng được một mạng lưới các cựu sinh viên và nhà hảo tâm. Đóng góp của mạng lưới này không chỉ ở những giá trị hữu hình như khoản tiền đóng góp, mà còn có những giá trị vô hình lớn hơn như uy tín, sự kết nối, sự ủng hộ.

Tăng nguồn nhận được từ ngân sách : các trường luôn hoàn thiện mình, nâng cao vị trí xếp hạng để nhận được các khoản tài trợ, hỗ trợ từ chính phủ. Nhiều nước có các chương trình tài trợ nghiên cứu rất lớn cho các trường và đây là nguồn thu đáng kể.

Bên cạnh đó, các khoản ưu đãi về thuế trong nghiên cứu phát triển cũng là nguồn tài chính quan trọng của nhiều trường.

Ví dụ như ở Pháp, các chương trình nghiên cứu, hoạt động khoa học của các trường có thể được hưởng khấu trừ thuế, tùy theo quy mô mà có thể được giảm thuế từ vài triệu Euros đến hàng chục triệu Euro mỗi năm.

Kiểm soát chi : Giảm áp lực tài chính không chỉ ở việc tăng nguồn thu mà còn ở tối ưu hóa các khoản chi. Một số trường thực hiện việc giảm bớt giảng viên cơ hữu, tăng giảng viên thỉnh giảng, tối ưu hóa số lượng sinh viên trong một lớp, cũng như tiết kiệm tối đa các chi phí liên quan đến cơ sở vật chất, tài liệu học tập (thư viện điện tử chẳng hạn). Việc phân bổ các khoản chi được tính toán dựa trên các đánh giá định lượng, theo một số chỉ tiêu quan trọng, vì vậy tối ưu hóa nguồn lực của đơn vị.

Chính phủ cùng cơ sở giáo dục Đại học đổi mới để thích ứng

Việc tự chủ tài chính là tất yếu, xuất phát không chỉ từ thực tế khách quan là ngân sách chi cho giáo dục Đại học ngày càng giảm, mà ngay bản thân nhiều cơ sở giáo dục Đại học cũng muốn được tự chủ nhiều hơn. Đối với một số trường, nếu không chuẩn bị, hoặc chuẩn bị không tốt, có thể xảy ra các cú sốc trong thời gian tới. Những điểm chung của thành công về tự chủ tài chính có thể kể ra như sau :

Hoạch định chính sách của chính phủ :Dự báo tốt nhu cầu của thị trường lao động có trình độ đại học và sau đại học, có các tính toán mô phỏng từ việc hợp tác của các Bộ có liên quan. Phát triển và nâng cao hệ thống đào tạo nghề (vocational education) để có lực lượng lao động có tay nghề cao.

Việc phân bổ ngân sách cho các trường cần được tính toán dựa trên các kết quả đầu ra được lượng hóa (như Israel chẳng hạn). Việc xếp hạng các trường đại học là cần thiết, và công khai minh bạch trong việc cạnh tranh tiếp cận các nguồn tài trợ giữa các trường.

Tuy nhiên, bậc đại học và sau đại học là nơi đào tạo nhân lực chất lượng cao, đào tạo các thành phần ưu tú của xã hội cho nên đây được coi như một dịch vụ công, và luôn cần có ngân sách tài trợ. Các ngành như nghiên cứu cơ bản, sư phạm, quốc phòng an ninh v.v.. thì ngân sách phải là nguồn thu chính của các trường này.

Các chính sách về thuế, tín dụng nghiên cứu, theo hướng khuyến khích doanh nghiệp, thị trường hợp tác chặt chẽ hơn với các trường cần được khuyến khích. Khuyến khích người học suốt đời, có những trường đại học chuyên dành cho những người lớn tuổi khi nhu cầu học của họ vẫn còn (đây là xu hướng mới trên thế giới, khi nhiều người đến tuổi về hưu vẫn muốn học thêm một lĩnh vực mà lúc trẻ không có điều kiện theo học).

Đối với các cơ sở giáo dục Đại học : trước hết là nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu nhằm được xếp hạng hoặc chứng nhận bởi các tổ chức kiểm định giáo dục quốc tế uy tín.

Việc lượng hóa được các kết quả đầu ra sẽ là căn cứ để nhận được các tài trợ từ ngân sách, các hợp đồng với thị trường và sự lựa chọn của sinh viên/phụ huynh.

Tiếp đến, các trường cần hướng đến mô hình quản trị « giống » doanh nghiệp, nghĩa là có các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả cụ thể. Tư duy « doanh nghiệp » sẽ giúp các trường chủ động hơn trong việc tìm kiếm, tiếp cận thị trường.

Trong Hội đồng trường cần có đại diện từ phía chính quyền, doanh nghiệp một cách thực chất. Các vị trí quan hệ doanh nghiệp, quan hệ công chúng, mạng lưới cựu sinh viên cần được xem là một trong những vị trí quan trọng trong trường.

Nhiều trường đại học trên thế giới hiện nay, các trưởng khoa không chỉ là người giảng dạy, nghiên cứu giỏi mà là người quản lý giỏi, kiếm được nhiều hợp đồng tài trợ về cho khoa, cho trường. Bên cạnh đó, cần hài hòa mục tiêu hiệu quả ngắn hạn và sứ mệnh lâu dài của trường.

Cuối cùng, việc quản lý chi phí của trường cũng cần dựa trên việc đánh giá kế quả đầu ra, tối ưu hóa các chi phi trong điều kiện hiện có. Chẳng hạn, hợp đồng làm việc cần được đánh giá lại hàng năm hoặc ba năm (trừ một số trường hợp ngoại hạng), tăng hợp lý tỷ lệ giảng viên thỉnh giảng là người có kinh nghiệm thực tế, rà soát chi hợp lý cho cơ sở vật chất, phương tiện tài liệu hỗ trợ nghiên cứu, học tập và giảng dạy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.