Gỡ bỏ các nút thắt nhằm phát triển giáo dục đại học

GD&TĐ - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học (GDĐH) năm 2017, Bộ GD&ĐT đã khẩn trương tổng hợp rà soát gần 30 văn bản liên quan đến Luật GDĐH để xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) – đã có những chia sẻ về quá trình triển khai công tác này.

Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH là gỡ bỏ các nút thắt nhằm phát triển GDĐH
Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH là gỡ bỏ các nút thắt nhằm phát triển GDĐH

Chủ động và tích cực từ phía Bộ GD&ĐT

Chia sẻ quá trình triển khai rà soát, xây dựng Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) – cho biết:

Năm 2016, Bộ GD&ĐT được giao chuẩn bị Đề án về Tự chủ đại học (theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22/7/2016 của Chính phủ) và soạn thảo Nghị định về Quy định cơ chế tự chủ của cơ sở GDĐH công lập để cụ thể hoá Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Để thực hiện các nhiệm vụ này, Bộ GD&ĐT đã chủ động rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy định về tự chủ đại học trong Luật GDĐH.

Ngày 7/10/2016, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ra Thông báo kết luận số 745/TB-BGDĐT phân công các đơn vị thuộc Bộ rà soát các quy định của Luật GDĐH và các văn bản có liên quan để kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng cường giao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH công lập.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ tháng 12/2016 và Công văn số 51/VPCP-PL ngày 4/1/2017 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc giao Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH năm 2017, Bộ GD&ĐT đã khẩn trương tổng hợp rà soát gần 30 văn bản liên quan đến Luật GDĐH để xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH;

Đồng thời, gửi Công văn số 88/BGDĐT-GDĐH ngày 11/1/2017 về việc xin ý kiến các Bộ: Nội vụ, Ngoại giao, Tài chính, Tư pháp và phối hợp với Bộ Tư pháp để đăng tải Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp;

Gửi Công văn số 89/BGDĐT-GDĐH ngày 11/1/2017 yêu cầu các cơ sở GDĐH báo cáo tổng kết việc thực hiện Luật GDĐH tại các cơ sở để đánh giá, sơ kết 4 năm thực hiện Luật GDĐH, tạo cơ sở thực tiễn cho việc nghiên cứu, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH...

Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH đã được xây dựng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua.

Cũng theo Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng, để chuẩn bị thực hiện Nghị quyết số 34/2017/QH14 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, ngày 18/7/2017, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì cuộc họp Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia 2016 - 2020 và Hội thảo khoa học chuyên đề “Luận cứ khoa học sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH”.

Tham gia Hội thảo có ông Phạm Tất Thắng, đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Giáo sư Ngô Bảo Châu, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo một số cơ sở GDĐH, một số chuyên gia, nhà khoa học từ các trường đại học… Thứ trưởng Bùi Văn Ga và đại diện một số đơn vị chức năng thuộc Bộ GD&ĐT cũng tham dự Hội thảo.

Các ý kiến góp ý của đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, một số bộ ngành, các nhà khoa học, các chuyên gia tại Hội thảo đã thể hiện sự đồng tình và đánh giá cao việc Bộ GD&ĐT chủ trì, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH cũng như các hoạt động thực hiện đổi mới GD-ĐT.

Trong Hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã kết luận những nội dung quan trọng về quan điểm, mục đích, yêu cầu; nội dung, cách thức thực hiện sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

Rõ quan điểm, mục đích, yêu cầu sửa đổi, bổ sung

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng nhấn mạnh: Quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH phải đảm bảo rà soát toàn diện và chọn ra các điểm cần thiết để sửa đổi; đảm bảo tính thực tiễn, khả thi và hiệu quả; đảm bảo tính hệ thống và đồng bộ; tính hiện đại và hội nhập quốc tế… bám sát định hướng của Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ, gắn với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tạo môi trường sáng tạo cho các cơ sở GDĐH.

Đồng thời, cần tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm phát triển GDĐH của các nước tiên tiến trên thế giới để phát triển GDĐH Việt Nam hướng tới chuẩn mực quốc tế.

Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH là gỡ bỏ các nút thắt nhằm phát triển GDĐH, kiến tạo hành lang pháp lý vững chắc, thông thoáng, hấp dẫn để thực hiện tốt tự chủ đại học, nâng cao chất lượng GDĐH, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; khuyến khích thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế tham gia phát triển GDĐH.

Yêu cầu đối với quá trình sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH phải đảm bảo về tiến độ; về quy trình, thủ tục, hồ sơ… và đặc biệt là phải đảm bảo chất lượng ở mức độ cao nhất để tạo ra sự đột phá, khởi sắc trong phát triển GDĐH Việt Nam.

4 nhóm chính sách lớn cần tập trung

Về các nội dung trọng tâm cần nghiên cứu phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung Luật, theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quá trình soạn thảo phải trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát cung cấp các luận cứ cho việc chỉnh sửa, bổ sung Luật GDĐH, tập trung vào 4 nhóm chính sách lớn đã được Quốc hội thông qua, đó là: Mở rộng tự chủ đại học, đổi mới quản trị đại học, đổi mới quản lý đào tạo và quản lý Nhà nước để nâng cao chất lượng GDĐH.

Thực tế, 4 nhóm chính sách nêu trên đã bao trùm hầu hết các điều trong Luật GDĐH hiện hành; tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, nếu phát hiện cần chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung cần thiết khác ngoài các nội dung đã được Quốc hội thông qua, cần lồng ghép vào 4 nhóm chính sách nêu trên hoặc bổ sung thành chính sách mới.

Như vậy, hồ sơ ban đầu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội gồm 22 điều cần sửa về nội dung và khoảng 20 điều sửa về kỹ thuật, nhưng các nhà khoa học, các chuyên gia, cơ quan quản lý vẫn cần phối hợp rà soát toàn diện nội dung trong toàn đạo luật;

Nếu phát hiện cần chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung cần thiết khác ngoài các nội dung đã được Quốc hội thông qua thì cần lồng ghép vào 4 nhóm chính sách nêu trên hoặc bổ sung chính sách mới để việc sửa đổi, bổ sung đạt được các mục đích yêu cầu trên.

Tạo đồng thuận, thống nhất ngay từ khi soạn thảo

Cách thức triển khai xây dựng dự án Luật, Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng nhấn mạnh: Trong quá trình nghiên cứu và tổ chức soạn thảo dự án Luật GDĐH, cần chia sẻ thông tin kịp thời với các cơ quan liên quan như Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Bộ Tư pháp; Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan liên quan nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất ngay từ khi soạn thảo để đảm bảo tiến độ và sự đồng thuận trong các khâu lấy ý kiến, trình dự án Luật.

Thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật GDĐH theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thành phần Ban soạn thảo, Tổ biên tập phải là những người có năng lực, am hiểu về GDĐH và có điều kiện thời gian thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, cần thành lập nhóm chuyên gia gồm Nhóm nghiên cứu và một số cán bộ quản lý của các cơ sở GDĐH; một số chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và phản biện dự án Luật.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.