Những yêu cầu quan trọng với Luật Giáo dục Đại học sửa đổi

GD&TĐ - Đưa ra quan điểm cá nhân liên quan đến việc sửa đổi Luật Giáo dục Đại học (GD ĐH), TS. Lê Viết Khuyến - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), Ủy viên thường trực Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam - cho rằng: Đây là việc phải làm sớm.

Những yêu cầu quan trọng với Luật Giáo dục Đại học sửa đổi

TS. Lê Viết Khuyến khẳng định: Nghị quyết số 29/NQ-TW của về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ban hành đã hơn 3 năm, nhưng nhiều nội dung của Nghị quyết vẫn chưa đi được vào cuộc sống do vướng với khá nhiều các qui định đã không còn phù hợp ở các Luật về giáo dục, trong đó có Luật CD ĐH.

Do vậy, để tháo gỡ những vướng mắc đang gặp khi triển khai Nghị quyết 29, Quốc hội đương nhiên cần sớm bổ sung, sửa chữa các luật này.

Trong công việc này, cần lưu ý lĩnh vực GD&ĐT lại đồng thời chịu sự điều chỉnh của cả 3 luật: Luật Giáo dục (liên quan đến toàn hệ thống giáo dục), Luật GD ĐH (liên quan tới hệ thống đào tạo đại học “tinh hoa”) và Luật Giáo dục Nghề nghiệp (liên quan tới hệ thống đào tạo nghề “đại chúng”). Để tránh sự bất nhất ở cả 3 luật thì logic tất yếu là Luật giáo dục cần phải được chỉnh sửa trước.

Những căn cứ để tiến hành chỉnh sửa các luật về giáo dục là: Kết quả điều tra và báo cáo về tác động của các luật. Những quan điểm chỉ đạo từ Nghị quyết 29 và các nghị quyết khác của Đảng, Quốc hội và Chính phủ (thí dụ Nghị quyết 14/2005/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020).

Những yêu cầu quan trọng

- Quan điểm của ông, dự thảo Luật GD ĐH sắp tới cần phải đạt được những yêu cầu gì?

Theo tôi, Dự án Luật GD ĐH sửa đổi sắp tới tối thiểu phải đạt được các yêu cầu quan trọng sau:

Một là, phải định hướng cho sự hình thành một hệ thống GDĐH phân tầng thống nhất, đa dạng, rõ ràng và hiệu quả, hiện đại, mang tính đại chúng và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm hội nhập quốc tế.

Hai là, phải khẳng định và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy quyền tự chủ thực sự và hợp lý (trên tất cả các phương diện) và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GDĐH.

Ba là, phải khẳng định được trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của cộng đồng xã hội đối với giáo dục đại học, thể hiện quan điểm xã hội hóa toàn diện về giáo dục.

Bốn là, phải triệt tiêu mọi hậu họa của tệ nạn “xin – cho” trong cơ chế quản lý GDĐH.

Chúng tôi cho rằng, chỉ khi Luật GD ĐH đáp ứng được cả 4 yêu cầu trên thì giáo dục đại học Việt Nam mới hy vọng trong tương lai gần đạt được các tiêu chí cần có của một nền giáo dục đại học tiên tiến là: công bằng, chất lượng, hiệu quả, nhất quán và quốc tế hóa.

Xét chung về kết cấu và nội dung Luật GD ĐH hiện hành vẫn nghiêng theo hướng của một luật về các cơ sở GD ĐH - một văn bản thường chỉ được trình bày dưới dạng “dưới luật”, tức Điều lệ trường đại học. Điều này có thể thấy rõ ngay tại các Điều 1 và 2 của Luật quy định về phạm vi điều chỉnh và về đối tượng áp dụng.

Trong Luật, những nội dung rất quan trọng của một Luật GD ĐH hiện đại như Hệ thống GD ĐH, quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với GD ĐH hầu như không được thể hiện rõ. Mặt khác nhiều nội dung đưa vào lại quá chi li, không xứng tầm của một luật về GD ĐH.

TS Lê Viết Khuyến
TS Lê Viết Khuyến 

Góp ý kết cấu Luật Giáo dục Đại học sửa đổi

- Vậy theo ông, Luật GD ĐH nên được sửa đổi như thế nào?

Những vấn đề cần sửa đổi, theo tôi trước hết là kết cấu của Luật GD ĐH. Cụ thể, đề nghị đưa thêm vào hai chương mới: một chương về Hệ thống giáo dục đại học (chương 2) và một chương về Quan hệ Xã hội (chương gần cuối).

Chương đầu cần chứa đựng các nội dung như: cơ cấu hệ thống GDĐH, các chuẩn mực GDĐH quốc gia, các trình độ đào tạo, hệ thống văn bằng, các cơ sở GDĐH, mạng lưới các hội và hiệp hội về GDĐH... (tương tự như Luật Giáo dục Đại học của Liên Bang Nga).

Chương sau cần đưa vào các nội dung về nguyên tắc bình đẳng trong cơ hội và điều kiện tiếp cận với GDĐH của mọi công dân có nguyện vọng và nhu cầu được học đại học, về trách nhiệm và quyền lợi của công dân, trong đó có giới tuyển dụng đối với GDĐH, về vai trò của các hội và hiệp hội nghề nghiệp trong việc giám sát hoạt động của các cơ sở GD ĐH... Đây là hai chương rất cơ bản không thể thiếu vắng trong mọi Luật GD ĐH.

Những nội dung cụ thể cần lưu ý

- Vậy liên quan đến nội dung cụ thể của các điều, ông có góp ý gì trong dự thảo Luật GD ĐH sửa đổi?

Tôi cho rằng, có những nội dung cụ thể của các Điều cần lưu ý. Bổ sung vào Chương 1 một Điều về Triết lý GD ĐH. Cần thể hiện những quan điểm chính thức của Đảng và Nhà nước về GDĐH để thống nhất định hướng cho phát triển GDĐH Việt Nam. Cần khẳng định GDĐH Việt Nam đi theo hướng đại chúng.

Điều 6: Nên có các trình độ: cao đẳng, cử nhân, chuyên gia (như kỹ sư, bác sỹ, luật sư,...), thạc sỹ và tiến sĩ. Không nên dùng chung một thuật ngữ ĐH cho cả 2 trình độ cử nhân và chuyên gia (xem Luật Giáo dục Đại học LB Nga).Có thể có thêm các trình độ phụ sau trình độ chuyên gia cho những ngành đặc thù (như Chuyên khoa 1, Chuyên khoa 2 ở ngành y,...).

Điều 7: Trong cách gọi tên cơ sở GD ĐH Ban soạn thảo Luật GD ĐH có sự nhầm lẫn giữa cấu trúc và đẳng cấp của trường với tên gọi được Nhà nước đặt cho. Theo thông lệ chung, ĐH (university) chỉ những cơ sở GDĐH đa lĩnh vực nên sẽ không có chuyện chỉ sử dụng tên gọi “đại học” cho các trường ĐH quốc gia hoặc vùng. Cũng không thể nhầm lẫn gọi ĐH là trường hai cấp (xem Khoản 8 Điều 4), bởi gọi như vậy sẽ biến ĐH thành một liên hiệp các trường ĐH chuyên ngành.

Theo quan niệm phổ biến hiện nay: chữ “college” chỉ có nghĩa là một trường ĐH khi nó đứng độc lập, còn khi nằm trong một “university” thì ý nghĩa đó không hề có. Do vậy, không thể vì quan niệm sai khái niệm trường ĐH đa lĩnh vực (university) mà đưa ra một cách hiểu khác lạ như trong Luật GD ĐH hiện hành. Để tránh hiểu lầm chúng tôi đề nghị thay tên gọi ĐH bằng thuật ngữ Viện ĐH.

Theo thông lệ quốc tế hiện nay, các cơ sở GD ĐH có thể được phân loại theo những tiêu chí khác nhau: theo cơ cấu tổ chức (viện đại học, học viện, trường ĐH, trường CĐ), theo sứ mệnh (viện ĐH quốc gia, viện ĐH vùng, trường ĐH ngành, trường ĐH địa phương, trường CĐ ngành, trường CĐ địa phương, trường ĐH tư thục,...), theo đẳng cấp (trường ĐH nghiên cứu, trường ĐH, trường CĐ), theo phương thức tuyển sinh (trường ĐH truyền thống, trường ĐH mở), theo loại hình sở hữu (công lập, tư thục, tư thục hoạt động KVLN, dân lâp). Trong Luật GD ĐH cần có định nghĩa rõ cho từng loại trường như ở các nước để tránh gọi tên tùy tiện đồng thời xác định rõ sứ mệnh của chúng.

Bên cạnh đó, cần bổ sung vào chương Hệ thống GDĐH một điều về Cơ cấu hệ thống GDĐH. Viết thêm điều về Hệ thống các chuẩn giáo dục ĐH (như: chuẩn chương trình, chuẩn năng lưc, chuẩn nhà trường, chuẩn đội ngũ giảng viên,...) với ý nghĩa là những qui định tối thiểu được nhà nước đặt ra cho các cơ sở GD ĐH. Nhà nước chỉ quản lý cái tối thiểu còn các trường được phát triển không hạn chế những chuẩn này tùy theo sứ mệnh và năng lực của mình.

Điều 14 và Điều 15: Nên viết theo cấp quản lý hành chính trong trường chứ không nên viết về bộ máy tổ chức của trường. Với quan niệm như vậy, ĐH (hay viện ĐH) được tổ chức theo cơ chế 3 cấp: Viện ĐH, trường thành viên, khoa ; còn trường ĐH và học viện thường được tổ chức theo cơ chế 2 cấp: trường và khoa.

Nếu lấy đến cấp bộ môn thì ở mỗi loại hình đều tăng thêm một cấp. Cần viết kỹ hơn về nguyên tắc tổ chức các cấp quản lý trong một cơ sở GDĐH. Ví dụ, đại học mang tính đa lĩnh vực, đẳng cấp; trường/học viện mang tính chuyên môn hơn (đơn lĩnh vực); khoa mang tính chất ngành; bộ môn mang tính chuyên ngành.

Thuật ngữ “đại học” (hay viện ĐH) thường để chỉ những cơ sở GD ĐH đa lĩnh vực, có đào tạo ở các trình độ sau ĐH, được tổ chức theo cơ chế 3 cấp quản lý hành chính. Vậy đâu phải chỉ có ĐH quốc gia và ĐH vùng mới được mang tên “đại học”. Còn phụ từ “quốc gia” là để chỉ sứ mệnh của những cơ sở GDĐH đào tạo nhân lực đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở tầm quốc gia. Do đó, nhiều trường ĐH, học viện vẫn được quyền gắn phụ từ đó vào tên của mình (ví dụ: Học viện Âm nhạc Quốc gia Hà nội, Học viện Chính trị Quốc gia,...).

Mở rộng tự chủ đại học

- Mở rộng tự chủ ĐH là một trọng tâm cần nghiên cứu phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH. Hội đồng trường cũng là nội dung được quan tâm. Ông có góp ý gì về những nội dung này hay không?

Nghị quyết 14/2005/NQ-CP của Chính Phủ đã chỉ rõ việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH phải gắn liền với sự hình thành hội đồng trường và xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản. Tuy nhiên, việc không nhắc đến xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản ở Luật GDĐH sẽ làm cho Hội đồng trường cho dù có cũng không thể phát huy được vai trò của mình và điều đó tất nhiên kéo theo việc không thể trao quyền tự chủ thực sự cho các cơ sở GDĐH.

Trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH phải được triển khai đồng bộ với việc gia tăng trách nhiệm giải trình của các cơ sở đó. Trong điều này, cần viết rõ hơn về trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH: các trường phải công khai, minh bạch mọi hoạt động, phải chịu sự giám sát của Nhà nước và cộng đồng xã hội thông qua hội đồng trường và các tổ chức kiểm định, kiểm toán.

Tuy khái niệm Hội đồng trường đã được đưa vào Luật tại các Điều 16,17 và 18 nhưng quan niệm về nó lại không chính xác: không chỉ rõ thành phần của Hội đồng trường chủ yếu là các thành viên trong trường (đại diện cho quyền làm chủ của tập thể nhà trường) hay các thành viên ngoài trường (đại diện cho quyền làm chủ của cộng đồng xã hội);

Hội đồng quản trị của các trường tư có thành phần chủ yếu là các cổ đông (đại diện cho quyền lợi của các nhà đầu tư) hay có thành phần rộng rãi hơn nhiều để đại diện cho cả xã hội; hiệu trưởng có được đồng thời là chủ tịch hội đồng trường hay không,...

Tất cả những điều đó có ảnh hưởng lớn đến vai trò của Hội đồng trường với tư cách là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường.

Cơ chế trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH không rõ. Trao quyền tự chủ phải dựa trên kết quả giám sát, kiểm định của cộng đồng xã hội, không thể chỉ dựa vào ý kiến chủ quan của những người quản lý. Trong Dự thảo Luật phải quy định quyền tự chủ cụ thể cho từng loại trường cũng như các chế tài cần thiết tương ứng để tránh “xin-cho”.

Phân biệt cơ chế vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận

- Vậy còn cơ chế vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận nên được thể hiện như thế nào Luật Giáo dục ĐH sửa đổi lần này?

Theo tôi, ở chương X cần bổ sung một vài điều về sở hữu của các loại hình cơ sở GDĐH, phân biệt cơ chế vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Chính thuộc tính sở hữu quyết định cơ cấu thành phần hội đồng quản trị của mỗi loại hình trường.

Khác với các đại học tư hoạt động không vì lợi nhuận, những trường ĐH tư thục (có lợi nhuận) phải được xem như những doanh nghiệp tư nhân nên không cần đưa đại diện chính quyền địa phương vào hội đồng quản trị (như ở Khoản 3 Điều 17) và không xem phần tài sản tích lũy thuộc khối tài sản chung không chia (như Khoản 4 Điều 66).

Việc chưa minh bạch giữa các cơ chế vì lợi nhuận và không lợi nhuận trong khu vực giáo dục ĐH ngoài công lập là một hạn chế của Luật GD ĐH.

Theo phân tích của chúng tôi, chính sự thiếu rõ ràng giữa 2 cơ chế này ở hệ thống các văn bản đã ban hành của Nhà nước là nguyên nhân chủ yếu của những tiêu cực đang diễn ra trong khối trường ngoài công lập hiện nay và gây khó cho việc ban hành các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với GDĐH ngoài công lập.

Định nghĩa cơ chế không vì lợi nhuận như ở Khoản 7 Điều 4 là phiến diện và không đầy đủ, bởi vì cổ đông không chỉ quyết định mức lợi tức mà còn có quyền can thiệp vô công việc điều hành nhà trường, chiếm giữ các vị trí trọng trách trong trường.

 - Xin cảm ơn ông!

"Để khắc phục những khiếm khuyết của Luật GDĐH hiện hành, trước hết cần điều chỉnh lại kết cấu của Dự luật, bổ sung nhiều nội dung mới cũng như sửa chữa những nội dung không chính xác. Công việc đó không thể chỉ cần một vài tháng với một vài chuyên gia. Do vậy, chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo một mặt cần khẩn trương làm việc nhưng mặt khác phải hết sức thận trọng trong khi chuẩn bị Dự thảo Luật GDĐH sửa đổi này" - TS Lê Viết Khuyến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.