Góp ý của TS Lê Viết Khuyết đi vào nội dung từng chương, điều của Luật Giáo dục Đại học mà quan điểm cá nhân ông cho rằng cần được sửa đổi với những phân tích khá chi tiết.
Thứ nhất: Bổ sung vào Chương 1 một Điều về Triết lý giáo dục đại học. Cần thể hiện những quan điểm chính thức của Đảng và Nhà nước về GDĐH để thống nhất định hướng cho phát triển GDĐH Việt Nam, khắc phục dư luận cho rằng GDĐH Việt Nam chưa có triết lý. Cần khẳng định GDĐH Việt Nam đi theo hướng đại chúng.
Thứ 2: Điều 4, chỉ nên tập trung vào một số khái niệm lớn của riêng giáo dục đại học như: giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học, trình độ GDĐH, các Chuẩn quốc gia về GDĐH... Các khái niệm khác nên đưa vào phụ lục từ điển thuật ngữ...
Riêng khái niệm Giáo dục đại học nên được định nghĩa theo nghĩa rộng, hàm chứa cả giáo dục nghề nghiệp sau trung học (trong đó có đào tạo nghề) như xu hướng thế giới hiện nay, để bảo đảm tính thống nhất của một hệ thống GDĐH phân tầng.
Thứ 3: Điều 5, mục tiêu của giáo dục đại học cần rộng hơn nhiều so với nội dung viết ở Khoản 1 chỉ về đào tạo. Nội dung ở Khoản 2 cần được sửa lại và chuyển qua Điều 6.
Thứ 4: Điều 6, nên có các trình độ: cao đẳng, cử nhân, chuyên gia (như kỹ sư, bác sỹ, luật sư,...), thạc sỹ và tiến sĩ. Không nên dùng chung một thuật ngữ đại học cho cả 2 trình độ cử nhân và chuyên gia (xem Luật Giáo dục Đại học LB Nga). Có thể có thêm các trình độ phụ sau trình độ chuyên gia cho những ngành đặc thù (như Chuyên khoa 1, Chuyên khoa 2 ở ngành y,...).
Thứ 5: Điều 7, theo thông lệ chung, đại học (university) chỉ những cơ sở GDĐH đa lĩnh vực nên sẽ không có chuyện chỉ sử dụng tên gọi “đại học” cho các trường đại học quốc gia hoặc vùng. Cũng không thể nhầm lẫn gọi đại học là trường hai cấp (xem Khoản 8 Điều 4), bởi gọi như vậy sẽ biến đại học thành một liên hiệp các trường đại học chuyên ngành.
Theo quan niệm phổ biến hiện nay: chữ “college” chỉ có nghĩa là một trường đại học khi nó đứng độc lập, còn khi nằm trong một “university” thì ý nghĩa đó không hề có. Do vậy, không thể vì quan niệm sai khái niệm trường đại học đa lĩnh vực (university) mà đưa ra một cách hiểu khác lạ như trong Luật Giáo dục Đại học hiện hành. Để tránh hiểu lầm, đề nghị thay tên gọi Đại học bằng thuật ngữ Viện đại học.
Theo thông lệ quốc tế hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học có thể được phân loại theo những tiêu chí khác nhau: theo cơ cấu tổ chức (viện đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng), theo sứ mệnh (viện đại học quốc gia, viện đại học vùng, trường đại học ngành, trường đại học địa phương, trường cao đẳng ngành, trường cao đẳng địa phương, trường đại học tư thục,...), theo đẳng cấp (trường đại học nghiên cứu, trường đại học, trường cao đẳng), theo phương thức tuyển sinh (trường đại học truyền thống, trường đại học mở), theo loại hình sở hữu (công lập, tư thục, tư thục hoạt động KVLN, dân lâp).
Trong Luật Giáo dục Đại học cần có định nghĩa rõ cho từng loại trường như ở các nước để tránh gọi tên tùy tiện đồng thời xác định rõ sứ mệnh của chúng.
Thứ 6: Dường như có sự nhầm lẫn giữa khái niệm phân tầng giáo dục đại học với khái niệm xếp hạng chất lượng. Một nền GDĐH phân tầng hoàn toàn không hề chấp nhận những cơ sở GDĐH chất lượng thấp. Phân tầng ở đây chỉ có nghĩa là thừa nhận sự đa dạng về sứ mệnh của các cơ sở GDĐH.
Ở Khoản 5 của Điều 9 có nói đến Nhà nước (Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) là người công nhận xếp hạng cơ sở GDĐH, nhưng không chỉ ra ai là người chịu trách nhiệm xếp hạng.
Thứ 7: Bổ sung vào chương Hệ thống GDĐH một điều về Cơ cấu hệ thống GDĐH. Viết thêm điều về Hệ thống các chuẩn giáo dục đại học (như: chuẩn chương trình, chuẩn năng lưc, chuẩn nhà trường, chuẩn đội ngũ giảng viên,...) với ý nghĩa là những qui định tối thiểu được nhà nước đặt ra cho các cơ sở giáo dục đại học. Nhà nước chỉ quản lý cái tối thiểu còn các trường được phát triển không hạn chế những chuẩn này tùy theo sứ mệnh và năng lực của mình.
Thứ 8: Điều 14 và Điều 15, nên viết theo cấp quản lý hành chính trong trường chứ không nên viết về bộ máy tổ chức của trường. Với quan niệm như vậy, đại học (hay viện đại học) được tổ chức theo cơ chế 3 cấp: Viện đại học, trường thành viên, khoa; còn trường đại học và học viện thường được tổ chức theo cơ chế 2 cấp: trường và khoa.
Nếu lấy đến cấp bộ môn thì ở mỗi loại hình đều tăng thêm một cấp. Cần viết kỹ hơn về nguyên tắc tổ chức các cấp quản lý trong một cơ sở GDĐH. Thí dụ, đại học mang tính đa lĩnh vực, đẳng cấp; trường / học viện mang tính chuyên môn hơn (đơn lĩnh vực); khoa mang tính chất ngành; bộ môn mang tính chuyên ngành.
Thứ 9: Việc tách ra Điều 8 và Điều 29 cho riêng loại trường Đại học Quốc gia là không hợp lý. Thuật ngữ “đại học” (hay viện đại học) thường để chỉ những cơ sở giáo dục đại học đa lĩnh vực, có đào tạo ở các trình độ sau đại học, được tổ chức theo cơ chế 3 cấp quản lý hành chính. Vậy đâu phải chỉ có đại học quốc gia và đại học vùng mới được mang tên “đại học”.
Còn phụ từ “quốc gia” là để chỉ sứ mệnh của những cơ sở GDĐH đào tạo nhân lực đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở tầm quốc gia. Do đó, nhiều trường đại học, học viện vẫn được quyền gắn phụ từ đó vào tên của mình (thí dụ: Học viện Âm nhạc Quốc gia Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia,...).
Điều 8 gán cho các đại học quốc gia vai trò, địa vị pháp lý và đẳng cấp cao nhất là duy ý chí. Trên thế giới Nhà nước chỉ trao sứ mệnh cho các trường đại học còn đẳng cấp của trường phải được cộng đồng đại học thừa nhận trên cơ sở những gì mà trường đại học đó thể hiện.
Thứ 10: Nghị quyết 14/2005/NQ-CP của Chính Phủ đã chỉ rõ việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH phải gắn liền với sự hình thành hội đồng trường và xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản.
Tuy nhiên việc không nhắc đến xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản ở Luật GDĐH sẽ làm cho Hội đồng trường cho dù có cũng không thể phát huy được vai trò của mình và điều đó tất nhiên kéo theo việc không thể trao quyền tự chủ thực sự cho các cơ sở GDĐH.
Trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH phải được triển khai đồng bộ với việc gia tăng trách nhiệm giảitrình của các cơ sở đó (Thuật ngữ “tự chịu trách nhiệm” viết trong Luật Giáo dục không chính xác, thậm chí còn làm nhiều người hiểu sai. Nhiều năm nay rất nhiều học giả và nhà quản lý đã đề nghị thay thuật ngữ này bằng thuật ngữ “trách nhiệm giải trình”).
Trong điều này, cần viết rõ hơn về trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH: các trường phải công khai, minh bạch mọi hoạt động, phải chịu sự giám sát của Nhà nước và cộng đồng xã hội thông qua hội đồng trường và các tổ chức kiểm định, kiểm toán.
Tuy khái niệm Hội đồng trường đã được đưa vào Luật tại các Điều 16,17 và 18 nhưng quan niệm về nó lại rất không chính xác: không chỉ rõ thành phần của Hội đồng trường chủ yếu là các thành viên trong trường (đại diện cho quyền làm chủ của tập thể nhà trường) hay các thành viên ngoài trường (đại diện cho quyền làm chủ của cộng đồng xã hội);
Hội đồng quản trị của các trường tư có thành phần chủ yếu là các cổ đông (đại diện cho quyền lợi của các nhà đầu tư) hay có thành phần rộng rãi hơn nhiều để đại diện cho cả xã hội; hiệu trưởng có được đồng thời là chủ tịch hội đồng trường hay không,... Tất cả những điều đó có ảnh hưởng lớn đến vai trò của Hội đồng trường với tư cách là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường.
Thứ 11: Chương III cần bổ sung một Điều về Sứ mệnh của các cơ sở giáo dục đại học (đặt trước Điều 28).
Thứ 12: Điều 32, thoạt đầu đọc điều này có cảm nghĩ dường như các cơ sở GDĐH sẽ được quyền tự chủ rất lớn. Tuy nhiên khi đọc những minh chứng cụ thể ở hàng loạt điều có thể nhận thấy rất rõ sự ràng buộc với các quy định cụ thể.
Cơ chế trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học không rõ. Trao quyền tự chủ phải dựa trên kết quả giám sát, kiểm định của cộng đồng xã hội, không thể chỉ dựa vào ý kiến chủ quan của những người quản lý.
Thứ 13: Chương VII cần làm rõ cơ chế và quy trình kiểm định chất lượng giáo dục: bắt đầu từ việc Nhà nước ban hành các chuẩn quốc gia về giáo dục đại học, các tổ chức kiểm định cụ thể hóa những chuẩn đó. Dựa trên các chuẩn này các trường công bố sứ mạng và triển khai hoạt động đảm bảo chất lượng.
Công tác kiểm định phải do các đơn vị kiểm định độc lập thực hiện để đảm bảo khách quan và phải tập trung vào việc xem xét sự phù hợp giữa thực trạng với tuyên bố sứ mạng của nhà trường. Dựa vào kết quả kiểm định Nhà nước mới có cơ sở để đưa ra các quyết định công nhận đẳng cấp của cơ sở GDĐH và các chế tài.
Ngoài ra cần bổ sung các quy định về chu kỳ kiểm định, về kiểm định đột xuất và về hậu kiểm định.
Thứ 14: Ở chương X cần bổ sung một vài điều về sở hữu của các loại hình cơ sở GDĐH, phân biệt cơ chế vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Chính thuộc tính sở hữu quyết định cơ cấu thành phần hội đồng quản trị của mỗi loại hình trường.
Khác với các đại học tư hoạt động không vì lợi nhuận những trường đại học tư thục (có lợi nhuận) phải được xem như những doanh nghiệp tư nhân nên không cần đưa đại diện chính quyền địa phương vào hội đồng quản trị (như ở Khoản 3 Điều 17) và không xem phần tài sản tích lũy thuộc khối tài sản chung không chia (như Khoản 4 Điều 66).
Việc né tránh không muốn làm minh bạch giữa các cơ chế vì lợi nhuận và không lợi nhuận trong khu vực giáo dục đại học ngoài công lập là một hạn chế của Luật Giáo dục Đại học. Chính sự thiếu rõ ràng giữa 2 cơ chế này ở hệ thống các văn bản đã ban hành của Nhà nước là nguyên nhân chủ yếu của những tiêu cực đang diễn ra trong khối trường ngoài công lập hiện nay và gây khó cho việc ban hành các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với GDĐH ngoài công lập.
Định nghĩa cơ chế không vì lợi nhuận như ở Khoản 7 Điều 4 là phiến diện và không đầy đủ, bởi vì cổ đông không chỉ quyết định mức lợi tức mà còn có quyền can thiệp vô công việc điều hành nhà trường, chiếm giữ các vị trí trọng trách trong trường.
Thứ 15: Điều 69, tại Khoản 4, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học theo phân cấp của Chính phủ chứ không thể làm nhiệm vụ giám sát việc bảo đảm các điều kiện cho phép hoạt động, mở ngành đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục của mọi cơ sở GDĐH đóng trên địa bàn. Đây là nhiệm vụ của các đơn vị kiểm định được hình thành từ các tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Thứ 16: Trong Luật giáo dục đại học hiện hành đề cập tới khá nhiều khái niệm nhưng phần lớn những khái niệm này không được định nghĩa một cách tường minh hoặc nếu có thì lại không chính xác.
Để tránh việc viết trong Luật sửa đổi quá nhiều các định nghĩa này nên chăng cần soạn thảo ra một phụ lục từ điển thuật ngữ (Glosary) dựa trên các tư liệu quốc tế đã có.