Tự chủ đại học: Để gánh nặng tài chính không 'đè' người học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cùng với việc phát triển tự chủ đại học, dường như có xu hướng trường đại học có tính tự chủ cao thì học phí cũng càng cao. Để gánh nặng tài chính không “đè” người học, buộc các trường phải có giải pháp để “mở rộng nguồn thu”.

Sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội trong giờ học.
Sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội trong giờ học.

Canh cánh lo học phí tăng

Cha mẹ đang gặp khó khăn về tài chính nên mức chi tối thiểu 3 triệu đồng/tháng là một gánh nặng với gia đình Nguyễn Huỳnh Minh Tài, sinh viên Trường ĐH Y Dược Cần Thơ.

“Hiện, mức học phí của nhà trường khoảng 30 triệu đồng/năm, tăng 30% so với đầu năm. Em mong muốn có thể được chia thành nhiều lần đóng hay giảm nhẹ học phí để đỡ gánh nặng cho ba mẹ”, Nguyễn Huỳnh Minh Tài chia sẻ.

Đang học tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Bùi Anh Quốc cho biết, mức học phí hiện phải đóng là 500 nghìn đồng/tín chỉ - mức này ổn định so với năm trước. Cả học phí và sinh hoạt phí, trung bình mỗi tháng Quốc cần khoảng 3,8 triệu đồng.

“Em khá lo lắng về xu hướng tăng học phí của các trường đại học hiện nay. Mong rằng chính sách cho vay tín dụng sinh viên sẽ có những gói không lãi suất hoặc lãi suất rất thấp (có thể vay với lượng ít mỗi tháng tùy theo nhu cầu). Đồng thời, cơ sở vật chất, chất lượng dạy học được cải thiện hơn nữa”, Bùi Anh Quốc bày tỏ mong muốn.

Nguyên là Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội, ông Trương Tiến Tùng cho hay: Ở Việt Nam nguồn thu tài chính của nhà trường khi tự chủ (thiếu đi phần đầu tư ngân sách) phần lớn từ học phí (đóng góp của người học). Nguồn thu này chiếm tỷ lệ hơn 70% nên khi cần đầu tư, nhà trường nghĩ ngay tới tăng học phí. Câu nói “trăm dâu đổ đầu người học” gần đây dư luận thường nhắc tới không sai với một số đơn vị; nhiều khi cực đoan còn liên quan tới vấn đề công bằng xã hội, phát triển nhân tài...

TS Nguyễn Văn Cường, ĐH Potsdam (CHLB Đức) thì nhận định: Với xu hướng hội nhập quốc tế, tự chủ đại học cũng được quan tâm, thực hiện ở Việt Nam từ nhiều năm nay và đạt được thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên vẫn còn vấn đề cần tiếp tục giải quyết, khắc phục, đặc biệt là tự chủ tài chính. Cùng với phát triển tự chủ đại học, dường như có xu hướng trường đại học có tính tự chủ cao thì học phí cũng càng cao. Nghị định số 81/2021 quy định rõ mức thu học phí trần với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo mức độ tự chủ.

Như vậy, tự chủ tài chính đại học ở Việt Nam có thể được hiểu là tự lo về tài chính, hay cụ thể hơn là chuyển từ trách nhiệm đầu tư tài chính của Nhà nước sang gánh nặng tài chính phải tự lo của người học. Điều này dẫn đến hệ lụy là con em nhiều gia đình có thu nhập thấp không có có hội học tập chương trình giáo dục đại học chất lượng cao, mặc dù có năng lực, nguyện vọng theo học. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tính công bằng về cơ hội học tập, mà có thể ảnh hưởng đến sự phát triển giáo dục đại học nói riêng và đất nước nói chung.

TS Cao Bá Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 trao khen thưởng cho sinh viên đoạt giải cao trong các cuộc thi thuộc lĩnh vực văn hóa văn nghệ.

TS Cao Bá Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 trao khen thưởng cho sinh viên đoạt giải cao trong các cuộc thi thuộc lĩnh vực văn hóa văn nghệ.

Giải pháp mở rộng nguồn thu

Để tồn tại, phát triển, các trường cần tăng năng lực tài chính (mở rộng nguồn thu). Theo ông Trương Tiến Tùng, nguồn thu sẽ được xác định từ: Học phí; bán sản phẩm khoa học (kết quả nghiên cứu); tài trợ, tiền vay từ các nguồn; đặt hàng đào tạo, nghiên cứu của Nhà nước, doanh nghiệp; tiết kiệm chi phí của nhà trường. “Rõ ràng học phí chỉ là một phần không lớn của nguồn thu”, nhấn mạnh điều này, ông Trương Tiến Tùng phân tích kỹ hơn từng phần và các nút thắt để tháo gỡ.

Theo đó, trước tiên học phí phải được tính đúng, tính đủ. Điều này trong yêu cầu tự chủ đại học đã quy định trường tự chủ phải xây dựng “Khung định mức kinh tế kỹ thuật và giá dịch vụ đào tạo”. Sau khi có cẩm nang này, nhà trường sẽ công bố lộ trình học phí từ bao cấp đến khi thu đúng và đủ (công khai với người học, xã hội). Quá trình trên, nhà trường phải triệt để vận dụng tiết kiệm nguồn chi.

Giải pháp cho người học, ông Trương Tiến Tùng nhắc đến các học bổng của nhà trường. Trong đó có học bổng khuyến khích học tập (được trích 8% từ học phí); học bổng hỗ trợ (được nhà trường xét duyệt hàng năm cho sinh viên khó khăn); học bổng khác đến từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp. Riêng với sinh viên thuộc diện chính sách đã có học bổng của Nhà nước cấp (đặt hàng đào tạo sinh viên thuộc diện chính sách) có thể tham gia công việc làm thêm, đặc biệt là thực tập có lương do nhà trường tổ chức. Cuối cùng, sinh viên có thể tiếp cận với nguồn vay cho học tập từ các ngân hàng.

Về phía Nhà nước, ông Trương Tiến Tùng nhấn mạnh việc kiểm soát “khung định mức kinh tế kỹ thuật và giá dịch vụ đào tạo” để bảo đảm có trần học phí công bằng, công khai. Nhà nước cũng cần có chính sách cho người dân vay để tham gia học tập, việc vay phải có xác nhận của nhà trường. Trường nào có uy tín (tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp, có kiểm định - đảm bảo ra trường có khả năng thanh toán) mới có thể chứng nhận cho sinh viên vay.

Cùng với đó, cần đầu tư học bổng cho sinh viên ngành khoa học cơ bản, ngành mà nhu cầu thị trường cần (đặt hàng đào tạo). Đầu tư trực tiếp cho người học thông qua kết quả học tập để đóng học phí. Đặc biệt là đầu tư có trọng điểm (không dàn trải, chia đều) để tạo được các trường có uy tín trong khu vực. Giảm thuế cho doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo và đầu tư cho nhà trường.

Về phía nhà trường, phải tích cực tìm kiếm các nguồn lực ngoài học phí để không quá lệ thuộc vào nguồn này. Đồng thời, tích cực hỗ trợ người học các công việc làm thêm ngoài giờ học trong và ngoài nhà trường; ví dụ như trợ giảng, phục vụ thí nghiệm, thư viện... Tăng cường thực tập có hưởng lương từ các doanh nghiệp ký kết với nhà trường. Đặc biệt là tính toán để giảm chi phí khi quản trị vận hành nhà trường.

Về phía các doanh nghiệp: Để tránh lãng phí phải đào tạo lại, hãy tham gia cùng nhà trường trong đào tạo và đầu tư để có lao động giỏi. Nếu chính sách thuế với doanh nghiệp có đóng góp cho đào tạo được thực hiện (Nhà nước chỉ đạo), chắc chắn doanh nghiệp sẽ tham gia vào chuỗi cho vay, cấp học bổng để có được lao động tốt.

“Chính phủ nên coi giáo dục đại học là ngành kinh tế đặc thù (dịch vụ công có thu) đảm bảo thu đủ chi, chỉ đầu tư (dạng cho vay dài hạn) và đầu tư có trọng tâm để có trường chuẩn quốc tế. Nên có chính sách, chế tài tín dụng với giáo dục đại học theo hướng: Có vay, có trả; có uy tín dễ vay (tín chấp) - theo quy luật thị trường. Có chính sách đối với cá nhân, doanh nghiệp tích cực hỗ trợ giáo dục đại học.

Về phía các trường, cần minh bạch nguồn lực để người học dễ dàng lựa chọn; được người học chọn là được Nhà nước đầu tư (thông qua học phí); và có sinh viên là có thể vay để đầu tư phát triển. Cần tuyên truyền rõ đào tạo sau THPT là học để có việc làm, thu nhập, nên người dân phải sẵn sàng đầu tư cho chính mình theo nhu cầu năng lực bản thân tránh lãng phí cho xã hội” - ông Trương Tiến Tùng nêu quan điểm.

Nhấn mạnh điều khác biệt cơ bản về tự chủ đại học giữa Việt Nam và Đức, TS Nguyễn Văn Cường (ĐH Potsdam) cho biết: Giáo dục đại học ở Đức là miễn phí trong các trường công, không chỉ đối với sinh viên Đức, mà cả sinh viên quốc tế. Hiến pháp của các bang đều trao cho trường đại học quyền tự chủ trong khuôn khổ luật pháp, bao gồm tự chủ về pháp lý, tài chính, nhân sự và tổ chức. Năm 2011, Đại hội hiệu trưởng đại học (HRK) lần thứ 10 đã ban hành một nghị quyết kêu gọi các bang đảm bảo điều kiện khung cho tự chủ đại học.

Về tài chính, Nhà nước cần cung cấp cho trường đại học một gói ngân sách tổng thể. Các trường được tăng quyền tự chủ trong việc sử dụng linh hoạt ngân sách nhằm bảo đảm tốt nhất cho việc phục vụ mục tiêu đào tạo, phát triển. Ngoài việc trao quyền tự chủ, cung cấp đủ kinh phí cơ bản là điều cần thiết để đáp ứng các yêu cầu mà Nhà nước, xã hội đặt ra đối với trường đại học.

Sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội tham gia nghiên cứu khoa học.

Sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội tham gia nghiên cứu khoa học.

Tín dụng sinh viên - giải pháp quan trọng

Liên quan đến vấn đề này, TS Cao Bá Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, lại nhấn mạnh đến vai trò của tín dụng sinh viên và cho rằng: Tín dụng sinh viên là chính sách quan trọng về tài chính giáo dục đại học. Trong bối cảnh hiện nay, tín dụng sinh viên được xem là giải pháp quan trọng nhằm giúp duy trì sự bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Hiện nay, mức vốn chovay tín dụngcho sinh viên là 4 triệu đồng/tháng/sinh viên (theo Quyết định 05/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) có hiệu lực từ ngày 19/5/2022 (mức cũ 2,5 triệu/tháng). Với mức cho vay mới này, cơ bản nhiều sinh viên sẽ đủ để đóng học phí và một phần cho sinh hoạt phí, tài liệu, đồ dùng học tập. Tuy nhiên, sẽ không đủ nếu sinh viên theo học các chương trình chất lượng cao, ngành y dược tại thành phố lớn.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả và sự phù hợp của chính sách tín dụng cho sinh viên trong bối cảnh tự chủ đại học được đẩy mạnh theo hướng toàn diện, theo TS Cao Bá Cường, cần có những giải pháp sau:

Đa dạng định mức cho vay: Định mức cho vay có thể tương ứng mức thu học phí của trường mà sinh viên đang theo học, thay vì một định mức chung như hiện nay (trong đó, có thể cho vay đủ để trang trải tiền học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí). Nghiên cứu mở rộng thêm đối tượng được hưởng lợi từ chính sách tín dụng sinh viên (đơn cử những sinh viên có thể không thuộc đối tượng được cho vay theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg, nhưng gia đình vẫn không đủ khả năng để cho học ngành có mức thu học phí cao). Tuy nhiên, Nhà nước cần có biện pháp phù hợp để hạn chế trục lợi từ chính sách.

Cùng với đó, tăng cường truyền thông của cơ sở đào tạo, ngân hàng, chính quyền địa phương tới nhân dân. Hướng dẫn kỹ về quyền và trách nhiệm của sinh viên khi tham gia chính sách tín dụng sinh viên. Trong đó nhấn mạnh nghĩa vụ về học tập; trả nợ sau khi tốt nghiệp. Bảo đảm sinh viên nhận thức rõ những rủi ro của mình khi không trả nợ đúng hạn và không trả được nợ. Ngoài ra, cũng cần giảm các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các em được vay vốn.

Về phía các cơ sở đào tạo, TS Cao Bá Cường cho rằng, cần tăng cường sự quan tâm, hỗ trợ thêm sinh viên vay tín dụng trong quá trình đào tạo tại trường. Ví dụ, có thể triển khai mô hình vay vốn học tập cho sinh viên bằng chính nguồn lực tài chính của trường hoặc phối hợp với các ngân hàng thương mại. Qua đó, nhà trường chi trả toàn bộ lãi suất trong thời gian sinh viên học tại trường. Đồng thời, các trường cũng cần xây dựng quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên nghèo từ các nguồn xã hội hóa, quy định riêng về miễn giảm học phí, lệ phí ký túc xá cho sinh viên nghèo. Bên cạnh đó, phối hợp với ngân hàng thương mại có chương trình vay vốn ngắn hạn ưu đãi để đóng học phí dành cho sinh viên có khó khăn về tài chính.

“Bên cạnh ngân sách cơ bản do nhà nước đầu tư, các trường đại học tự chủ tìm kiếm nguồn ngân sách bổ sung. Ví dụ việc nỗ lực để nhận được tài trợ cho dự án nghiên cứu từ Quỹ phát triển nghiên cứu khoa học liên bang, hoặc liên kết với doanh nghiệp để thực hiện dự án chuyển giao công nghệ. Thông qua đó, nhà trường không chỉ tăng cường về tài chính, mà còn tăng chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học mà không cần thu học phí từ người học. Ngoài ra, sinh viên ở Đức có thể nhận học bổng vay trong quá trình học đại học. Sau khi ra trường, nhận việc làm thì bắt đầu phải trả dần học bổng vay nhưng chỉ cần trả 50% số tiền đã nhận” - TS Nguyễn Văn Cường cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ