Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cần hiểu đúng bản chất của tự chủ đại học

GD&TĐ - Phát biểu kết luận Hội nghị tự chủ đại học năm 2022 (ngày 4/8), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, cần hiểu đúng bản chất của tự chủ đại học. Quyền tự chủ như một thuộc tính của đại học, là yếu tố tất yếu cần có và phải có trong sự phát triển của giáo dục bậc cao.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận Hội nghị tự chủ đại học năm 2022.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận Hội nghị tự chủ đại học năm 2022.

“Giá đỡ” của đổi mới và sáng tạo

Hội nghị tự chủ đại học năm 2022 có 11 tham luận, 10 ý kiến trao đổi tại hội trường, và ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, tự chủ đại học là con đường rất dài nhưng chúng ta đã đi được một chặng quan trọng. Chặng đường đó rất rõ ràng. Ngày hôm nay bắt đầu cho chặng đường mới của tự chủ đại học. Từ đây, tự chủ đại học sẽ đi vào chiều sâu, hoàn thiện, chất lượng với đầy đủ sự phù hợp và tinh tế.

Những gì chúng ta đang làm là đúng, mang nhiều giá trị; đồng thời kỳ vọng vào chặng đường tiếp theo. “Tôi muốn nhấn mạnh sự đúng đắn của con đường mà chúng ta đang đi” – Bộ trưởng nói và hi vọng một ngày nào đó, chúng ta không phải bàn đến tự chủ nữa, mà đó là điều đương nhiên.

Trước một số ý kiến nói là giao quyền tự chủ, Bộ trưởng trao đổi: Như vậy là chưa chính xác. Cần hiểu đúng bản chất của tự chủ đại học. Quyền quản lý Nhà nước không giao cho một cơ sở đào tạo, mà là công nhận quyền tự chủ của trường đại học. Quyền tự chủ như một thuộc tính của đại học, là yếu tố tất yếu cần có và phải có trong sự phát triển của giáo dục bậc cao.

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Theo Bộ trưởng, bây giờ không phải trao tự chủ mà là sự chuyển hóa quyền lực. Quyền lực ấy là tự thân của đại học. “Linh hồn” của quyền tự chủ đại học là chuyên môn, học thuật... Đó là “giá đỡ” của sự đổi mới và sáng tạo. “Sự thay đổi cần hiểu đúng bản chất của nó. Không trao chuyển, mà là sự thừa nhận và khẳng định” – Bộ trưởng nhắc lại.

Nhấn mạnh, một trong những thành tựu của tự chủ là làm cho các cơ sở giáo dục đại học “trưởng thành” hơn, Bộ trưởng so sánh, nó như một thực thể, cá nhân có thể làm và tự chịu trách nhiệm với xã hội về việc mình làm. Nó sẽ mở đường cho những điều kì diệu khác – trung tâm của trí tuệ, sáng tạo.

Loại bỏ những rào cản

Sắp tới, Bộ sẽ ban hành nhóm thông tư về kiểm định chất lượng giáo dục. Vụ Giáo dục Đại học dự kiến sẽ ban hành sổ tay tự chủ đại học. Ngoài ra, phải tổ chức tập huấn về tự chủ đại học, tăng cường phổ biến pháp luật trong tự chủ đại học.

Từ các kết quả của tự chủ đại học đem lại, Bộ trưởng nhận thấy có điểm chung là: Làm thay đổi được chất lượng đội ngũ, tức là con người. Chúng ta cần cương quyết, tiếp tục mở đường, loại bỏ những rào cản để tự chủ đại học được tiến hành.

Nhắc đến hai nhóm vấn đề là bên trong và bên ngoài, Bộ trưởng chia sẻ: Nhóm giải quyết vấn đề bên trong là nội bộ của một thực thể tự chủ. Nhóm còn lại là giải quyết những câu chuyện bên ngoài.

Nếu nhóm vấn đề thứ nhất, nhìn về bên trong của thực thể tự chủ là một trường đại học thì chúng ta cần xác định lúc này câu chuyện hành động là rất quan trọng. Quyền lực cả đơn vị chứ không phó thác cho hội đồng trường. Hội đồng trường chỉ là một vấn đề ở bên trong. Hội đồng trường phải “đúng vai”, phải giám sát được hiệu trưởng. Hiệu trưởng cũng đúng vai và chịu trách nhiệm giải trình.

Trước đây, cơ quan chủ quản “áp” xuống bằng mệnh lệnh hành chính, nay cần dẫn dắt các trường từ dưới lên; tạo nên luật chơi riêng của từng trường và quyết định hướng đi. Khi nào tiếng nói chuyên môn có trọng lượng nhất thì tự chủ đại học mới được thực hiện. Hệ thống văn bản bên trong của cơ chế tự chủ là phải thống nhất; do đó các trường cần rà soát lại. Phải phát huy được tiếng nói của các nhà khoa học.

Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị.

Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị.

Theo Bộ trưởng, kiểm định là công cụ quản lý Nhà nước về tự chủ. Nếu một trong hai hệ thống “lệch pha” nhau là tự chủ có vấn đề. Bộ sẽ rà soát lại các văn bản quy định để tháo gỡ các khó khăn, kiến nghị các cơ quan khác để cùng nghe, cùng thấu hiểu.

Bộ trưởng nhìn nhận, giáo dục đại học cần đổi mới rất nhiều chứ không phải mỗi tự chủ đại học. Trách nhiệm của Bộ sẽ phải điều tiết, thể hiện đúng vai trò quản lý Nhà nước để giải quyết các khó khăn.

“Thời gian tới, chúng ta sẽ bước vào giai đoạn tự chủ tốt hơn, các hiệu trưởng sẽ bớt băn khoăn và các trường sẽ đạt được nhiều kết quả mới” – Bộ trưởng tin tưởng.

Theo Bộ trưởng, chuyển hóa quyền lực có giá trị quan trọng là giải phóng năng lực, khả năng nội tại của trường đại học. Những năng lực của từng cá nhân, khai phóng từ bên trong sẽ đem lại giá trị to lớn. Từ đó, làm cho các trường đại học bước vào sự trưởng thành, giải phóng năng lực, tiềm năng. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể thấy được cái gì cần làm, cần khai thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...