Tự chủ đại học tạo ra sức sống mới, sáng tạo cho nhà trường

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Tại Hội nghị tự chủ đại học năm 2022 diễn ra sáng 4/8, các ý kiến, tham luận của chuyên gia đều khẳng định, tự chủ đại học đã đem lại những kết quả đáng khích lệ đối với hệ thống giáo dục đại học, đồng thời giải phóng được sức sáng tạo của nhà trường.

Tự chủ đại học được coi là “chìa khóa” để thành công . Ảnh minh họa
Tự chủ đại học được coi là “chìa khóa” để thành công . Ảnh minh họa

Vừa là mục tiêu, vừa là động lực

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong những cơ sở giáo dục đại học sớm thực hiện cơ chế tự chủ đại học, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Trường chủ động đổi mới mọi mặt hoạt động, khai thác hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy năng lực và thế mạnh nội tại để thúc đẩy tăng trưởng trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và dịch vụ.

Trường ĐHBK thực hiện chiến lược phát triển giai đoạn 2017-2025, với 5 mục tiêu và 10 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm (2021-2025); trong đó đổi mới quản trị là giải pháp then chốt. “Quan điểm của chúng tôi là, lấy Nhà trường làm nền tảng - Người thầy là chủ thể, là động lực phát triển - Người học làm trung tâm” - PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng.

Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, người thầy được tạo điều kiện tối đa để phát triển giảng dạy và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo đảm bảo tính hiện đại và phát triển bền vững; Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, khẳng định và nâng cao vị thế thương hiệu Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong khởi nghiệp, khởi nguồn và đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động hỗ trợ người học, đảm bảo công bằng cho người học.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng tham luận tại Hội nghị

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng tham luận tại Hội nghị

PGS. TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội) nhìn nhận, thực tế cho thấy, tự chủ đại học đã trở thành nhu cầu tự thân, xu thế tất yếu và có tính khách quan. Tự chủ đại học vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh.

“Chìa khóa” để thành công

“Trên cơ sở triển khai hiệu quả, quyết liệt đổi mới giáo dục đại học theo tinh thần Nghị quyết 29, có thể thấy, tự chủ đại học đã đem lại những kết quả đáng khích lệ đối với hệ thống giáo dục đại học nói chung và các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) công lập nói riêng” - PGS.TS Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh; đồng thời viện dẫn:

Một số mô hình tự chủ đại học đã dần được định hình. Nhận thức về tự chủ đại học đã được nâng lên ở tầm cao mới; tự chủ đại học thực sự đã tạo ra một sức sống mới giúp các trường công lập nâng cao chất lượng đào tạo; đồng thời, hướng tới cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao hơn.

Ở một số ngành nghề đào tạo, nhân lực không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn đáp ứng nhu cầu khu vực và quốc tế. Vấn đề chuyển giao công nghệ và tri thức cũng có những chuyển biến tích cực. Công tác đảm bảo chất lượng, số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên và viên chức quản lý của các cơ sở giáo dục đại học nâng cao rõ rệt.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Nhấn mạnh, “chìa khóa” để thành công trong tự chủ đại học là các cơ sở GDĐH cần phải có được nhận thức đúng đắn về tự chủ đại học; PGS. TS Bùi Anh Tuấn trao đổi: Thứ nhất, các cơ sở GDĐH cần có nhận thức đúng đắn, phù hợp về vai trò của tự chủ đại học đối với sự phát triển của các cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh mới.

Cần phải coi tự chủ đại học là một xu thế tất yếu cho sự phát triển và sẽ là xu thế chủ đạo trong thời gian tới. Để làm được điều này, cần nhanh chóng thay đổi tư duy của viên chức và lãnh đạo trong các cơ sở GDĐH công lập.

Thứ hai, các cơ sở GDĐH cần đảm bảo sự thống nhất, đoàn kết giữa các thiết chế Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu trong quản trị đại học. Tùy vào tình hình cụ thể của cơ sở GDĐH mà các vị trí này cần phải được bố trí, sắp xếp một cách phù hợp, khoa học, đảm bảo sự gắn kết, hỗ trợ, kiểm soát lẫn nhau vì mục tiêu phát triển chung của cơ sở GDĐH.

Trong bài tham luận của mình, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT – nhìn nhận, việc thực hiện tự chủ trong giáo dục đại học là một điểm nhấn quan trọng trong phát triển giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Đây là xu hướng toàn cầu, thậm chí còn có cả ý kiến kêu gọi không đưa tên các trường đại học ở các quốc gia có sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào các bảng xếp hạng đại học quốc tế.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Đặt vấn đề, nếu như đại học không tự chủ thì làm sao tạo lập được môi trường đổi mới và đào tạo được lớp người có tư duy sáng tạo; TS Lê Trường Tùng cho rằng, nếu như không được đào tạo trong môi trường đổi mới sáng tạo thì làm sao sinh viên sau này có thể cạnh tranh bởi sự khác biệt, làm sao có tư duy làm tốt, làm tốt hơn, làm sao vượt lên khỏi các công việc mang tính quy trình sẽ là việc dành cho robot và trí tuệ nhân tạo sau này.

"Hiện nay, khi bàn về tự chủ trong giáo dục đại học, chất lượng thường là yếu tố được nhấn mạnh. Tuy nhiên trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, nên chăng mục tiêu chiến lược kết hợp hài hòa giữa chất lượng, số lượng và hiệu quả” - TS Lê Trường Tùng nêu quan điểm.

“Khi sứ mạng của đại học là kiến tạo tương lai, dẫn dắt kinh tế xã hội chứ không phải là đi sau để xã hội hiện tại dẫn dắt, nếu như đại học không tự chủ thì làm sao giải phóng được sức sáng tạo của nhà trường, làm sao phát triển với tốc độ nhanh trong nền kinh tế tri thức không theo quy luật “cá lớn nuốt cá bé” mà là quy luật “nhanh thắng chậm”, nhanh theo tốc độ mở của hàm mũ” - TS Lê Trường Tùng tham luận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ