Tự chủ đại học: Cơ hội và thách thức

GD&TĐ - Sáng 30/9, tại Hà Nội khai mạc hội thảo “Tự chủ đại học – Cơ hội và thách thức”. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, đại diện một số Bộ, ngành hữu quan, cùng đông đảo các trường ĐH, CĐ trên cả nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh ý nghĩa và sự cần thiết của tự chủ đại học. Phó Thủ tướng chỉ rõ, trong đổi mới giáo dục đại học, xu thế chung là trao quyền tự chủ cho các trường đại học, mục đích là để các trường sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực, phản ứng tốt trước các tác động của thị trường luôn thay đổi và những yêu cầu mới của xã hội.

Phó Thủ tướng phân tích: Chúng ta cần nhận thức cho đúng bản chất của tự chủ đại học. Thậm chí có ý kiến còn thiên về góc độ tài chính. Hoặc thậm chí cho rằng, trường nào đó được trao cơ chế tự chủ đại học thì sẽ không được Nhà nước hỗ trợ đầu tư vào đó. Điều này là không đúng.

Phó Thủ tướng đã đưa ra dẫn chứng một số trường đại học như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân dù đã được trao cơ chế tự chủ đại học, nhưng Nhà nước vẫn đứng ra vay vốn để hỗ trợ đầu tư phát triển.

Chỉ ra thực tế những vấn đề của giáo dục đại học, đó là chất lượng đào tạo với hàng vạn cử nhân, thạc sĩ học xong nhưng không có việc làm hoặc không ổn định đang là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng: Nếu chúng ta có đội ngũ các cử nhân cho ra cử nhân, kỹ sư cho ra kỹ sư thật đông đảo thì đây thực sự sẽ là nguồn thu hút đầu tư rất mạnh, rõ nét đối với thị trường. Đồng thời, tăng tiềm lực về khoa học công nghệ, đổi mới hệ thống và sáng tạo quốc gia thì mới cải thiện được tình hình hiện tại.

Đi sâu vào sự cần thiết phải tự chủ đại học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt lưu ý các nhà trường: Trường đại học là môi trường cần sự khai phóng, sáng tạo, có mặt bằng trình độ, hiểu biết cao. Tại Việt Nam đã áp dụng thí điểm và trao quyền tự chủ đại học cho 14 trường ĐH, CĐ và Học viện. Tự chủ đại học thường được thể hiện ở 3 khía cạnh chính bao gồm: Tự chủ về chuyên môn (liên quan đến dạy và học); Bộ máy tổ chức nhân sự; Thu chi tài chính. Chúng ta cần nhìn nhận cho đúng bản chất của tự chủ đại học.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Tự chủ đại học không có nghĩa là chỉ là tự chủ về tài chính. Quyền tự chủ của trường đại học càng lớn thì đi kèm trách nhiệm xã hội càng cao. Trách nhiệm không chỉ trong chất lượng đào tạo mà còn với cả sinh viên, người sử dụng lao động mà còn với công chúng, với Nhà nước. Tự chủ đại học, thì quyền tự chủ của nhà trường sẽ được trao cho một “Hội đồng trường” chứ không chỉ là của riêng một cá nhân nào khác.

Phó Thủ tướng chỉ rõ: Phải từng bước tiến tới xóa bỏ cơ chế “Bộ chủ quản” để đảm bảo cho Hội đồng trường hoạt động hiệu quả. Khi trao cơ chế tự chủ cho trường đại học hoàn toàn không đồng nhất với cơ chế phân quyền trách nhiệm giám sát trường đại học từ trung ương cho các tỉnh, thành phố và địa phương. 

Trong nội dung thảo luận tại hội thảo, PGSTS Trần Quốc Toản – thành viên hội đồng lý luận Trung ương - có tham luận Một số vấn đề về cơ chế tự chủ của các trường đại học; GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy bản VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội - có ý kiến về việc Sửa đổi Luật Giáo dục đại học phù hợp với quyền tự chủ đại học; PGS.TS Huỳnh Thành Đạt – Phó Giám đốc thường trực ĐHQG TP Hồ Chí Minh - đưa tham luận về Quyền tự chủ của ĐHQG TP Hồ Chí Minh sau 20 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế tổ chức và hoạt động; PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh - nêu vấn đề Tài chính cho giáo dục và tự chủ đại học; TS Phan Huy Phú – Hiệu trưởng Trường Đại học Thăng Long - đưa ra ý kiến Trường Đại học Thăng Long hướng đến cơ chế tự chủ toàn diện... cùng một số tham luận của các đại biểu về kinh nghiệm quốc tế trong tự chủ đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ