Từ bỏ lao động giá rẻ...

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trình độ lao động thấp tất yếu dẫn đến giá trị hàng hóa sức lao động của lao động Việt Nam thấp, hạn chế về tiền lương và thu nhập khi làm việc ở nước ngoài dù ở chừng mực nào đó.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Chia sẻ tại một hội nghị do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây, đại diện một doanh nghiệp đã thẳng thắn: Những năm qua, xuất khẩu lao động mới chỉ tập trung giải quyết công ăn việc làm cho lao động nghèo, chưa quan tâm tới nhóm có khả năng học tập, tiếp nhận tay nghề, công nghệ, tư duy quản lý của nước ngoài như sinh viên, học viên trường nghề.

Cũng từ điểm yếu này đã dẫn đến hệ lụy là dù mỗi năm có tới hơn 100.000 người đi làm việc tại 40 quốc gia thuộc hơn 30 lĩnh vực, ngành nghề, mỗi năm gửi về hơn 3 tỷ USD nhưng vẫn có tới 90% trong số đó thuộc nhóm tay nghề thấp, hạn chế về chuyên môn, ngoại ngữ.

Bên cạnh đó, có khoảng 80% lao động mang tâm lý kiếm tiền chứ không có kế hoạch tiếp thu, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm để phát triển nghề nghiệp trong tương lai...

Thực tế, việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã có quá trình tới hơn 40 năm, được luật hóa bằng Luật số 72/2006 của Quốc hội Khóa XI, sau đó thay thế bằng Luật số 69/2020 của Quốc hội Khóa XIV, có hiệu lực từ đầu năm nay với nhiều điểm mới, tiến bộ, tạo điều kiện thông thoáng cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở con số chỉ có hơn 12 triệu người trong tổng số khoảng 56 triệu người trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo nghề từ trình độ sơ cấp nghề trở lên - tương đương hơn 22% thì còn rất nhiều việc phải giải quyết để việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nói riêng, việc làm cho người lao động nói chung đem lại hiệu quả bền vững hơn.

Cụ thể, có ý kiến cho rằng cần tính toán tăng tỷ lệ lao động chất lượng cao trong cơ cấu xuất khẩu; có cơ chế để thu hút sinh viên đại học, cao đẳng tham gia chương trình, ngành nghề cần loại hình lao động này.

Bên cạnh đó, cần phải giải quyết vấn đề gây bức xúc hiện nay là tình trạng lừa đảo của các công ty môi giới xâm hại đến hình ảnh của lao động Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, phải giải quyết vấn đề cốt lõi là có nhiều công ty, nghiệp đoàn e ngại dùng lao động Việt Nam bởi không đủ trình độ, kỹ năng, ý thức chấp hành pháp luật của nước sở tại.

Trình độ lao động thấp tất yếu dẫn đến giá trị hàng hóa sức lao động của lao động Việt Nam thấp, hạn chế về tiền lương và thu nhập khi làm việc ở nước ngoài dù ở chừng mực nào đó, điều này phù hợp với thực tiễn là hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo - Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Anh Thắng phân tích.

Dù vậy, ông Thắng cho rằng, không thể mãi sử dụng lao động phổ thông, không có tay nghề, ngoại ngữ mà phải nhanh chóng chuyển sang trạng thái đưa người lao động đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn, tay nghề phù hợp và được đào tạo ngoại ngữ bài bản đi làm việc ở nước ngoài.

Việc này một mặt vừa tăng giá trị sức lao động thông qua tiền lương, thu nhập với điều kiện làm việc tốt, đồng thời cũng là yêu cầu cấp thiết nhất là trong bối cảnh cạnh tranh cả về nguồn lao động, điều kiện làm việc ở trong nước và thị trường lao động ngoài nước đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.