Đặc biệt, Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam năm nay ý nghĩa hơn rất nhiều khi được đón nhận thư của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi “Đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng”.
Thúc đẩy phát triển kỹ năng
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết: Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam nhằm hưởng ứng Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới hằng năm (ngày 15/7), với mong muốn kêu gọi cộng đồng trong nước và quốc tế hưởng ứng và ủng hộ phát triển kỹ năng lao động bằng các hành động cụ thể để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời để nâng cao kỹ năng trình độ của học sinh sinh viên và người lao động; tôn vinh người lao động có kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc.
Thúc đẩy sự đồng hành, gắn kết của Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp và toàn xã hội trong phát triển kỹ năng cho người lao động thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã ban hành và triển khai kế hoạch truyền thông giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh tuyển sinh, đào tạo theo hình thức trực tuyến, kể cả phương thức đào tạo đối với những lớp theo đặt hàng của Nhà nước, doanh nghiệp.
Trong năm 2021 đã công bố bổ sung 19 tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, nâng tổng số lên 199 nghề đã ban hành tiêu chuẩn và đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cho 11 nghìn người lao động. Tổng cục cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương, Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo chuẩn bị tổ chức Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2021 với nhiều nội dung đổi mới, dự kiến diễn ra vào tháng 12/2021.
Tổ chức Diễn đàn quốc tế về Tương lai việc làm trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và Cách mạng công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phát triển kỹ năng thiết yếu cho thanh niên Việt Nam” và nhiều hoạt động có ý nghĩa để hưởng ứng ngày Kỹ năng thanh niên thế giới. Các hoạt động trên đã góp phần lan tỏa cảm hứng, truyền động lực, đam mê kỹ năng nghề đến HSSV và những người lao động trẻ; nêu cao giá trị nghề nghiệp, củng cố lòng yêu nghề, yêu lao động và đề cao kỹ năng nghề trong xã hội.
Việc làm trong trạng thái bình thường mới
Bà Nguyễn Hồng Hà, Đại diện lâm thời Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam, cho biết: Phát triển kỹ năng luôn là ưu tiên hàng đầu trên toàn cầu, tại Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh đến 3 đột phá chiến lược hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và năm 2045, trong đó các định hướng phát triển về nguồn nhân lực, mà cụ thể là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò nền tảng để Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Trong Tuyên bố Thế kỷ của Tổ chức Lao động Quốc tế “Vì tương lai việc làm” nhấn mạnh, việc đầu tư vào phát triển kỹ năng và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người như một trách nhiệm chung của cộng đồng.
Hướng tới mục tiêu phát triển Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, thì lực lượng lao động chính là những người quyết định sự phát triển của thị trường lao động theo hướng công nghệ và số hóa.
Bà Nguyễn Hồng Hà cho rằng, trong bối cảnh hiện nay việc xây dựng chính sách và chương trình tạo việc làm cần được ưu tiên hàng đầu, đặc biệt trong trạng thái “bình thường mới”. Tiếp cận học tập suốt đời, tăng cường đầu tư vào phát triển kỹ năng để sẵn sàng cho các bước chuyển đổi trong cách mạng công nghiệp 4.0.
"Theo báo cáo mới đây của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động quốc tế, tính đến quý 2/2021, lực lượng lao động Việt Nam đạt 51,1 triệu người, trong đó tỷ lệ lao động chỉ đạt 26,1%. Con số này cho thấy nhu cầu được đào tạo lại cũng như đào tạo nâng cao về kỹ năng cho người lao động là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hạn chế các cơ hội phát triển kỹ năng của người lao động, tạo ra nhiều thách thức tiềm ẩn trong việc tiếp cận việc làm thỏa đáng của người lao động khi thị trường việc làm đang bị thu hẹp."