Cảnh giác với các đường dây tổ chức đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài trái phép

GD&TĐ - Công an tỉnh Bình Định đã phát đi thông báo khuyến cáo người dân cảnh giác với các đường dây tổ chức đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài trái phép.

Theo Công an tỉnh Bình Định, thời gian gần đây, tình hình tội phạm tổ chức, môi giới đưa người Việt Nam xuất, nhập cảnh trái phép lao động tại nước ngoài diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và số đối tượng, phát sinh tội phạm, ảnh hưởng tình hình an ninh, trật tự.

Qua công tác rà soát, xác minh số đối tượng có hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Bình Định phát hiện trường hợp D.V.T. (SN 1996, trú tại phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn) trong thời gian dịch bệnh Covid-19, không kiếm được việc làm, D.V.T đã truy cập vào các trang mạng tuyển dụng việc làm, trong đó có trang thông báo nội dung tuyển dụng lao động tại Campuchia với mức lương thử việc 25-27 triệu/ tháng, làm thử việc 6 tháng.

Thấy việc làm có thu nhập cao, D.V.T. đã đăng ký và nhắn tin với người đăng tin tuyển dụng. Sau đó, người đăng tin tuyển dụng đã gọi gửi hình ảnh mô tả khung cảnh nơi làm việc tại Campuchia và cam kết trong khoảng 10 ngày thì D.V.T. sẽ được xe đến đón tại ngã 3 Phú Tài để đưa đi Campuchia.

Trong quá trình đưa D.V.T. đến địa điểm tập kết tại thành phố Tây Ninh để chuẩn bị xuất cảnh sang Campuchia, các đối tượng yêu cầu T. đóng 1 khoản tiền đặt cọc nhưng không cho D.V.T. biết các thông tin chính xác liên quan đến việc làm và địa chỉ sẽ đến lao động tại Campuchia.

Các đối tượng cũng không lộ diện mà chỉ liên hệ 1 chiều với các nhà xe, khách sạn để đưa đón và thay đổi loại hình vận chuyển qua các chặng để đối phó với sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng.

Trong khi T. và nhiều người Việt Nam khác cùng được các đối tượng đưa đến khách sạn để chờ đưa qua Campuchia thì bị công an địa phương phát hiện, tạm giữ để xử lý, còn các đối tượng tổ chức đường dây này đã cao chạy, xa bay.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của D.V.T. và nhiều người khác, các đối tượng môi giới đưa người xuất cảnh trái phép ở nước ngoài thường hứa hẹn khi xuất cảnh lao động sẽ có việc làm ổn định, nhẹ nhàng, thu nhập cao.

Sau đó, các đối tượng này yêu cầu người lao động đóng tiền môi giới và lo mọi chi phí đi lại, ăn ở, giấy tờ hộ chiếu phục vụ việc xuất cảnh trái phép rồi thông qua mạng xã hội và số điện thoại sim rác để liên lạc hướng dẫn người lao động qua biên giới đến các đầu nậu tiếp nhận lao động ở nước ngoài để trục lợi.

Cơ quan chức năng làm việc với 1 đối tượng trong đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép.
Cơ quan chức năng làm việc với 1 đối tượng trong đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép.

Theo Công an tỉnh Bình Định, trong thời gian qua đã có nhiều trường hợp người dân đi xuất khẩu lao động trái phép tại nước ngoài không những không được trả lương cao như hứa hẹn mà còn bị các đối tượng sử dụng lao động bạo hành, đánh đập vì không đáp ứng yêu cầu hoặc quỵt tiền lương. Thậm chí, có tình trạng phía sử dụng lao động bắt liên hệ với gia đình để gửi tiền chuộc mới cho về địa phương. Nhiều trường hợp không nhận được tiền chuộc, đối tượng sử dụng lao động đã bán người lao động cho đối tượng khác như nô lệ.

Công an tỉnh Bình Định lấy ví dụ về trường hợp chị Đ.T.C. (SN 1981, trú tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) xuất cảnh lao động trái phép tại nước ngoài. Trong quá trình lao động, chị C. bị chủ nhà bắt làm việc cả ngày lẫn đêm không có thời gian nghỉ ngơi, nhưng không được trả lương theo định kỳ mà còn bị chủ nhà đánh đập.

Sau nhiều lần liên hệ với Văn phòng Công ty tuyển dụng đưa chị Đ.T.C. xuất cảnh lao động nước ngoài nhưng công ty này trốn tránh trách nhiệm, không giải quyết. Đến tháng 4/2020, chị Đ.T.C. nhờ người cùng lao động tại nước ngoài đăng bài cầu cứu trên mạng xã hội và liên hệ về gia đình để viết đơn gửi cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Ngay khi tiếp nhận tình hình, Công an tỉnh Bình Định đã chủ động phối hợp với Sở Ngoại vụ, Sở LĐ-TB&XH để tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân Bình Định tại nước ngoài “giải cứu” chị Đ.T.C. Ngày 3/9/2021 vừa qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa 133 công dân Việt Nam tại nước ngoài về nước, trong đó có chị Đ.T.C.

Công an tỉnh Bình Định cho biết, hiện nay, đơn vị này đang tập trung xác minh làm rõ hoạt động của các đường dây đưa người xuất cảnh ra nước ngoài lao động trái phép và các công ty, doanh nghiệp có chức năng tuyển dụng lao động Bình Định đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài có dấu hiệu lừa đảo.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và tình hình tội phạm tổ chức, môi giới đưa người Việt Nam xuất, nhập cảnh trái phép lao động tại nước ngoài diễn biến phức tạp, Công an tỉnh Bình Định khuyến cáo người dân hãy nâng cao cảnh giác, ý thức chấp hành pháp luật; tuyệt đối không vì bất cứ lý do gì tiếp tay cho các đối tượng tội phạm tổ chức, môi giới đưa người Việt Nam xuất, nhập cảnh trái phép lao động tại nước ngoài; khi phát hiện cần kịp thời báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ