Từ bỏ con đường đại học để chọn trường nghề phù hợp

GD&TĐ - Thi tốt nghiệp THPT điểm cao, có cơ hội vào nhiều trường ĐH tốt, nhưng nhiều học sinh lại lựa chọn học nghề để phù hợp với bản thân, gia đình.

Giờ học lý thuyết và thực hành tại Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức (Nghệ An).
Giờ học lý thuyết và thực hành tại Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức (Nghệ An).

Chủ động chọn học nghề

Lê Anh Tuân là sinh viên năm nhất ngành Cơ điện tử, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc. Nam sinh này nhập học muộn hơn so với các bạn khoảng 2 tuần để chờ kết quả xét tuyển đại học. Trước đó, Tuân là học sinh Trường THPT Nghi Lộc 4 (huyện Nghi Lộc) và thi đạt điểm khối A là 25,25 điểm. Bất ngờ là khi có thông báo trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, em lại quyết định từ bỏ và chọn học cao đẳng nghề. “Khi đăng ký xét tuyển đại học, em cũng chọn ngành điện tử - tự động hóa. Nhưng em nghĩ mục tiêu của mình là học để có kiến thức, kỹ năng, ra trường đi làm. Vậy thì học cao đẳng thời gian sẽ ngắn hơn và hiện nay sinh viên tốt nghiệp các trường nghề cũng có nhiều cơ hội việc làm ngay từ khi thực tập. Vì thế em lựa chọn học cao đẳng ở gần nhà, và gia đình em cũng ủng hộ quyết định này”, Tuân cho hay.

Nam sinh này cũng cho biết thêm, trong lớp học của mình ở trường cấp 3, em không phải là trường hợp cá biệt. Có tới hơn nửa bạn học cùng lớp sau khi tốt nghiệp THPT đã chọn đi học nghề, hoặc học ngoại ngữ để du học hoặc xuất khẩu lao động. Chỉ khoảng hơn 10 bạn chọn học đại học thì đều thi vào các trường tốp đầu của cả nước.

Giờ thực hành tại khoa Điện - Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (Nghệ An).

Giờ thực hành tại khoa Điện - Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (Nghệ An).

Tương tự, Hà Văn Bảo nam người dân tộc Thái ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An từng đạt điểm xét tuyển đại học khối A trên 20 điểm. Trong suốt 3 năm THPT, Bảo cũng liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Kết quả này là niềm tự hào đối với gia đình em ở bản làng. Nhưng trước nhiều cơ hội vào trường đại học tốt, nam sinh người Thái chọn học nghề tại Trường Cao đẳng Việt – Đức (Nghệ An). “Hoàn cảnh gia đình cũng vất vả, nên em nghĩ mình học nghề sẽ phù hợp hơn. Vừa gần nhà, chi phí thấp mà nhanh tốt nghiệp ra trường đi làm”, Bảo nói.

Hiện Hà Văn Bảo đã là sinh viên năm cuối khoa Công nghệ ô tô và đang trong thời gian thực tập. Trong hơn 2 năm học ở trường, Bảo còn tự xin làm thêm ở xưởng sửa chữa và đăng ký thêm một khóa học về điện để nâng cao kỹ năng thực hành của mình cũng như kiếm tiền trang trải phần nào cuộc sống sinh viên. Nam sinh chia sẻ: “Em thấy hài lòng với quyết định của mình. Trong quá trình học tại trường, em cũng được hỗ trợ rất nhiều, tham gia các kỳ thi để tay nghề của mình tiến bộ. Sau khi tốt nghiệp em cũng có nhiều cơ hội hoặc đi xuất khẩu lao động, hoặc làm việc trong nước. Nhưng em nghĩ mình sẽ đi làm để kiếm số vốn nhất định rồi sẽ tính đến việc học lên tiếp hay thay đổi công việc”.

Đầu vào chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo nghề

Mới đây, Hà Văn Bảo cùng với Nguyễn Đình Toàn và Nguyễn Hồng Quân (Khoa Công nghệ ô tô – Trường CĐ nghề Việt Đức) giành giải Khuyến khích cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp toàn quốc. Ba bạn đưa đến cuộc thi dự án “Máy vớt rác trên sông”, trước đó đã đạt giải cấp tỉnh, khu vực và được lựa chọn thi vòng quốc gia.

Em Nguyễn Đình Toàn – đại diện nhóm tác giả cho hay, dự án Máy vớt rác trên sông đã có nhiều người nghiên cứu, sáng chế. Nhưng điểm khác biệt trong dự án của chúng em là sản phẩm nhỏ gọn, có tính cơ động cao, khả năng di chuyển linh hoạt trên các kênh rạch, sông hồ. Máy cũng có tính khả thi cao khi đáp ứng được các công nghệ chế tạo trong nước hiện nay.

Nguyễn Đình Toàn có điểm khối A đạt 27,5 nhưng không xét tuyển đại học và chọn học nghề tại Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức (Nghệ An).

Nguyễn Đình Toàn có điểm khối A đạt 27,5 nhưng không xét tuyển đại học và chọn học nghề tại Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức (Nghệ An).

Nguyễn Đình Toàn cũng là một sinh viên xuất sắc của trường và từng đạt thủ khoa đầu vào của trường với 27,5 điểm khối A kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2020. Nam sinh cho hay: “Khi em học cao đẳng, rất nhiều người ngạc nhiên và đặt câu hỏi tại sao, vì điểm của em có thể xét tuyển vào nhiều trường đại học uy tín. Đam mê của em là máy móc và công nghệ. Vì thế tiêu chí lựa chọn trường học của em là thỏa mãn được đam mê và nhu cầu của mình, không nhất thiết phải là trường đại học. Kể từ khi học cao đẳng nghề đến nay, em không hối tiếc và thấy lựa chọn của mình là đúng đắn”.

Trong quá trình theo học, Toàn rất nỗ lực và có môi trường để thực hiện những ý tưởng sáng tạo của mình. Trước khi đạt giải với dự án máy vớt rác trên sông, Toàn cũng từng đạt giải Ba cấp tỉnh năm 2021 với dự án “Máy cày bừa đa năng”. Và gần nhất, Nguyễn Đình Toàn nằm trong danh sách 100 học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc tiêu biểu năm 2022 được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tuyên dương. Hiện em cũng đang được nhà trường bồi dưỡng, khuyến khích để trở thành giảng viên trong tương lai.

Ths. Nguyễn Quốc Cường – giảng viên Trường Cao đẳng nghề Việt Đức cũng cho biết: “Trước đây, chủ yếu học sinh học trung bình mới đăng ký trường nghề. Nhưng thực tế những năm qua, nhiều em lựa chọn học nghề vì đam mê sở thích. Chính vì thế, khi vào học, các em có định hướng rõ ràng hơn, phấn đấu và tận dụng thời gian để rèn luyện kỹ năng tay nghề. Chất lượng đào tạo nghề của nhà trường nhờ vậy cũng hiệu quả hơn”.

Sinh năm 1995, Ths. Nguyễn Quốc Cường vốn là sinh viên của Trường Cao đẳng nghề Việt – Đức. Với thành tích học tập và rèn luyện nổi bật, Cường được nhà trường đề nghị giữ lại làm giảng viên. Sau đó, thầy đã học liên thông lên đại học và bổ sung các chứng chỉ, bằng cấp cần thiết để chính thức là giáo viên của trường. Ở lại trường với vai trò và cương vị mới, thầy giáo trẻ thường xuyên động viên, khích lệ sinh viên và chia sẻ kinh nghiệm của mình. Dù là học sinh, sinh viên trường nghề, nếu có năng lực và cố gắng nghiêm túc, các em đều có cơ hội phát triển bình đẳng như các trường đại học khác.

Những năm qua, công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THCS, THCS tại Nghệ An có nhiều tín hiệu tích cực. Đặc biệt tỷ lệ học sinh phân luồng sau THPT đạt gần 40% cao hơn mức trung bình chung của cả nước. Về phía các trường nghề trên địa bàn cũng có nhiều chính sách để khuyến khích thu hút học sinh như trao học bổng cho những học sinh có đầu vào cao, đào tạo ngoại ngữ miễn phí, liên kết trao đổi sinh viên, kết nối với doanh nghiệp đảm bảo đầu ra cho người học…

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 – 2025, Nghệ An phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Loài khỉ Jigokudani ngâm mình trong nước nóng vào mùa Đông.

Động vật tránh rét như thế nào?

GD&TĐ - Đào hang, tắm suối nước nóng, 'sống chậm' là những cách giúp các loài động vật chống chọi với cái rét khắc nghiệt trong tự nhiên.

Công ty TNHH DIGI TEXX Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ với các Trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CTV

Trung tâm GDTX - GDNN: Vực dậy cách nào?

GD&TĐ - Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo… là những giải pháp căn cơ để các trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên tồn tại và phát triển bền vững.