Trung tâm GDNN-GDTX xin thêm chỉ tiêu
Mùa tuyển sinh năm nay, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Anh Sơn (Nghệ An) đặc biệt có hơn 100 học sinh đăng ký nguyện vọng 1. Đây là tín hiệu tích cực cho trung tâm, khi chủ động được nguồn tuyển, nhưng đồng thời cũng giảm áp lực cho học sinh, khi không tham gia vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Thời điểm này, Trung tâm đang chờ các trường THPT công lập trên địa bàn công bố điểm chuẩn, tổ chức nhập học, thì sẽ chính thức tổ chức xét tuyển.
Anh Sơn là huyện miền núi, có 3 trường THPT công lập, nhưng không có trường THPT ngoài công lập. Hằng năm, trên địa bàn có khoảng 25% học sinh sau THCS phân luồng và các trường trung cấp nghề, trung tâm GDTX. Tuy nhiên, theo ông Bùi Đức Tuấn – Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện, phần lớn phụ huynh, học sinh vẫn có nhu cầu học tiếp và hoàn thành chương trình THPT. Vì thế, những năm qua, đặc biệt là sau khi thực hiện sáp nhập, công tác tuyển sinh của trung tâm khá thuận lợi, tuyển đủ và thậm chí số hồ sơ đăng ký còn cao hơn hơn chỉ tiêu.
Công tác hướng nghiệp cho học sinh được các nhà trường tại Nghệ An được quan tâm, giúp học sinh có lựa chọn phù hợp với năng lực và điều kiện gia đình. |
“Năm học trước, chúng tôi làm văn bản xin thêm chỉ tiêu lớp GDTX, do địa bàn đặc thù không có trường THPT ngoài công lập, và được chấp thuận. Năm nay, dự kiến số hồ sơ sẽ tiếp tục tăng cao. Riêng những em đăng ký nguyện vọng 1, chắc chắn trung tâm ưu tiên xét tuyển đầu tiên, sau đó mới đến các đối tượng nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Trường hợp số hồ sơ đăng ký đông, trung tâm dự sẽ tiếp tục xin thêm chỉ tiêu”, ông Bùi Đức Tuấn nói.
Ông Trương Hùng Cường – Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Nghĩa Đàn cho biết, mỗi năm, đơn vị được giao chỉ tiêu 1 lớp giáo dục thường xuyên với số lượng 45 em. Với chỉ tiêu này, thời gian qua trung tâm tuyển sinh khá đều đặn. Bên cạnh đó, tổ chức dạy nghề sơ cấp cho người dân trên địa bàn có nhu cầu.
Tuy nhiên, năm nay, số lượng học sinh đăng ký vào khối GDTX của trung tâm dự kiến tăng. Ông Cường cho hay, do số lượng học sinh lớp 9 của Nghĩa Đàn năm nay đông hơn so với năm trước. Ngoài ra, nhiều học sinh vùng lân cận như của huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai cũng đăng ký dự thi vào trường THPT của Nghĩa Đàn để có cơ hội trúng tuyển. Vì các trường THPT công lập tại 2 huyện, thị này thường lấy điểm chuẩn khá cao và cao hơn ở huyện Nghĩa Đàn.
Trong khi đó, Nghĩa Đàn lại không có trường THPT ngoài công lập nào. Điều này dẫn đến sẽ có lượng khá đông học sinh lớp 9 không trúng tuyển vào trường THPT công lập, nguyện vọng vào Trung tâm GDTX để tiếp tục được học tập, đào tạo.
Theo ông Trương Hùng Cường, năm học 2022-2023, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Nghĩa Đàn tiếp tục được giao chỉ tiêu 1 lớp. Nhưng trước thực tế có biến động về nguồn tuyển đầu vào, Trung tâm dự tính sẽ xin Sở GD&ĐT tuyển thêm 1 lớp nữa. Một mặt phù hợp với năng lực đào tạo của đơn vị, mặt khác cũng tạo điều kiện đảm bảo quyền lợi và nhu cầu học tập của con em trên địa bàn.
Để phân luồng đi vào thực chất
Huyện Diễn Châu (Nghệ An) là địa bàn rộng lớn, tập trung đông dân cư. Tại đây có 5 trường THPT công lập, ngoài ra có 3 trường THPT ngoài công lập. Tuy nhiên, Trung tâm GDNN-GDTX của huyện mỗi năm vẫn tuyển sinh ổn định và ngày càng tăng dần, với hơn 500 học sinh/năm.
Thầy Nguyễn Lam Giang – Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX huyện Diễn Châu cũng cho biết: “Hầu hết các lớp đều đăng ký học nghề, thực hành ngay tại trung tâm. Để học sinh được đào tạo trình độ cao, chúng tôi liên kết với các trường trung cấp, CĐ nghề để dạy và cấp bằng trung cấp cho các em. Đặc biệt, trung tâm liên lạc với các cựu học sinh thành trao học bổng, tham gia hướng nghiệp, trò chuyện, giới thiệu việc làm cho các em. Qua đó, giúp các em tự tin với lựa chọn của mình và yên tâm học tập”.
Ông Bùi Đức Tuấn - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Anh Sơn cũng cho hay, tất cả học sinh hệ GDTX được đăng ký và song song học nghề. Trong đó, các nghề chủ yếu được học sinh đăng ký là may, điện, hàn, nấu ăn… Tuy nhiên, một số ngành nghề thiết bị, máy móc chưa đáp ứng đủ, nên trung tâm phối hợp với các trường Trung cấp, Cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh để đào tạo.
Khi thực hiện liên kết đào tạo, các trường CĐ nghề sẽ cung cấp máy móc, giảng viên đào tạo cho Trung tâm. Một số tiết hoặc phần thực hành với máy móc hiện đại, trung tâm thì sẽ sắp xếp cho học sinh đi kiến tập, thực tập tại chính trường cao đẳng nghề vào các ngày thứ 7, chủ nhật.
Với những ngành nghề cần thiết bị, máy móc hiện đại, giảng viên chuyên nghiệp, các Trung tâm GDNN-GDTX tại Nghệ An liên kết với trường Trung cấp, Cao đẳng nghề để đào tạo cho học sinh. |
Chủ trương phân luồng được Nghệ An triển khai đã khá lâu và được đẩy mạnh hơn từ năm 2015, sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch “Phân luồng, hướng nghiệp, dạy nghề học sinh sau THCS và THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020". Và gần đây nhất, thực hiện Quyết định 522 của Chính phủ, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định 3129 triển khai phân luồng, hướng nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2021-2025.
Thực hiện chủ trương này, trong những năm qua mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 20 – 25% học sinh lớp 9 được phân luồng và nhiều em vừa học văn hóa, vừa học nghề tại các Trung tâm GDTX hoặc học nghề ở các trường trung cấp, cao đẳng… Công tác đào tạo tại các đơn vị trên đã tạo điều kiện cho học sinh có nguyện vọng có bằng THPT vừa có bằng nghề, được học gần nhà, có thể có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Qua nhiều năm đã làm chuyển biến nhận thức của phụ huynh, học sinh nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Em Lê Văn Cu (trú ở bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông), một trong những học sinh Đan Lai tự nguyện đi học nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Em đăng ký học nghề điện theo sự tư vấn của thầy cô. “Nghề này em có thể đi làm cho các công ty, hoặc có thể về quê tự mở cửa hàng sửa chữa đồ điện. Vì thế em đã đăng ký vào Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú huyện Con Cuông”, Lê Văn Cu cho hay. Sau 3 năm, em được giới thiệu đi làm trong Bình Dương. Hiện em đã ký được hợp đồng với một công ty chuyên về tủ bếp, với mức lương hơn 11 triệu đồng/tháng. Có công việc, thu nhập ổn định, Lê Văn Cu đã gọi ngay cho thầy cô để báo tin mừng.
Thầy giáo Nguyễn Văn Sỹ - giáo viên dạy môn Điện (Trường Trung cấp nghề DTNT Con Cuông) cho biết: Trước đây, khi vận động học sinh đi học nghề chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn bởi tâm lý các em đều muốn đi làm việc sớm và có tiền lương ngay. Nhưng sau này, nhờ đi học nghề các em hiểu rằng nếu có tay nghề thì việc tìm kiếm công việc dễ dàng hơn và lương cao hơn. Hiện nay, nhu cầu lao động có tay nghề lớn nên hầu hết các em đều được doanh nghiệp đến tận trường tuyển dụng.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, ông Thái Văn Thành cũng cho rằng, phân luồng, hướng nghiệp là chủ trương đúng, phù hợp với nhu cầu của người học cũng như phân công lao động xã hội. Nhưng phân luồng sau THCS cần thực chất, đúng mục tiêu đề ra, không ép học sinh lớp 9 phân luồng nếu không có nguyện vọng. Với quan điểm chỉ đạo đó, những năm qua, công tác phân luồng sau THCS tại Nghệ An đạt hiệu quả tích cực cả về số lượng và chất lượng. Học sinh sau lớp 9 được hướng vào Trung tâm GDNN-GDTX hoặc đơn vị đào tạo nghề, để đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật, năng lực, trình độ theo yêu cầu ngày càng cao của xã hội.