Học sinh bị chiếm dụng trong hợp tác đào tạo nghề

GD&TĐ - Không ít doanh nghiệp có xu hướng chiếm dụng học sinh nghề bằng cách thực tập càng nhiều càng tốt bởi… giá thành rẻ.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An làm việc với Ban quản lý KKT Đông Nam và 9 trường ĐH, CĐ, TC nghề trên địa bàn làm việc với doanh nghiệp về vấn đề hỗ trợ nhân lực.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An làm việc với Ban quản lý KKT Đông Nam và 9 trường ĐH, CĐ, TC nghề trên địa bàn làm việc với doanh nghiệp về vấn đề hỗ trợ nhân lực.

Học sinh bị lợi dụng trong mối quan hệ 'cộng sinh'

Theo ông Phan Xuân Dũng – Hiệu trưởng Trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật Hồng Lam (TP Vinh, Nghệ An), liên kết giữa trường nghề và doanh nghiệp là nhu cầu và xu thế tất yếu. Do máy móc thiết bị của trường nghề dù được đầu tư nhưng cũng không thể nào quy mô, hiện đại bằng doanh nghiệp. Trong khi công nghệ thay đổi từng ngày, đặc biệt theo xu hướng tự động hóa, thì cơ sở vật chất tại trường khó đáp ứng được.

Mục tiêu của liên kết đào tạo trước hết là giúp học viên có cơ hội thực hành và làm việc trực tiếp trên máy móc. Làm quen, tìm hiểu văn hóa doanh nghiệp, kỷ luật lao động. Đồng thời các em cũng được trả lương thực tập trên hiệu quả và năng lực làm việc của mình. Điều này phần nào tạo động lực cho học viên trường nghề, do phần lớn các em là con em nông thôn, vùng cao, điều kiện kinh tế gia đình vất vả.

Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam học thực hành nấu ăn.

Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam học thực hành nấu ăn.

Đổi lại doanh nghiệp liên kết với trường nghề do nhu cầu lao động lớn. Khi ký kết hợp tác, nhà trường và doanh nghiệp đều có thống nhất, trao đổi về nội dung, chương trình đào tạo để phù hợp giữa nguồn nhân lực và nhu cầu lao động. Nhưng thực tế không ít doanh nghiệp có xu hướng chiếm dụng học sinh càng nhiều càng tốt. Bởi lao động thực tập đã được nhà trường đào tạo cơ bản, khả năng tiếp thu nhanh mà giá thành lại rẻ.

Để đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác liên kết đào tạo giữa trường nghề với doanh nghiệp, ông Dũng cho rằng phụ thuộc nhiều yếu tố, mà trước hết là cái tâm của nhà trường để hài hòa mối quan hệ lợi ích “cộng sinh”. Những năm qua, Trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật Hồng Lam đã xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài với doanh nghiệp sản xuất phù hợp, đúng chuyên ngành mà học sinh được đào tạo. Ví dụ học sinh nghề hàn, điện… sẽ được giới thiệu thực tập, thực hành đến công ty cơ khí, sản xuất linh kiện điện tử. Trong đó có nhiều doanh nghiệp liên doanh hoặc có vốn đầu tư nước ngoài. Đây cũng là tiền đề giới thiệu việc làm cho học sinh sau tốt nghiệp.

“Nhiều doanh nghiệp đã đặt hàng với trường từ khi học sinh chưa tốt nghiệp, nên có thể nói các em không lo về đầu ra. Thống kê có trên 90% học sinh của trường có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Nhưng các em có làm việc với công ty, đơn vị mà nhà trường giới thiệu hay không, lại là vấn đề khác. Qua khảo sát, chỉ khoảng 15-20% học sinh làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp mà các em đăng ký qua giới thiệu của nhà trường. Có em nhảy việc sang công ty khác vì muốn thay đổi môi trường, và nhiều nhất là đi xuất khẩu lao động… Đó là nhu cầu bình thường của lao động khi tìm thấy cơ hội phù hợp hơn”, ông Phan Xuân Dũng nói.

Việc liên kết đào tạo giữa trường nghề và doanh nghiệp giúp học sinh có cơ hội tiếp cận máy móc hiện đại, kỷ luật lao động.

Việc liên kết đào tạo giữa trường nghề và doanh nghiệp giúp học sinh có cơ hội tiếp cận máy móc hiện đại, kỷ luật lao động.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật Hồng Lam cũng nói thêm, một vấn đề trong tuyển dụng của doanh nghiệp gây thiệt thòi cho lao động đã qua đào tạo nghề. Cụ thể, doanh nghiệp thường chia lao động thành 2 nhóm, gồm nhân lực chất lượng cao là kỹ sư lấy từ các trường đại học, còn lại là lao động phổ thông. Lao động đã qua đào tạo trung cấp, cao đẳng nghề trở nên “dở dở ương ương” giữa 2 nhóm này, và thường được xếp vào “lao động phổ thông”. Đồng nghĩa với mức lương, thu nhập thấp và không xứng đáng với trình độ, năng lực của các em.

Vì thế, ông Dũng cho rằng, liên kết giữa doanh nghiệp và trường nghề đã mang tính chất lâu dài, nhưng để chặt chẽ, khăng khít, và hiệu quả thì chưa khẳng định. Quan trọng nhất là mục tiêu đầu ra của học sinh. Tức là xác định đầu ra của học sinh như thế nào để từ đó đưa ra giải pháp căn cơ giữa năng lực đào tạo, nhu cầu người học và nhu cầu lao động của thị trường.

Lợi ích cục bộ khoét sâu lỗ hổng hợp tác

Đầu năm 2022, nhiều công ty tại các khu công nghiệp của Nghệ An liên tục treo biển tuyển dụng, do thiếu hụt lao động sau dịch Covid-19. Công ty TNHH Luxshare-ICT Khu công nghiệp Vsip, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) có 2 nhà máy chuyên sản xuất linh kiện điện tử với 7.000 công nhân làm việc. Dự kiến đến cuối năm cần khoảng 15.000 lao động do mở rộng quy mô nhà máy. Công ty có nhu cầu tuyển dụng từ 800-1000 lao động nhưng không tìm được nguồn nhân lực đủ đáp ứng. Trước tình thế này, công ty đã báo cáo Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam và UBND tỉnh Nghệ An đề nghị hỗ trợ, “xin” sinh viên từ các trường ĐH, CĐ trên địa bàn có đào tạo chuyên ngành tương ứng, liên quan.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An và đại diện các trường ĐH, CĐ và trung cấp nghề, lãnh đạo công ty TNHH Luxshare-ICT khẳng định sẽ ký cam kết hay thỏa thuận với các nhà trường để học sinh, sinh viên đến thực tập và chi trả lương, chế độ. Riêng học sinh trung cấp nghề từ 15-17 tuổi, sẽ bố trí làm việc ban ngày, không tăng ca. Kết thúc thực tập, công ty sẽ đánh giá, xếp loại và có chế độ khuyến khích đối với các thực tập sinh làm việc chất lượng, có ý thức kỷ luật lao động tốt.

Học sinh Nghệ An thực hành tại trường trung cấp nghề.

Học sinh Nghệ An thực hành tại trường trung cấp nghề.

Ông Hồ Văn Đàm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam Hàn Quốc cho biết, phía trường sẵn sàng bố trí sinh viên đến thực tập tại công ty TNHH Luxshare-ICT cũng như các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, cần phải làm rõ mức thu nhập, chế độ phụ cấp dành cho thực tập sinh. Trường hợp thực tập dài ngày, ở tại xưởng thì việc bố trí ăn ở, sinh hoạt, phối hợp quản lý cũng cần thống nhất rõ ràng. Qua đó vừa đáp ứng nhu cầu công việc của doanh nghiệp, nhưng đảm bảo quyền lợi cho học sinh, sinh viên cũng như mục tiêu phối hợp đào tạo.

Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc hiện có 13 ngành nghề đào tạo với 3 trình độ: Cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Đây cũng là một trong những trường nghề được đầu tư trang thiết bị, máy móc đồng bộ, hiện đại của Nghệ An. Hiệu trưởng Hồ Văn Đàm cho hay, hàng năm nhà trường tổ chức ký kết hợp tác với doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh, tìm địa điểm cho sinh viên thực tập và giải quyết việc làm sau tốt nghiệp. Trung bình 80% học sinh sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Trong gần 6.000 học sinh sinh viên tốt nghiệp của 5 năm gần đây, chiếm 92% có việc làm thu nhập ổn định. Tuy nhiên, trong 52 doanh nghiệp nhà trường hợp tác, thì phần lớn ở ngoại tỉnh, còn tại Nghệ An rất ít. Việc kết nối cung cầu giữa trong tỉnh có nhiều lợi ích, nhưng lại đang là “lỗ hổng”.

Tương tự, ông Trần Ngọc Quang - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật số 1 Nghệ An cho rằng, sinh viên tốt nghiệp, lao động chưa mặn mà với doanh nghiệp trong tỉnh, vì thu nhập vùng thấp hơn so với các tỉnh thành khác. Ông Quang cho rằng, ngoài chương trình đào tạo, máy móc thiết bị, thì khi thực hiện liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp cần quan tâm đến chế độ, tiền lương cho học sinh, sinh viên. Bởi lao động sẵn sàng ra đi khi có cơ hội và thu nhập cao hơn ở nơi khác.

Bên cạnh đó, lãnh đạo nhiều trường nghề tại Nghệ An cũng cho rằng, hiện nhà trường đang chủ động đi tìm doanh nghiệp nhiều hơn chiều ngược lại. Còn doanh nghiệp chỉ khi nào cần lao động mới tìm đến trường nghề. Khi đó nhà trường chưa có sự chuẩn bị, hoặc đã có kế hoạch khác, còn người học cũng không có ý muốn làm việc, gắn bó khi không tìm thấy cơ hội phát triển về lâu dài. Mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp vì vậy mà “lỏng lẻo”. Vì thế, để mối liên kết này bền vững, cần có kế hoạch, lộ trình, chương trình đào tạo, cũng như nội dung tham gia chi tiết của từng bên. Riêng đối với lao động kỹ thuật cao, hoặc chuyên ngành mới, thì doanh nghiệp phải đặt hàng đào tạo và có cam kết tuyển dụng ở vị trí cụ thể sau tốt nghiệp với chế độ lương, đãi ngộ tương xứng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.