Khan nguồn tuyển là nguyên nhân hạn chế chất lượng đào tạo nghề

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sự khó khăn trong thu hút học sinh đăng ký khiến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển đủ chỉ tiêu đã khó, đảm bảo chất lượng đào tạo còn khó hơn.

Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Việt – Đức (Nghệ An) tham gia nghiên cứu, sáng tạo dự án khởi nghiệp.
Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Việt – Đức (Nghệ An) tham gia nghiên cứu, sáng tạo dự án khởi nghiệp.

Trường nghề “gõ cửa” từng nhà học trò để tuyển sinh

Trung tâm GDTX-GDNN huyện Quỳ Châu (Nghệ An) năm nay không có học sinh nào lớp 12. Trước đó, nhà trường đã tuyển sinh được 12 em, nhưng qua từng năm, học sinh rơi rụng dần. “Đến khi chỉ còn 4 học sinh, thì những em này cũng xin thôi học luôn vì “buồn, ít bạn bè quá”! Dù trung tâm luôn tạo điều kiện và khẳng định dù chỉ còn 1 học sinh vẫn dạy nhưng không thể vận động các em ở lại trường”, ông Bùi Hoàng Báu – Giám đốc Trung tâm cho biết.

Theo ông Bùi Hoàng Báu, ở huyện miền núi, việc tuyển sinh học nghề hiện vô cùng vất vả. Nguồn tuyển của Trung tâm là nhóm học sinh không xác định thi vào THPT – thường với 2 lý do lực học trung bình yếu hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn, hộ nghèo. Nhận thức các em chưa đầy đủ, tâm lý phần nhiều đã không muốn đi học, mà muốn đi làm ngay để kiếm tiền. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động được Trung tâm thực hiện liên tục, thường xuyên từ khi các em còn ở trường THCS cho đến tận nhà. Từng bước thay đổi nhận thức của học sinh, phụ huynh, bà con dân bản. Bên cạnh đó, chính học sinh đã tốt nghiệp của Trung tâm cũng được “vận dụng” trong công tác tuyển sinh.

Giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tương Dương, Nghệ An đến từng nhà học trò để tuyển sinh.

Giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tương Dương, Nghệ An đến từng nhà học trò để tuyển sinh.

“Với học sinh dân tộc thiểu số và phụ huynh miền núi, việc vận động bằng lời nói không hiệu quả bằng người thật, việc thật. Ngay tại bản làng có người đi học, có nghề, được giới thiệu việc làm thu nhập cao và ổn định hơn chính là lý do thuyết phục nhất. Qua nhiều năm, công tác tuyên truyền đã dần dần có hiệu quả và chuyển biến tích cực. Điều đó thể hiện ở việc năm ngoái chúng tôi tuyển sinh được 36 em, và năm nay đã lên 59 học sinh. Trong đó có khá nhiều em chủ động đăng ký nguyện vọng 1”, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Quỳ Châu vui mừng nói.

Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tương Dương trước đây cũng có 1 thời gian dài lâm vào “khủng khoảng” do hoạt động không hiệu quả, tuyển sinh không đạt chỉ tiêu. Hiện lớp 12 của trung tâm chỉ có 6 học sinh, còn lớp 11 có 8 em. Năm học vừa qua, Trung tâm còn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khi cơ sở vật chất được chính quyền địa phương trưng dụng làm nơi cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến. Đến cuối tháng 3 mới bàn giao lại cho trung tâm. Vì vậy, công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, không thể triển khai sớm hoặc mới chỉ thực hiện qua online. Ngay khi Trung tâm hoạt động trở lại bình thường, cán bộ, giáo viên phải đi từng bản làng, gõ cửa từng nhà học sinh để vận động. Sau nhiều nỗ lực, lớp 10 năm nay Trung tâm đã tuyển sinh được 56 em, cao gấp nhiều lần so với các năm trước chỉ tuyển sinh từ 8-10 học sinh.

Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An (đóng tại huyện Quỳnh Lưu) những năm qua tuyển sinh tương đối ổn định, đều đạt chỉ tiêu. Tuy nhiên, Ông Nguyễn Nhật Quang - Trưởng phòng đào tạo của trường cho hay, để có được kết quả này, tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên đều phải trực tiếp đi tuyển sinh. Huyện Quỳnh Lưu có tới 4 trường THPT công lập, 2 trường THPT ngoài công lập và Trung tâm GDNN-GDTX. Vì thế, để tuyển sinh đủ, nhà trường phải mở rộng địa bàn đến các huyện khác như Đô Lương, Nghĩa Đàn và các các huyện vùng cao. Ngoài ra việc tuyển sinh cũng chỉ thực hiện được với những học sinh được miễn phí học nghề, còn khoảng 40 chỉ tiêu “kinh phí tự túc” hầu như chưa năm nào tuyển sinh được học sinh.

Cần chính sách tạo động lực cho học sinh GDNN-GDTX

Ông Bùi Hoàng Báu – Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quỳ Châu đề cập đến “thiệt thòi” trong chế độ chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn của trung tâm, ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh. “Nếu như ở trường THPT, các em DTTS vùng đặc biệt khó khăn được hưởng chế độ 116, hoặc học trung cấp nghề cũng có trợ cấp 1 tháng lương cơ bản. Nhưng riêng học sinh GDNN-GDTX lại không có chế độ gì. Trong khi không ít học sinh và phụ huynh mang tâm lý đi học để được trợ cấp. Nếu như đi học mất tiền, thì các em không còn mặn mà”, ông Báu nói.

Các trường nghề tại Nghệ An đến từng trường THCS để tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh.

Các trường nghề tại Nghệ An đến từng trường THCS để tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh.

Để giải quyết tình huống này, Trung tâm phối hợp với trường trung cấp đào tạo nghề cho học sinh. Khi đó, các sẽ được hưởng chính sách theo chế độ học nghề. Tuy nhiên, chương trình đào tạo nghề chỉ có 20 tháng (2 năm học), còn 1 năm học nữa các em tiếp tục học chương trình văn hóa để tốt nghiệp THPT thì phải tự túc.

Ông Nguyễn Thành Vinh – Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tương Dương cũng cho biết, công tác tuyển sinh khó khăn, trong khi đó còn chịu sự cạnh tranh của các trường trung cấp nghề cũng lên địa bàn tuyển sinh. Trong các cuộc họp với lãnh đạo huyện, sở ngành liên quan, Trung tâm đề xuất học sinh GDNN-GDTX cũng phải được hưởng chế độ, chính sách dành cho vùng đặc biệt khó khăn như đối với trường THPT bình thường. Có như vậy mới tạo động lực cho học sinh dân tộc thiểu số vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại địa phương, giúp các em yên tâm học tập đến năm cuối. Công tác tuyển sinh của các Trung tâm từ đó cũng sẽ thuận lợi hơn.

Cạnh tranh nguồn tuyển

Nguồn tuyển sinh cho trường nghề của Nghệ An được xem là khá lớn, với mỗi năm có từ 8.000 – 10.000 học sinh lớp 9 phân luồng. Tuy nhiên, số học sinh phân luồng không đồng đều giữa các huyện thị. Trong đó tỷ lệ cao nằm ở vùng nông thôn, miền núi cao, học sinh dân tộc thiểu số.

Ông Phan Xuân Dũng – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam cho biết năm nay đã tuyển sinh được gần 900 chỉ tiêu. Trong đó số học sinh vừa học nghề, vừa học văn hóa là 350 em, còn trung cấp nghề là gần 600 em. Số lượng tuyển sinh năm nay cao hơn so với các năm trước hơn 100 học sinh, do trường mở thêm một số mã ngành mới gồm tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung và Điều dưỡng. Các ngành này được mở ra xuất phát từ nhu cầu xuất khẩu lao động của học sinh sau tốt nghiệp, vì vậy thu hút lượng thí sinh đăng ký khá đông.

Tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh có nhu cầu học nghề để xuất khẩu lao động.

Tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh có nhu cầu học nghề để xuất khẩu lao động.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho biết, gần 600 học sinh trung cấp nghề lấy nguồn từ 6 Trung tâm GDTX-GDNN trên địa bàn đang liên kết đào tạo với nhà trường. Đây một mặt là lợi thế cho cả đôi bên trong công tác tuyển sinh. Nhưng mặt khác ông Phan Xuân Dũng cũng cho rằng có hạn chế trong hiệu quả đào tạo. Vì học sinh không thể chuyển xuống trường nghề để thực hành, mà thay vào đó nhà trường đưa giáo viên, thiết bị máy móc lên các Trung tâm để giảng dạy. Như thế chất lượng đào tạo sẽ khó đảm bảo.

Trường Cao đẳng Việt – Đức hiện đang tuyển sinh, đào tạo cả 3 hệ: Cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề. Dù là trường nghề có thương hiệu, uy tín lâu năm nhưng công tác tuyển sinh của trường cũng phải thường xuyên đổi mới. Chủ động tiếp cận học sinh, trực tiếp đi về từng trường THCS, THPT để giới thiệu thông tin, tư vấn trực tiếp cho học sinh, thay vì thụ động chờ học sinh tìm đến. Ngoài hệ cao đẳng trực tiếp đào tạo sinh viên tại trường, thì hệ trung cấp và sơ cấp nhà trường còn liên kết với các Trung tâm GDTX-GDNN ở các địa phương để lấy thêm nguồn học sinh.

Nghệ An hiện có 65 cơ sở đào tạo nghề gồm 9 trường cao đẳng, 14 trường trung cấp, 20 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 22 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong số này có 3 trường được Chính phủ lựa chọn đầu tư xây dựng trường chất lượng cao, 16 trường được Bộ Lao động - TB và XH lựa chọn đầu tư ngành nghề trọng điểm theo các cấp độ, với 13 nghề cấp độ Quốc tế, 9 nghề cấp độ Khu vực Asean, 36 nghề cấp độ Quốc gia.

Đại diện nhiều trường Cao đẳng, Trung cấp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Nghệ An cũng khẳng định, việc có nhiều đơn vị đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của học sinh và người dân trên địa bàn và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, cũng có bất cập là hệ thống trường nghề trên địa bàn đều cùng một mô hình, cùng hệ đào tạo và trùng nhau về các mã ngành. Đơn vị nào cũng cố gắng đưa ra các giải pháp tối ưu để “kéo” học sinh về với trường mình. Điều này vô tình khiến các trường “tranh nhau” cùng nhóm học sinh phân luồng. Thậm chí mỗi trường đều tung ra nhiều cách thức, cam kết để tuyển sinh đủ chỉ tiêu, nhưng chất lượng đào tạo không như giới thiệu trước đó.

Đầu năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án số 14 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đưa chỉ tiêu nhiệm vụ tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và chỉ tiêu phân luồng học sinh phổ thông vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm định, đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chương trình đạo tạo. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Nghệ An phấn đấu đào tạo 329.400 lượt người, gồm các cấp trình độ: Cao đẳng 26.300 người; trung cấp 48.500 người; sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng 254.600 người. Qua thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, Nghệ An đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho hơn 85 nghìn lượt người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ