“Thật giả khôn lường, lòng người khó đoán”. Đây đã là đạo lý mà từ xưa đến nay, ông cha ta không ngừng truyền dạy. Rất nhiều điển tích, câu chuyện, ca dao, thành ngữ… đều nhằm xoay quanh câu chuyện về lòng người.
Thời Tam quốc, khi Gia Cát Lượng đối chọi với Tư Mã Ý, hậu chúa nhà Thục lại sinh lòng nghi ngờ có kẻ làm phản, liền giáng chiếu triệu Khổng Minh rút quân ngay về nước. Vì sợ trái lệnh vua mà bị nghi kỵ thêm, nên Khổng Minh phải đành rút quân.
Bấy giờ, một vị tướng dưới trướng của Khổng Minh hỏi: “Nếu đại quân rút lui, Tư Mã Ý thừa thế đuổi đánh thì làm thế nào?”
Khổng Minh nói: “Chúng ta chia làm 5 tốp mà rút dần. Một tốp rút đi, nếu trong trại còn lại một ngàn quân thì phải đào hai ngàn cái bếp. Ngày hôm trước đào 3 ngàn bếp thì hôm sau đào thêm 4 ngàn. Cứ ngày ngày đào thêm bếp và rút bớt quân về.”
Quả nhiên, sau đó, Tư Mã Ý nhiều lần dẫn quân tới xung quanh doanh trại dò xét, chưa dám khinh chiến ngay vì sợ mưu kế của Khổng Minh. Binh sĩ nước Ngụy đếm số bếp mỗi ngày hôm sau còn nhiều hơn ngày hôm trước, vội về bẩm báo.
Tư Mã Ý bảo các tướng: “Ta đoán Gia Cát Lượng lập mẹo giả lui dụ địch, nay quả nhiên hắn vừa lui vừa gọi thêm quân! Nếu ta đuổi đánh, ắt đã mắc mưu phục binh. Thôi, giờ ta chưa chiến vội.”
Thế là Khổng Minh không hề hao tổn một tên lính nào, vẫn yên ổn kéo quân về Thành Đô.
Có thể thấy rằng, mưu kế đáng sợ nhất không nằm ở mức độ bề ngoài, mà đến từ sự thấu hiểu bên trong. Khổng Minh hiểu rõ từng đường đi nước bước trong tâm lý Tư Mã Ý nên đã bày ra kế sách lợi dụng chính tâm lý đó mà tạo ra ích lợi cho mình.
Chính vì lẽ đó, chúng ta càng phải cẩn thận cân nhắc những kiểu người nào sẽ xuất hiện bên cạnh mình, có đáng tin tưởng để kết giao, cho họ cơ hội thấu hiểu tâm lý mình hay không. Nếu lỡ trao nhầm lòng tin, rất khó thể, họ sẽ lợi dụng những hiểu biết về mình để mưu tính ích kỷ.
Từ những đúc kết lâu nay, người ta nhận ra rằng, có 4 kiểu người cần tránh xa, không nên tin tưởng kết giao làm bạn bè thân thiết.
1. Tránh xa người nham hiểm, lòng dạ nhiều mưu kế
Những người nham hiểm thường có lòng dạ thâm sâu khó đoán. Đôi khi, họ âm mưu tính kế người khác để đạt bằng được mục đích của mình.
Kẻ nguy hiểm nhất không phải kẻ ác, mà là kẻ có dã tâm. Người tính cách thâm hiểm, luôn có tính toán trong lòng, luôn mưu đồ việc không đoan chính, là loại người không nên tiếp xúc.
Kết giao và làm bạn nên bắt nguồn từ duyên phận và thành ý với một trái tim chân thật. Đừng thân thiết với những kẻ âm hiểm kẻo bị hãm hại lúc nào không hay vì biết đâu, họ lại lôi kéo, lừa lọc mình vào những chuyện bất chính.
2. Tránh xa người giỏi khua môi múa mép, chỉ biết nịnh nọt
Người nịnh nọt, khua môi múa mép, lời nói không thật thà, không thành tâm, khi cần thì vun vào, khi không cần thì vứt bỏ, là loại người Phật dạy không nên tiếp xúc. Đây là điển hình của tính cách giả tạo, ngụy quân tử.
Những người thuộc nhóm này thường gió chiều nào xoay chiều ấy, ham lợi mà quên nghĩa, chỉ lo lợi ích của bản thân. Đây là kiểu người nguy hiểm nhất trong đời người, tuyệt đối không nên nhẹ dạ kết giao kẻo tai họa ập xuống lúc nào không hay.
3. Tránh xa những người bất trung bất nghĩa, không giữ chữ tín
Trung thực là một tiêu chí quan trọng để đo lường xem một người có đáng tin, đáng trân trọng và kết giao thân thiết hay không. Nếu chữ Tín của bản thân cũng không giữ được, vậy họ còn gì xứng đáng để chúng ta trao cho họ lòng tin của mình?
Có qua có lại, anh kính tôi một tấc, tôi kính lại anh một trượng, một lần nhận ân tình, báo đáp mãi không quên, như vậy tình bạn mới bền vững. Muốn nhận được lòng thành thì cũng phải giao ra chân tâm.
4. Những người khẩu phật tâm xà
Người xưa có câu “Minh thương dễ tránh, ám tiễn khó phòng”, tức là, đòn trước mặt còn dễ tránh thoát, đòn sau lưng khó lòng phòng bị.
Vì sự dối trá đội lốt chính nghĩa, kẻ thủ đoạn toan tính bên ngoài sự lương thiện là nguy hiểm nhất. Cũng vì thế mà người dạng này ẩn nấp kĩ, khó nhìn ra lòng dạ thật. Dù kết giao thân thiết, chúng ta khó có thể nào biết được, người bạn bên cạnh có dụng ý thế nào, thật lòng thật dạ hay chỉ tư lợi cho bản thân.
Bên cạnh đó, cũng có những quý nhân đến bên chúng ta mà sự hiện hữu của họ trong đời còn quý hơn cả bạc vàng. Nếu gặp 3 kiểu người sau đây, nhất định phải trân trọng mối quan hệ này.
1. Trân trọng người bạn đồng hành chân thành
Ở một độ tuổi nhất định, ngoài gia đình ra, chúng ta rất khó có thể tìm được một vài người bạn chân thành xung quanh. Bạn bè không quan trọng ít hay nhiều, chỉ cần chân thành là đủ. Bạn bè cũng không cần quan tâm thời gian dài ngắn, chỉ cần sẵn sàng đồng hành cùng nhau.
Nếu gặp được một người bạn thực lòng thực dạ ở bên và làm bạn với chúng ta, hãy trân trọng họ.
2. Trân trọng người có thể thấu hiểu
Ở bên những người biết mình quan tâm điều gì, yêu ghét thứ gì, đủ thấu hiểu mình mà vẫn lựa chọn làm bạn thân thiết là một điều vô cùng hạnh phúc. Kết giao với họ, bạn không chỉ có được một mối quan hệ, mà còn đạt được sự tin tưởng, ủng hộ, trợ giúp và cả đồng lòng.
3. Trân trọng người lạc quan vui vẻ, tràn đầy năng lượng tích cực
Ở độ tuổi nào đi nữa, dù từ tuổi 17 trẻ trung, hay tuổi 71 già dặn, chúng ta vẫn cần những niềm vui thú tô điểm cho cuộc sống thêm phần lạc quan. Do đó, hãy kết giao thân thiết với những người tràn đầy năng lượng tích cực.
Họ không chỉ lan truyền cho bạn sự lạc quan, vui vẻ, mà còn đem tới sự khích lệ và ủng hộ khi lạc lối. Chính những năng lượng này có thể thay đổi cuộc đời bạn theo hướng tốt đẹp hơn.