TS.Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục & Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương): Bỏ biên chế làm từng bước... từ dễ đến khó

GD&TĐ - Chủ trương thực hiện thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động đối với một số trường đại học và một số trường THPT có đủ điều kiện, Tiến sỹ Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục & Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng: Chủ trương này hợp lý, bởi  trong lúc chúng ta thực hiện đổi mới giáo dục thì nên chọn đối tượng phù hợp và khả thi nhất.  

TS.Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục & Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương): Bỏ biên chế làm từng bước... từ dễ đến khó

Thí điểm là phù hợp

Tiến sỹ Nguyễn Đắc Hưng phân tích: Ý tưởng bỏ biên chế, thực hiện hợp đồng đối với giáo viên đã được nhắc đến từ những năm trước đây. Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề xuất áp dụng thí điểm chủ trương này ở một số trường đại học và một số trường THPT, tôi cho rằng như thế là hợp lý. Bởi vì trong lúc chúng ta thực hiện đổi mới giáo dục thì nên lựa chọn đối tượng sao cho phù hợp nhất. Đối tượng đó cần hội đủ các tiêu chí: Phải là số ít và có tính khả thi. Vì vậy, nếu áp dụng thí điểm chuyển viên chức sang hợp đồng ở hai phạm vi trên là phù hợp và sẽ đáp ứng được hai tiêu chí này.

Ngoài ra, đây là lực lượng tinh hoa để đào tạo ra nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hơn nữa, đội ngũ nhà giáo này chiếm số ít hơn đội ngũ giáo viên THCS, TH và MN và có đặc thù riêng, có thể đo đếm được bằng các công trình khoa học, thông qua các bài báo, các phát minh sáng chế, các sản phẩm cống hiến cho xã hội....

"Tuy nhiên, dù là thí điểm nhưng chúng ta cũng phải làm từng bước và quan trọng là phải sắp xếp lại công việc của họ như thế nào." - tiến sỹ Nguyễn Đắc Hưng khuyến nghị.

Cũng theo tiến sỹ Nguyễn Đắc Hưng, thực tế, cũng có những người đồng thuận, người không đồng thuận, nhưng theo tôi về lâu dài chúng ta phải tiến tới việc sàng lọc và phải chọn thời điểm thích hợp để tiến hành. Song trên hết là phải có lộ trình, bước đi, giải pháp để thực hiện thành công. Đặc biệt, phải có phương án tạo điều kiện cho những nhà giáo không đủ điều kiện đứng lớp, để họ vẫn có thể cống hiến cho ngành, cho xã hội bằng việc khác phù hợp.

Đề cao tính tự chủ và dân chủ cơ sở

"Chúng ta thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đang xây dựng chương trình sách giáo khoa mới, và đương nhiên phải có việc đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên, và họ phải tham gia vào cuộc để thực thi nhiệm vụ của Ngành".

Đây cũng sẽ là cơ hội để ngành Giáo dục đánh giá lại chất lượng đội ngũ giáo viên, từ đó ta phân loại giáo viên" - tiến sỹ Nguyễn Đắc Hưng trao đổi: Hiện nay, người ta đang bàn luận về việc hiệu trưởng có nhiều quyền năng, vậy thì chúng ta nên rà soát lại, đánh giá lại xem có đúng như vậy không? Nếu hiệu trưởng thực sự có nhiều quyền như thế thì phải có cơ chế để kiểm soát quyền lực và phải thực hiện dân chủ hóa trong nhà trường. Mục đích để giáo viên được quyền lựa chọn người lãnh đạo của mình.

Nên giáo viên chuyển sang cơ chế hợp đồng thì họ được quyền tìm người thủ lĩnh của họ. Họ phải bỏ phiếu, họ phải bầu, họ bầu người đó thì cấp trên mới ra quyết định. Và cấp trên không thể quyết định nếu ở dưới không bầu. Và lẽ tất nhiên nếu ở dưới bầu theo kiểu dĩ hòa vi quý và cứ thế "đẩy lên" không đúng, đủ tiêu chí, tiêu chuẩn của một người lãnh đạo, thì cấp trên cũng có thể phủ quyết.

Đặt vấn đề khi thực hiện cơ chế hợp đồng, tiến sỹ Nguyễn Đắc 
Hưng đồng thời cho rằng: Các trường bắt buộc phải xây dựng những tiêu chí và bản mô tả công việc cụ thể. Bởi đánh giá năng lực của một người phải thông qua năng lực của họ, còn nếu chỉ ngồi bình xét bằng ý kiến chủ quan của một người lãnh đạo thì chắc chắn không tránh khỏi chuyện yêu - ghét. Vậy thì phải đo bằng các tiêu chí và tiêu chuẩn cụ thể, mọi thứ phải rõ ràng theo vị trí việc làm.

Chẳng hạn: Nếu lãnh đạo giao 10 việc cho anh mà anh đã làm tốt cả 10 việc đó thì không thể nói người ta không hoàn thành nhiệm vụ. Còn với những người không hoàn thành nhiệm vụ thì cứ chiếu theo Luật Công chức, Luật Viên chức, Luật Lao động và các văn bản quy phạm pháp luật để tiến hành xử lý. Như vậy họ sẽ tâm phục, khẩu phục.

Coi trọng cơ chế cạnh tranh và cơ chế khoán

"Nói thật, tôi vẫn thích cơ chế cạnh tranh và cơ chế khoán. Bởi vì nếu không có cạnh tranh thì sẽ không có động lực, không có cơ chế khoán thì không có trách nhiệm, mà theo ý tưởng mới này thì đây cũng là một hình thức khoán và cạnh tranh" - tiến sỹ Nguyễn Đắc Hưng thẳng thắn nêu quan điểm.

Nếu không có cạnh tranh thì khi ông A lên được vị trí lãnh đạo rồi, ông ấy sẽ yên vị và sẽ tìm mọi cách để giữ vị trí đó. Điều đáng nói là người mà kế cận ông sẽ không có động lực phấn đấu, dễ chán nản và có thể đi làm việc khác, kéo theo đó là sự trì trệ của cả một dây chuyền, hệ thống. Còn về cơ chế khoán, thiết nghĩ nên khoán theo công việc và khoán quỹ lương, đó cũng chính là thực hiện tự chủ. Nếu làm tốt việc này thì không chỉ các trường đại học tự chủ, mà các trường phổ thông cũng tự chủ. Trường nào làm tốt ắt sẽ có nhiều giáo viên giỏi tìm đến, học sinh muốn theo học, trường nào không tốt sẽ không có học sinh, giáo viên thất nghiệp. Đó chính là cơ chế tự đào thải, sàng lọc tự nhiên.

"Nói như vậy để thấy, cần có sự kiểm soát, ràng buộc của hai bên (cơ quan quản lý và đơn vị cơ sở). Mặt khác, phải thực hiện cơ chế tự chủ cho các nhà trường. Ngay đối với bậc giáo dục phổ thông cũng phải đẩy mạnh chủ trương tự chủ, mà tự chủ đầu tiên là tự chủ về học thuật, sau đó là tự chủ về vấn đề con người và tài chính" - tiến sỹ Nguyễn Đắc Hưng khẳng định.

TS.Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục & Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương): Bỏ biên chế làm từng bước... từ dễ đến khó ảnh 1Tiến sỹ Nguyễn Đắc Hưng
 
 "Tôi thấy chủ trương này rất hay và đã được các nước phương Tây áp dụng. Vấn đề là chúng ta nên làm từ dễ đến khó, làm những việc có khả năng làm và tính khả thi cao. Trước mắt là áp dụng đối với bậc đại học trên tinh thần tự chủ, sau đó rút kinh nghiệm làm xuống dần những bậc học dưới. " - Tiến sỹ Nguyễn Đắc Hưng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giá vàng hôm nay 27/11 tiếp tục giảm

Giá vàng hôm nay 27/11 tiếp tục giảm

GD&TĐ - Giá vàng trong nước hôm nay (27/11), tiếp tục giảm 1,4 triệu đồng/lượng (bán ra), vàng nhẫn giảm; Vàng thế giới nhích nhẹ so với phiên trước.