“Bỏ biên chế là đổi mới cực kỳ quan trọng”

GD&TĐ - Đó là ý kiến của GS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam - khi chia sẻ quan điểm về chủ trương thí điểm không còn công chức, viên chức giáo viên. Ông cũng cho rằng, đây là chủ trương đúng, là sự lựa chọn hợp lý, mạnh dạn, tích cực trong bối cảnh hiện nay.

“Bỏ biên chế là đổi mới cực kỳ quan trọng”

Nói về chế độ biên chế, GS Trần Hồng Quân cho rằng, điểm tích cực của cơ chế này là tạo được sự ổn định trong đội ngũ, giúp các thầy cô giáo yên tâm công tác, gắn bó cả đời với công việc giảng dạy. Trong các đơn vị giáo dục, đội ngũ ít có sự thay đổi, biến động; người gắn bó, làm việc lâu năm với đơn vị chắc chắn sẽ hiểu sâu hơn về nơi mình công tác, cống hiến.

Tuy nhiên, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra nhược điểm lớn nhất của cơ chế này là tạo ra sự trì trệ, sự yên tâm quá đáng về vị trí công việc của mình sẽ dẫn đến việc một số không ít giáo viên không có ý thức phấn đấu, không ngừng nâng cao trình độ, cải tiến phương pháp, nỗ lực trong công việc để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới giáo dục; mà dù không tiếp tục phấn đấu như vậy, giáo viên sẽ vẫn được phân công giảng dạy như bình thường, không lo bị sàng lọc trừ phi vi phạm kỷ luật nặng.

Có thể thấy rõ, không có sự sàng lọc, không có sự cạnh tranh, nên cũng thiếu áp lực để tạo động lực. Ngay đối với những giáo viên có năng lực, giỏi chuyên môn cũng bị hạn chế, bởi họ khi đã nằm trong biên chế viên chức Nhà nước thì hầu như họ không còn khả năng tự lựa chọn chỗ làm việc, không thể chuyển sang một nơi có môi trường làm việc tốt hơn, mức thu nhập cao hơn, phù hợp hơn để phát huy năng lực.

Một hệ thống mà thiếu động lực một cách phổ biến ở từng người thì không thể tránh khỏi sự trì trệ phổ biến, thì không thể có sức phát triển. “Những hạn chế này cần phải được khắc phục bằng việc hợp đồng lao động với giáo viên” - GS Trần Hồng Quân nêu quan điểm. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được chủ trương này, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, cần có lộ trình hết sức cẩn trọng, hợp lý với hàng loạt các biện pháp đồng bộ. Bởi nếu không sẽ tạo nhiều sự bất ổn trước hết là dễ có sự chuyên quyền, không minh bạch, không công bằng trong việc tuyển dụng, đánh giá, sử dụng, xếp lương, sa thải. Nghĩa là cần rà soát lại và ban hành các quy định mang tính luật pháp, quy chế cần thiết để các trường theo một mô hình tổ chức hoạt động hợp lý, thúc đẩy sự phát triển mà không rơi vào các rối loạn tiêu cực mới.

Theo GS Trần Hồng Quân, cũng phải nghiên cứu chính sách, kể cả chế độ bồi dưỡng với những người đã có đóng góp lâu năm trong ngành, các thầy cô đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho giáo dục, đặc biệt ở các vùng khó khăn, bây giờ trước cơ chế hợp đồng tuyển dụng, cũng có những hạn chế nhất định. “Tóm lại, đây là đổi mới cực kỳ quan trọng, thúc đẩy động lực cá nhân và toàn hệ thống. Sẽ rất hiệu quả nếu chúng ta làm đúng chủ trương này. Tuy nhiên, đây cũng là việc khó vì liên quan đến đội ngũ hàng triệu giáo viên trên cả nước, do đó cần có một lộ trình phù hợp” - GS Trần Hồng Quân chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ