Tôi biết đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc bỏ biên chế công chức, viên chức ngành giáo dục. Và ý kiến khác nhau như vậy là cần thiết, chứng tỏ có nhiều chuyên gia quan tâm và có trách nhiệm. Theo tôi việc bỏ công chức, viên chức không chỉ là việc của mỗi ngành giáo dục, mà còn là của cả khu vực sự nghiệp nói chung. Về lâu dài rất nên làm thế.
Từ lâu cũng đã có những ý kiến của các nhà nghiên cứu nói về việc này. Nhiều nước cũng đã làm như vậy. Đây là một ý tưởng rất đáng quan tâm và cần thảo luận kỹ, khách quan và nghiêm túc. Đối với ý tưởng này thì cách làm còn quan trọng hơn ý tưởng. Nó là một ý tưởng hay, nếu có cách làm đúng.
Trước hết, về cách làm, lãnh đạo Bộ nên đặt vấn đề để một số cơ quan khoa học tổ chức thảo luận với các chuyên gia. Lúc đầu có thể thảo luận hẹp, sau đó mở rộng dần và tổ chức thảo luận rộng rãi, để nhiều người tham gia, vừa phát huy trí tuệ của cộng đồng nhằm tìm được phương án với giải pháp tối ưu, vừa là để thúc đẩy phát triển tư duy về khoa học giáo dục.
Việc làm của Bộ GD&ĐT lúc này là nên bình tĩnh lắng nghe, tổ chức bàn kỹ cách làm và bước đi. Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là cần một kết quả tốt trên thực tế cho nền giáo dục nước nhà. Muốn có chất lượng giáo dục tốt thì cần có những người thầy và những người quản lý giáo dục tốt và giỏi. Để có được một đội ngũ như vậy thì có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có vấn đề không biên chế.
* Lâu nay vẫn có tư tưởng: Vào biên chế nghiễm nhiên là người Nhà nước, được Nhà nước "bao cấp". Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ. Vì vậy, nếu bỏ biên chế sẽ phá bỏ được bức tường này và tạo động lực để giáo viên phấn đấu?
- Ông Vũ Ngọc Hoàng: Tôi cũng nghĩ như vậy. Như tôi đã nói ở trên, tất cả khu vực sự nghiệp đều nên đổi mới theo cách ấy chứ không phải riêng ngành giáo dục. Nhưng phải có giải pháp đồng bộ, đặc biệt phải trân trọng với những nhà giáo mà lâu nay đã vượt qua nhiều khó khăn để trụ vững ở những vùng xa xôi, hẻo lánh và trong điều kiện khó khăn. Công tác quản trị giáo dục phải đổi mới một cách căn bản và nên đi trước một bước.
Việc đổi mới cách quản lý con người như thế này trước tiên nên thực hiện đối với giáo viên mới tuyển vào, còn số cũ thì thực hiện dần từng bước ở những nơi có đủ điều kiện và được giáo viên, cán bộ công nhân viên đồng tình cao.
* Trước đây, nhiều người vẫn hoài nghi về chuyện “chạy” viên chức giáo viên. Phải chăng khi xóa bỏ biên chế, chuyển sang chế độ hợp đồng sẽ không còn câu chuyện này – thưa ông?
- Ông Vũ Ngọc Hoàng: Không phải là hoài nghi đâu, mà nhiều người đã nghĩ, đã khẳng định là có việc “chạy” biên chế công chức, viên chức. Bỏ biên chế rồi thì tất nhiên không còn “chạy” biên chế nữa. Đó là cách suy nghĩ tốt. Muốn chống tiêu cực thì phải có tư duy văn hóa nữa, chứ chỉ mỗi tư duy hành chính là chưa đủ. Cần phải có dân chủ, minh bạch, có cơ chế kiểm soát việc sử dụng quyền hành được giao và nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho những người làm nghề dạy người.
Xin cảm ơn ông Vũ Ngọc Hoàng!