Linh hoạt hình thức dạy học: Nỗ lực bảo đảm chất lượng

GD&TĐ - Nhiều địa phương đã và đang cố gắng đưa HS quay trở lại trường ở những vùng an toàn, tận dụng tối đa thời gian có thể học trực tiếp.

Học sinh Trường THPT Ba Tơ (Quảng Ngãi) trở lại học tập bình thường với nhiều phương án phòng dịch.
Học sinh Trường THPT Ba Tơ (Quảng Ngãi) trở lại học tập bình thường với nhiều phương án phòng dịch.

Việc tổ chức dạy học hết sức linh hoạt, đặc biệt ở 13 địa phương hiện đang triển khai đồng thời dạy học trực tuyến, trực tiếp và dạy học qua truyền hình.

Linh hoạt hình thức

Cả nước 13 có địa phương kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; việc tổ chức dạy học được chỉ đạo, triển khai linh hoạt và sẵn sàng chuyển trạng thái nếu có thay đổi về tình hình dịch bệnh.

Tại Thừa Thiên - Huế, thông tin từ Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân, đến 28/9 địa phương có thành phố Huế, thị xã Hương Thuỷ và 3 huyện Nam Đông, A Lưới, Quảng Điền, HS đi học trực tiếp đủ 100%. Các huyện có số trường học trực tuyến nhiều là: Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền và thị xã Hương Trà. Tổng số trường học trực tiếp hiện nay tại Huế có 526/570 trường.

Sau thời gian tập trung HS trở lại, hầu hết các trường đã triển khai đồng bộ, đầy đủ các quy trình kiểm soát yếu tố dịch và tổ chức dạy học bình thường. Tuy vậy, trong những ngày qua, một số địa bàn xuất hiện ổ dịch trong cộng đồng và liên quan đến các F trong trường học nên đã linh hoạt chuyển trạng thái theo dõi HS tại nhà, khu vực cách ly và tổ chức dạy học qua truyền hình, trực tuyến.

Đắk Lắk chủ trương xây dựng các hình thức tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện của từng HS. HS có máy tính, điện thoại thông minh và có kết nối mạng, triển khai tổ chức dạy học trực tuyến. HS có tivi ở gia đình thì phối hợp với phụ huynh cung cấp nội dung, chuyển tài liệu học tập phù hợp với bài học được phát sóng trên kênh truyền hình VTV7 và các kênh truyền hình khác để hướng dẫn HS theo dõi học tập, đồng thời quản lý chặt chẽ việc học tập của các em.

HS không có máy tính, điện thoại, tivi, nhà trường chỉ đạo giáo viên biên soạn bài dạy, câu hỏi kiểm tra, hướng dẫn học tập để in sao, chuyển giao cho HS. Thống kê từ bậc THCS trở lên, ông Nguyễn Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 13/59 trường THPT, 5/15 trung tâm giáo dục thường xuyên, 126/239 trường THCS đang tổ chức dạy học trực tiếp.

Với Nghệ An, thông tin từ Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành, trong số 21 huyện thị, chỉ còn thành phố Vinh chưa tổ chức dạy học trực tiếp. Tuy nhiên, những cơ sở giáo dục đang dạy học trực tiếp vẫn phải bảo đảm 1 thời lượng học trực tuyến nhất định để duy trì trạng thái, sẵn sàng chuyển sang dạy học trực tuyến nếu dịch bệnh phức tạp.

“Sở GD&ĐT đã hướng dẫn xây dựng phương án dạy học ứng phó dịch Covid-19 năm học 2021 - 2022. Theo đó, các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 triển khai dạy học trực tuyến; riêng các huyện miền núi kết hợp dạy học trực tuyến và hình thức giao bài để bảo đảm tất cả HS đều được học tập. Địa phương thực hiện Chỉ thị 15 triển khai dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, trong đó dạy học trực tiếp tương đương 50% nội dung, thời lượng. Khi dạy học trực tiếp, nhà trường thực hiện chia lớp để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Địa phương thực hiện Chỉ thị 19 dạy học trực tiếp; riêng trường có số HS lớn, vùng có nguy cơ lây nhiễm cao chia các khối học theo ca để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Duy trì ít nhất mỗi tuần 1 buổi học trực tuyến để hỗ trợ dạy học trực tiếp đồng thời nâng cao kỹ năng dạy, học trực tuyến, sẵn sàng chủ động chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp sang trực tuyến khi có yêu cầu (trừ trường vùng khó khăn). Đối với vùng đô thị, vùng có điều kiện thuận lợi, có thể tăng thời lượng dạy học trực tuyến” - ông Thái Văn Thành cho hay.

Các địa phương chủ động vệ sinh an toàn trường lớp bảo đảm công tác phòng dịch. Ảnh minh họa
Các địa phương chủ động vệ sinh an toàn trường lớp bảo đảm công tác phòng dịch. Ảnh minh họa

Sắp xếp thời gian khoa học, tránh quá tải

Cùng với phương án tổ chức dạy học, việc lựa chọn nội dung dạy học cũng được Sở GD&ĐT Nghệ An lưu ý. Chia sẻ của ông Thái Văn Thành, các cơ sở giáo dục phổ thông cần lựa chọn nội dung phù hợp để dạy học trực tuyến; dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp. Theo đó, dạy học trực tuyến, hình thức giao bài với các nội dung kiến thức cơ bản theo mức độ nhận biết, thông hiểu; sắp xếp thời khóa biểu thực hiện trước khi dạy học trực tiếp. Dạy học trực tiếp với nội dung thuộc mức độ vận dụng, ôn tập, thực hành, trải nghiệm.

Khẳng định nguyên tắc “dạy học phải đảm bảo các điều kiện an toàn”, ông Nguyễn Tân cho hay: Các trường nằm ở vùng an toàn, nguy cơ thấp tại Thừa Thiên - Huế tranh thủ thời gian tổ chức dạy học trực tiếp, kể cả sử dụng quỹ thời gian ngày thứ 7 (với khối lớp không học ngày thứ 7) để ưu tiên dạy học trực tiếp cho HS. Việc này nhằm chủ động xây dựng quỹ thời gian dự phòng khi gặp tình huống dừng đến trường do bão lũ, dịch bệnh.

Sở sẽ có kế hoạch chỉ đạo kiểm tra định kỳ, kết thúc học kỳ, năm học phù hợp với thực tế các địa phương. Quỹ thời gian được tích lũy còn lại sẽ tổ chức ôn tập, hoạt động giáo dục theo chương trình nhà trường, khi điều kiện an toàn cho phép. Các trường cũng đặc biệt lưu ý ưu tiên bố trí thời gian dạy học trực tiếp nhưng phải được sắp xếp khoa học, hợp lý tránh quá tải và tạo áp lực đối với HS.

Linh động các hình thức tổ chức dạy học, theo ông Nguyễn Tường Hiệp, Sở GD&ĐT Đắk Lắk yêu cầu các trường khi triển khai các hình thức tổ chức dạy học phải thông báo, hướng dẫn cho HS, cha mẹ HS thông tin cụ thể về nền tảng, phương tiện sử dụng dạy học; cách thức giao nhiệm vụ học tập; nội dung bài học; phương thức kiểm tra, đánh giá và nội quy học tập đối với từng hình thức dạy học.

Thời gian học cũng phải bố trí phù hợp với tâm lý lứa tuổi, tránh khung giờ buổi trưa, quá khuya. Thời khóa biểu các lớp học, cấp học lệch giờ nhau để tạo điều kiện cho HS trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau và tận dụng tối đa phương tiện học tập sẵn có của mỗi gia đình.

Cuối mỗi tuần học, đánh giá việc thực hiện các hình thức dạy học để có điều chỉnh phù hợp, kịp thời. Tuyệt đối không vì chạy theo tiến độ chương trình, thời gian mà làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy học và gây khó khăn cho HS, gia đình HS trong việc tiếp cận các hình thức dạy học.

“Chủ trương của Huế là cố gắng đưa HS ra lớp dạy trực tiếp ở những vùng an toàn. Vùng giãn cách phong toả triển khai dạy online cho các khối và dạy truyền hình cho lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Chúng tôi xác định, dù chỉ còn 1 lớp học truyền hình, Huế cũng xây dựng bài học cho đến hết học kỳ I. Một mặt nhằm chuẩn bị đủ học liệu dạy học truyền hình trọn 1 học kỳ cho 3 khối lớp đang triển khai Chương trình GDPT 2018; một mặt giúp các địa phương đang theo học chương trình truyền hình của Huế; nếu Huế dừng phát sẽ khó chung cho tỉnh bạn” - ông Nguyễn Tân chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Chiếc đèn bàn

GD&TĐ - Lúc này, giấc mộng tan đi, ánh sáng và bóng tối của chiếc đèn bàn hội tụ. Quá khứ qua đi để lại nỗi đau dù là nhỏ nhất trong tâm hồn…