Truyện "Số phận con người": Khí phách và tâm hồn của người Nga

GD&TĐ - Mi-khai-in A-lếch-xan-đrô-víc Sô-lô-khốp (1905 - 1984) là nhà văn Nga lỗi lạc, từng đoạt giải thưởng Nô-ben về văn học năm 1965 và được liệt vào hàng các nhà văn lớn nhất thế kỉ XX.

Bên cạnh những tác phẩm nổi tiếng như “Sông Đông êm đềm”, “Truyện sông Đông”, “Thảo nguyên xanh”… Sô - lô - khốp còn được biết đến bởi truyện ngắn “Số phận con người” - tác phẩm được xem là cột mốc quan trọng mở ra chân trời mới cho văn học Nga. 

Người Nga trong chiến tranh

Một trong những hiện thực được Sô-lô-khốp phản ánh khá rõ nét trong truyện “Số phận con người” chính là số phận của những người Nga trong cuộc chiến tranh phát xít. Những số phận ấy hiện lên vừa tự nhiên vừa rõ nét qua một cuộc gặp gỡ tình cờ giữa nhân vật tôi - người kể chuyện và cha con nhà An-đrây Xô-cô-lốp cùng bé Va-ni-a.

Cuộc gặp gỡ diễn ra vào “mùa xuân thanh bình” bên một bến đò, khi “những cơn gió ấm áp cũng đã thổi đến, và chỉ sau hai ngày tuyết cũng đã bắt đầu tan trên đôi bờ sông Đông”. Sau những cái bắt tay, những lời chào hỏi, người kể chuyện nhận ra ở người bố “chứa đựng một nỗi buồn sâu xa” của một người “đã từng ở mặt trận”, “đã từng nếm trải khá nhiều”. Sau thoáng “im lặng”, người đàn ông ấy bắt đầu “tâm tình”. Câu chuyện về cuộc đời anh - người lính Hồng quân bốn mươi sáu tuổi ấy, cũng là số phận điển hình cho biết bao người Nga đã đi qua chiến tranh.

Xô-cô-lốp sinh năm 1900 tại một làng quê gần thành phố Vô-rô-ne-giơ. Thời nội chiến anh tham gia Hồng quân. Năm 1922, lúc nạn đói xảy ra, anh đến Cu-ba làm việc, còn bố mẹ anh đã bị chết trong nạn đói đó. Một năm sau anh lấy vợ, sinh cậu con trai đầu lòng và thêm hai cô con gái nữa.

Chiến tranh nổ ra, Xô-cô-lốp được điều ra mặt trận đến Uc-rai-na, giao cho lái xe tải. Chiến đấu chừng một năm anh bị thương hai lần, vào tay và chân. Vào tháng 5 năm 1942, trong lần đối đầu với cuộc tấn công dữ dội của phát xít, Xô-cô-lốp đã bị bắt làm tù binh. Anh và đoàn anh em cùng sư đoàn đã phải chịu đựng những tra tấn, áp giải dã man của bọn giặc. Đã có lần Xô-cô-lốp chạy trốn khỏi trại tập trung nhưng “mấy con chó lần theo vết chân”, bọn Đức lại “chụp” được anh, “chúng thẳng tay đánh”, “xua chó vào xâu xé” khiến “thịt da tơi tả”. “Thân hình đẫm máu” của Xô-cô-lốp được chúng “điệu ngược về trại”.

Từ đó, theo lời kể của Xô-cô-lốp “không còn thiếu nơi nào mà bọn Đức lại không lùa tôi đến trong những năm tôi bị bắt làm tù binh. Tôi đã đi qua nửa nước Đức: Làm việc trong nhà máy hóa chất ở Sac-sô-xi-a, làm trong hầm mỏ ở Ru-ra, đào đất ở Ba-va-ri-a và cũng đã từng ở Tri-u-rin-gia”. “Ở mọi nơi bọn Đức đánh đập chúng tôi”, “ở đâu bọn chúng cũng cho chúng tôi ăn một kiểu như nhau: Một trăm năm mươi gam chất thay thế bánh mì và xúp loãng. Nước sôi thì nơi thì có, nơi thì không. Kết quả là tù nhân“chỉ còn da bọc xương”.

Đến tháng 9 năm 1944, bọn Đức chuyển Xô-cô-lốp cùng những tù binh sang trại khác, làm việc trên mỏ đá - công việc rất nặng nề. Qua hai tháng đội của Xô-cô-lốp từ chỗ 142 người còn lại 57 người. Rồi bọn Đức lại điều anh đến Ru-x-ki, làm việc trong hầm mỏ, đến Rốt-đam, lái xe riêng cho một tên lính Đức. Khi tiếp cận gần hơn với mặt trận Xô-cô-lốp đã chạy trốn sang phía quân mình, gặp chỉ huy trung đoàn. Đồng chí Trung đoàn trưởng đã rất mừng vì Xô-cô-lốp đã lấy được chiếc cặp tài liệu của tên thiếu tá Đức.

Xô-cô-lốp và bé Va- ni- a trong bộ phim cùng tên.
Xô-cô-lốp và bé Va- ni- a trong bộ phim cùng tên.

Trong thời gian điều trị tại quân y viện, sau ba tuần kể từ khi viết thư cho vợ là I-ri-na, Xô-cô-lốp đã nhận được thư hồi âm từ quê nhà Vô-rô-ne, nhưng là thư của ông bạn láng giềng I-van Ti-mô-phi-ê-vích, báo tin:“Vào tháng 6 năm 1942 bọn Đức đã ném bom xuống nhà máy luyện kim, có một quả đã rơi trúng nhà Xô-cô-lốp”, “I- rin-na và hai cô con gái đang ở nhà và đều bị chết cả”. Cũng ngay trong đêm đó, con trai A-na- tô-li “đề nghị được ra mặt trận”.

Đây quả là sự mất mát quá lớn đối với Xô-cô-lốp. Anh đã tìm đến nơi trước đây có ngôi nhà anh từng sống, nơi những người từng sống cho anh. Anh “chỉ đứng lại được một lúc, sau đó trở ra ga và ngay hôm đó trở về trung đoàn”. Anh đã “không thể ở lại Va-rô-nhe được”. “Nhưng ba tháng sau niềm hạnh phúc cuối cùng còn lại đã cổ vũ” Xô-cô-lốp. Anh sống tiếp những ngày ở mặt trận bằng “niềm hạnh phúc cuối cùng còn lại” đó là A- na- tô- li, nó đã tìm thấy bố, nó đã tốt nghiệp Trường Pháo binh, đang mang lon Đại úy và đã được tặng thưởng sáu Huân chương. Xô-cô-lốp bắt đầu ước mơ: “Chiến tranh rồi sẽ kết thúc, con trai tôi sẽ cưới vợ, mình sẽ sống với chúng, chăm sóc cháu nội…”.

Nhưng ước mơ đó đã không thành khi “vào sáng ngày mồng 9 tháng 5, đúng vào ngày chiến thắng, một tên xạ thủ tiểu liên Đức khốn kiếp đã cướp đi sinh mạng của An- na- tô- li”. Xô-cô-lốp đã nghẹn ngào kể lại giây phút cuối cùng gặp con trai: “Tôi bước đến nơi đặt quan tài. Con trai tôi nằm đó mà không phải của tôi. Con trai tôi là một cậu bé vui tính kia, còn nằm đây là một người đàn ông trẻ trung, khôi ngô, tuấn tú… Tôi hôn con tôi và rời quan tài. Đồng chí chỉ huy Trung đoàn đọc lời truy điệu. Những người đồng chí - những người bạn của An- na-tô- li lau nước mắt.

Còn ở tôi, nước mắt không còn nữa. Nước mắt của tôi đang đọng lại trong tim. Có thể, bởi vì thế mà trái tim tôi quặn thắt. Tôi đã chôn vào đất Đức xa lạ niềm hạnh phúc và niềm hi vọng cuối cùng của đời mình”.

Những mất mát mà  Xô-cô-lốp trải qua gợi lên trong lòng người đọc nỗi xót xa, niềm cảm thương sâu sắc cho số phận con người trong chiến tranh.

Cùng phải trải qua những mất mát chẳng kém gì Xô-cô-lốp còn có một số phận đáng thương nữa, đó là bé Va- ni- a. Cậu bé gầy gò, nhem nhuốc vẫn thường có mặt ở cửa tiệm - nơi mà Xô-cô-lốp thường tìm đến những li rượu lử người sau mỗi chuyến xe. Khi Xô-cô-lốp nhìn thấy và gọi “Va--ni-a lên xe”, anh chợt nhận ra vẻ “buồn rầu và cái thở dài từ một đứa trẻ”. Khi hỏi ra anh mới biết rõ hoàn cảnh của cậu bé đáng thương: “Bố đã hi sinh ngoài mặt trận”, còn mẹ “đã chết khi cùng cả nhà đi trên tàu”. Va-ni-a không còn ai thân thích, sống vất vưởng, “ai cho gì thì  ăn nấy”.

Xô-cô-lốp và bé Va-ni-a đều là những nạn nhân của chiến tranh. Số phận cụ thể của hai nhân vật gợi đến vô vàn những mất mát của nhiều cuộc đời khác bước ra từ chiến tranh. Vì độc lập dân tộc và sự sống còn của nhân dân, Xô-cô-lốp, Va- ni- a cũng như bao người dân Xô viết thời kì ấy, đã phải chịu những mất mát tưởng chừng quá sức chịu đựng của con người.

Nhưng con người Nga kiên cường bước qua chiến tranh và cũng không dễ dàng gục ngã trong cuộc sống đời thường. Điều gì đã giúp họ đứng vững sau những mất mát, tổn thương? Đó chính là tính cách Nga, là phẩm cách kiên cường, anh dũng. Tính cách Nga không chỉ được giữ vững trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt mà nó còn được soi chiếu trong những hoàn cảnh thử thách đời thường. Đó chính là tư tưởng của nhà văn Sô- lô- khốp gửi gắm trong phần tiếp theo của câu chuyện.

Tác phẩm “Số phận con người”.
Tác phẩm “Số phận con người”.

Người Nga trở về  sau chiến tranh

Bước ra khỏi cuộc chiến, cuộc đời Xô-cô-lốp mang theo bao mất mát. Trong lòng người lính ấy là những nỗi đau nhức nhối khôn nguôi. Rời quân ngũ, nhưng Xô-cô-lốp không thể trở về Va- rô- nhe, vì nơi đó, vợ con anh đã chết. Chạy trốn nỗi đau bằng cách tìm đến U- riu- pin-x- cơ, Xô-cô-lốp ở nhờ nhà vợ chồng người bạn “giải ngũ hồi mùa đông vì bị thương”.Tại đây, bạn anh đã giới thiệu anh cùng làm lái xe cho một đội vận tải. Thế rồi, cũng tại mảnh đất mới này, Xô-cô-lốp đã gặp bé Va- ni-a. Khi biết hoàn cảnh của đứa bé trong  Xô-cô-lốp “dấy lên niềm thương cảm” và anh đã quyết định: “Nhận cậu bé làm con nuôi”.

Sau câu nói khẽ: “Bác đây là bố của cháu”  là niềm vui khôn tả của đứa bé: “Nó nhảy chồm lên cổ tôi hôn vào má, vào môi, vào trán và như con chim, chích, nó ríu rít líu lo vang rộn cả buồng lái: “Bố yêu của con ơi! Con biết mà! Con biết thế nào bố cũng tìm thấy con mà! Thế nào cũng tìm thấy mà! Con chờ mãi mong được gặp bố!”. Trong Xô-cô-lốp như vẫn như còn nguyên cảm giác: “Nó áp sát vào người tôi, toàn thân cứ run lên như ngọn cỏ trước gió”, rồi nó “ghì chặt lấy người cha mình mà lặng im, run rẩy”.

Còn Xô-cô-lốp cũng xúc động không kém: mắt anh “thì cứ mờ đi”, “cả người cũng run lên, hai bàn tay lẩy bẩy…”. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, người lính ấy mới tìm được một giấc ngủ yên lành. Anh thấy “lòng vui không lời nào tả xiết” khi thấy Va- ni- a rúc vào nách “như con chim sẻ dười máid rạ, ngáy khe khẽ”. Rồi “không nén được”, Xô-cô-lốp “nhẹ nhàng ngồi dậy đánh diêm” để ngắm nhìn Va- ni-a ngủ.

Hai nạn nhân của chiến tranh đã đến bên nhau, nương tựa, xoa dịu nỗi đau trong cuộc đời nhau, cùng thắp lên niềm vui sống cho cuộc sống phía trước. Thông qua niềm hạnh phúc ấm áp của hai bố con nhà Xô-cô-lốp và bé Va- ni- a, nhà văn Sô- lô- khốp muốn làm sáng tỏ tính cách Nga: Bằng lòng dũng cảm và sự  kiên cường con người Nga đã đương đầu với kẻ thù trong chiến tranh, bằng ý chí, nghị lực họ vượt qua mất mát trong chiến tranh và bằng tình yêu thương và lòng nhân hậu họ vượt qua bất hạnh sau chiến tranh.

Sau một thời gian cha con nhà Xô-cô-lốp bên nhau và vẫn ở nhờ nhà vợ chồng người đồng đội cũ, Xô-cô-lốp quyết định cùng Va- ni- a rời U-riu- in- xcơ trongmột tình huống trớ trêu. Xô-cô-lốp kể lại: “Hôm ấy tôi lái xe đường lầy, đến một thôn nọ thì xe bị trượt, vừa lúc đó có một con bò quay lại, xe tôi chạm phải chân nó. Thế là, như anh biết đấy, các bà gào thét ầm lên, người ta xúm lại, anh kiểm soát xe hơi lập tức đến ngay. Anh ta thu hồi bằng lái của tôi mặc dù tôi đã hết sức van nài mong anh rộng lượng tha thứ. Con bò đứng dậy, ve vẩy đuôi rồi chạy vào ngõ hẻm, còn tôi thì bị tước bằng lái”. Hai bố con đi bộ đến Ka-sa-rư để làm ở bộ phận thợ mộc chờ tỉnh cấp lại bằng lái.

Hành trình của hai bố con còn dài, họ sẽ cùng nhau “cuốc bộ khắp nước Nga”, vì như lời của Xô-cô-lốp tâm sự: “Nỗi đau buồn không cho tôi ở yên một chỗ được. Có lẽ phải đến khi nào cháu Va-nui- ska lớn lên, buộc lòng phải gửi cháu vào một trường học ổn định, thì may ra lúc ấy, nguôi bớt nỗi buồn, tôi mới có thể ở yên một chỗ”.

Sô-lô-khốp đặt trọn niềm tin vào tương lai của hai bố con Xô-cô-lốp bằng những lời trữ tình ngoại đề xúc động: “Hai con người côi cút, hai hạt cát đã bị sức mạnh phũ phàng của bão tố chiến tranh thổi bat tới những miền xa lạ… Cái gì đang chờ đón họ ở phía trước? Thiết nghĩ rằng con người Nga đó, con người có ý chí kiên cường, sẽ đứng vững được và sống bên cạnh bố, chú bé kia một khi lớn lên sẽ có thể đương đầu với mọi thử thách, sẽ vượt qua mọi chướng ngại trên đường nếu như Tổ quốc kêu gọi”.

Thiên truyện được khép lại bằng những lời tâm can của người kể chuyện, cũng là tiếng lòng của nhà văn:  “Với một nỗi buồn thấm thía, tôi nhìn theo hai bố con… Có lẽ cuộc chia tay của chúng tôi sẽ thanh thản tốt đẹp hơn; nhưng Va-niu-ska, mới đi được ít bước, đôi chân lún cũn chuệnh choạng, chợt quay lại nhìn tôi, vẫy bàn tay xíu hồng hồng. Bỗng như có một bàn chân con vật nào đó mềm mại nhưng móng sắc nhọn bóp lấy tim tôi, và tôi vội quay mặt đi. Không, không phải những người đã đứng tuổi bạc đầu trong chiến tranh chỉ khóc trong chiêm bao đâu. Họ cũng khóc trong thực tại đấy. Cái chính ở đây là phải biết kịp thời quay mặt đi. Cái chính ở đây là đừng làm tổn thương trái tim em bé, đừng để cho em thấy những giọt nước mắt đàn ông hiếm hoi nóng bỏng lăn trên má anh”.

Trước Va-ni-a đã có những giọt nước mắt rơi. Khi nghe Va-ni -a trả lời những câu hỏi về hoàn cảnh của mình “những giọt nước mắt nóng hổi sôi lên” ở mặt Xô-cô-lốp. Khi dẫn Va-ni-a về nhà, vợ người bạn “nhìn Va-ni-a ăn ngấu nghiến mà nước mắt chảy ròng ròng. Bà đứng cạnh lò sưởi lấy tạp dề che mặt khóc”. Khi nghe đứa bé níu vạt áo nói:  “Cô ơi, sao cô lại khóc? Bố cháu tìm thấy cháu ở gần tiệm giải khát, mọi người phải vui mừng chứ, sao cô lại khóc?” bác ta lại “càng đầm đìa nước mắt, càng khóc sướt mướt”.

Và truyện được kết thúc trong nỗi xúc động của người kể “Bỗng như có một bàn chân con vật nào đó mềm mại nhưng móng sắc nhọn bóp lấy tim tôi”, “những giọt nước mắt đàn ông hiếm hoi nóng bỏng” đã lăn trên má Xô-cô-lốp, cả trên má “tôi”, nhưng họ đã “kịp thời quay mặt đi” để “không làm tổn thương trái tim em bé”. Đó đều là những giọt nước mắt của tình thương, của sự xúc động và của cả một truyền thống quí trọng con người trong văn học Nga. Đó cũng chính là tính cách Nga.

“Số phận con người” được xây dựng theo lối truyện lồng trong truyện. Bằng lối kể chuyện đó, nhà văn Sô-lô-khốp đã phản ánh một cách khách quan về hiện thực. Đó là những mất mát vô cùng thảm khốc của con người trong chiến tranh; đó là sự thật về cuộc sống của con người thời hậu chiến với nhiều thử thách phía trước. Nhưng từ trong cách phản ánh khách quan và chân thực đó Sô-lô-khốp cho chúng ta hiểu được vẻ đẹp tính cách Nga: Cứng rắn mà mềm mại, kiên cường và giàu lòng nhân ái.

Số phận con người là cách để Sô-lô-khốp “nói với bạn đọc một cách trung thực, nói cho mọi người biết sự thật - đôi khi khắc nghiệt nhưng bao giờ cũng táo bạo, củng cố trong lòng người niềm tin ở tương lai, tin ở sức mạnh của mình có khả năng xây dựng tương lai… Tôi mong muốn tác phẩm của mình giúp cho con người tốt hơn, tâm hồn trong sạch hơn, thức tỉnh tình yêu đối với con người, khát vọng tích cực đấu tranh cho lí tưởng nhân đạo và tiến bộ của loài người. (Lời phát biểu của Sô-lô-khốp trong Lễ trao giải Nô-ben năm 1965).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TIN BUỒN

TIN BUỒN

GD&TĐ - Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: