Nhiều và đa dạng
Bà Natalia Shafinskaya – Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga cho biết: “Các tác phẩm văn học Nga xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng tại Việt Nam dưới sự bảo trợ của tổng thống Nga. Từ năm 2012 đến nay, dự án hợp tác xuất bản giữa hai nước đã cho ra đời được hàng trăm cuốn sách có giá trị văn học và nghệ thuật cao”.
Trung tuần tháng 8 vừa qua, Trung tâm Văn hóa và Khoa học Nga tại Việt Nam lại tiếp tục ra mắt một số tác phẩm dịch sang tiếng Việt như: “Tuyển tập thơ” của Sergey Esenin, truyện vừa “Con gái Ivan, mẹ Ivan” của Valentin Rasputin, vở kịch nổi tiếng “Xác thây sống” của Lev Tolstoy và cuốn “Cơ sở lý thuyết dịch đại cương” của Andrey Flodorov.
Các tác phẩm được đã được dịch, xuất bản đều là các tác phẩm kinh điển, nổi tiếng thế giới được các nhà xuất bản Liên bang Nga tuyển chọn”.
Ông Hoàng Thúy Toàn, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Nga và Văn học Việt Nam cho biết: Tôi thừa nhận, các tác phẩm văn học Nga được dịch sang tiếng Việt đều là những cuốn sách hay, mang tầm vóc thời đại của các nhà văn Nga nổi tiếng. Chỉ kể kể đến những cuốn sách vừa được ra mắt trong tháng 8 vừa qua cũng đã minh chứng cho chúng ta thấy điều đó.
Cuốn kịch và hài kích của Lev Tolstoy do GS Nguyễn Hải Hà dịch. Phải nói rằng, tác phẩm của Lev Tolstoy đã có mặt ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX, nhưng mảng văn học kịch của Lev Tolstoy thì đây là lần thứ nhất chúng ta được tiếp xúc với một mảng sáng tác đặc sắc của nền văn học Nga.
Cuốn thứ hai phải kể đến đó là “Tuyển tập thơ” của Sergey Esenin. Tuyển tập thơ được nhiều đọc giả Việt Nam đón nhận. Những năm gần đây Sergey Esenin được bạn đọc Việt Nam đặc biệt chú ý và được rất nhiều dịch giả Việt Nam tham gia dịch.
Cuối thứ ba là tập truyện vừa “Con gái Ivan, mẹ Ivan” của Valentin Rasputin là một cuốn sách đặc biệt. Trước khi qua đời, tác giả Valentin Rasputin đã cho phép phía Việt Nam được dịch các tác phẩm của ông sang tiếng Việt. Ông đã viết thư gửi cho Việt Nam và tôi may mắn được ký nhận bức thư đó.
Cuốn thứ tư, đó cuốn “Cơ sở lý thuyết dịch đại cương” của Andrey Flodorov do dịch giả - nhà văn Lê Đức Mẫn dịch. Cuốn sách này đã mang đến những người yêu thích mảng văn học dịch và đặc biệt là những người yêu dịch thuật một cách nhìn mới, một phương pháp mới về dịch thuật.
Phải thừa nhận, những tác phẩm văn học Nga được dịch sang tiếng Việt mang nhiều ý nghĩa nhân văn, văn hóa cao cả giữa hai nền văn học Việt – Nga nói riêng và hai nước Việt – Nga nói chung”.
Các tác phẩm văn học Nga được dịch sang tiếng Việt ngày càng nhiều |
Các tác phẩm văn học luôn gần gũi và sống động
Là một dịch giả yêu văn học Nga, ông Hoàng Thúy Toàn, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Nga – Văn học Việt Nam cho biết: “Văn học Nga rất gần gũi và có nhiều nét tương đồng với nền văn học Việt Nam. Vì thế, các tác phẩm văn học Nga luôn được bạn đọc Việt Nam yêu thích và đón đọc. Đặc biệt hơn nữa, văn học Nga có tầm ảnh hưởng lớn tới nền văn học Việt Nam. Đó là những phẩm chất hiện thực sâu sắc của văn học Nga thế kỷ XIX, cũng như chất sử thi bi tráng của văn học Xô Viết không chỉ đã thu hút người đọc, mà còn in dấu khá đậm trong thực tiễn sáng tác của các nhà văn Việt Nam.
Thí dụ: Nền văn học Nga - Xô Viết giàu chất sử thi, đậm chất trữ tình như tác phẩm: Sông Đông êm đềm, Thanh niên cận vệ đội, Con đường đau khổ, Bến bờ, Mùa hè kì lạ, Mùa xuân trên sông Ôđe... đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng và công việc sáng tác của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam thế kỷ XIX, XX. Các tác phẩm nghệ thuật đó đã để lại dấu ấn không nhỏ làm nên chất sử thi của lòng yêu nước - một phẩm chất cao đẹp của văn học Việt Nam. Chất sử thi ấy ẩn trong hình tượng các nhân vật của tác phẩm như: Vỡ bờ, Rừng U Minh, Mảnh trăng cuối rừng, Đất nước đứng lên, Sống mãi với thủ đô, Rừng xà nu...
Một ví dụ nhỏ này cho chúng ta thấy rằng, trong một thời kỳ dài vừa qua, nền văn học nước nhà đã có những ảnh hưởng lớn bởi nền Văn học Nga. Đó là những nét đặc trưng chỉ con người Nga, dân tộc Nga, đất nước Nga mới có.
Các nền văn học Anh, Mỹ, Pháp… cũng du nhập vào Việt Nam khá mạnh mẽ, thế nhưng chưa chiếm được sự yêu thích của đông đảo bạn đọc như văn học Nga. Văn học Pháp du nhập vào Việt Nam cũng có nhiều tác phẩm hay, hấp dẫn, nội dung, tư tưởng trong các tác phẩm cũng mang nhiều ý nghĩa nhân văn cao đẹp. Các nhân vật trong các tác phẩm cũng có mơ ước và hoài bão đẹp, thế nhưng mơ ước đó mới chỉ mang tính cá nhân, gia đình. Hay với văn học Anh: Mơ ước của người ta là trở thành những hiệp sĩ, trở thành những anh hùng...
Trong khi, các tác phẩm văn học Nga, nhân vật và câu chuyện của họ thường có những ước mơ lớn hơn đó là hạnh phúc cho dân tộc, cho đất nước. Đó lài cái đẹp nhân văn cao cả của tính cách Nga, con người Nga, dân tộc Nga. Văn học Nga chính vì thế rất gần với văn học Việt Nam và được đọc giả Việt Nam luôn luôn đón nhận.
Nhà văn M.Gooc – ki đã từng nói” Văn học là nhân học”. Thật vậy, các tác phẩm văn học Nga luôn gần gũi, nhân hậu, giản dị như chính các nhà văn Nga, con người Nga. Những con người luôn mong ước hòa bình cho dân tộc, cho nhân loại. Bởi vậy, các tác pham của họ luôn giàu tính nhân văn cao đẹp, dễ đi vào lòng người.