Truyện ngắn: Những lá thư bị lãng quên

GD&TĐ - Cô đã không trở lại đây trong một thời gian rất dài. Cô nhìn khu vườn bỏ hoang với vẻ mặt buồn rầu.

Ảnh minh họa: ITN.
Ảnh minh họa: ITN.

Cô không đi qua lối cổng chính mà đi vòng quanh ngôi nhà đến cổng có chấn song bằng sắt rèn đã han gỉ. Khi cô đẩy mạnh cánh cổng, tiếng kêu cót két nghe như ai oán, đè nát những cây cúc gai và tầm ma quấn quanh song sắt mở ra con đường vào trong.

Băng qua bãi cỏ dại, cỏ cọ vào bắp chân khiến cô cảm thấy ngứa ngáy khó chịu. Dây thường xuân và cây dây leo Virginia leo cao, bao phủ toàn bộ bức tường đến đỉnh chóp của ngôi nhà.

Cô thận trọng leo lên bốn bậc đá dẫn đến cánh cửa gỗ sơn đỏ đã bạc màu. Ở bậc cuối cùng, sau khi di chuyển bốn chiếc bình đất nung xếp chồng lên theo kích thước khác nhau, cô tìm thấy chiếc chìa khóa kiểu cũ ở chiếc bình thứ năm.

Không khó để tra chiếc chìa khóa nhiều năm không dùng vào ổ, nhưng cũng không dễ dàng để mở cánh cửa, cô phải dùng chân và vai đẩy nó. Cánh cửa nặng nề cuối cùng cũng mở ra với tiếng rên rỉ đầy ma quái.

Mùi bụi ẩm ướt, khó chịu xộc vào mũi cô và gây ra một trận ho khan đến khản cổ. Mạng nhện khổng lồ giăng đầy trên trần nhà. Bóng tối bao phủ hoàn toàn. Đèn điện đã bị cắt từ lâu.

Bật đèn pin đề phòng mang từ trước, cô tìm kiếm sợi dây dẫn lên cầu thang xoắn ốc. Sợi dây vẫn ở đó, lạnh lẽo, ẩm ướt và nham nhở từng mảng. Cô kiểm tra để chắc chắn rằng nó vẫn còn treo trên những chiếc móc đồng đóng chặt vào tường.

Cô chưa quên chuyện nếu đi ba mươi bước sẽ dẫn lên tầng. Cô bước chậm rãi như bị ám ảnh bởi ý nghĩ sẽ trượt chân hay sợi dây bị đứt. Cô cẩn thận quan sát mỗi bước chân khi tiếp đất. Cứ 3 lần, cô lại nghỉ một lúc để lấy hơi. Ở cái độ tuổi không còn trẻ, sự hồi hộp và lo lắng lại càng gia tăng.

Bước đến cánh cửa cuối cùng, trống ngực cô bắt đầu đập thình thịch liên hồi. Chỉ còn vài giây nữa, cô sẽ bước vào nơi từng là vùng đất thiên đường kỳ diệu, ngôi đền ẩn giấu những bí mật của cô, nơi cô ẩn náu để đọc sách và theo đuổi những giấc mơ, nghe những bản nhạc cô yêu thích, nơi cô khám phá ra Fournier, Prévert, Baudelaire, Camus, và những người khác, nơi cô đọc những cuốn tiểu thuyết cấm, viết lách, nơi trú ngụ mỗi lúc hờn dỗi, khóc thầm đau khổ…

Chiếc ghế sofa phủ một tấm vải vẫn ở chỗ cũ, giống như chiếc máy hát cũ được giấu dưới một chiếc túi nhựa. Một trong những tấm ván trượt đã rơi khỏi chiếc ghế bập bênh, khiến nó bị tách ra và rơi xuống giữa phòng. Những cuốn sách đã biến mất khỏi kệ, cùng với các đĩa nhạc cũ.

Bàn trà thấp bị một lớp bụi dày bao phủ. Điều kỳ lạ là có một cốc nước đã vơi nửa đã bị bỏ lại ở giữa bàn. Có lẽ ai đó đã đến và ở đây một thời gian. Là người đã dọn sạch tủ sách, chắc chắn là vậy rồi… Cô đoán.

Cô mở ô cửa sổ mỏng manh, nó giống như một lỗ hổng lớn hơn là cánh cửa sổ thực sự. Tấm rèm bằng vải muslin, rung động vì khó mở, bay lên, thổi tung một đám bụi gây ra trận ho mới. Cô nhẹ nhàng, cẩn thận cởi bỏ tấm vải cũng bị phủ dày bụi của chiếc ghế sofa.

Ba chiếc gối dựa vẫn ở đó, được sắp xếp ngay ngắn hợp lý, từ màu sáng nhất đến tối nhất: Vàng, cam và đỏ đô. Cô không nhớ mình đã đặt chúng theo thứ tự đó. Cô cầm chiếc gối màu đỏ đô lên, nhận ra vết khâu vụng về của mình (cô không có sở trường may vá) trên vỏ gối. Chiếc gối còn nguyên vẹn làm cô yên tâm. Cô lấy chiếc kéo ra khỏi ví và bắt đầu tháo chỉ từng mũi khâu một.

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Chiếc vỏ gối lớn bằng vải nhung được tháo ra từng chút để lộ vỏ gối khác màu trắng bằng vải pecca. Cô tháo chỉ ra giống cái trước. Từng nhúm bông gòn từ từ rơi xuống, trải ra trên sàn. Cuối cùng, cô ấy cũng tìm thấy thứ mà cô cần phải tìm.

Cô nhìn chằm chằm vào gói đồ một lúc. Đôi mắt cô hơi mờ đi. Những ngón tay trái ướt đẫm mồ hôi, run rẩy lo lắng tháo dải ruy băng màu xanh hạnh nhân. Khoảng ba mươi lá thư được lấy ra, nằm rải rác trên ghế sofa.

Những bức thư trong vòng bốn mươi lăm ngày, vào một mùa Hè, cách đây rất lâu, bốn mươi lăm ngày trao đổi thư từ qua lại liên tục nhưng không rõ vì lý do gì mà lại kết thúc trong sự im lặng đến chết người.

Cô ngẫu nhiên nhặt lấy một phong thư, liếc nhìn dấu bưu điện một cách vô nghĩa. Cô biết rõ ngày tháng năm được gửi đến của bức thư. Con tem còn nguyên bản như khi những người đưa thư gửi. Cô chưa bao giờ có ý định sưu tập tem.

Anh trai cô, chắc vậy, nhưng để nghĩ rằng đó là một chủ ý của anh trai, thì chắc là không! Cô mở chiếc phong bì hơi ố vàng, bức thư dài ba trang hiện ra trước mắt.

Ban đầu cô không cho phép mình đọc nội dung mà chỉ được ngắm nhìn nét chữ được viết bằng bút máy: Nét bút nhẹ, thanh mảnh, có dáng đi uyển chuyển, hơi nghiêng, chữ in hoa viết cẩn thận, như mời gọi người nhận đọc toàn bộ lá thư.

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Cô tưởng tượng ra hình ảnh anh trai ngồi đối mặt với giấy ghi chú của một khách sạn nào đó, ngậm nắp bút, thỉnh thoảng ngẩng đầu lên khỏi tờ giấy để tìm từ ngữ thích hợp, từ có thể diễn đạt đầy đủ những suy nghĩ của anh trước khi viết nó xuống giấy.

Đôi khi anh còn mỉm cười khoái trá trước một cụm từ tinh nghịch, lém lỉnh, đầy thách thức nào đó và tưởng tượng trước hiệu quả mà nó sẽ tạo ra. Anh không phải là một nhà hùng biện lỗi lạc nhưng lại xuất sắc trong việc viết lách. Phong cách của anh luôn không được đánh giá cao nhưng vẫn đầy tinh tế.

Hoàn toàn trái ngược với cách viết của cô, luôn cháy bỏng sôi nổi, phức tạp cầu kỳ đến mức trân quý. Cô thường viết những câu văn dài mà đôi khi bị hiểu sai ý, những câu quá nhiều phép ẩn dụ hay phong cách chân thật quá mức, phong cách của những thông điệp được viết một cách bốc đồng.

Cô đọc tất cả những lá thư bị vứt hỗn loạn trên sofa, không theo một thứ tự nào cả, không quan tâm đến ngày chúng được gửi đến, thỉnh thoảng nấn ná dừng lại ở một số câu, từ.

Đôi lúc, cô lục tìm lại trong trí nhớ, cố gắng nhớ lại những gì mình đã trả lời hay tại sao lại phản ứng như vậy. Cô sống lại trong khoảnh khắc của quá khứ bị chôn vùi hơn ba mươi lăm năm trong chiếc gối cũ.

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Tất cả bức thư đều bắt đầu theo cùng một phong cách: “Paule”, hay đôi khi là khoảnh khắc trêu đùa đáng yêu: “Paulette yêu dấu bé nhỏ”. Thể thức cuối cùng trước khi ký tên thay đổi tùy vào nội dung của văn bản, luân phiên đổi ngôi giữa “em” (tu) theo cách thân mật và “bạn” (vous) với giọng điệu xa cách, khoa trương. Đôi khi là “Người đầy tớ trung thành của em”, “Người em không bao giờ tưởng tượng được” hay “Lữ khách cô đơn”...

Anh trai cô đi từ thuật lại chi tiết về chuyến viếng thăm Sankt-Peterburg, đến khái quát điều kiện sống của công dân ở Nga, đến những thời khắc cảm xúc tuôn trào không kìm nén được hoặc chia sẻ những kỷ niệm gần gũi thân mật trong những tuần cuối cùng trước khi bắt đầu chuyến hành trình mới.

Cô bối rối khi nhận ra chính mình trong một số đoạn, trong những chi tiết miêu tả về vóc dáng, đôi khi là những điều thân mật nhất và cô còn ẩn hiện trong sự nhiệt tình, mạnh mẽ. Cô có phải là người phụ nữ trẻ trung này không? Có lẽ là đúng, vì phong bì ghi tên cô là người nhận: “Quý cô Paule Dupre, Tourelle, đường Lavallière, số nhà 18000 Bourges”.

Từ một trong những chiếc phong bì rơi ra những cánh hoa hồng khô héo. Tặng hoa và socola không phải là phong cách của anh ấy! Cô nhặt những cánh hoa và cẩn thận bỏ lại vào phong bì. Bức thư cuối cùng là cô viết. Cô đã không có thời gian để gửi đi. Cô kiềm chế không muốn đọc lại nó.

Màn đêm bắt đầu buông xuống. Cô xếp tất cả các bức thư thành một chồng, buộc nhẹ nhàng chiếc nơ bằng sa tanh và cho vào túi xách. Cô cầm chiếc gối đã tháo ruột lên, nhét vào túi ni lông, nhặt những mảnh bông gòn còn sót trên mặt đất. Sẽ là tốt nhất nếu vứt bỏ nó trong khu vực dịch vụ đường cao tốc. Cô phủ lại tấm vải trên sofa, đóng cửa sổ lại.

Đi xuống cầu thang cũng khó khăn và khổ sở như khi đi lên. Cánh cửa cọ vào bản lề, rít lên lời chào từ biệt não lòng. Chìa khóa được giấu trở lại vị trí vốn có trong chiếc bình đất nung thứ năm.

Cô đi vòng quanh khu nhà, dựng thẳng tấm biển “Đã bán” treo trên cánh cổng lớn trước khi đóng nó lại mãi mãi và nhanh chóng trở lại, ngồi vào xe của mình.

Truyện ngắn của Paulette Pairoy-Dupré (Pháp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ