Truyện ngắn: Căn gác kí ức

GD&TĐ - Cánh cửa cọt kẹt mở ra. Tôi thấy mình đang đối diện với một căn phòng rộng lớn, chất đầy đồ vật xếp từ sàn lên đến trần nhà.

Truyện ngắn: Căn gác kí ức

Cánh cửa cọt kẹt mở ra. Tôi thấy mình đang đối diện với một căn phòng rộng lớn, chất đầy đồ vật xếp từ sàn lên đến trần nhà. Đây là nơi tôi sẽ tìm ra câu trả lời cho những gì mình phải tìm kiếm, trong căn phòng phủ đầy bụi và mạng nhện nhưng đầy kỷ niệm này.

Ít phút trước, tôi nhìn bà nội tôi, thân hình nhỏ bé, cuộn tròn trên giường bệnh, trên người cắm đủ loại dây truyền của các thiết bị hỗ trợ y tế. Bà nói chuyện một cách khó khăn, bình thường chủ yếu chỉ có thể dùng ánh mắt để biểu đạt ý muốn nói. Nhưng lần này, tôi cảm thấy bà có chuyện quan trọng muốn nói với tôi.

- Cháu yêu, bà thì thầm, con là cháu gái duy nhất của ta, là người thân duy nhất còn lại của ta.

- Vâng, con biết, bà đừng nói nhiều, sẽ mệt hơn đấy.

Ánh mắt bà trở nên mãnh liệt, sâu sắc hơn và thậm chí có chút độc đoán giống như khi còn nhỏ. Cha mẹ mất khi tôi còn bé, nội là người nuôi nấng tôi trưởng thành. Cha mẹ là hình ảnh gì đó rất mơ hồ đối với tôi. Cuối cùng, tôi đã quên mất họ và tôi luôn nghĩ rằng con người nhỏ bé này là mẹ ruột tôi - bà rất mạnh mẽ, không ai có thể làm tổn thương bà và bà có thể tiếp nhận bất cứ việc gì như một người toàn năng.

- Hãy lấy chiếc chìa khóa trong túi ta. Đúng rồi, chính là cái lớn nhất đó.

Tôi lấy ra một chiếc chìa khóa to, hơi gỉ, màu đồng từ chùm chìa khóa.

- Con hãy dùng chìa khóa này và mở chiếc rương trên gác mái. Ở đó, con sẽ thấy một chiếc hộp gỗ với bông hoa được chạm khắc. Đừng mở ra ngay, quay lại đây, chúng ta sẽ cùng xem trong đó có gì. Con sẽ biết được câu trả lời cho những gì con đang tìm kiếm ở đó. Đi đi. Và trở lại đây.

Tôi rời đi một cách miễn cưỡng. Nội đã ở trong bệnh viện được hai tuần và tình trạng của bà đang càng ngày càng nghiêm trọng. Sau lần không may ngã trong phòng tắm, cơ thể bà bị bầm tím, sức khỏe dần trở nên yếu đi, tôi đã nhanh chóng đưa bà đến bệnh viện. Chúng tôi đã chăm sóc bà cẩn thận từng chút một, nhưng nội đã bị nhiễm một loại virus khiến bệnh chuyển biến thành viêm phổi. Bà hô hấp một cách khó khăn, hơi thở ngắn lại.

Trong hai tuần, tôi ở bên cạnh nội, không phải lúc nào cũng ở đó, vì vẫn phải đi làm, nhưng tôi cố gắng ở bên bà thường xuyên nhất có thể. Tôi không muốn để nội một mình, tôi rất sợ khi quay đầu lại bà ấy sẽ không còn ở đó nữa…

Tuy nhiên, những gì bà nói về các câu trả lời mà tôi phải tìm kiếm khiến tôi tò mò. Tôi đã không nhận ra sâu thẳm trong trái tim mình đang tìm kiếm những câu trả lời này; rằng tôi muốn biết chuyện gì đã xảy ra với cha mẹ tôi, tại sao họ lại biến mất.

Có phải vì điều này, vì sự mất mát quá lớn khi còn nhỏ, mà tôi đang rất sợ mất đi người bà hằng ngày mạnh mẽ mà bây giờ lại yếu đuối như vậy? Tôi sợ một mình, sợ cô đơn trên thế giới. Đồng thời, tôi vừa cảm thấy sốt sắng, bồn chồn với ý nghĩ khi biết sự thật, vừa sợ hãi về những gì mình sẽ khám phá.

- Hãy chăm sóc cẩn thận cho bà giúp tôi - Tôi nở nụ cười, nói với y tá trực.

Bởi vì tôi biết rất rõ họ đều ân cần chăm chút, bà tôi luôn vui vẻ, hay cười không như một số bệnh nhân khác thường xuyên phàn nàn, cằn nhằn và chỉ trích. Tôi biết rằng các nhân viên y tế đều rất yêu quý bà và bà sẽ được chăm sóc tốt.

Tôi nhanh chóng trở về ngôi nhà tôi gần như đã gắn bó cả cuộc đời. Tôi chưa bao giờ thực sự quan sát cẩn thận căn gác mái, bởi vì căn phòng bụi bặm này không khiến tôi thích thú mà có phần chán ghét, sợ hãi. Tôi sợ động vật gặm nhấm và trong tâm trí tôi khi còn nhỏ, căn phòng này đầy rẫy loài vật này. Tôi chưa bao giờ ép bản thân làm những điều mình không muốn!

Tuy nhiên, tôi lại luôn bị hấp dẫn bởi chiếc rương khổng lồ đặt giữa phòng. Chiếc rương này, giờ tôi đã có chìa khóa và nó sẽ tiết lộ tất cả bí mật được che giấu!

Tôi dùng chiếc chổi lông phủi sạch lớp bụi bám trên bề mặt rương. Chìa khóa không khớp vào ổ, nó quá gỉ. Tôi nhanh chóng chạy vào bếp để lau chùi và tra dầu. Và nó đã mở ra được.

Tôi mở nắp rương. Nó chứa đầy những chiếc váy cũ, chăn và mũ; bên dưới những thứ đó cuối cùng tôi tìm thấy chiếc hộp gỗ mun tinh xảo, ở giữa có khắc một bông hồng xinh xắn. Tôi không được nhìn vào bên trong, dù sao tôi cũng quá sợ hãi để làm điều đó. Tôi quá lo lắng, sợ mình sẽ tìm thấy... Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra.

Tôi nhanh chóng nhét chiếc hộp vào ba lô. Tôi đóng nắp rương lại và bắt đầu quan sát xung quanh. Có tấm rèm trên tường nhưng dường như nó không che bất kỳ cửa sổ nào. Tôi kéo nó ra và phát hiện bức ảnh cũ chụp một người đàn ông, một phụ nữ và hai bé gái; hai cô bé trông giống nhau đến lạ lùng; một trong số họ là tôi, tôi chắc chắn. Nhưng cô bé còn lại là ai? Tôi vội vàng gỡ bức ảnh khỏi tường và cuộn nó lại cho vào ba lô. Có lẽ bà nội sẽ cho tôi biết những người này là ai.

Tôi không muốn nhìn thấy điều gì trên gác mái nữa. Điều tôi vừa khám phá ra đang ám ảnh tôi. Tôi nóng lòng muốn quay lại bệnh viện gặp bà và nghe giải thích tất cả những điều kỳ lạ này.

Khi tôi bước vào phòng bệnh, nội trông còn nhỏ bé hơn so với lúc tôi rời khỏi; mái tóc đỏ của bà vương vãi trên gối, đôi mắt thâm quầng, khuôn mặt lộ ra vẻ bồn chồn, lo lắng. Tôi ngồi xuống bên cạnh, nắm lấy bàn tay lốm đốm, đầy vết nhăn của nội.

- Nội ơi, con đã tìm thấy một thứ, nó nằm ngoài kế hoạch của chúng ta.

Tôi lấy bức tranh ra khỏi túi.

- Nội ơi, hãy nói cho con biết, những người này là ai? Con có cảm giác thân quen với họ hay ít nhất con cần biết họ là ai.

- Họ là cha mẹ của con, Jeanne và Paul, con trai ta. Cô bé con nhìn thấy là con lúc 3 tuổi và cô bé kia là em gái song sinh của con, Anaïs.

Cú sốc đầu tiên. Khi nhìn thấy cô bé ấy, tôi đã nghi ngờ rằng cô ấy là em song sinh của tôi, nhưng khi bà nói ra sự thật... Tôi không biết mình có một người em sinh đôi! Có lẽ vì thế mà tôi luôn có cảm giác thiếu thốn tình cảm như vậy.

- Chuyện gì đã xảy ra vậy nội? Chuyện gì đã xảy ra với cha mẹ và em gái con?

- Cha mẹ con luôn muốn giúp đỡ và xoa dịu những khó khăn, đau khổ cho người khác. Chúng tham gia vào một nhóm tình nguyện và nhiều lần đến Burkina Faso trước khi con sinh ra để giúp đỡ người dân ở đó - Bà khó nhọc kể lại.

- Sau đó, con và em gái ra đời. Vì vậy, cha mẹ con quyết định chăm sóc hai đứa là nhiệm vụ quan trọng nhất, gác lại công việc tình nguyện và trở về nhà trong 3 năm. Nhưng những tin tức bất ổn từ Burkina Faso gửi đến khiến chúng băn khoăn, chúng muốn biết những gì đang xảy ra ở đó; vì vậy cha mẹ con để lại con và em gái cho chúng ta chăm sóc rồi rời đi trong vài tháng. Nhưng chúng nhớ hai con ghê gớm nên quyết định quay lại sớm hơn dự kiến.

- Lúc đó, con bị ốm, vì vậy ta ở nhà chăm sóc con. Ông nội con đến đón chúng ở sân bay và ông ấy đã mang theo em gái con. Chuyện không may đã xảy ra trên đường về...

Nội ngừng nói, ánh mắt lơ đãng nhìn vào không trung với những hồi tưởng. Những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má đầy nếp nhăn của bà. Một nỗi xót xa đến tột cùng, một nỗi đau nhói tim đến ngạt thở.

Tâm trí bà nhanh chóng trở lại với thực tại.

- Một người đàn ông vội chạy xe đến bệnh viện thăm người mẹ ốm yếu đã đâm vào đầu xe của họ. Tất cả họ đều ra đi, tài xế, ông con, cha mẹ và cả em gái con…

Cả hai chúng tôi khóc, như bị cái gì đó đánh gục, không thể đứng dậy nổi, nỗi đau xé lòng, như một điều gì đó kìm nén rất lâu trong lòng, nay bỗng bột phát không thể ngừng lại được.

Nội không muốn nhớ lại quá khứ quá đau lòng này. Đêm đó, bà gần như đã mất tất cả. Bà đã phải một mình đón nhận cú sốc này và luôn cảm thấy tội lỗi vì đã không ở đó, nhưng cũng cảm thấy thật may mắn vì tôi không ở trên chiếc xe đó.

Nội đã bảo vệ tôi suốt những năm tháng qua, cố gắng hết sức bắt đầu lại một cuộc sống mới sau khi vụ tai nạn xảy ra. Nó là khoảng thời gian thật khó khăn, đau khổ, gánh nặng đè lên đôi vai nhỏ bé của bà. Nhưng bây giờ, khi cảm nhận được mình sắp phải ra đi, bà muốn tôi biết sự thật, toàn bộ sự thật.

Nội nói cho tôi biết có những gì trong hộp. Những bức ảnh của cha tôi khi còn nhỏ; những bức thư tình của cha mẹ; những bài báo nói về công việc của cha mẹ và những tình nguyện viên khác; những bức ảnh của tôi và em gái khi mới chào đời; những bức thư của cha mẹ tôi kể lại các khó khăn mà họ gặp phải khi làm tình nguyện, cũng như bài báo về một vụ tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của gần như cả một gia đình. Bài báo có tiêu đề “Không ai sống sót”.

Bây giờ bà buộc mình phải nhớ lại, nhưng kỳ lạ thay, nó lại giống như một sự giải thoát. Như thể tất cả nỗi đau bị chôn vùi bấy lâu cuối cùng cũng được phép bộc lộ ra ngoài.

Nội kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện về cha mẹ tôi: Họ đã làm gì, tại sao họ lại làm vậy. Bà cũng kể cho tôi nghe về em gái, em ấy xinh đẹp, đáng yêu như thế nào, hay tò mò như thế nào, em ấy là đứa trẻ tinh nghịch, hoạt bát trong hai chúng tôi.

Cuộc nói chuyện bỗng rơi vào khoảng lặng. Bà nhìn tôi.

- Vậy nên… - Nội nói.

Tôi nhìn bà, nghẹn ngào nói:

- Bà, người bà yêu quý nhất trên đời của con, bà đã mạnh mẽ, bà là tốt nhất, bà đã cho con cuộc sống rất hạnh phúc, con rất vui khi bà nói cho con biết con đến từ đâu, con là ai, cha mẹ ra sao.

- Giờ ta có thể yên tâm ra đi rồi. Ta đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, cố gắng chăm sóc, nuôi dạy con tốt nhất có thể. Bây giờ con đã trưởng thành, con phải biết cách tự lo cho bản thân, được không?

Nội từ từ chìm vào giấc ngủ bình yên. Tôi nắm tay bà cho đến khi bà trút hơi thở cuối cùng.

Truyện ngắn của Madeleine Fortier (Pháp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cháy xưởng in rộng 300m2 tại Hà Nội

Cháy xưởng in rộng 300m2 tại Hà Nội

GD&TĐ - Khoảng 16h30 ngày 19/9, xưởng in có diện tích khoảng 300m2 ở tổ dân phố Dao Quang, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội xảy ra cháy lớn.