Truyện ngắn Như đóa hướng dương

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cô Ngà dạy môn Tiếng Anh nhưng không như các cô giáo ngoại ngữ vốn ăn diện, mặc mốt, hết đầm lại áo dài thướt tha, cô rất giản dị.

Ảnh minh họa: hoatuoi360.vn
Ảnh minh họa: hoatuoi360.vn

Đang học đại học năm thứ hai ở Hà Nội, tôi nhận được tin quá bất ngờ, khiến người nổi da gà, cảm giác sợ hãi, bàng hoàng xâm chiếm, choán hết cả tâm trí: “Cô Ngà bị ung thư, đang điều trị ở viện K. Đi thăm cô nhé!”.

Hoàn lớp trưởng nhắn vào Zalo của tôi mấy dòng ngắn ngủi kèm biểu tượng nước mắt đầm đìa. Tôi bần thần không thể tin được điều đó lại là sự thật.

Cô Ngà – cô giáo chủ nhiệm của tôi mới hai năm trước luôn lạc quan, vẫn nở nụ cười hiền hậu mỗi khi bước vào lớp, lẽ nào... Cô còn trẻ lắm, cô mới ngoài bốn mươi tuổi. Không thể như thế được! Chẳng lẽ quỹ thời gian với cô còn lại ngắn ngủi vậy sao?

Tôi liền nhắn lại Zalo của Hoàn: “Tớ sẽ đi thăm cô nhưng làm sao cô có thể bị ung thư được nhỉ?”. Hoàn nhắn lại: “Bệnh tật bây giờ nó có chừa ai đâu...”.

Cô Ngà dạy môn Tiếng Anh nhưng không như các cô giáo ngoại ngữ vốn ăn diện, mặc mốt, hết đầm lại áo dài thướt tha, cô rất giản dị. Cô thường mặc áo sơ mi và sơ vin với quần âu gọn gàng, khỏe khoắn.

Lúc cô mới nhận công tác chủ nhiệm, bọn con trai lớp tôi hầu như không hào hứng vì chúng mong đợi một thầy dạy Toán, dạy Thể dục hay dạy môn gì cũng được, miễn là... thầy và phải biết đá bóng.

Bọn thằng Nam, thằng Thành thích đá bóng nên sau mỗi buổi học phụ đạo căng thẳng, chúng lại kéo nhau ra sân vận động của trường chơi một trận cho đã đời rồi mới cắp cặp, phóng xe về.

Nhưng cô Ngà không biết đá bóng, cô cũng không mê bóng đá. Đó là nỗi thất vọng lớn của bọn con trai lớp tôi, thành ra chúng cũng không mặn mà với môn Tiếng Anh của cô. Bọn nó vốn không thích học ngoại ngữ, lại học kém môn này, nghe cô giảng bài không khác gì vịt nghe sấm nên hay rì rầm nói chuyện riêng. Đang đến thời kỳ vỡ tiếng, bọn nó nói chuyện còn to hơn cả tiếng cô giảng.

- Đề nghị cả lớp trật tự! - Lúc đầu cô dừng lại nhắc nhở nhưng vẫn không dẹp được tiếng ồn ào bởi hễ cô quay lên viết bảng là những tiếng xì xầm to nhỏ ở dưới lớp lại nổi lên.

- Các em có muốn đi du học không? Có muốn kiếm nhiều tiền để mua nhà, mua xe, đi du lịch vòng quanh thế giới không? – Cô Ngà đứng trên bục giảng nhìn thẳng xuống dưới lớp, nhìn chăm chăm không chớp mắt, nhìn như thôi miên vào những đứa hay nói chuyện và cô hỏi xoáy liên hồi như thế. Đôi mắt tròn to, đen láy của cô có hiệu quả ngay lập tức. Thế là cả lớp nhao nhao:

- Có ạ! Có a! Cô chỉ cách cho chúng em với!

- Làm thế nào để được đi du học hả cô? – Tú đứng bật dậy hỏi cô.

- Ồ! Dễ thôi! Các em học giỏi ngoại ngữ thì đi du học được thôi. Các em sẽ trở thành những công dân toàn cầu.

- Em thưa cô! Em muốn hỏi công dân toàn cầu là thế nào ạ? – Tân sốt sắng.

- Công dân toàn cầu là những người có thể sinh sống và làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới mà không bị rào cản về ngôn ngữ. Thế hệ các em nhất định phải phấn đấu trở thành những công dân toàn cầu.

- Vâng ạ! – Những tiếng “vâng ạ” vang lên khô khốc, còn lại là những gương mặt tiu nghỉu vì đa số chưa biết học tiếng Anh phải bắt đầu từ đâu.

Bản thân tôi cũng hoang mang vì tôi vốn chỉ yêu môn Văn. Làm thế nào để sau một năm nữa, cả lớp biết sử dụng tiếng Anh như một công cụ giao tiếp? Mục tiêu của cô có cao quá không? Cô sẽ làm như thế nào đây? Tôi và nhiều bạn trong lớp hồi hộp chờ đợi những phương pháp đổi mới của cô.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Giờ sinh hoạt cuối tuần, không ít lần cô Ngà rơm rớm nước mắt vì sự lì lợm của mấy đứa con trai hay mắc lỗi, bị ghi vào sổ đầu bài.

Nhắc nhở trước lớp, thậm chí cô phạt đi lao động nhiều lần mà nhóm thằng Quân, thằng Việt, thằng Tùng vẫn tái phạm. Cô thay đổi “chiến thuật” với mấy thằng “cá biệt’ đó.

Thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp cô gọi riêng những học trò ngỗ nghịch, ương bướng và lười học đó ra để nhỏ to khuyên nhủ. Lớp có cậu Thịnh hay để tóc dài như nghệ sĩ, đến nỗi bố mẹ cậu ta cũng không thể bắt cậu cắt tóc được, vậy mà không biết cô Ngà nói gì, Thịnh đã tự động cắt tóc gọn gàng.

Mỗi giờ học tiếng Anh của lớp tôi bắt đầu bằng trò chơi đố vui để nhớ từ mới, cấu trúc câu mới. Phần thưởng cô trao là những đồ dùng học tập: Bút bi, bút chì, cục tẩy, thước kẻ, giấy nhớ... và những điểm 9, điểm 10 thật hấp dẫn.

Cô cuốn chúng tôi vào giờ học tiếng Anh một cách mê say. Thời gian tiết học trôi đi nhanh đến không ngờ. Cô còn giới thiệu nhiều trang học online miễn phí hoặc nghe ca nhạc, xem phim không có phụ đề. Dần dần phản xạ với ngôn ngữ của cả lớp tăng lên rõ rệt. Chúng tôi bắt đầu biết viết những bài luận ngắn, tự tin hơn khi làm bài nghe.

Từ một lớp có điểm trung bình khảo sát môn Tiếng Anh thấp nhất khối, lớp tôi “ngoi” lên thứ hai sau một năm được cô Ngà chủ nhiệm và giảng dạy. Lớp tôi còn thành lập câu lạc bộ nói tiếng nước ngoài, thỉnh thoảng lại diễn kịch, thuyết trình, hùng biện và hát những bài hát tiếng Anh trước lớp vào giờ sinh hoạt hoặc trước cả trường khi sinh hoạt tập thể, chào cờ đầu tuần.

Mô hình câu lạc bộ do cô Ngà khởi xướng được nhân rộng ở nhiều lớp. Chúng tôi còn lập một nhóm kín trên mạng xã hội để chia sẻ với nhau những kinh nghiệm học ngoại ngữ sao cho hiệu quả nhất.

Cả lớp vô tư đón nhận sự quan tâm và lòng nhiệt tình chỉ bảo của cô Ngà mà không ai để tâm đến cuộc sống gia đình cô hay những nỗi phiền muộn mà cô đang chất chứa trong lòng.

- Này! Bọn mày biết chuyện gì không? – Lan thì thào ra vẻ bí mật.

- Chuyện gì? Chuyện gì nói nhanh xem nào? – Bọn con gái mắt tròn mắt dẹt, giục Lan.

- Chồng cô Ngà làm nghề... xe ôm. Bất ngờ quá nhỉ? Tớ cứ nghĩ chồng cô phải là bác sĩ, kĩ sư hay bộ đội cơ. Ai ngờ... - Lan làm bộ thất vọng.

- Sao cậu biết? – Mấy đứa con gái nhao nhao, tò mò.

- Cô ruột tớ ở cùng xóm với nhà cô Ngà nên cô kể vậy. Chồng cô Ngà còn sửa xe, rửa xe, có khách thì chở thuê. Ôi! Vất vả lắm!

Tôi nhanh nhảu:

- Xe ôm thì có sao? Đó cũng là một nghề chân chính mà. Bây giờ có nghề nào là không vất vả đâu? Thôi, các cậu đừng bán tán nữa kẻo đến tai cô thì không hay đâu.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

- Ừ thì chân chính! Nhưng công việc không ổn định, thất thường lắm. Cô Ngà không ăn diện như các cô giáo khác là phải. Chắc nhà cô cũng còn khó khăn, nhỉ? – Lan tỏ vẻ mặt tiu nghỉu, buồn thiu – Thế mà cô vẫn miễn tiền học phụ đạo cho mấy bạn có hoàn cảnh khó khăn của lớp mình đấy. Cô tốt quá!

Từ đó, chúng tôi nhìn cô Ngà với ánh mắt cảm thông và lòng biết ơn thầm lặng. Suốt ba năm cấp ba, cô đã đồng hành cùng chúng tôi, vực chúng tôi tiến bộ nhiều nhất ở môn Tiếng Anh. Cô đã truyền lửa để nhiều bạn trong lớp vươn lên top đầu giỏi ngoại ngữ của khối 12. Không ít bạn đã lựa chọn con đường du học vì vốn tiếng Anh đã hòm hòm.

Chuẩn bị thi tốt nghiệp, cô Ngà tập hợp những đứa học kém nhất môn Tiếng Anh ở lớp tôi để cô phụ đạo riêng, miễn phí. Phần vì sợ trượt tốt nghiệp, phần vì cô quá nhiệt tình nên đứa nào đứa nấy nghe cô răm rắp.

Sau đợt phụ đạo của cô, bọn nó tiến bộ hẳn, tình cảm dành cho cô cũng khác trước. Chúng nó chuyển sang gọi cô một cách thân mật là “U Ngà”. Giờ sinh hoạt, gương mặt cô không còn căng thẳng mà đã giãn ra để xua tan những nếp nhăn mệt mỏi.

Trước khi chúng tôi nộp hồ sơ đăng ký thi đại học, cô tư vấn cho từng trò một. Cô chỉ ra ưu điểm, nhược điểm của mỗi người và khuyên chúng tôi chọn trường, chọn khoa phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân.

Hồi ấy tôi vừa thích Sư phạm vừa thích Báo chí nên băn khoăn chưa biết chọn trường nào, bèn nhờ cô tư vấn. Cô khuyên: “Em nên thi Sư phạm vì sau này nếu làm cô giáo em vẫn có thể viết báo, viết văn nhưng đã làm nhà báo thì không thể làm cô giáo dạy Văn”. Tôi nghe theo lời khuyên của cô và ngẫm đến bây giờ càng thấy thấm thía.

Trước khi đi nhập học Đại học, chúng tôi rủ nhau đến thăm cô Ngà, cũng là để chào cô, cảm ơn cô đã tận tụy với chúng tôi suốt ba năm qua, để chúng tôi bắt đầu một hành trình mới. Lúc này, tôi mới biết hoàn cảnh gia đình cô Ngà còn nhiều khó khăn. Cả nhà chỉ biết trông cậy vào đồng lương giáo viên ít ỏi của cô.

Biết tin 1/3 lớp tôi đỗ Sư phạm, cô Ngà mừng lắm. Cô bảo: “Giáo viên là người kỹ sư tâm hồn. Phải làm sao để mỗi giờ học trôi qua trong niềm hứng thú của các em học sinh và để các em cảm nhận được những điều bổ ích”. Cô còn dặn dò thêm: “Làm nhà giáo thì khó giàu nhưng đừng vì thế mà để tâm hồn mình nghèo nàn, các em nhé!”.

Tôi mang theo những lời khuyên của cô Ngà trong hành trang lên thành phố học Đại học Sư phạm để chuẩn bị bước vào nghề dạy học, nối gót chân cô. Mới đó mà đã hai năm xa cô, hai năm vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên lớp tôi không có cơ hội tụ tập để đến thăm cô.

Bất ngờ nghe tin cô mắc bạo bệnh, lòng tôi xót xa. Thương cô quá! Bây giờ, ngồi trước mặt cô, nắm bàn tay gầy gầy xương xương của cô mà nước mắt tôi chực trào ra:

- Bận học thế... đến thăm cô làm gì?... Cô không sao đâu... Cô vẫn khỏe mà... - Giọng cô ngắt quãng vì hụt hơi.

- Cô ăn khỏe vào cô nhé! Cô đừng nghĩ ngợi gì cả. Bây giờ y học tiến bộ lắm! Chúng em sẽ luôn ở bên cô – Hoàn rất khéo động viên cô, còn tôi chỉ biết nắm tay cô, tôi sợ nói gì cũng làm mình không kiềm chế được cảm xúc.

- Ừ! Cô biết mà! Đừng lo cho cô...

Khi biết mình bị ung thư vú ở giai đoạn hai, cô Ngà vẫn lạc quan, vui vẻ. Cô quyết tâm nỗ lực chiến đấu với bạo bệnh. Những đợt xạ trị làm người cô gầy rộc đi, sút hàng chục kí, làm mái tóc dài, đen óng của cô rụng hết nhưng cô đội tóc giả để đến trường.

Mọi người khuyên cô nghỉ dạy để điều trị, nghỉ ngơi dưỡng sức nhưng cô không nghe. Cô bảo: “Lên lớp mới vui, ở nhà buồn lắm, nhớ học trò lắm”. Cô tự lượng sức mình nên vẫn đều đặn lên lớp, vẫn tìm niềm vui trong công việc giảng dạy và lo cho hai con ăn học. Cô không muốn tinh thần của các con bị ảnh hưởng nếu cô cứ nằm một chỗ thở than hay tỏ ra mệt mỏi.

Sau lần tôi và Hoàn đại diện lớp đến đến thăm cô ở bệnh viện thì mấy tháng sau, chúng tôi lại rủ một nhóm bạn đến nhà cô chơi.

- Cô về nhà điều trị cho thoải mái vì ở viện quá tải, ngột ngạt lắm! – Giọng cô liền mạch, không còn hụt hơi như đợt trước.

Cô nói chuyện rôm rả. Nhà có hoa quả gì cô đem đãi chúng tôi hết. Cô tháo chiếc khăn đội đầu ra khoe chúng tôi rằng tóc cô đang mọc lại. Cô hồ hởi kể về những dự định sắp tới.

Cô còn bảo: “Nhất định Hè sang năm cô sẽ đi xuyên Việt một chuyến cho biết đó biết đây”. Chúng tôi mừng lắm vì thấy sức khỏe của cô đã tiến triển tốt hơn, gương mặt cô đã có thần sắc tươi tắn.

Cuối tuần, vừa về quê thì tôi nhận tin nhắn của Hoàn:

- Tinh…tinh… - Tôi vội mở ra xem

- Video cô Ngà truyền cảm hứng cho những bệnh nhân không may mắc ung thư vú đấy. Cậu xem đi. Ngưỡng mộ cô giáo chủ nhiệm của mình quá. Cô thật là nghị lực. 20 tháng 11 này mình lại đến thăm cô nhé!

Tôi thả liên hồi gần chục cái “tim” vào tin nhắn của Hoàn. Trong lúc ngồi xem video “truyền cảm hứng” của cô Ngà, tôi thực sự khâm phục cô. Cô đã vượt lên và chiến đấu với căn bệnh quái ác bằng sức mạnh của niềm lạc quan và nghị lực sống.

Cô tham gia câu lạc bộ Phụ nữ Kiên cường để lan tỏa đi yêu thương cùng tinh thần sống tích cực, chiến thắng bệnh tật tới cộng đồng. Cô đã thắp lên ngọn lửa niềm tin cho bao lớp học trò và giờ đây cô lại truyền niềm tin cho những người phụ nữ cùng cảnh ngộ để họ vượt lên số phận. Với cô, ung thư không phải là dấu chấm hết… Đó chỉ là một bước ngoặt, một ranh giới mà cô đã vượt qua.

“…Và tôi sống như đóa hoa này, tỏa ngát hương thơm cho đời. Sống với nỗi khát khao rằng được hiến dâng cho cuộc đời. Hôm nay dẫu có gian nan thì ngày mai là ngày tươi sáng hơn. Tôi sẽ viết nên câu chuyện của cuộc đời riêng tôi…” – Giọng hát trong trẻo của cô Ngà ngân vang, khép lại video truyền cảm hứng khiến tôi lặng đi. Tôi nghĩ đến đóa hoa hướng dương luôn vươn về phía Mặt trời…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ