Truyện ngắn: Lớp học trên miền đá xám

GD&TĐ - Nắng muốn thiêu những đỉnh núi đá xám ngắt ở Páo Lò thành khói trắng.

Truyện ngắn: Lớp học trên miền đá xám

Nắng muốn thiêu những đỉnh núi đá xám ngắt ở Páo Lò thành khói trắng. Thàn hết ngước nhìn thấy con dốc dài lê thê vắt ngang lưng chừng miệng vực há đen ngòm lại ngó xuống lớp bụi bay bạc cả đôi giày cũ thấy mồ hôi đã rơi xuống đất cháy xèo xèo, vị mặn ngấm vào môi khô làm anh thèm ngụm nước mát lạnh.

Cố gắng vượt thêm quăng dao nữa thì nghỉ chân, can nước trên lưng dường như càng lúc càng nặng hơn, kéo chiếc ba lô đựng sách vở ở trước ngực xuống sát các mỏm đá tai mèo lởm chởm. Tiếng cười lích rích đâu đó rõ dần.

- Giá mà vần đá đắp ngang chỗ này, chúng mày nhỉ? Nước mưa dâng lên thành cái hồ sâu trong thung lũng này thì tao không phải còng lưng đi gùi nước nữa. Hôm qua, đi nương về tối quá, đèn lại hết pin, đốt đuốc đi theo sau mẹ mà tao ngã xước hết hai đầu gối, nay nó mới ê ẩm làm sao.

- Chưa thảm bằng tao đâu, con Mí trộm lấy nước đem đi tắm, lúc bố tao múc nước để nấu cơm thì chẳng còn một giọt, ông tưởng tao ham chơi không đi gùi nước thế là ăn nguyên mấy lằn roi vào mông. Ôi, có cái hồ nước xanh như mảng trời kia thì tao ngày nào cũng ra đó tắm cho thỏa thích.

Lũ trẻ ở bản như đàn chim khi tìm được câu chuyện khiến chúng quên đi cung đường xa ngái hơn hai tiếng đồng hồ mới tới được mỏ nước kia. Gặp nước nguồn, từng đứa sẽ lấy lá rừng làm gáo, tu ừng ực cho đã để mặt bớt đỏ văng, để mồ hôi túa thêm ra lưng áo mát lạnh khi gió thổi về, còn bụng được no căng nước sau đó sẽ thay nhau lấy đầy can. Một can nước để nấu bữa cơm phải mất bốn tiếng đồng hồ đi bộ vượt dốc cao qua miệng vực sâu.

- Chúng em chào thầy ạ.

- Nghỉ giải lao đã các em, ăn kẹo, uống nước sau đó hãy đi tiếp.

Năm đứa trẻ ai nấy mắt sáng long lanh. Nắng làm tóc chúng ngả vàng, làn da đanh lại háo hức chờ thầy chia niềm vui mới. Thàn đã quen với việc cùng học trò đi gùi nước nhưng lần nào trông dáng những đứa nhỏ anh lại thấy mũi mình cay cay.

Giá mà dòng sông mây ở Páo Lò lơ lửng lưng trời đón bình minh lên có thể biến thành dòng nước hoặc thung lũng này có một hồ ngập cá đầy thì hay biết mấy. Giấc mơ của người lớn được nảy mầm và tưới mát bằng nụ cười của trẻ thơ. Người lớn còn bận đi làm nương cách mấy ngọn núi cao.

***

- Hôm nay, chúng mình sẽ học bài cách phòng chống đuối nước mùa mưa lũ. Các em biết không? Hàng năm, ở tỉnh mình thường xảy ra những vụ chết đuối rất thương tâm, phần lớn là các em học sinh rủ nhau đi tắm suối, tắm sông, không biết bơi, không có người lớn đi kèm, nhất là khi thấy bạn vùng vẫy ở chỗ nước xoáy nước sâu lại vội vàng chìa tay ra cứu mà chưa được học cách bảo vệ cho mình và cho các bạn gặp nạn…

Thàn giảng say sưa cho các học trò, giải đáp từng câu hỏi và giao bài thảo luận tình huống. Anh nhớ lại ngày mới đến Páo Lò công tác, đó là một ngày mưa tầm tã, con suối Cốc Pảng ồng ộc nước đỏ ngầu từ thượng nguồn dồn về cuốn phăng đi hết mọi thứ ngáng dòng.

Trông con đường bị chia cắt không thảm thiết bằng tiếng khóc gọi con của mẹ em Chá Vừ. Nỗi buồn không tự nhiên từ trên trời rơi xuống. Mẹ rủ Chá Vừ theo mấy nhà trong bản đi vớt củi. Số củi vớt được đủ dùng trong cả tháng nếu nhà nào chịu khó.

Mẹ buộc cái móc thật chặt bằng dây cao su vào đầu cây sào trúc, đưa cho mỗi đứa con một cây để móc củi và dặn chỉ móc cây củi nhỏ trong tầm với của mình, một tay bám chắc vào cành vối ven suối. Đống củi đen đẫm nước dần dần chất cao. Chá Vừ thấy một thanh củi nổi gần chỗ mình thì móc, nào ngờ gặp khúc khá cồng kềnh, nước từ đâu xoáy về kèm rác rưởi tạo thành hút lớn.

Thằng bé bị hẫng, tuột tay, lộn nhào xuống suối rồi mất tích. Cả bản đuốc sáng, nước mắt nhòa cùng mưa. Đêm ấy, trời mưa càng dữ, Thàn và cô giáo Hoa, Liễu, Hạnh… phải ở lại điểm trường Páo Lò. Giấc ngủ của anh cứ chập chờn trong tiếng mưa dữ dội xé trời của miền núi. Vừa ngủ, vừa lo nước sẽ dâng qua bờ rào đá cuốn phăng mình đi theo Chá Vừ.

Nhưng rồi, buổi sáng diễn ra thật yên bình ở cái bản nhỏ bé này. Những người học trò đến lớp rất sớm, họ nghĩ thầy cô giáo đã xuống núi nên đến lớp vãi ngô chăm cho những đàn gà, tăng gia của các thầy cô giáo. Sương núi đặc quánh vẫn giăng kín lối đi... Thàn đến tận nhà vận động hai em của Chá Vừ đi học, thỉnh thoảng mua gạo, sữa, thịt san bớt cho bữa ăn được cải thiện đôi lần.

Ai cũng nhắc đến Chá Vừ, cậu bé học giỏi nhất bản, ngoan hiền và chăm chỉ. Mẹ của Chá Vừ đêm nào cũng lặng lẽ ngồi trên mỏm đá trông xuống con đường bị màn đen che khuất với hi vọng con trai sẽ trở về.

Nhận bài tập của Mí Lành em gái Chá Vừ, Thàn mắt đỏ hoe: “Đừng ra suối vớt củi”. Thàn thường giảng bài về phòng chống đuối nước kỹ hơn những bài khác để các học trò đi chợ phiên không rẽ lối ra suối sâu, đi xuống trung tâm xã nhận gạo của Nhà nước thì tránh đi ngày lũ quét.

Ngồi chấm bài, thầy Khánh nói với Thàn:

- Mình tự hỏi tại sao bắp ngô trồng được ở Páo Lò lại dẻo và ngon hơn ở nơi khác, cậu biết không? Nắng ròng rã ba tháng trời đến nỗi chỉ còn đá và đá thế mà đùng một cái, mưa ròng có một ngày đã cuốn phăng cây cầu tạm bắc qua suối, nước còn đào một cái hố sâu hoắm khoét vào mép vực chờ ngày số đất khổng lồ sạt xuống lấp con đường độc đạo ở chỗ khúc cua gắt nhất nữa cơ. Tình hình mà mưa đến cuối tuần thì chúng ta ăn ngô cả tháng đấy, đồng nghiệp mến thương ạ.

Thàn ngẩng đầu nhìn ra ngoài hiên, nghe tiếng mưa chảy xồ xồ xuống chum nước hứng ở đầu máng:

- Em vẫn tiếc không mua được nhiều túi bóng để phát cho bà con. Chỉ cần đào cái hố lòng chảo, nện đất chặt, trải túi bóng xuống đó, lấy đá xếp xung quanh sẽ được số nước mình tích được và đem đổ vào thùng, vào téc có thể dùng nấu ăn nhiều ngày. Bọn trẻ tha hồ tắm mưa, anh nhỉ?

- Rét thế, chúng cuộn chăn ngủ với mèo con rồi. Ừ, nhưng đúng là có cơn mưa vàng này, Páo Lò đã cơn khát. Anh cũng đi tắm đây. Hôm rồi, người ngợm khó chịu, phải lẩn xuống suối, chỉ sợ bọn trẻ nhìn thấy thầy giáo ngụp chỗ nước sâu, chúng sẽ học theo. Sang năm, thằng cò nhà anh lớn, chị học xong lớp cao học, anh xin ở lại dạy bọn trẻ học bơi.

Thàn cười vui:

- Nghĩ cũng đủ cho mình nhớ đến già, hôm qua còn còng lưng đi cõng nước ngược ngàn, nóng như giữa lòng chảo rang thì hôm nay lũ quét chia cắt đường về, ngồi trùm chăn run lập cập. Đã vậy, anh còn tính mở lớp học bơi cho trẻ em ở lưng chừng núi.

- Ừ, biết nhiều kỹ năng, tụi trẻ đỡ thiệt thòi. Người già ở đây chưa chắc đã biết bơi để dạy cho con cháu.

Thàn nhìn theo bóng lưng anh Khánh khuất trong màn mưa. Đàn ông nhưng khéo tay. Cắt tóc, may vá quần áo, sửa mái nhà, làm thợ mộc, trồng hoa, trồng rau… chơi cùng trẻ em, anh làm được hết.

Đã thế, anh nói tiếng Mông, tiếng Dao ở Páo Lò thành thạo, nếu không nhìn cách ăn vận, ai cũng nghĩ anh là người ở bản. Chính Thàn khi đến nhà học sinh, để nói cho phụ huynh hiểu cũng nhờ có anh Khánh giải thích thêm bằng những câu nói gần gũi, thân tình.

Đêm đến, mưa còn nặng hạt. Thàn hài lòng khi đi thăm những chiếc lụ đã phình bụng chứa đầy nước. Cả những bể nước mưa trải nilon anh tự đào, ở mỗi hố cũng tràn trề, trong veo. Gánh đầy nước đổ vào đầy hai téc ở điểm trường, một téc ở khu nhà của giáo viên, người anh mỏi nhừ.

Bữa cơm đạm bạc với cá khô, rau cải đắng, hai anh em cắm bản cảm thấy ngon lành. Dọn dẹp xong chỗ ngủ cho hai con chó nhỏ vừa bắt về được một tuần ở góc bếp, Thàn quay lên nhà, ngả lưng xuống giường, anh Khánh đưa cho chiếc chăn đơn, gợi chuyện dưới ánh đèn dầu leo lét:

- Chị em còn nhiều bất tiện trong sinh hoạt ở điểm trường chứ anh em mình bõ bèn gì. Ngã lại dậy, những vết sẹo là một kỷ niệm dữ dội trong nghề cao quý này ở vùng biên giới, nơi dưới chân chúng ta là mây và với tay có thể chạm tới trời. À, sắp tới sẽ có lớp xóa mù, chú tham gia nhé.

Dù sao so với mặt bằng, anh em mình biết tiếng dân tộc, dạy đêm cũng tiện nữa, để chị em về nghỉ ngày cuối tuần với gia đình. Anh chưa xin phép chú nhưng đã báo cáo Ban Giám hiệu và nhận lời Đồn Biên phòng.

- Lớp có đông không anh?

- Tầm mười lăm người đấy. À, có mẹ của Mí Lành. Anh nói mãi với cô ấy là đi học buổi tối thôi, tầm hai tiếng thì chỉ cần nấu bữa tối sớm cho đàn con là khỏe. Ông chồng thì say suốt. Nghĩ cũng tội, có mỗi thằng Chá Vừ là con trai.

- Em thấy Mí Lành nói cô ấy đang có bầu.

- Vậy thì đành để lớp học sau thôi. À, sao không bảo bố của Mí Lành đi học nhỉ, anh quên mất. Ông ấy đã từng than nếu biết chữ sẽ đi sang Điện Biên thăm anh trai mà. Mình lấy chuyện đó để động viên, biết đâu lại làm nên kì tích.

Mùa Đông đã phủ kín núi rừng với cái lạnh cắt da, cắt thịt, sương mù dày đặc. Nhất là khi Mặt trời xuống núi, cái lạnh phủ xuống bản làng khiến cho người vùng cao không ai muốn rời khỏi bếp lửa và cũng không muốn ra khỏi nhà, tiếng cú kêu “cù vắc” gọi nhau đi kiếm mồi vọng xuống thung sâu, nhưng ánh đuốc đã le lói lưng chừng núi. Thàn có mặt trong phòng học cùng anh Kỳ - cán bộ Đồn Biên phòng.

Buổi chiều vừa dạy hai lớp ghép, anh Khánh kỳ công xuống tận Ủy ban xã nhờ máy in màu làm bộ thẻ chữ cái kèm hình ảnh các con vật, đồ dùng quen thuộc để bài giảng thêm hấp dẫn.

Học viên lớp này từ ba mươi đến sáu mươi lăm tuổi, có chị ôm theo con nhỏ, quấy một lúc thì bé lăn ra ngủ say. Ông Sà - bố của Mí Lành theo con gái đến lớp. Bàn tay chai sạn vốn quen cầm cuốc, cầm dao của ông buổi nay run run cầm bút viết từng nét chữ giống như con gái vừa vào lớp Một.

Khuôn mặt khắc khổ của ông có chút ngượng nghịu, vướng víu, nhưng nhìn vào ánh mắt thì hân hoan, vui sướng. Từ “Sà” viết dễ, đọc cũng nhanh thuộc. Anh Kỳ hỏi đi học có vui không, ông Sà cười híp mắt, khoe:

- Mình vui lắm à. Mỗi lần đến xã để xin giấy tờ, vì không biết chữ mình phải đưa con Mí Lành đi cùng để nó viết chữ giúp, không thì lại phải nhờ cán bộ xã viết giúp, chẳng nói hết được cái bụng này đâu. Khi nghe cán bộ đến nhà nói có lớp xóa mù chữ, mình đi học ngay. Về nhà sẽ cho vợ mình đi nữa.

Thầy Khánh giải thích thêm:

- Không biết chữ, biết số thì đi bán con gà, mớ rau cải cũng khó được nhiều tiền. Biết chữ còn đọc nhiều sách của chúng cháu đem lên bản nữa. Chú Sà còn tự bắt xe sang Điện Biên thăm anh trai không phải hỏi đường, cố lên, chú nhé!

Cũng có chị mặt đỏ gay vì nắn nót mãi không được chữ “a” nằm gọn trên dòng kẻ, bác bên cạnh ôm đầu vì không phân biệt được chữ “o” và chữ “c”. Thàn lại tỉ mỉ hướng dẫn và giảng giải từng đường nét trên bảng đen.

Giữa bốn bề núi rừng vang lên tiếng ê, a tập đánh vần, tiếng viết bảng loẹt xoẹt của những cô, chú học trò đặc biệt, xua đi không gian tĩnh lặng trong đêm khuya của bản ở sườn núi cao. Sương núi ùa vào cửa lớp, quanh quẩn bên ánh đèn pin tích điện.

Mí Lành ngồi bên phòng bên làm bài tập toán cô giáo giao cho về nhà, đợi bố tan học. Sắp tới, điểm trường sẽ tổ chức nấu ăn bán trú để học sinh có thêm chất dinh dưỡng và học buổi chiều được tiện lợi hơn. Cô bé gầy gò ấy sẽ được chăm chút thêm để bền sức chơi cùng chúng bạn. Nhà đông con, mẹ sắp bận em nhỏ, mất mùa ngô, cuộc sống còn nhiều bộn bề.

***

Theo học mấy tháng trời, ông Sà đã biết được con chữ, con số, đã nói tiếng Kinh sõi hơn một chút: “Bây giờ tao đã biết đọc chút chút rồi, biết viết từ từ rồi”. Mí Lành đứng bên cạnh lắc đầu: “Trời ơi, bố còn đọc chậm lắm, không nghe được đâu”. Ông Sà cười sảng khoái, xoa đầu con gái nói về Điện Biên như một miền đất hứa.

Tiếng trống trường vẫn vang lên đều đặn mỗi ngày. Đêm đến, tuần ba buổi, lớp học đặc biệt có thêm nhiều bài giảng hay. Bây giờ, Thàn mong có con đường mở đến bản để anh và bà con không phải đi bộ mất hai tiếng đồng hồ từ trung tâm xã, từ chợ về nhà hay ngược lại.

Bên Đức Xuân xa xôi, đường bê tông đã trải rộng cho xe máy đi lại được, đôi vai gầy bớt ngả về phía trước theo dáng người khắc khổ sớm hôm. Xe chở nước lên được Lục Khu thì sẽ có ngày dừng ở bản sương mù này để trẻ em nô đùa trong nắng mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ