Truyện ngắn: Đêm trăng rằm

GD&TĐ - Người yêu đưa Mai tới đầu ngõ. Chàng trai chọn nơi tối nhất dừng xe, nhẹ nhàng cởi mũ bảo hiểm cho Mai.

Truyện ngắn: Đêm trăng rằm

Đang nấn ná, định thêm nụ hôn vào môi nàng thì bất ngờ, từ trong bụi cây gần đó, những tia nước mạnh bắn ra liên hồi làm áo cả hai lớp nhớp ướt. Một vài bóng đen từ trong bụi cây vút chạy ra, vừa chạy, chúng vừa cười vang khoái trá.

Đích thị là thằng Tính con anh Xình rồi. Ở cái xóm này, nó là đứa cầm đầu lũ trẻ nghịch ngợm. Mấy năm gần đây, cứ đến gần Tết Trung thu là y rằng xảy ra những hệ lụy từ vấn nạn đồ chơi súng bắn nước. Tối tối, nhóm của Tính tụ tập bốn năm đứa, nấp chỗ khuất rình bắn người đi đường.

Đối tượng ưa chọc ghẹo của lũ tiểu yêu này là phụ nữ trẻ, nhất là thiếu nữ. Có lần, nữ sinh mặc áo đồng phục trắng đi học qua, bị nhóm Tính bắn súng nước có pha thuốc đỏ vào khiến cô bé vừa ngượng, vừa sợ đến xanh tái mặt mày, phải bỏ học về nhà thay quần áo.

Tới nhà, Mai trút nỗi bực bội lên cha:

- Bố nhìn áo con đây này, thằng Tính đấy. Bố không có cách nào trị nó hay sao?

Ông Bắc nhìn Mai ái ngại. Con ông giống như cư dân ở đây, bức xúc gì là đổ hết lên đầu ông.

Họ cứ tưởng, cái chức tổ trưởng dân phố là to lắm, là có thể can thiệp, xử lý tất thảy mọi chuyện. Thế nên, nhà bên cạnh hát karaoke bật loa lớn, họ gọi ngay ông Bắc. Rác nhà ai vứt bừa bãi, vẫn ông Bắc mà gọi. Đến vợ chồng hục hặc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”cũng mời ông Bắc đến giải quyết.

Ai chứ cái thằng Tính con anh Xình thì ông biết rõ hoàn cảnh. Mẹ nó bán rau đầu chợ, bố nó làm thợ xây. Thằng Tính là con út trong một gia đình có năm anh chị em nên được thả rông từ bé. Cái nhà anh Xình này dăm ngày ba trận cãi nhau.

Anh Xình hiền nhưng cục tính. Anh hay uống rượu, mà hễ uống là say. Khi say anh không lè nhè rượu vào lời ra mà chỉ lăn quay ra ngủ. Ngủ quên sáng quên tối. Ngủ bỏ ăn, bỏ uống. Mặc thây! Nhưng ngủ đến bỏ làm, không mang tiền về cho chị Xình thì chị không để yên.

Vậy nên, mỗi lần thấy anh Xình chếnh choáng hơi men là chị tức. Tức thì phải xả, phải đay nghiến cho bõ tức, cho chừa cái tật uống rượu đi.

Anh Xình không được ngủ là nổi khùng. Anh không đánh vợ mà trút giận lên cái ghế, bộ ấm chén, cái quạt bàn hay chiếc nồi cơm điện... Nói chung là anh vớ được cái gì gần người là ném, là đập.

Mỗi lần như vậy, chị Xình gào to mồm tru tréo, bù lu, bù loa, rồi kéo xềnh xệch ông Bắc sang giải quyết. Ấy vậy mà anh Xình biết sợ cái uy của ông tổ trưởng. Hễ ông sang là anh Xình “tịt ngòi”, ngồi ngoan như cún con nghe ông giảng giải điều hay lẽ phải. Xong xuôi chuyện đâu lại vào đó!

Với thằng Tính, ông không nghĩ nó là đứa trẻ hoàn toàn hư hỏng. Hồi bé, ở quê, ông cũng nghịch ngang ngửa nó. Trẻ con tuổi ấy phải hiếu động. Ông không thích lũ trẻ con thời nay, bị nuôi nhốt như những chú gà công nghiệp. Suốt ngày bị cha mẹ nhồi nhét ăn uống, nhồi nhét kiến thức vào đầu.

Đứa nào đứa ấy béo ục ịch, mắt cận lòi ra. Buông sách vở xuống là ôm ngay chiếc điện thoại, thu mình trong bốn bức tường nhà, chẳng chịu vui chơi vận động gì. Nhưng hiếu động như thằng Tính kể cũng hơi quá, phải ghìm cương nó lại, nhưng ghìm thế nào thì ông chưa nghĩ ra.

“Cái thằng ấy phải để mấy anh công an tóm cổ, đưa lên đồn nhốt một buổi mới biết sợ! Anh chị Xình còn không dạy được thì bố định dạy nó kiểu gì?”. Mai biết tính bố, bao giờ cũng nhìn nhận sự việc bằng con mắt bao dung; nhưng với thằng oắt con ngỗ ngược này, bao dung chỉ làm nó thêm nhờn.

Mai vào thay bộ quần áo trở ra vẫn thấy ông Bắc ngồi thần người suy nghĩ. Chưa hết bực mình, cô ném thêm mấy câu “khích tướng” bố, chứ Mai biết, thằng Tính còn là trẻ con, chẳng anh công an nào bắt mà nhốt nó vào đồn được.

*

Tối rằm tháng Tám, trăng leo lên đầu ngọn nhãn. Bầu trời thăm thẳm lấp lánh những vì sao, gió Thu nhè nhẹ đung đưa những tán lá nhãn như reo vui đón mừng ông trăng đến. Dưới sân nhà văn hóa khu dân cư, khâu chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất.

Bà tổ phó dân phố liên tục chỉ đạo mấy anh chị đoàn viên thanh niên chỉnh trang lại những chiếc đèn ông sao, đèn lồng treo lủng lẳng gần khu vực sân khấu. Mấy bà trong tổ phụ nữ đi đi, lại lại ngắm nghía thành quả mâm cỗ lớn vừa bầy biện xong. Người nọ hỏi người kia, không ai biết ông Bắc đi đâu từ đầu hôm.

“Chắc lại đi vận động những gia đình có trẻ con đưa con em ra nhà văn hóa. Rõ khổ, năm nào cũng thế, nhắc chán, nhắc chê mà có ai hưởng ứng đâu. Mang tiếng là tổ chức cho các cháu vui chơi, mà rặt toàn các ông, các bà cán bộ cơ sở.

Tôi đã góp ý với ông Bắc rồi, trẻ con bây giờ nó hiện đại, nó thích xem mạng, ti vi, hoặc đi chơi cùng gia đình, chứ có thích ba cái trò trông trăng phá cỗ này đâu. Theo tôi, cứ phát cho mỗi gia đình trong tổ có con nhỏ một túi quà. Vừa công bằng, lại tránh mất công sức tổ chức...” - Bà tổ phó thở ngắn thở dài ngao ngán khi sắp tới giờ khai mạc “Lễ hội trăng rằm” mà chỉ lác đác một vài cháu tới nên bức xúc.

Có tiếng lách ca lách cách. Ông Bắc đây rồi! Bà tổ phó reo lên khi nhìn thấy nhân vật chính xuất hiện.

“Ông làm cái trò gì không biết!”. Mọi ánh mắt đổ dồn vào ông Bắc khi thấy ông hì hục kéo theo chiếc xe cải tiến, trên xe chở trống cái sơn đỏ to đùng và đầu sư tử lớn cũng sơn đỏ choe, đỏ choét.

Thì ra cách đây cả tháng, ông mua tre nứa, giấy màu về, rồi miệt mài chẻ vót, sơn vẽ, làm nên chiếc đầu sư tử này. Thấy nhà cửa lúc nào cũng bẩn thỉu, bừa bãi bởi phoi nứa và đống giấy màu bị cắt vụn, Mai chẳng biết than ai. Nhà chỉ hai bố con.

Từ ngày nghỉ hưu, bố tham gia công tác cơ sở, bà con quý bố ở sự nhiệt thành nên tín nhiệm bầu làm tổ trưởng dân phố nhiều năm. Mai biết sự cô quạnh trong tâm hồn bố kể từ ngày mẹ mất. Vậy nên Mai cứ để bố cuốn vào công việc “vác tù và hàng tổng”, đó là cách để bố khỏa lấp những khoảng trống vắng mà quên đi nỗi buồn...

“Kinh phí ở đâu mà ông mua những thứ này? Chắc lại bỏ tiền túi ra phải không? Ông bỏ tiền ra mà mua được niềm vui cho lũ trẻ thì còn đỡ, đằng này...” - Bà tổ phó nhìn thấy ông Bắc vất vả mà ái ngại.

“Cái đầu sư tử này tôi tự làm, còn cái trống, tôi nói với cô Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Sơn Ca, cô đồng ý cho mượn ngay, thì cũng để phục vụ con em trên địa bàn trường cả mà...” - Ông Bắc lấy vạt cổ tay áo thấm những giọt mồ hôi rịn trên trán đáp lại.

Thấy vậy, một bà trong tổ phụ nữ cầm quạt nan tới phe phẩy cho ông, rồi nói: “Bác tổ trưởng khéo tay quá. Đầu sư tử bác làm có khác gì đồ mua ở Hàng Mã đâu”.

“Thì ai cũng từ trẻ con mà thành người lớn. Hồi bé, lũ trẻ quê tôi háo hức mong chờ Tết Trung thu để được khoe những đồ chơi tự làm... Buồn là trẻ con bây giờ không còn hứng thú với Tết Trung thu nữa...”.

Nghe ông Bắc nói, không khí trong sân nhà văn hóa trầm lắng. Mọi người im lặng nhìn ra đường, dòng xe cộ bắt đầu đông kẹt, thi thoảng, tiếng động cơ xe máy rú lên từng hồi. Lại mấy cậu choai choai mượn cớ đi chơi rằm để lạng lách, đánh võng đây. Không biết, đêm nay, mấy anh cảnh sát có khổ vì nạn đua xe không nữa?...

Trăng lúc này đã lên cao, cả bầu trời lung linh bởi ánh trăng điểm xuyết những vì sao lấp lánh. Dưới mặt đất, ánh trăng không đủ lấn át những ngọn đèn cao áp rọi sáng trên các con đường dẫn vào khu dân cư. Lễ khai mạc “Lễ hội trăng rằm” diễn ra trong sự lưa thưa bóng trẻ.

Ông Bắc lủi thủi bước ra cổng nhà văn hóa ngóng xem còn ai đưa con trẻ đến nữa không. Ông thấy một bóng người nấp sau cánh cổng. Nhìn thấy ông ra, nó chạy vút đi. Ông Bắc gọi với theo: “Tính, quay lại đây ông cho quà...”.

Thằng Tính quay lại. Nó lấm lét không dám nhìn thẳng vào mặt ông Bắc. Nó rụt rè vòng tay ra sau lưng áo rút khẩu súng phun nước chìa ra, miệng lẩm nhẩm điều gì đó mà chỉ ông Bắc và nó mới nghe thấy.

Ông Bắc cầm lấy khẩu súng, xoa đầu Tính, rồi dắt nó vào sân nhà văn hóa. Từ đâu, mấy thằng trong nhóm của Tính bám chân theo. Thì ra, mấy ông nhóc này đã nhìn thấy ông Bắc mang đầu sư tử tới. Chúng rất thích. Chúng muốn được múa chiếc đầu sư tử này.

Hai thằng tranh nhau chiếc dùi trống, còn thằng Tính là thủ lĩnh, đương nhiên không đứa nào tranh được chiếc đầu sư tử của nó. Vừa lúc nó đội chiếc đầu sư tử lên thì đèn cao áp cả khu dân cư vụt tắt.

“Mất điện! Mất điện rồi”. Ai đó nói to. “Mất điện có khi lại hay!”, ông Bắc thầm nghĩ.

Đúng là hay thật. Mất điện, những con đường trong khu dân cư được soi sáng bằng ánh trăng trắng xóa. Một khung cảnh lạ mắt nhưng thật thơ mộng.

Thằng Tính quả là đứa thông minh, nhoắng một cái, nó đã phân công đâu ra đấy. Nó chạy tới lấy hai quả bóng xì bớt hơi nhét vào bụng hai thằng đeo mặt nạ Ông Địa và mặt nạ Trư Bát Giới rồi dặn dò cách thức phụ họa cùng với nó.

Chiếc trống to được đưa lên xe cải tiến, nó phân công một thằng kéo, một thằng ngồi trên xe đánh trống. Chẳng biết chúng học lỏm ai từ bao giờ mà nhịp múa, diễn trò, tiếng trống nẩy vang, lúc to, lúc nhỏ, lúc dồn dập ăn khớp nhau cứ như đã được tập luyện từ trước.

Cứ thế, đoàn múa sư tử đi vào từng ngõ ngách trong khu dân cư. Đi tới đâu, những cánh cửa mở toang tới đó, trẻ con được người lớn dắt ùa ra đường. Những chiếc đèn ông sao, đèn lồng, đèn cù cắm nến sáng trưng nhập vào đoàn múa. Có cả những dây hạt bưởi dài như bánh pháo ai đó mang ra. Hạt bưởi có tinh dầu cháy nổ tí tách, mùi thơm lan tỏa.

Lũ trẻ trong xóm nhìn thấy cảnh tượng này tròn xoe mắt, vừa lạ lẫm, vừa thích thú. Tiếng cười nói, hò hét vui vẻ. Đi được một vòng thì ánh đèn cao áp bật sáng.

“Có điện rồi!”. “Mặc kệ có điện!”. Những đứa trẻ quần áo, đầu tóc thấm mồ hôi nhễ nhại, có điện cũng chẳng chịu về. Đoàn người tiếp tục bám theo cái đầu sư tử liên tục ngọ nguậy, lúc thụp xuống, lúc chồm lên của thằng Tính...

Trăng tròn rồi sẽ khuyết, cuộc vui rồi cũng lúc tàn, nhưng niềm vui của con trẻ thì vẫn còn đọng lại. Niềm vui ấy lan tỏa sang người lớn, làm mọi người xích lại gần nhau hơn.

Hôm nay, ông Bắc là người vui nhất, ông đang dự tính, ngày Tết Trung thu năm tới, ông sẽ tổ chức thế nào cho cuốn hút. Phải rồi, việc này nhất định ông sẽ phải bàn với thằng Tính...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ