Truyện ngắn Liền chị làng Diềm

GD&TĐ - Tối nay, sân Đền đông kín. Năm nào cũng vậy, hội Đền luôn đông, người yêu quan họ tìm về tận nơi để dâng lên Đức Vua Bà nén hương tỏ lòng thành kính.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

“Về là có ai xuôi hự về, cho tôi nhắn (i í i) cho tôi nhủ à bên nay (a) nhời về...”. Tươi đeo tai nghe miệng nhẩm thành tiếng bài quan họ cổ “Ai xuôi về”, tiết mục diễn ở hội làng tối nay, một cách say sưa mà quên rằng đang đi trên xe buýt. Hơn chục vị khách mắt hướng về cô. Chợt Tươi nhận ra sự vô duyên của mình mà ngại ngùng nhìn xung quanh:

- Cháu xin lỗi đã làm phiền ạ.

Cụ bà ngồi cạnh Tươi nhẹ nhàng bảo:

- Cháu về làng Viêm xá phải không?

- Vâng! Tươi ngạc nhiên vì bà cụ gọi tên chữ của làng mình, cái tên chỉ những người làng mới hay nhắc đến.

- Chúng ta có chục người về Viêm xá. Cũng như cháu, chúng ta trở về hội làng.

- Bà và các bác đều là người làng Diềm mình ạ? Tươi hỏi như để khẳng định.

- Phải rồi, chúng ta đều là con của làng Diềm, đều trở về dâng lên Đức Vua Bà nén hương thơm tỏ lòng thành kính của những người con xa quê.

Cô nghệ sĩ trẻ có giọng ca quan họ ngọt ngào, đắm say Hồng Tươi đi xe buýt từ Hà Nội về làng Diềm, một điều hiếm thấy ở các nghệ sĩ ít nhiều được công chúng biết đến. Nhưng với Tươi, việc này diễn ra thường xuyên vào chiều thứ Bảy hàng tuần.

Mọi người nhận ra nghệ sĩ trẻ Hồng Tươi, người từng đạt giải cuộc thi “Hát dân ca Quan họ Bắc Ninh” phát trên đài truyền hình tỉnh, nên đề nghị cô tiếp tục hát. Tươi vui vẻ ngân nga hết bài “Ai xuôi về”. Không gian trên xe buýt lúc này trở thành buổi diễn xướng quan họ ngẫu nhiên đầy thú vị. Lúc đó, không biết ai đã dùng điện thoại quay lại và đưa lên mạng xã hội. Việc ấy giúp hình ảnh nghệ sĩ trẻ Hồng Tươi gần gũi hơn trong lòng công chúng nhất là với những người yêu quan họ.

- Tối nay con hát ở hội làng, mời bà và các bác ra hội nghe con hát nhé!

Trước khi xuống xe, Tươi nở nụ cười thân thiện và không quên hẹn mọi người ở buổi diễn tối nay.

Nhà Tươi, thanh bình bên hàng cau thẳng tắp, nhưng Tươi chưa về ngay được, Tươi phải đến nhà văn hóa khu, nơi ấy bà Thềm và các hội viên trong câu lạc bộ quan họ đang đợi cô.

Bà Thềm là nghệ nhân quan họ của làng Diềm. Bà nổi tiếng với giọng ca vang, rền, nền, nảy. Hàng chục năm nay, bà Thềm miệt mài với công việc truyền dạy lề lối hát quan họ cho thiếu nhi trong làng, không chỉ thuộc làn điệu mà còn hiểu biết tinh tường văn hóa ứng xử, cốt cách của người quan họ.

Phương pháp của bà là rèn luyện cho các bé học hát lời cổ nhuần nhuyễn rồi mới hát lời mới. Bởi vậy, những nghệ sĩ trưởng thành từ cái nôi của bà Thềm đều có lề lối chơi quan họ rất đặc trưng. Câu hát không chỉ tinh tường đúng kỹ thuật mà còn có sự đắm say, có cái tình của “bọn quan họ” cổ làng Viêm xá. Chính Tươi cũng trưởng thành từ câu lạc bộ này.

Nghệ sĩ Hồng Tươi. Ảnh: ITN

Nghệ sĩ Hồng Tươi. Ảnh: ITN

Tươi ào vào nhà văn hóa khu, nơi này quá quen thuộc với cô. Tối thứ Bảy hàng tuần là lịch cố định cô về đây để cùng hội viên truyền dạy cho nhau lối chơi quan họ đặc trưng.

Tươi làm việc này hoàn toàn tự nguyện. Nhiều lần, Tươi kiên quyết từ chối những lời mời biểu diễn trả thù lao khá cao chỉ để trở về làm công việc giống bà Thềm: Nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu quan họ.

Vừa hôm nay thôi, Tươi đã từ chối một lời mời hấp dẫn, biểu diễn cho đoàn khách quốc tế đang có chuyến thăm và làm việc ở Việt Nam. Kể từ khi quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, nhiều đoàn khách khi đến du lịch hoặc làm việc ở Việt Nam mong muốn được tìm hiểu loại hình diễn xướng dân gian này.

Anh hướng dẫn viên của đoàn tưởng Tươi chê thù lao thấp nên nâng mức giá. Nếu là hôm khác, Tươi luôn sẵn lòng mà không cần để ý đến thù lao vì hát cho khách quốc tế nghe cũng là một cách quảng bá quan họ vươn tầm thế giới. Hôm nay, làng Diềm quê Tươi có hội. Đến hẹn lại lên, ngày 6 tháng 2 âm lịch hàng năm, du khách trong và ngoài tỉnh lại tìm về làng Diềm, để dự lễ hội Đền Vua Bà, nơi thờ Đức Vua Bà, Thủy tổ khởi sinh ra quan họ.

Hội làng Diềm quê Tươi không hoành tráng như hội Lim song để lại trong lòng du khách ấn tượng sâu sắc về một lễ hội đậm chất quan họ. Tối nay, Tươi sẽ biểu diễn và còn có tiết mục hát cùng các bé trong câu lạc bộ nên không thể lỗi hẹn.

- Hội làng diễn ra ba ngày. Tối nay không hát thì tối mai, em vẫn trọn nghĩa với quê hương - Anh hướng dẫn viên của đoàn khách quốc tế cố gắng thuyết phục cô.

Tươi nhẹ nhàng đưa ra ý kiến:

- Anh có thể mời đoàn khách quốc tế về dự hội quê em xem và nghe quan họ miễn phí, không phải trả khoản thù lao nào cả.

Không rõ ý anh hướng dẫn viên thế nào, anh có thu xếp được thời gian cho đoàn khách quốc tế về hội làng Diềm hay không, nhưng Tươi thì dứt khoát phải về. Các em nhỏ trong câu lạc bộ rất quý mến, ngưỡng mộ chị Tươi, cô phải gương mẫu và giữ được niềm tin nơi các em. Vì suy nghĩ như vậy nên dù học tập ngoài Hà Nội, Tươi vẫn cần mẫn đi về sinh hoạt cùng “bọn quan họ” làng Diềm quê cô.

Tối nay, sân Đền đông kín. Năm nào cũng vậy, hội Đền luôn đông, người yêu quan họ tìm về tận nơi để dâng lên Đức Vua Bà nén hương tỏ lòng thành kính. Ngoài kia, không gian nhà chứa quan họ, giọng ca cứ vang rền, nền, nảy đắm say lòng người.

“Khách đến (í) đến chơi hự hừ nhà là chơi hự hừ nhà. Đốt than ớ ơ dậu mà quạt (i) nước mấy pha trà mời người xơi (i) là chén có a trà này”.

Liền anh, liền chị của làng Diềm mở màn cho đêm văn nghệ bằng làn điệu cổ “Mời nước, mời trầu” quen thuộc. Sau tiết mục giao lưu mở đầu, du khách sẽ được thưởng thức những màn hát trên thuyền đặc sắc. Dàn âm thanh hiện đại đẩy lời ca ngân vang trong không gian thoáng đãng của nhà chứa quan họ mới xây. Về đây ai cũng đều có chung tâm trạng tươi vui, tự hào.

Các thế hệ liền anh, liền chị. Ảnh: ITN.

Các thế hệ liền anh, liền chị. Ảnh: ITN.

Đến câu hát mời trầu, các liền chị đi xuống phía du khách mời những miếng trầu têm cánh phượng như một phần bản sắc của người chơi quan họ, đồng thời cũng thể hiện sự mến khách của người làng Diềm: “Nghỉ tay (í ơ) em nâng cái cơi có đựng (í a) trầu. Mắt (í) em nhìn, nhìn em liếc, liếc em trông cái cơi có đựng (í a) trầu”.

Trong trang phục mớ ba mớ bảy, đầu chít khăn mỏ quạ của liền chị quan họ, Tươi lúng liếng bưng cơi trầu mời du khách. Đến hàng ghế thứ hai Tươi bắt gặp khuôn mặt quen thuộc của anh hướng dẫn viên. Cạnh anh là mấy vị khách quốc tế đang lắng nghe rất chăm chú. Miệng Tươi vẫn í a theo lời ca của “bọn quan họ”. Khi cô trao miếng trầu têm cánh phượng cho mấy vị khách, họ luôn miệng thốt lên:

- Great! Great! (Tuyệt! Tuyệt!)

- Quan Ho is very unique. (Quan họ thật độc đáo)

- Nice to meet you, artist Hong Tuoi. (Rất vui được gặp bạn, nghệ sĩ Hồng Tươi)

Nghe vậy, Tươi rất vui và tự hào về làn điệu quan họ quê mình. Thực ra, khi từ chối không hát cho các vị khách quốc tế, Tươi có phần áy náy, không phải vì khoản thù lao khá cao kia mà vì Tươi nghĩ mình bỏ lỡ cơ hội quảng bá làn điệu dân ca của quê hương.

Lúc này, niềm hân hoan tràn ngập trong lòng Tươi. Các vị khách quốc tế đã ngồi đây. Họ không chỉ được nghe mà còn được hòa vào không gian diễn xướng của làng quan họ cổ, nơi khởi sinh làn điệu dân ca đặc sắc xứ Kinh Bắc. Phải rồi, chỉ nghe và xem trong không gian diễn xướng này, những vị khách quốc tế mới cảm nhận hết cái hay cái tinh túy quan họ Bắc Ninh, một loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Buổi diễn đã kết thúc, Tươi đang tẩy trang thì điện thoại của cô vang lên. Anh hướng dẫn viên nói, đoàn khách quốc tế thấy hấp dẫn trước loại hình dân ca quan họ nên quyết định hoãn tham quan Hạ Long sang buổi chiều mai. Họ muốn tìm hiểu thêm.

Tươi vui vẻ giới thiệu anh với bác trưởng khu. Đoàn khách được đón tiếp và thu xếp chỗ ăn nghỉ chu đáo, tận tình. Họ được mời tham quan nhà chứa quan họ, thấy được nét độc đáo của không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống.

Những vị khách quốc tế tỏ ra bất ngờ trước sự hiếu khách của chính quyền địa phương và người dân làng Diềm. Họ đến đây được nghe, xem quan họ, được ăn ở hoàn toàn miễn phí.

Kế hoạch của họ là bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ để mời nghệ sĩ trẻ Hồng Tươi đến biểu diễn. Giờ thì không chỉ có Hồng Tươi mà còn nhiều nghệ nhân của làng Diềm sẵn lòng hát cho họ nghe ngay trong cái nôi của làng quan họ gốc. Họ được trải nghiệm không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống. Tất cả như mơ.

Thông qua phiên dịch, Tươi biết đoàn khách quốc tế rất xúc động và cảm kích cái tình của người quan họ làng Diềm. Khi rời đi, họ tự nguyện xin được góp chút kinh phí để phục vụ hoạt động bảo tồn loại hình diễn xướng dân gian này. Họ cũng không quên hẹn ngày trở lại khi có dịp đến Việt Nam.

Tươi trở về trong tâm trạng thư thái, cô sà vào lòng mẹ mà nũng nịu. Mẹ cô, một liền chị quan họ có tiếng trong làng, bà âu yếm mắng yêu: “Cha bố cô, lớn rồi mà tưởng còn bé lắm”.

Bố Tươi là người nơi khác, do say mê câu quan họ làng Diềm đã bén duyên với mẹ Tươi, và quyết định ở lại nơi đây. Tươi may mắn được bố mẹ ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần để cô có thể học tập, đi theo con đường chuyên nghiệp và được sống hết mình cho làn điệu dân ca quan họ quê hương.

Tươi nhớ đến lời căn dặn đầu năm của giảng viên khoa Quan họ nơi Tươi đang theo học. Lời căn dặn đã giúp cô nhận thức rõ trách nhiệm của mình. “Quan họ là thể loại dân ca rất độc đáo không chỉ của vùng Kinh Bắc mà còn là báu vật của quốc gia. Nhiệm vụ của mỗi liền anh, liền chị là phải quảng bá, bảo tồn và phát huy để làn điệu này trường tồn”.

Ngày mai, Tươi ra Hà Nội, tiếp tục con đường học tập, cô luôn nhắc nhớ mình là người con của làng Diềm, là liền chị quan họ xứ Kinh Bắc. Tươi sẽ như mẹ, như bà Thềm, như những nghệ nhân luôn cần mẫn, miệt mài giữ gìn, quảng bá để quan họ xứ Kinh Bắc trường tồn, lan tỏa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ