Truyện ngắn Ấm áp Xuân về

GD&TĐ - Nhà Lanh ở tận một huyện miền núi phía Bắc, nghèo lắm. Cha Lanh bị bệnh hen suyễn, không làm được việc nặng, mọi gánh nặng gia đình đổ dồn lên vai mẹ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cuối ngày, trời bắt đầu nổi gió. Gió từ ngoài vườn thổi thốc vào qua các cửa sổ. Gió trời mang theo cái không khí của mùa những ngày cuối năm. Đông đang đi nốt quãng đường cuối cùng và Xuân cũng đang tới. Bốn Tươi đứng dậy vặn người, mở toang một cánh cửa, gió ùa vào. Bốn Tươi hơi rùng mình.

- Gió đã hiền hơn mấy bữa trước rồi, gần Tết chắc hết lạnh.

- Trời đất gì kì, đang nóng ấm đấy hôm sau đã chuyển lạnh ngay được đấy. Thật muốn con người ta đổ bệnh hết mới chịu quá.

- Đấy là còn được ngồi trong nhà nhá, chứ giờ mà ra ngoài có mà chẳng run lên cầm cập.

- Thôi, cố cho xong rồi mình nghỉ nha cả nhà.

Bốn Tươi quay vào giục mọi người làm cho nhanh. Sau hôm nay xưởng sẽ đóng cửa nghỉ Tết. Giữa tháng Giêng mới làm lại.

Một hai người đứng dậy vươn vai, đi uống nước rồi lại làm tiếp. Lanh vẫn cần mẫn làm, không ngơi tay. Bốn Tươi đến bên Lanh, nhìn cô làm một lúc rồi bảo:

- Tết này không về, ở lại đây với mẹ con cô cho biết thế nào là ăn Tết xứ nẫu nhé?

Lanh nhìn Bốn Tươi mỉm cười gật đầu, tay vẫn thoăn thoắt luồn đan những sợi dây nhựa quanh khung. Thực ra, cô không nói ra nhưng cô biết ơn Bốn Tươi nhiều lắm. Chỉ có Bốn Tươi mới hiểu, tại sao Lanh lại không về quê đón Tết.

Lanh làm ở xưởng của Bốn Tươi cũng được nửa năm rồi. Thường mọi người gọi là xưởng đan mây. Xưởng chuyên gia công, đan mặt bàn, ghế, giường bằng dây dứa, dây nhựa. Hồi đầu làm chưa quen, nhiều phen kéo dây không khéo, dây cứa vào tay, ứa máu. Lanh vừa làm vừa nhăn nhó, tưởng không trụ nổi. Nhưng rồi dần dà thành quen, giờ vừa làm vừa nói chuyện mà vẫn thoăn thoắt đôi tay.

Mọi người đếm lại sản phẩm mình làm được, báo với Bốn Tươi để ghi sổ, lãnh tiền. Xong xếp gọn lại thành những chồng đều nhau ngay phía ngoài cửa xưởng. Tối muộn sẽ có xe đến bốc đi. Xưởng đan mây của Bốn Tươi không lớn, chưa đầy hai chục nhân công, toàn dân trong làng, trong xã cả. Chỉ có Lanh là người ở xa đến đây.

- Nghỉ thôi Lanh. Tối nay con bé Tâm nó về, mình đi ăn gì đó nhé, không nấu ở nhà nữa.

Lanh ngần ngừ:

- Thôi, hai mẹ con cô cứ đi. Con làm biếng quá!

Bốn Tươi ừ hữ. Chị thừa biết Lanh ngại đi ra ngoài. Từ ngày vào đây đến giờ có mấy khi Lanh đi xa nhà đến cây số đâu. Cứ quanh quẩn trong xưởng, lúc nào mỏi mệt thì nghỉ.

Căn nhà của Bốn Tươi nằm ngay sát xưởng. Lanh là người duy nhất làm xong ở lại đây, ở như người nhà. Lúc đầu, Lanh xin ngủ lại xưởng nhưng nhà còn phòng, tội gì. Bốn Tươi bảo vậy và khăng khăng bắt Lanh chuyển lên nhà ở cùng. Chồng Bốn Tươi mất cách đây đã gần chục năm. Nhà chỉ có hai mẹ con. Con bé thì đi học đại học, lâu lâu có dịp nghỉ nó mới về. Thành ra cũng chỉ còn Bốn Tươi. Có thêm Lanh, càng vui. Bốn Tươi dành hẳn cho Lanh một phòng, coi như em út trong nhà.

Mẹ con Bốn Tươi đi rồi. Lanh cũng nặng nề đứng dậy chuẩn bị đi tắm rửa. Lanh bước vào nhà tắm, cởi bỏ bộ đồ, vặn nước. Cô cứ đứng một lúc lâu, để nước ở vòi hoa sen xả xuống người ào ào, qua cái bụng căng tròn rồi trôi tuột xuống.

Một cú đạp nhẹ khiến Lanh giật mình. Lanh đưa tay xoa bụng, chắc thằng bé sung sướng vì dòng nước âm ấm như được mát-xa, hay sung sướng vì được thoải mái? Lanh không biết, cô dùng mấy ngón tay gãi nhè nhẹ vào cái chân hay cái tay của nó đang trồi lên, trườn từ bên này bụng sang bên kia bụng. Lanh gãi, nó để yên.

Lanh liên tưởng đến con mèo ngày xưa của mình, cứ mỗi lần gãi như vậy nó cũng nằm yên, mắt lim dim thích thú. Bỗng nước mắt Lanh trào ra, hòa lẫn dòng nước đang chảy tràn trên khuôn mặt. Vậy mà mấy tháng trước Lanh đã từng có ý nghĩ kết thúc cuộc đời mình và đứa bé ở dòng sông đó.

Lanh trở về phòng, ngồi tựa lưng vào thành giường, nghĩ ngợi vẩn vơ. Có lẽ giờ này ở quê cha mẹ cô đang lo cấy những đám ruộng cuối cùng, rồi mới dọn dẹp nhà cửa, sắm sanh đón Tết.

Lanh chợt nghĩ lại buổi chiều hôm đó, cơn mưa vần vũ kéo đến, mây đen giăng nhanh trên bầu trời mà mấy phút trước còn sáng quang. Lanh thất thần đi ngược lên cầu. Người ta đi vội, người ta hối hả để khỏi bị mưa ướt, có ai để ý đến một người con gái mắt nhạt nhòa, chán nản đứng nhìn dòng nước đang cuộn chảy dưới chân cầu đâu. Đúng lúc Lanh vịn tay vào thành cầu định bước lên thì có tiếng quát lớn, rồi một bàn tay giữ Lanh lại.

- Có gì từ từ tính, chớ có làm điều dại dột nghen.

- Con không muốn sống nữa.

- Chết thì dễ rồi. Nhưng con có nghĩ con chết rồi còn cha mẹ, người thân của con sẽ sống ra sao?

Phút trước, Lanh còn vùng vằng nhưng phút sau khi nghe nhắc đến cha mẹ, Lanh ngồi thụp xuống khóc nức nở. Lanh thương cha mẹ nhiều lắm. Trong nước mắt, Lanh kể cho người đó nghe chuyện của mình.

Nhà Lanh ở tận một huyện miền núi phía Bắc, nghèo lắm. Cha Lanh bị bệnh hen suyễn, không làm được việc nặng, mọi gánh nặng gia đình đổ dồn lên vai mẹ. Chị em Lanh chẳng đứa nào học lên cấp 3, hết lớp 9 đã nghỉ ở nhà đi làm. Còn thằng Út đang học lớp 9, nó học giỏi, cha mẹ muốn nó học lên nữa, sau này học đại học, đi làm, đỡ khổ như cha mẹ, như Lanh và em Thư.

Mười tám tuổi, Lanh theo bạn cùng vào thành phố nộp hồ sơ đi làm công nhân may. Có thêm tiền phụ giúp gia đình, Lanh chăm lắm. Lanh ở cùng bạn ngay khu nhà tập thể dành cho công nhân ở xa. Sáng ra đi làm, tối về phòng trọ.

Cuộc sống tưởng chừng cứ như vậy mà bình lặng trôi đi. Nhưng thật không ngờ, tên quản đốc ở phân xưởng Lanh làm là loại dê xồm. Hắn có người yêu, chuẩn bị cưới rồi mà vẫn ve vãn, tán tỉnh mấy cô gái trẻ trong công ty, trong đó có Lanh.

Lanh ghét loại người đó. Lanh cự lại. Lanh tránh mặt. Chỉ trừ trường hợp có việc gì buộc phải nói chuyện thì Lanh mới gặp. Ấy vậy mà tên khốn nạn đó có buông tha cho cô đâu. Hắn thả thính bâng quơ không được thì nói thẳng với Lanh, cho hắn đi, hắn sẽ xin cấp trên cất nhắc cho Lanh có tí vị trí trong xưởng. Lanh trừng mắt nhìn hắn. Lanh nghèo tiền bạc nhưng không nghèo nhân cách. Hắn nhìn ánh mắt của giận dữ của Lanh, nhếch mép cười khẩy rồi bỏ đi.

Một buổi tối cuối tuần, anh em trong khu trọ rủ nhau đi ăn. Lanh hơi mệt nên ở nhà. Lúc Lanh đang thiêm thiếp ngủ thì có người ẩy cửa bước vào, cô còn tưởng là bạn cùng phòng đã về, còn hỏi sao về sớm vậy. Không ngờ…

Lanh ôm mặt khóc. Tên quản đốc lao vào đè Lanh ra, hắn như con thú điên cuồng xé tan bộ đồ ở nhà Lanh đang mặc. Lanh nhỏ bé, không chống nổi cái thân thể to lớn của hắn, chỉ còn biết gào khóc xin tha. Nhưng loài ác thú làm gì có nhân tính mà xin. Hắn mặc kệ, Lanh càng khóc, hắn càng mở tiếng nhạc ở điện thoại thật to, hắn càng điên cuồng hơn nữa.

Xong việc, hắn ung dung mặc đồ đi ra ngoài, mặc kệ Lanh nằm co khóc trong đớn đau, tủi nhục.

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Đợt đó, Lanh đã muốn chết đi rồi khi hàng ngày vẫn đi làm, vẫn phải gặp tên khốn nạn đó, nhưng Lanh không dám nhìn mặt, còn hắn thì vẫn nhâng nhâng, vẫn đến gần Lanh và thì thào vào tai cô những lời tục tĩu.

Nhưng rồi Lanh không chịu được nữa. Lanh thấy khang khác trong người. “Tôi có thai rồi”. Lanh nói với anh ta như vậy. “Có thì bỏ”. Anh ta buông một câu lạnh tanh làm Lanh rùng mình. Lanh không nhịn được nữa. Lanh phải tố cáo, kẻ đồi bại phải bị trừng trị. Nhưng mọi việc không như Lanh tưởng, bọn chúng bao che, bênh vực, đồng lõa.

Ngay cả cô gái là người yêu của hắn – làm bên bộ phận văn phòng cũng lao vào xỉa xói Lanh, nói Lanh là loại gái lẳng lơ, đi làm không lo làm, ăn chơi đú đởn rồi giờ đổ cho người yêu cô ta. Lá đơn của Lanh gửi lên mãi không được giải quyết mà Lanh còn bị gọi lên để giáo dục lại tư tưởng. Họ tìm cách để đuổi việc Lanh.

Lanh rơi vào chán nản cực độ. Phá thai ư? Nhưng Lanh cũng không còn mặt mũi nào mà ở lại công ty nữa. Có ở lại cũng không yên thân với những kẻ mặt người dạ thú đó. Về quê ư? Cha mẹ Lanh đã đủ khổ rồi, giờ còn như này nữa. Lanh lang thang trên con đường từ khu trọ, vẫy một chiếc xe ôm.

“Đi đâu bé?” “Chú cho con ra cầu Nhơn Hội nha”. “Ra đó chi vậy?” “Con có hẹn với bạn”. “À, ừ. Đừng nghĩ chú nhiều chuyện nha. Chú hỏi vậy bởi dạo này có nhiều người trẻ tuổi mà suy nghĩ dại dột lắm. Hễ gặp chuyện gì cái là đòi chết à”. Đến chân cầu, Lanh kêu dừng xe, gửi tiền rồi đi bộ.

Lanh cúi nhìn chiếc bụng mình ngày một lớn, thở phù ra bằng miệng, cũng may bữa đó gặp Bốn Tươi, nếu không, mẹ con cô đã thành ma sông ma biển rồi.

Bữa đó Bốn Tươi đưa Lanh về đây, khi biết chuyện của Lanh, chị bảo Lanh ở lại, làm ở xưởng của chị. Tuy đãi ngộ không bằng công ty nhưng được cái cũng thoải mái, chăm chỉ, thạo nghề thì lương cũng tươm tươm. Vậy là Lanh đồng ý, hàng tháng vẫn vun vén gửi về quê phụ cha mẹ nuôi em. Còn đứa con, nó chẳng tội tình gì, chừng nào Lanh sinh nó ra, nuôi cứng cáp thì sẽ nói với cha mẹ sau.

- Lanh ơi, ra ăn tối này.

Nghe tiếng Bốn Tươi, Lanh vội bước ra. Bàn ăn đã được dọn ra với nhiều món hơn mọi ngày. Không để Lanh kịp hỏi, cô Bốn đã tươi cười:

- Tâm nó bảo để mỗi mình chị Lanh ở nhà buồn. Mẹ con mình mua về nhà rồi cùng ăn luôn.

- Tâm đâu ạ? – Lanh ngó quanh hỏi khi không thấy Tâm.

- Nó chở cô về đến ngõ thì chợt nhớ ra là con thích món tré, nên chạy xe đi mua rồi.

Lanh rưng rưng cầm tay Bốn Tươi, chẳng nói được lời nào. Cô Bốn cười:

- Này, không được khóc đâu nha. Bầu bì không được khóc, không được nghĩ ngợi nhiều chứ không sau này đứa bé sinh ra sẽ có đôi mắt buồn lắm đấy. Phải tươi cười, yêu đời, biết chưa?

Lanh nhìn Bốn Tươi gật đầu ngoan như một đứa trẻ. Cả hai cùng nhìn ra ngoài khi nghe tiếng còi xe “píp píp”. Tâm dừng xe, tay xách bì tré đi vào, cười thật tươi:

- Dì Tâm mua được tré cho mẹ con cu Tí rồi đây.

Lanh cười gật đầu khi nghe Tâm rủ mai mốt đi chợ hoa Tết chơi.

- Má đi không?

- Đi chớ sao không. Hai chị em bay định cho bà già này ra rìa à! Đi để xem nàng Xuân về đến đâu rồi chớ.

Rồi Bốn Tươi còn nói, tiện mai đi, tranh thủ ghé chợ mua ít đồ sơ sinh về chứ chẳng mấy chốc mà con Lanh nằm ổ. Lanh nghe chợt ngẩn người rồi rưng rưng. Một cơn gió ùa vào nhà, thổi khô mớ tóc của Lanh, thổi khô đôi mắt vừa hãy còn ươn ướt. Bốn Tươi vừa giục Lanh và Tâm ăn vừa nói chuyện Tết này sẽ gói cả bánh chưng, bánh Tét, sẽ đổ bánh thửng, làm mứt dừa… Lanh ngồi nghe, thấy lòng mình ấm lạ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Mạnh dạn lên tiếng với 'lạm thu'

GD&TĐ - Dù ngành Giáo dục và các địa phương có chỉ đạo về chống lạm thu nhưng hầu như năm học nào, vấn đề này cũng trở thành đề tài “nóng”.