Đối với mỗi giảng viên, sinh viên, tham gia các hoạt động ngoài trường lớp giúp nâng cao kỹ năng; góp phần quan trọng vào quá trình học tập, rèn luyện.
SV “lớn hơn” nhờ trải nghiệm
Theo Thạc sĩ Nguyễn Đồng Khởi, Giám đốc Trung tâm quảng bá cộng đồng (Trường ĐH Trà Vinh): Quá trình đào tạo ở các trường đại học truyền thống người thầy luôn đóng vai trò trung tâm. Giờ đây, vai trò ấy được chuyển sang người học và trường học trở thành hệ sinh thái giáo dục mở, hiện đại, hướng đến tinh thần giáo dục khai phóng.
Để thành công, sinh viên cần phải chủ động tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm cuộc sống, phát triển nâng cao năng lực bản thân cả về kiến thức, kỹ năng chuyên môn. Đặc biệt là kỹ năng ngoài chuyên môn từ rèn luyện năng lực tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, tư duy đột phá.
Đến các kỹ năng tự học - học quan sát, học phân tích, học đúc kết, các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề độc lập và kỹ năng kết nối các nguồn lực… Cũng như phải luôn nuôi dưỡng khát vọng, đam mê, sáng tạo, thấu cảm, kết nối và lan tỏa tình yêu thương.
Những năm qua, Trường ĐH Trà Vinh đưa các khóa học về các kỹ năng thiết yếu, các kỹ năng ngoài chuyên môn cần thiết vào chương trình học. Khuyến khích sinh viên tích cực tham gia, đóng góp vào các hoạt động nhà trường vì cộng đồng bằng những việc làm thiết thực.
Cụ thể như chương trình “Giọt máu cho đi - Cuộc đời ở lại”, “TVU - nói không với rác thải nhựa”, “Chăm sóc răng miệng cho học sinh trung học”, “Khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân”, “TVU vì một sức khỏe”, “TVU Green Campus, vì một đại học xanh bền vững”, “Học bổng Ươm mầm xanh tri thức đến học sinh trung học”, “Hành trình nhân ái, lan tỏa yêu thương”, “Chủ nhật xanh tình nguyện”, “Hướng về miền Trung yêu thương”, “Tòa án giả lập của sinh viên đến với học sinh ĐBSCL”, “Thực tập sinh tiềm năng tại doanh nghiệp”, “Trao đổi sinh viên quốc tế”…
Ngoài ra, thường xuyên tổ chức nhiều cuộc thi về khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học ứng dụng, các cuộc thi văn - thể - mĩ. Cùng nhiều hoạt động ngoại khóa từ những câu lạc bộ sinh viên vì cộng đồng để giúp sinh viên hoàn thiện bản thân, tự tin hội nhập nhanh vào thị trường lao động trong, ngoài nước hoặc tự khởi nghiệp.
Đồng thời, thường xuyên tổ chức sinh viên gặp gỡ, giao lưu với các chuyên gia, diễn giả, doanh nghiệp thành công để truyền cảm hứng và tạo động lực cho các sinh viên mạnh dạn theo đuổi ước mơ bản thân. Mở rộng phát triển quỹ khởi nghiệp, quỹ nghiên cứu khoa học từ các doanh nghiệp, các đối tác trường và đa dạng các loại hình học bổng khuyến khích học tập từ các cá nhân, đơn vị trong, ngoài nước để giúp sinh viên cùng giảng viên mạnh dạn phát triển ý tưởng, nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng giá trị phục vụ cộng đồng.
Nguyễn Phương Khánh, sinh viên năm 4, ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Trà Vinh, chia sẻ: “Nhóm được sự giúp đỡ từ thầy cô đã mạnh dạn tái chế những chất thải thủy sản bị “vứt đi”, gây ô nhiễm môi trường như vỏ tôm, cua, ghẹ… cho ra sản phẩm nhựa sinh học để làm ra các loại đồ dùng hàng ngày như cốc, đĩa, muỗng, đũa, ống hút, túi nilon… Vừa có thể thương mại hóa, vừa có tính giáo dục ý thức bảo vệ môi trường. Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục hướng đến các dòng sản phẩm đồ dùng cho trẻ em và thiết bị y tế với sản phẩm nhựa sinh học này”.
Trao “cần câu” cho SV từ nghiên cứu, ứng dụng
Theo TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh: Trong những năm qua, trường đã đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong giảng viên, sinh viên. Đặc biệt, chú trọng phát triển mạnh không gian sáng chế trong sinh viên, giảng viên - khu Makerspace;
phát triển các nhóm sinh viên nghiên cứu - IEEE Student Chapter tại ĐH Trà Vinh; phát triển Lab - không gian sáng chế cho sinh viên, giảng viên; các mô hình hợp tác xã sinh viên, chi hội nông dân là sinh viên. Cùng các chính sách khuyến khích ươm mầm ý tưởng khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng…
Anh Trầm Minh Thuần, cựu sinh viên Trường ĐH Trà Vinh là một trong số 56 nhà nông trẻ xuất sắc vinh dự nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XV năm 2020, đã khởi nghiệp thành công từ mô hình hợp tác xã - xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Trà Vinh “Hạt Ngọc rồng”.
Anh Thuần cho biết: “Lúc còn đi học tại ngôi trường ĐH Trà Vinh, tôi đã có khát vọng muốn tự lập nghiệp, thích tự làm chủ bản thân. Với mong muốn phát triển kinh tế địa phương và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, giúp đỡ bà con nông dân nâng cao chất lượng nông sản. Sau nhiều lần cân nhắc, tôi đã quyết định chọn mô hình hợp tác xã để khởi nghiệp, thực hiện ước mơ trên giảng đường. Trên con đường chinh phục tri thức và lập nghiệp, tôi luôn có sự đồng hành từ nhà trường, thầy cô và các bạn”.
Theo bà Thạch Thị Dân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh: Thầy, trò nhà trường luôn theo đuổi các phương pháp giáo dục mới, tạo ra một môi trường thuận lợi cho học tập, nghiên cứu, làm việc phục vụ cộng đồng và cùng hướng đến một hệ sinh thái giáo dục mở, học tập suốt đời.
Nằm trong vùng lõi của Tây Nam Bộ, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, là một trường đại học công lập được thành lập từ tháng 6/2006, nhưng với sự nỗ lực, đoàn kết vượt khó, phát huy lợi thế tiềm năng, chỉ trong một thời gian ngắn Trường ĐH Trà Vinh đã vươn lên mạnh mẽ về chất lượng đào tạo, uy tín trong, ngoài nước. Trường ĐH Trà Vinh là trường đại học đầu tiên trực thuộc tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động với mục tiêu phát triển thành trường đại học định hướng ứng dụng theo các chuẩn mực trong khu vực và quốc tế.
Vừa qua, nhà trường được xếp hạng trong “Top 100 trường có ảnh hưởng và đóng góp tích cực cho xã hội” - theo xếp hạng của WURI Ranking, hệ thống xếp hạng các trường đại học thế giới với tầm ảnh hưởng thật sự…