SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên |
(GD&TĐ) - Năm nay, niềm vui đặc biệt đến với Ngành Giáo dục khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Nghị quyết nhấn mạnh, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT là giải pháp then chốt. Điều đó đặt ngành sư phạm và các trường sư phạm trước những cơ hội và thách thức mới.
1.Trải qua một chặng đường gần 70 năm xây dựng và phát triển, ngành sư phạm và hệ thống các trường sư phạm đã không ngừng phấn đấu, vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi trọng trách Đảng, Nhà nước giao phó và đạt được nhiều thành tích vẻ vang.
Đặc biệt, hệ thống trên 130 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước đã đào tạo cho đất nước một đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đông đảo gồm hơn hai triệu người, trong đó có hơn một triệu người đang làm việc.
Đội ngũ này cơ bản đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu cơ bản, Bộ GD&ĐT cũng nhận thức rõ, các trường sư phạm vẫn còn một số yếu kém, bất cập trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển trường; trong xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế.
Đặc biệt, nhà trường còn chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện lí tưởng, phẩm chất đạo đức của sinh viên và việc đào tạo nghiệp vụ sư phạm. Nội dung đào tạo sư phạm chưa đáp ứng yêu cầu của giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non; chậm đổi mới phương pháp đào tạo và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên; Kết quả nghiên cứu khoa học giáo dục còn hạn chế.
Trừ hai trường ĐH sư phạm trọng điểm, tỷ lệ giảng viên có chức danh GS, PGS, có trình độ tiến sĩ của các trường ĐH và CĐ sư phạm đều thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của các trường ĐH, CĐ trong toàn hệ thống giáo dục ĐH cả nước.
Nguyên nhân của hạn chế, bất cập trên được cho là từ những hạn chế, bất cập trong quá trình phát triển giáo dục ĐH nói chung, trong đó sự chỉ đạo, điều hành của các cấp quản lý chưa chú ý đến tính đặc thù của các trường sư phạm, chưa dành cho các trường sư phạm sự ưu tiên cần thiết.
Bên cạnh đó, quá trình đào tạo sư phạm chưa dựa trên nhu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu chuyên môn đội ngũ giáo viên cũng như những đổi mới của giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non. Chưa có sơ kết về mô hình, thời gian đào tạo giáo viên các cấp; Chưa có sơ kết thực hiện quy định bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Nhiều trường sư phạm chưa có chiến lược phát triển trường. Công tác quản lý đội ngũ cán bộ, giảng viên, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống trong các trường sư phạm còn chưa được quan tâm đúng mức. Chưa có nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của các trường sư phạm trong hệ thống giáo dục quốc dân. Kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo.
Phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT là yêu cầu cấp thiết hiện nay |
2. Trước những thực trạng nêu trên, cuối năm 2011, Bộ GD&ĐT đã triển khai thực hiện Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020 nhằm nâng cao năng lực của cả hệ thống các trường sư phạm, lực lượng chủ yếu đáp ứng nhiệm vụ "xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng".
Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT cũng khẳng định phát triển hệ thống trường sư phạm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Ưu tiên đầu tư xây dựng một số trường sư phạm, trường sư phạm kỹ thuật trọng điểm; Khắc phục tình trạng phân tán trong hệ thống các cơ sở đào tạo nhà giáo.
Có cơ chế tuyển sinh và cử tuyển riêng để tuyển chọn được những người có phẩm chất, năng lực phù hợp vào ngành sư phạm.
Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của nhà giáo theo yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp, mô hình liên thông, liên kết giữa các cơ sở đào tạo, nhất là các trường đại học với các tổ chức khoa học và công nghệ, đặc biệt là các viện nghiên cứu...
3. Rất nhiều cơ hội được mở ra với các trường sư phạm. Tuy nhiên, để thực thi sứ mệnh cao cả của mình, các trường sư phạm chắc chắn sẽ gặp phải những khó khăn bước đầu. Lãnh đạo nhiều trường đào tạo sư phạm cho rằng, nỗi lo đầu tiên sẽ là sức ì trong nhận thức của một bộ phận giảng viên và cán bộ quản lý.
Cùng với đó là những khó khăn về nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất. Rồi làm sao để tuyển được những người thực sự có năng lực và đam mê nghề nghiệp. Và, trăn trở lớn nhất là giải quyết được việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, chế độ cho giáo viên... Không làm được việc này sẽ khó có thể nuôi trọn niềm đam mê nghề nghiệp.
Bên cạnh sự tự nỗ lực, đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo, đổi mới kiểm tra, đánh giá, gắn chặt nội dung đào tạo với thực tiễn, cụ thể là các trường phổ thông; Trong thời điểm quan trọng này, các trường sư phạm rất cần được hỗ trợ, quan tâm đầu tư hơn nữa, từ việc được tăng chi phí chi thường xuyên, nới rộng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Nhà nước cũng cần nhanh chóng, kịp thời có chính sách mới thu hút người giỏi vào học các ngành sư phạm; Quy hoạch lại hệ thống trường đào tạo sư phạm, giải quyết tình trạng sinh viên ra trường không kiếm được việc làm; Đồng thời, tiếp tục cải thiện chế độ đối với giáo viên...
Có như vậy, các trường sư phạm sẽ nhanh chóng vượt qua thách thức, hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang trong công cuộc đổi mới.
Tuệ Minh