Trường phổ thông phải có tổ tư vấn tâm lý cho học sinh

GD&TĐ - Bộ GD-ĐT vừa ban hànhThông tư 31/2017/TT-BGDĐT  Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. 

Trường phổ thông phải có tổ tư vấn tâm lý cho học sinh

Theo đó, nội dung tư vấn tâm lý cho học sinh bao gồm:

Tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên phù hợp với lứa tuổi.

Tư vấn, giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng, chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Tư vấn tăng cường khả năng ứng phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác.

Tư vấn kỹ năng, phương pháp học tập hiệu quả và định hướng nghề nghiệp (tùy theo cấp học).

Trường học cũng tham vấn tâm lý đối với học sinh gặp khó khăn cần hỗ trợ, can thiệp, giải quyết kịp thời. Giới thiệu, hỗ trợ đưa học sinh đến các cơ sở, chuyên gia điều trị tâm lý đối với các trường hợp học sinh bị rối loạn tâm lý, nằm ngoài khả năng tư vấn của nhà trường.

Bộ GD-ĐT quy định nhà trường phải có tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh và bố trí cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Thành phần tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh gồm đại diện lãnh đạo nhà trường làm tổ trưởng; thành viên là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học, cán bộ, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội, đại diện cha mẹ học sinh và một số học sinh là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Đội.

Cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn cho học sinh phải là người có kinh nghiệm và được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn tâm lý (có chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn tâm lý học đường theo chương trình do Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành). Giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý được hưởng định mức giảm tiết dạy theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Nhà trường bố trí phòng tư vấn tâm lý riêng, đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, dễ tiếp cận và phù hợp để tổ chức hoạt động tư vấn; trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu cần thiết để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tư vấn.

Có nhiều hình thức tư vấn tâm lý cho học sinh được áp dụng, như: xây dựng các chuyên đề về tư vấn tâm lý cho học sinh và bố trí thành các bài giảng riêng, hoặc lồng ghép trong các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ. Tổ chức dạy tích hợp các nội dung tư vấn tâm lý cho học sinh trong các môn học chính khóa và hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, diễn đàn về các chủ đề liên quan đến nội dung cần tư vấn cho học sinh. Thiết lập kênh thông tin, cung cấp tài liệu, thường xuyên trao đổi với phụ huynh về diễn biến tâm lý và các vấn đề cần tư vấn, hỗ trợ cho học sinh…

Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT có hiệu lực kể từ ngày 02/02/2018.

Theo Bộ GD&ĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.